“Quả ngọt” ở nơi từng là thủ phủ cây thuốc phiện

16/05/2024 - 06:20

PNO - Vốn nhân giống để thay thế cho cây thuốc phiện, những vườn mận tam hoa ở “cổng trời” xứ Nghệ nay lại trở thành cây giúp người dân xóa nghèo, điểm du lịch lý tưởng của du khách.

Những ngày này, khi những nương mận tam hoa bắt đầu “lác đác” chuyển màu chín đỏ, cũng là lúc người dân xã Mường Lống (huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An) bắt đầu mở cửa đón khách du lịch vào tham quan, trải nghiệm hái mận ăn tại vườn. Ông Hờ Chồng Pó (trú bản Mường Lống 2, xã Mường Lống) cho biết, năm nay mận được mùa, lại chín sớm hơn những năm trước nên người dân rất phấn khởi.

Chủ nhiều vườn mận ở Mường Lống đu trend du lịch chữa lành, đón khách vào tham quan vườn mận - Ảnh: Vi Thắm
Chủ nhiều vườn mận ở Mường Lống "đu trend" du lịch chữa lành, đón khách vào tham quan vườn mận - Ảnh: Vi Thắm

Vườn mận tam hoa gần 300 gốc rộng hơn 2ha của ông Pó năm nay ước tính cho thu nhập khoảng 50 triệu đồng. Tuy nhiên, theo ông Pó, mùa mận chín chỉ diễn ra trong một thời gian ngắn, nhiều nhất là vào cuối tháng 5, đầu thắng 6, bởi vậy cần thu hoạch nhanh, bán nhanh để được giá.

Ông Hờ Bá Khù - Chủ tịch Hội Nông dân xã Mường Lống - cho biết, toàn xã hiện chỉ còn hơn 10ha mận, tập trung chủ yếu ở bản Trung Tâm, bản Mường Lống 1, Mường Lống 2. Năm nay mận được mùa hơn 2 năm trước, ước tính đạt 30 tấn. Đầu mùa, mận được thu mua với giá 30.000 đồng/kg.

Theo ông Khù, những năm gần đây, ngoài thu nhập từ bán quả, nhiều hộ dân trồng mận ở Mường Lống còn liên kết với nhau để làm du lịch. Dưới tán những gốc mận cổ thụ, họ dọn dẹp cỏ, làm tiểu cảnh để đón du khách vào tham quan, hái mận hoặc chụp ảnh mùa hoa mận nở trắng xóa.

Mường Lống được ví là “cổng trời” xứ Nghệ, nằm lọt giữa thung lũng nên sở hữu khí hậu mát mẻ - Ảnh: Phan Ngọc
Mường Lống được ví là “cổng trời” xứ Nghệ, nằm lọt giữa thung lũng nên sở hữu khí hậu mát mẻ - Ảnh: Phan Ngọc

“Đông nhất là mùa hoa mận nở, du khách về rất đông. Dịp này thì khách ít hơn, cuối tuần thường có 200 - 300 du khách tới tham quan, trải nghiệm và hái mận tại vườn. Hiện các vườn mận đang muốn quảng bá để phát triển du lịch nên chưa thu vé vào vườn, mà chỉ ai mua mận thì họ bán thôi” - ông Khù nói.

Mường Lống được ví là “cổng trời” xứ Nghệ, nằm giữa thung lũng trên một đỉnh núi cao gần 1.500m thuộc dãy Trường Sơn, gần biên giới Việt - Lào. Nhờ không khí mát mẻ, nên đây từng là một trong những thủ phủ trồng cây thuốc phiện lớn nhất nước.

Theo các già làng, nhờ có khí hậu mát mẻ nên Mường Lống và xã Tri Lễ (huyện Quế Phong, Nghệ An) thời điểm đó là 2 vùng đất rất hợp với cây thuốc phiện. Hầu như nhà nào cũng trồng, ngoài để bán, nhiều người còn dùng để nấu ăn như rau.

Những cây mận tam hoa sai trĩu quả, bắt đầu chín đỏ ở Mường Lống - Ảnh: Vi Thắm
Những cây mận tam hoa sai trĩu quả, bắt đầu chín đỏ ở Mường Lống - Ảnh: Vi Thắm

Năm 1996 Đảng và Nhà nước chủ trương xóa bỏ cây thuốc phiện. Tại Nghệ An, thủ phủ của loại cây này là Mường Lống được triển khai đầu tiên. Ông Và Chá Xà - Chủ tịch UBND xã Mường Lống - nói rằng, đó là một “cuộc chiến” rất nan giải, bởi xưa nay người Mông chỉ biết trồng thuốc phiện để bán lấy tiền, nay không trồng thuốc phiện nữa thì lấy gì ăn?

Để thay đổi tư duy của người dân, chính quyền địa phương đã tìm giống mận tam hoa, đào về trồng thay thế trên những nương rẫy cây thuốc phiện. Song song với đó, người dân cũng được tập huấn kỹ thuật chăn nuôi heo, trâu bò, gà đen… để có thu nhập. Hơn một năm sau, Mường Lống hoàn toàn sạch bóng cây thuốc phiện. Những nương rẫy ngập tím trong màu hoa anh túc nay đã được thay thế bằng cây mận, cây đào.

Lãnh đạo xã Mường Lống cho biết, cây mận thích nghi với khí hậu ở Mường Lống nên sinh trưởng tốt, cho nhiều trái. Tuy nhiên, do thu nhập từ cây mận trước đây chưa cao, người dân không chú trọng nhiều, chủ yếu để cây phát triển hoàn toàn tự nhiên, không được chăm sóc nhiều diện tích mận bị thoái hóa.

“Hiện chúng tôi đang triển khai dự án phục tráng cây mận, cây đào với mục đích thu hút khách du lịch đến tham quan, trải nghiệm. Với những diện tích mận còn lại, người dân sẽ được hỗ trợ phân bón để chăm sóc cây tốt hơn, những diện tích mận đã chết sẽ được trồng mới. Sắp tới, huyện cũng sẽ tổ chức ngày hội hái mận để quảng bá du lịch địa phương, đồng thời kết nối để giúp người dân tiêu thụ quả” - ông Xà nói.

Du khách thích thú trải nghiệm, hái mận sạch ăn ngay tại vườn - Ảnh: Vi Thắm
Du khách thích thú trải nghiệm, hái mận sạch ăn ngay tại vườn - Ảnh: Vi Thắm

Chị Vi Thị Thắm - Giám đốc Trung tâm điều phối du lịch miền Tây xứ Nghệ - cho biết, những năm gần đây các vườn mận ở Mường Lống thường thu hút một số lượng lớn du khách tìm về mỗi mùa hoa nở, hoặc mùa thu hoạch quả. Đơn vị này cũng thường xuyên tập huấn cho người dân địa phương từ cách tiếp khách, bán hàng… để phát triển du lịch cộng đồng.

“Miền Tây Nghệ An nói chung và Mường Lống nói riêng có cảnh đẹp, du khách đến cũng rất thích thú. Tuy nhiên, do quãng đường di chuyển quá xa, các dịch vụ chưa nhiều nên vẫn chưa thu hút được nhiều du khách” - chị Thắm nói.

Phan Ngọc

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI