Quá nhiều ví điện tử, chỉ thêm rắc rối, rủi ro cho người dùng

09/09/2019 - 11:30

PNO - Một số nước có nền tảng thương mại trực tuyến phát triển mạnh như Mỹ, Nhật cũng chỉ có vài loại ví điện tử được giao dịch, trong khi Việt Nam hiện có trên dưới 30 loại ví điện tử.

Một người xài 5 ví chưa đủ

Ví điện tử (VĐT) FINVIET vừa được Ngân hàng Nhà nước cấp phép hoạt động, nâng tổng số tổ chức được cấp phép làm dịch vụ trung gian thanh toán, lên con số 31, trong đó có 28 tổ chức có VĐT, gấp nhiều lần so với các nước. 

Trung Quốc - quốc gia có hơn 1 tỷ dân - cũng chỉ có hai loại VĐT là Alipay và WeChat Pay. Hai loại ví này có thể thanh toán qua mã QR tại hầu hết các dịch vụ công, du lịch, mua sắm. Trong khi đó, Việt Nam có gần 30 loại VĐT nhưng mỗi ví chỉ phục vụ một vài mảng thanh toán nhất định và mối liên kết rất hạn chế, dẫn đến việc mỗi khách hàng phải dùng  2-3 loại VĐT, có người phải dùng đến 5 VĐT.  

Chị Ngọc (Q.Phú Nhuận, TP.HCM) kể, riêng chị đang xài 5 loại VĐT. Khi đi lại, chị dùng VĐT Moca được tích hợp sẵn trong ứng dụng gọi xe của Grab để được giảm 30% giá cước; để mua hàng trực tuyến qua sàn thương mại điện tử Sendo.vn, chị dùng VĐT FPT; khi thấy sách trên Tiki.vn giảm giá, chị tải thêm VĐT MoMo... Chưa kể, chị Ngọc còn có sẵn VĐT Ngân Lượng để mua thẻ game và các vật phẩm trong các trò chơi trực tuyến. Khi mua hàng tại các siêu thị Co.opmart, Bách Hóa Xanh, Lotte Mart, Big C, có thể dùng VĐT MoMo nhưng nếu mua hàng tại Vinmart, chị buộc phải tải thêm VĐT VinID.

Theo chị Ngọc, việc sở hữu nhiều loại VĐT chỉ thêm… bất tiện. Chị dùng tài khoản chính tại Techcombank để thanh toán dịch vụ công (tiền điện, nước), nhưng một số VĐT như MoMo không liên kết với ngân hàng này, còn VĐT Moca có liên kết với ngân hàng này nhưng lại không liên kết thanh toán những dịch vụ trên. Chưa kể, với nhiều VĐT, khi nạp tiền, phải đến phòng giao dịch của ngân hàng có liên kết, rất mất thời giờ. 

Qua nhieu vi dien tu, chi them rac roi, rui ro cho nguoi dung
Việt Nam có quá nhiều loại ví điện tử nhưng không đem lại sự tiện lợi, an toàn cho khách hàng khi thanh toán

Đa phần khách hàng sử dụng VĐT thừa nhận, các loại VĐT đều na ná nhau, chủ yếu dùng để thanh toán hóa đơn điện, nước, cước điện thoại, internet, truyền hình cáp, mua vé xem phim, thẻ cào, thẻ game… Số lượng các giao dịch này rất thấp, mỗi tháng chỉ một vài lần, số tiền thanh toán rất ít. Chưa có VĐT nào “phủ sóng” rộng rãi mọi dịch vụ, để khách hàng thanh toán tiện lợi như khi dùng tiền mặt. 

“Người dân thích dùng tiền mặt không chỉ vì thói quen mà còn vì các phương tiện thanh toán thay thế chưa thực sự thuận lợi. Khi dùng VĐT thanh toán một đơn hàng vài trăm ngàn đồng, người dùng có thể phải mất phí từ 0,3-1% số tiền nạp vào hoặc giá trị thanh toán” - ông Trần Tuấn Anh, Giám đốc điều hành Shopee, nhận định. 

Rắc rối, rủi ro

Chị Kim Cương (Q.Gò Vấp, TP.HCM) bức xúc kể, chị mua mỹ phẩm tại cửa hàng V. gần nhà, được nhân viên thông báo đang có chương trình ưu đãi hoàn tiền 20% khi thanh toán bằng ví Moca. Thấy hấp dẫn, chị mua gần 2 triệu đồng để được hoàn tiền nhưng thanh toán xong, lại không nhận được một đồng nào. “Liên hệ Moca thì nhân viên giải thích lòng vòng, mỗi người một kiểu. Người thì nói kiểm tra lại, người thì giải thích phải quét ví Moca trên ứng dụng Grab mới được ưu đãi, còn quét ví Moca trên ứng dụng Moca thì không được hoàn tiền” - chị Cương kể. 

Tương tự, VĐT Momo từng giới thiệu chương trình “siêu hoàn tiền tiết kiệm 50%”, nhiều người nghe hấp dẫn, tranh thủ đi siêu thị mua hàng để được hoàn tiền. Mua hóa đơn hơn 3 triệu đồng, chị Phương (Q.3, TP.HCM) thanh toán bằng VĐT Momo và tin chắc sẽ được hoàn tiền 50% (1,5 triệu đồng) nhưng số tiền chị nhận được chỉ là 100.000 đồng. Sau đó, chị Phương mới biết, dù mua hàng với hóa đơn trị giá hàng triệu đồng, mỗi người cũng chỉ được hoàn tiền tối đa 100.000 đồng. Không ít khách hàng gặp trường hợp tương tự do các nhà cung cấp ví đưa ra chương trình khuyến mãi mập mờ.

Giải thích về trường hợp khách hàng không được hoàn tiền, phía Moca cho biết, đơn vị này chỉ hoàn tiền 20% vào thứ Năm hằng tuần và chỉ áp dụng khi khách hàng thanh toán qua ứng dụng Moca trên Grab chứ không áp dụng cho ví Moca trên ứng dụng Moca(!?).

Mang lời giải thích này đến cửa hàng V., chúng tôi được cửa hàng trưởng cho hay, cửa hàng không hề nhận được thông tin này từ Moca, chỉ nghe giới thiệu rằng khách mua hàng thanh toán qua ví Moca thì được hoàn tiền 20%. Đáng nói, con số 20% khiến nhiều khách tưởng cứ mua 1 triệu đồng là được hoàn tiền 200.000 đồng, nhưng thực tế, Moca chỉ hoàn tối đa 20.000 đồng/lần thanh toán và mỗi khách hàng chỉ được hoàn tối đa cho 10 lần thanh toán. 

Tại sao Moca có hai ví trên hai ứng dụng khác nhau và điểm giống, khác nhau là gì? Theo giải thích của nhân viên trực tổng đài ví Moca, ví Moca trên Grab chỉ thanh toán trên ứng dụng Grab, còn ví Moca trên ứng dụng Moca thì không liên quan gì đến Grab, chỉ hỗ trợ khách hàng nạp tiền, rút tiền, thanh toán tiền điện, điện thoại.

Đó chỉ là một số trong rất nhiều những tình huống rắc rối với người dùng VĐT. Chưa kể, việc dùng quá nhiều VĐT cũng khiến người tiêu dùng e ngại về việc bảo mật. Những khách hàng sử dụng từ 3-5 VĐT, đồng nghĩa số tiền bị chia năm, xẻ bảy, được quản lý bởi nhiều nguồn khác nhau và khi xảy ra sự cố, hơi khó để quy trách nhiệm cho một bên cụ thể nào. 

Ông Võ Đỗ Thắng - Giám đốc Trung tâm Quản trị và An ninh mạng Athena - cảnh báo, cả khách hàng dùng VĐT lẫn điểm chấp nhận thanh toán (cửa hàng) đều có thể trở thành ”miếng mồi” để kẻ xấu khai thác. Nhưng các chủ cửa hàng lại không có đủ kỹ năng chuyên môn, phương tiện kỹ thuật để chống lại các đợt tấn công của tin tặc.

Từng có tình trạng đối tượng lừa đảo trên mạng theo dõi các trang Facebook, khi thấy người dùng VĐT đăng thông tin nhờ kiểm tra giao dịch, hỗ trợ, các đối tượng dùng tài khoản giả mạo được đặt tên, hình đại diện giống như trang chính chủ. Họ mạo danh là trung tâm chăm sóc khách hàng của các đơn vị cung cấp VĐT để yêu cầu người dùng cung cấp OTP, mật khẩu để lấy tiền trong ví.

Ngoài ra, đối tượng lừa đảo còn dùng số điện thoại của nạn nhân để đăng ký VĐT. Khi đăng nhập, họ giả vờ nhập sai mã OTP để bên phát hành VĐT gửi tin cảnh báo về điện thoại nạn nhân. Bằng chiêu thức này, họ yêu cầu nạn nhân gửi lại mật khẩu để chiếm đoạt tài sản.

“Hiện có rất nhiều loại VĐT, nhưng người tiêu dùng chỉ nên chọn một vài VĐT của đơn vị cung cấp có uy tín để đảm bảo tính bảo mật thông tin và quyền lợi từ các ưu đãi thực sự. Đối với những trường hợp mập mờ ưu đãi, người tiêu dùng có thể thông báo với cơ quan quản lý nhà nước để kiểm tra, giám sát và xử lý vì theo quy định, các đơn vị kinh doanh khi thực hiện chương trình ưu đãi cho khách hàng phải đăng ký nội dung chương trình và thực hiện đúng như đăng ký, thông báo đến khách hàng” - ông Thắng khuyến nghị. 

Một rủi ro khác đến từ chính các đơn vị phát hành VĐT. Đã có những đơn vị lợi dụng gắn mác VĐT để làm chuyện phi pháp như huy động vốn trái phép, trở thành nơi chuyển tiền trái phép từ Việt Nam ra nước ngoài. VĐT Payasian mới đây bị “vạch mặt” khi lôi kéo người dân bỏ tiền thật mua tiền ảo Paya dù loại ví này chưa được cấp phép. VNPT Epay thì tiếp tay cho các đường dây đánh bạc ngàn tỷ. 

Tiến sĩ - luật sư Bùi Quang Tín - chuyên gia tài chính ngân hàng - cho rằng, cần có giải pháp quản lý chặt chẽ các trung gian thanh toán; nếu không, sẽ còn nhiều trường hợp như VĐT Payasian, VĐT VNPT Epay. Hiện nay, thị trường thanh toán tại Việt Nam thu hút rất nhiều doanh nghiệp nước ngoài tham gia, lĩnh vực này cũng không hạn chế nhà đầu tư nước ngoài sở hữu tại các công ty thanh toán. Vì vậy, cơ quan quản lý cần tăng cường kiểm tra, giám sát đối với các cổng trung gian thanh toán. Nếu không có giải pháp xử lý tận gốc vấn đề, các cổng trung gian thanh toán nội địa bị mất thị trường tiềm năng, sẽ phát sinh nhiều hệ quả nguy hiểm cho doanh nghiệp 
Việt Nam và nền kinh tế.

Thanh Hoa - Nguyễn Cẩm

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI