Quà quê của cha

03/12/2017 - 14:08

PNO - Quà quê của cha là thịt, là trứng, là túi đỗ xanh, đỗ đỏ, mớ cà pháo, cà chua, nhúm hành tăm, nắm lá lốt... Tất cả đều sạch sẽ, được cho vào túi, gói ghém cẩn thẩn.

Bốn năm rồi, đều như cơm bữa, cứ đầu tháng, tôi lại nhận được quà quê của cha gửi vào theo xe khách. Tôi lớn lên mà không biết mặt mẹ. Mẹ tôi bỏ nhà đi khi tôi mới hai tuổi và chị gái tôi mới lên năm. 

Quà que của cha

Chuyện mẹ tôi bỏ nhà đi, dân làng đồn thổi đủ thứ điều tiếng nhưng cha tôi trước sau vẫn nói tốt về mẹ. Sau này, khi chị em tôi lớn, duy nhất có một lần, cha uống rượu, vừa khóc vừa giãi bày: “Phải chi ngày đó nhà mình không quá nghèo và bà nội đừng khắt khe quá với mẹ con. Cả cha nữa, cha mà lên tiếng bảo vệ mẹ nhiều hơn thì đâu đến nỗi...”.

Hiểu nỗi khổ tâm của cha, từ ngày đó, chị em tôi không bao giờ hỏi về mẹ nữa. Nhưng tôi biết, cha không nguôi tiếc nuối và chờ mong ngày mẹ trở về. Có lẽ vì thế mà các cô, các bác trong họ mai mối hết đám này đến đám khác, cha đều từ chối. Mỗi lần nghĩ đến cuộc sống của một ông bố đơn thân, tôi lại trào nước mắt.

Đó là những bữa cơm khê, rau quá lửa, vàng nát như canh rau lợn, vì cha vừa nấu cơm, vừa thu dọn hoa màu phơi ngoài sân "chạy mưa" khi chị em tôi đi học chưa về; là những đêm thức trắng khi chị em tôi sốt cao; là nỗi khổ tâm khi chị tôi nhỡ lấy của bạn cái bút, bị người ta đến tận nhà chửi bới, mạt sát "con nhà không có giáo dục". 

Năm 22 tuổi, chị tôi yêu một người trên phố. Ngày cưới đã ấn định thì bất ngờ, nhà trai từ hôn vì định kiến “mẹ nào con nấy”. Khi đó, chị tôi vì quá tuyệt vọng mà ra sông định tự tử. Cha tôi lao trong mưa đi tìm và lôi chị về nhưng chị vùng vằng không nghe. Hai cha con giằng co nhau trên bãi bùn lầy lội.

Cay đắng, giận dữ, cha đã tát chị một cái rồi hét lên, tiếng hét như muốn xé toang cả màn trời u ám: “Cha chấp nhận mọi cực khổ, vất vả chỉ mong được thấy ngày con trưởng thành, vậy mà con lại nông nổi vậy hả?”. Chị tôi bừng tỉnh và vực mình dậy từ cái tát của cha. Sau này, chị đã tìm được một người chồng thực sự yêu thương và tạo dựng một gia đình yên ấm. Nhưng mỗi lần nhắc lại chuyện cũ, chị cứ bùi ngùi thương cha. Còn cha, cứ đau đáu về cái tát năm ấy.

Tôi lớn lên, lập nghiệp xa quê. Ngày cưới, cha lặn lội vào miền Nam tiễn tôi về nhà chồng. Trong những túi đồ lỉnh kỉnh, có cả bộ comple đi mượn. Lần đầu tiên trong đời, cha mặc comple nên trông ông không tự nhiên. Cha cười bảo: “Cha mặc cho mày đẹp mặt, chứ cha mặc đồ nông dân quê ta thoải mái hơn nhiều”. Lo đám cưới cho tôi xong, cha lại khăn gói ra về mà lòng cứ băn khoăn, thương con gái lấy chồng xa, sống giữa thành phố, cái gì cũng đắt đỏ.

Quà que của cha

Một ngày,  rời phòng họp bước ra, tôi giật mình vì điện thoại báo gần chục cuộc gọi nhỡ của cha. Lo cha có chuyện, tôi vội gọi lại thì cha hồ hởi khoe: “Giờ có xe khách trên thị xã chạy tuyến đường dài vào chỗ con; hằng tháng, cha có chỗ gửi đồ cho con rồi. Đồ ăn ở quê vừa sạch lại vừa rẻ, tiết kiệm được khối tiền đấy”. 

Quãng đường từ nhà tôi lên thị xã khá xa, thương cha đi lại vất vả nên tôi can ngăn, nhưng cha không nghe. Ngày nào cũng vậy, ngoài công việc đồng áng, cha lọ mọ chăm vườn rau, nuôi đàn gà chỉ để mong chúng nhanh lớn gửi vào cho tôi chứ cha họa hoằn lắm mới bắt gà làm thịt, khi nhà có đám giỗ.

Quà quê của cha là thịt, là trứng, là túi đỗ xanh, đỗ đỏ, mớ cà pháo, cà chua, nhúm hành tăm, nắm lá lốt... Tất cả đều sạch sẽ, được cho vào túi, gói ghém cẩn thẩn. Có lẽ bao năm làm bố đơn thân, cha đã tự rèn cho mình tính tỉ mẩn, khéo léo của một người đàn bà.

Có lần ra bến xe nhận đồ, bác tài xế thân thiện còn kể với tôi: “Khổ thân cha cháu, có hôm chân đau cũng tập tễnh chở đồ ra gửi, hỏi ông sao không để cuối tháng thì ông bảo trứng gà nhà vừa đẻ, muốn gửi vào luôn cho mẹ thằng Tít quấy bột cho con”. Tôi nghe mà thấy cay cay nơi khóe mắt.

Bao năm qua, cha vẫn luôn tìm cách lấp đầy những thiếu thốn trong lòng chị em tôi, nhưng còn khoảng trống trong tim cha, biết đến bao giờ mới thôi 
khắc khoải… 

Thu Đức

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI