Từ lúc dịch bệnh COVID-19 trở lại, trong những cuộc trò chuyện với nhiều người, luôn thấy lưng chừng đâu đó là nỗi lo không dứt. Người có gia đình, bạn bè ở vùng dịch lo lắng càng nhiều hơn. Mỗi khi địa điểm mới có người bị nhiễm virus SARS-CoV-2 được công bố, người dân nơi ấy lại bàng hoàng nhắn nhau cẩn trọng. Thời điểm này, không có nơi nào là hoàn toàn an toàn. Chỉ cần một người lây nhiễm là cả làng/khu phố bị cách ly.
Chị tôi hủy vé máy bay về quê chồng - ngay khi có tin Hà Nội phát hiện ca lây nhiễm đầu tiên. Dẫu biết đó là trường hợp trở về từ Đà Nẵng, nhưng chị nói: "Ai biết được". Chồng chị về quê trước đó hai tuần, dự định chờ vợ con ra rồi thuê ô tô lên Hà Giang chơi. Nhưng mọi kế hoạch vỡ lở.
Ngày anh trở vào Nam, được vợ yêu cầu...cách ly 14 ngày rồi hãy về nhà. Bé gái con anh chị mới 3 tuổi, chị "sợ có gì thì khổ cả nhà". May mà anh còn đơn vị công tác làm nơi trú thân tạm.
|
Tìm bình yên giữa những ngày biến động, thật chẳng dễ dàng... |
Tôi hiểu nỗi lo lắng của chị, khi mà bản thân cũng từng rơi vào tình cảnh là... F4. Một cách tình cờ không thể biết trước được. Trong suốt 14 ngày, tôi không dám đi thăm ai, làm việc tại nhà và hạn chế tối đa ra ngoài. Mỗi ngày đều xé lịch trông chờ kết quả xét nghiệm của F1. Chị muốn lên chơi tôi cũng cản, chị cười bảo: "Chưa thấy F3 nào bị bệnh cả, nói gì F4". Nhưng trong lòng tôi vẫn là câu "ai biết được, rủi bị gì"...
Những ngày "nơm nướp" ấy, lại rơi trúng lúc tôi mổ răng và phải uống kháng sinh liên tục. Thuốc làm cơ thể ngầy ngật, ngày ngủ mấy giấc li bì. Đề kháng yếu, cộng thêm nỗi lo lắng từng ngày khiến có lúc tôi thấy mình sống sao mà... khổ sở quá. Không còn chút lạc quan, tích cực nào như thường ngày, nhiều lúc thấy thời gian trôi qua chậm rì, trong tâm trạng thật tệ của mình.
Lại thêm mỗi ngày tôi cập nhật tin tức có hàng chục ca lây nhiễm mới, rồi những bệnh nhân COVID-19 tử vong, rồi những tai nạn thương tâm, đến khi tin tức về vụ nổ ở Beirut (Lebanon) khiến hàng trăm người chết, hàng ngàn người thiệt mạng và hàng trăm ngàn người trở thành vô gia cư... Tôi xụi lơ. Cảm giác nặng nề trống rỗng khi nghĩ về sự mong manh của sinh mệnh.
|
Mỗi ngày cố gắng hít thở và lắng nghe tâm trí, cũng là cách tự xoa dịu mình |
Loài người như đang gánh chịu nhiều tai ương cùng lúc. Thiên tai động đất, lũ lụt, dịch bệnh và cả nhân tai thảm họa. Qua những ngày biến động đến như vậy, nhiều lúc phải tự hỏi mỗi người cần tựa vào đâu để tìm kiếm sự bình an - ít nhất - mà nhẹ nhàng bước tới?
Cái hôm mà Sài Gòn mưa ngập, đến nửa đêm nhiều người vẫn chưa thể về được nhà, tôi - lần đầu tiên đã nổi giận - với một người vẫn thường hay chia sẻ chuyện buồn với mình.
Nếu là bình thường, tôi sẽ luôn lắng nghe và lựa lời an ủi, khuyên nhủ. Nhưng trong cơn mưa khiến bao người loi ngoi lóp ngóp, ước mong lớn nhất có lẽ cũng chỉ là sớm được về nhà, thì người đang ở trong nhà ấm êm lại buồn bã chỉ vì những chuyện hết sức vặt vãnh. Bản thân không biết tìm cách an vui, không nghĩ thoáng thì mãi mãi vướng mắc, không đưa mình ra khỏi những bùng nhùng mệt mỏi được.
Nhớ có những năm tháng buồn bã, những lúc tâm trí nặng nề ủ ê tôi thường tự nhắc mình, rằng thế giới người ta đã lên đến cung trăng, sao Hỏa, mình còn ở đây khóc lóc nỗi gì. Suốt ngày cứ nghĩ không đâu những chuyện nhỏ bé thì còn "làm ăn được gì".
Nghe thì buồn cười thật, ấy vậy mà, cái ý nghĩ ấy lại trở thành điểm tựa đường dài để bản thân vượt qua mọi chuyện không vui (kể cả đau khổ) một cách dễ dàng. Những ngày lo lắng bây giờ, lại trở về trong lòng ý niệm ấy. Người có thể lâu rồi vẫn luôn tích cực, lạc quan, cho qua rất nhiều thứ như thể "chuyện chẳng có gì", nhưng khi nỗi lo chung bao trùm lên cả xã hội, biến động lớn trở thành mối đe dọa toàn cầu thì tâm trạng cá nhân hẳn là ít nhiều biến động.
|
Lòng người biến động, thế gian vẫn đẹp... |
Con người ta tìm kiếm sự chia sẻ của người khác, là mong cầu một điểm tựa thấu hiểu, dỗ dành, an ủi. Nhưng thật ra, người khác cũng chỉ là "ngoài thân". Mọi sức mạnh vượt qua đều tồn tại bên trong chính bản thân mỗi người. Tin vào chính mình, tựa vào chính mình, vượt qua được "cái tôi yếu đuối" và "cái tôi bảo thủ/vô lý" thì cũng đã là vượt qua được bức tường ngăn của chính mình. Sức mạnh bên trong luôn chờ mỗi người tự thân khám phá.
Giữa những ngày biến động, khi cảm nhận từng giây phút một cái đau trên cơ thể mình và cả chịu đựng những lo lắng nặng nề về tinh thần, tôi thật sự thấm thía câu nói "tựa vào chính mình".
Người bên cạnh thương lắm cũng chỉ có thể chia sẻ cảm giác với mình qua cái vỏ ngôn ngữ mà thôi, còn chính mình mới là người cảm nhận sâu sắc mọi thứ bằng từng tế bào của cơ thể, của những nơ-ron thần kinh. Hiểu được như vậy, bản thân mỗi người tự khắc có thêm sức mạnh.
Ai đó đã nói: "Chỉ cần còn sống, điều gì rồi cũng có thể trở thành hiện thực". Những ngày đau ốm mệt mỏi nhất, trong lòng tôi còn lại câu nói này. Mọi điều cho dù là gì, rồi cũng sẽ qua hết cả mà thôi. "Chỉ cần còn sống..."
Lục Diệp