Quả ngọt sau những mùa gieo hạt thiện

18/08/2023 - 06:35

PNO - Chị Cao Thị Hạnh Nhung - Phó chủ tịch Hội LHPN huyện Cần Giờ - không khỏi xúc động khi nhìn thấy chính mình trong hình ảnh các nữ sinh nhận học bổng hôm nay.

1. Có mặt tại buổi lễ trao học bổng Nữ sinh hiếu học vượt khó lần thứ 32 ở huyện Cần Giờ, chị Cao Thị Hạnh Nhung - Phó chủ tịch Hội LHPN huyện Cần Giờ - không khỏi xúc động khi nhìn thấy chính mình trong hình ảnh các nữ sinh nhận học bổng hôm nay. 

17 năm trước, chị cũng là nữ sinh có hoàn cảnh khó khăn của huyện Cần Giờ được Báo Phụ nữ TPHCM trao học bổng. Khi đó, cha chị là thương binh, mẹ là bệnh binh mà phải nuôi 3 đứa con cùng đi học nên kinh tế gia đình rất chật vật. Báo Phụ nữ TPHCM đã trao học bổng cho Hạnh Nhung suốt 3 năm THPT, giúp chị tốt nghiệp và sau đó vào Học viện Hành chính.

Chị Hạnh Nhung tâm sự: “Thời đó, học sinh ở Cần Giờ nghèo lắm nên mỗi suất học bổng của báo có ý nghĩa rất lớn, vừa giải quyết phần nào khó khăn cho gia đình tôi, vừa tạo động lực để tôi luôn cố gắng học, không phụ tấm lòng của các nhà hảo tâm”.

Sau khi tốt nghiệp đại học, chị Hạnh Nhung được phân công về địa phương công tác. Trải qua nhiều vị trí, cơ quan, tháng 3/2023, chị được điều chuyển về giữ chức vụ Phó chủ tịch Hội LHPN huyện Cần Giờ - cơ quan đã từng kết nối để chị được nhận học bổng của Báo Phụ nữ TPHCM. Chị nói, đó là cái duyên để chị tiếp nối hành trình tiếp bước cho nữ sinh đến trường.

Chị Cao Thị Hạnh Nhung
Chị Cao Thị Hạnh Nhung

2. “Hồi đó, em luôn đứng trước nguy cơ phải nghỉ học” - Đinh Thị Kim Ngân nhớ lại. Kim Ngân năm nay 22 tuổi, là kiểm toán viên của một công ty Hàn Quốc. 

Nhà Ngân ở phường 24, quận Bình Thạnh nhưng lúc nhỏ, cô và anh trai sống nhờ nhà cậu mợ ở khu phố 2, phường Thảo Điền, TP Thủ Đức suốt nhiều năm. Kim Ngân kể: “Từ nhỏ, em đã ý thức rõ hoàn cảnh khó khăn của gia đình mình. Ba em làm bảo vệ, sau chuyển qua chạy xe máy chở hàng thuê. Mẹ em may gia công ba lô học sinh. Nhà em thấp, ngập và dột suốt, có bữa nước tràn lên tới giường, không có chỗ ngủ. Nhà cậu mợ cũng nhỏ và bị ngập triền miên, nhiều lần đi học về là lao vô tát nước”.

Chật vật kinh tế nhưng Ngân luôn học giỏi, tích cực tham gia các hoạt động đoàn, hội. Ngân còn tham gia nhiều cuộc thi tìm hiểu pháp luật, kể chuyện theo sách dành cho lứa tuổi học trò. Ngân tâm sự: “Ngoài việc học hỏi, nâng cao kiến thức, em dự thi còn để có giải thưởng, lấy tiền mua tập, sách, quần áo. Hồi đó, em đang học thì mẹ bị tai nạn giao thông, gãy đốt sống cổ, không ngồi may gia công được nữa, ba thì bị công ty cắt giảm lao động, anh Hai lại đang là sinh viên nên thu nhập cả nhà không bao nhiêu”.

Thương cô bé nhà nghèo học giỏi, khi Kim Ngân vào lớp Mười, Chủ tịch Hội LHPN phường Thảo Điền khi đó đã gửi hồ sơ đến Báo Phụ nữ TPHCM xin xét trao học bổng Nữ sinh hiếu học vượt khó cho cô. Ngoài tiền mặt, học bổng còn kèm vở và vải may áo dài. Ngân tâm sự: “Hè lớp Chín là lúc nhà em lao đao nhất. Được trao học bổng, em liền báo với mẹ là con có tiền và tập, bút rồi, mẹ đừng kêu con nghỉ học nha. Về xấp vải, em nói cô chủ tiệm may rộng để mặc suốt 3 năm học cấp III”. 

Kim Ngân bộc bạch, đến giờ, cô vẫn nhớ lời lãnh đạo Báo Phụ nữ TPHCM gửi gắm khi trao học bổng: “Món quà này tuy trị giá không quá lớn nhưng là tấm lòng của rất nhiều người cùng mong mỏi tiếp sức cho học trò lúc ngặt nghèo nhất, không để các em vì kinh tế mà dang dở đường học”. 

Chị Đinh Thị Kim Ngân (trái) tích cực tham gia các hoạt động tại địa phương - ẢNH: MẪN NHI
Chị Đinh Thị Kim Ngân (trái) tích cực tham gia các hoạt động tại địa phương - Ảnh: Mẫn Nhi

3. Căn phòng trọ khoảng 20m2 nằm sâu trong hẻm 276 Thống Nhất, phường 16, quận Gò Vấp như lò lửa bởi cái nóng oi bức giữa trưa cộng hưởng với chiếc bếp gas đang nấu xôi. Bà Thạch Kim Sa và cháu gái Trần Thị Hoài Trinh vẫn tranh thủ ngồi bỏ muối đậu phộng vào từng bịch nhỏ. Bà và cháu đều ướt đẫm mồ hôi.

Nhiều năm qua, Hoài Trinh thường phụ bà bán xôi sau mỗi giờ học. Mẹ bỏ đi khi Trinh mới tròn 2 tuổi. 2 năm sau, cha đổ bệnh qua đời, Trinh và đứa em trai trở thành trẻ mồ côi. 20 năm qua, bà Kim Sa làm đủ nghề để nuôi 2 cháu và sau cùng trụ lại với nghề bán xôi. 

Thương hoàn cảnh khó khăn của 2 bà cháu, 3 năm qua, Báo Phụ nữ TPHCM đều đặn trao học bổng Nữ sinh hiếu học vượt khó đầu mỗi năm học cho cô học trò nghèo. Biết cuộc sống còn nhiều khó khăn nên Hoài Trinh luôn cố gắng học tập tốt, giữ vững thành tích học sinh giỏi suốt 12 năm liền. Hiện tại, Hoài Trinh chuẩn bị bước chân vào Trường đại học Ngân hàng TPHCM. 

Nữ sinh Trần Thị Hoài Trinh giúp bà nội làm việc nhà - ẢNH: THIÊN ÂN
Nữ sinh Trần Thị Hoài Trinh giúp bà nội làm việc nhà - Ảnh: Thiên Ân 

Thiên Ân - Mẫn Nhi - Thu Lê

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI