“Quả ngọt” của những bà mẹ sinh con gái một bề

05/07/2024 - 06:14

PNO - Hiểu được những vất vả, áp lực vì sinh toàn con gái của cha mẹ, 9 “bình rượu mơ” của ông Thành luôn ngoan ngoãn, chịu khó học hành thành tài rồi báo hiếu khiến cả vùng quê ngưỡng mộ.

Một bề gái, làng xóm ngưỡng mộ

Nhiều năm qua, 9 cô con gái giỏi giang luôn là niềm tự hào của bà Nguyễn Thị Hường - 69 tuổi, trú xã Thanh An, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An. Nhớ lại những ngày tháng phải nhường khoai cho các con ăn để có sức học hành, bà Hường bảo, những vất vả đó không trở nên vô nghĩa khi cả 9 cô con gái giờ đã tốt nghiệp đại học và có công việc ổn định.

Hiểu được nỗi vất vả của cha mẹ, các con của bà đã tự mình trả khoản vay ngân hàng thời đi học. Dù ở xa hay gần, họ đều thay phiên nhau về nhà ăn tết với cha mẹ.

Để lo cho các con ăn học, bà Hường chẳng ngại làm bất cứ việc gì từ ruộng đồng, làm bún, làm bánh, đến bán hàng ăn. Nhưng theo bà, tất cả sẽ trở nên vô nghĩa nếu như không có sự thấu hiểu, đồng cảm của người chồng. Ông Nguyễn Trọng Thành - 69 tuổi, chồng bà Hường - là tộc trưởng, bởi thế bà từng chịu khá nhiều áp lực từ quan niệm phải sinh con trai nối dõi tông đường. “Ngày đó, ông ấy chỉ cười bảo rằng, ai nói gì kệ họ. Với anh, trai hay gái cũng được, chỉ cần đó là giọt máu của mình thì anh đều thương” - lời khẳng định của chồng in sâu vào lòng bà Hường, thành động lực để bà nuôi dạy các con thành tài.

Bà Hường chỉ cho cháu ngoại các thành viên trong đại gia đình - ẢNH: PHAN NGỌC
Bà Hường chỉ cho cháu ngoại các thành viên trong đại gia đình - ẢNH: PHAN NGỌC

Nở nụ cười ngọt ngào với vợ, ông Thành thừa nhận từng chịu khá nhiều áp lực do sinh nhiều con, lại là “con một bề gái”. Khi những người con lần lượt vào đại học, có người còn gièm pha, cho rằng vợ chồng ông không thể nuôi các con đến nơi đến chốn. Song ông không để ý.

Ngược lại, ông xem đó là động lực để thêm quyết tâm nuôi con “ăn học thành người”. “Có thời điểm 3 đứa cùng học đại học nên kinh tế gia đình khá căng thẳng. Không còn cách nào khác nên tôi phải đi vay ngân hàng để lo cho các cháu. Cũng may là các cháu đều ngoan, ham học nên chúng tôi chỉ phải lo về kinh tế mà thôi” - ông Thành nói.

Khi phong trào xuất khẩu lao động “bùng nổ” ở các vùng quê, giúp nhiều gia đình trở nên khá giả nhờ dòng tiền ngoại hối gửi về, vợ chồng ông Thành vẫn lắc đầu, chắt chiu từng củ khoai để lo cho con ăn học. Ông bảo, con cái trưởng thành trong mắt mỗi người một khác. Ông luôn dặn vợ, không tận dụng sức lao động của con để thoát nghèo, mà phải trao “cần câu cơm” cho con. “Tôi vẫn nghĩ, gắng cho con học hành, trang bị đầy đủ kiến thức. Khi đã có kiến thức thì cơ hội tìm việc sẽ dễ hơn, những đồng tiền kiếm được cũng sẽ bền vững hơn” - ông Thành nói.

Nhớ lại những ngày tháng theo đuổi giấc mơ trở thành cô giáo, chị Nguyễn Thị Hương - 40 tuổi, con thứ ba của ông Thành - cho biết, hiểu được nỗi lòng của cha mẹ nên chị luôn phải nỗ lực gấp đôi bạn bè cùng trang lứa. Ngày đến giảng đường, đêm chị thường giấu cha mẹ đi làm thêm kiếm tiền để trang trải chi phí sinh hoạt.

Sống xa gia đình, những “bình rượu mơ” vẫn thường bảo ban nhau “nếu không thành tài, thì ít nhất cũng phải thành người”, tuyệt đối không sa đà vào các tệ nạn để cha mẹ phải nghe thêm lời dị nghị.

Rồi “quả ngọt” cũng đến khi cả 9 cô con gái của bà Hường đều lần lượt tốt nghiệp đại học, tìm được việc làm ổn định và tạo lập gia đình. “Giờ mỗi đứa ở một nơi, nhưng các chàng rể đều hiểu được suy nghĩ của chúng tôi nên đều đồng ý 1 năm tết nội, 1 năm tết ngoại. Chúng tôi luân phiên nhau để tết năm nào trong nhà cũng đông vui” - chị Hương nói.

Kinh tế đã ổn định, 9 chị em góp tiền, dự tính xây lại cho cha mẹ một ngôi nhà khang trang để an dưỡng tuổi già. Tiền đã chuẩn bị sẵn, song kế hoạch này hiện vẫn chưa thực hiện được bởi ông Thành không muốn nhận món quà này với lý do “để các con lo cho mái ấm nhỏ của mình”.

Bà Hường bảo, tết năm nào đại gia đình cũng có gần 15 thành viên thuộc 3 thế hệ quây quần, đó cũng là lý do các con muốn xây lại cái nhà để con cháu có chỗ nghỉ ngơi thoải mái. “Mấy đứa nó đang thuyết phục xây nhanh để 3 năm nữa tất cả con cháu về tổ chức lễ kỷ niệm 50 năm ngày cưới cho chúng tôi. Chỉ cần các con nghĩ được vậy là mình vui rồi, còn nhà cửa giờ có quan trọng nữa đâu” - bà Hường nói.

Con gái xây nhà báo hiếu cho cha mẹ

Năm 2022, một trang fanpage có gần 3 triệu người theo dõi ở Nghệ An đăng bức ảnh một gia đình sinh 5 cô con gái, khởi đầu cho một cuộc thi “vô tiền khoáng hậu” - Tìm gia đình sinh nhiều con gái nhất! Cuộc thi dù tự phát, song đã khiến cư dân mạng Nghệ An và Hà Tĩnh “sôi sùng sục” đi tìm gia đình có nhiều “công chúa” nhất.

Chỉ trong vòng gần nửa tháng, các kỷ lục liên tiếp được lập, rồi lại bị xô đổ. Mỗi bài viết về một “kỷ lục sinh con gái” mới luôn thu hút hàng trăm ngàn lượt bình luận, phần lớn các ý kiến đều tỏ ra thán phục “bố mẹ vợ” đã sinh, chăm sóc và nuôi lớn cả đàn con. Cuộc thi sau đó kết thúc với kỷ lục sinh tới 14 con gái của một gia đình ở huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh.

Không giành chiến thắng trong cuộc thi, song 5 cô con gái của ông Nguyễn Đức Hoàn - 70 tuổi, trú xã Lĩnh Sơn, huyện Anh Sơn, tỉnh Nghệ An - vẫn nhận được “cơn mưa” lời khen và sự ngưỡng mộ của cư dân mạng khi xây cho cha mẹ ngôi nhà khang trang làm quà báo hiếu. Ngôi nhà rộng gần 260m2, thiết kế vào loại đẹp nhất vùng.

Gia đình ông Hoàn bên ngôi nhà do các con xây tặng - ẢNH: ĐỨC HOÀN
Gia đình ông Hoàn bên ngôi nhà do các con xây tặng - ẢNH: ĐỨC HOÀN

Chị Nguyễn Thanh Thủy - 38 tuổi, con gái ông Hoàn - là người đề xuất kế hoạch và “chủ công” trong quá trình giám sát, thi công ngôi nhà. Chị cho biết, khi kế hoạch được đề ra, cha mẹ chị một mực từ chối vì ngôi nhà cũ vẫn còn tốt, đủ rộng rãi, nên không muốn các con phải thêm gánh nặng. Thế là các cô con gái và các chàng rể phải mất thời gian dài thuyết phục.

Nhắc đến những “bình rượu mơ” xinh đẹp, giỏi giang và hiếu thuận của mình, ông Hoàn không giấu được niềm tự hào, bảo, các con không chỉ có công việc ổn định sau khi ra trường, đoàn kết, yêu thương nhau mà còn đi đầu trong việc đóng góp, xây dựng nhà thờ hay công việc của họ tộc. “Khi dòng họ có việc các con đều có mặt, xung phong ủng hộ cho công việc chung. Bởi thế nên dù nhà chỉ có con gái nhưng tiếng nói hay uy tín trong dòng họ của tôi không bị ảnh hưởng gì” - ông Hoàn tự hào.

Ông Hoàn kể rằng, khoảng 30 năm về trước, vùng quê của ông vẫn còn nặng tư tưởng trọng nam khinh nữ. Khi bà Dương Thị Minh - 66 tuổi, vợ ông - sinh liên tiếp 5 cô con gái, ông Hoàn là người cảm nhận rõ nhất sự lo lắng của vợ về những lời ra tiếng vào, kiểu như ông phải “ngồi mâm dưới” hay đi “kiếm thằng cu bên ngoài”.

Thấu hiểu được nỗi lo đó, ông Hoàn chọn đặt tên các con lần lượt là Thủy - Thanh - Thảo - Tâm - Anh với ý nghĩa “nước trong ngọt lòng anh”, như một lời khẳng định với vợ rằng, ông vẫn luôn dành cho các con tình yêu vô bờ, dù trai hay gái.

Đồng lương eo hẹp, ông Hoàn bàn với vợ cố gắng chắt chiu, chăn nuôi thêm gia súc, gia cầm để mua cho con mỗi đứa một gói bảo hiểm như là của để dành. Trong trường hợp các con gặp chuyện không may, hoặc khi đậu đại học, thì đây là khoản dự phòng để vợ chồng ông lo cho các con. “Được cái cha con thân thiết, hay tâm sự với nhau lắm. Tôi thường nói với các con, sinh ra là phận gái, phải nỗ lực, cố gắng nhiều hơn để tự lập, tự chủ thì sau này mình sẽ được người khác tôn trọng” - ông Hoàn nói.

Ông Nguyễn Cảnh Nam - Chủ tịch UBND xã Thanh An, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An - cho biết, trên địa bàn xã có khá nhiều gia đình sinh con một bề gái, nhưng phần đông chỉ 2-3 con. Vợ chồng bà Hường từng sống chủ yếu dựa vào nghề nông, nên rất vất vả và đầy nghị lực mới có thể nuôi 9 người con học hết đại học. Nhiều năm qua, gia đình bà Hường trở thành tấm gương sáng để các trường và chính quyền địa phương khích lệ các em học sinh nỗ lực học tập trong những ngày tổng kết năm học, trao thưởng khuyến học.


Phan Ngọc

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI