Quá ngại yêu, quá lười kết hôn!

10/02/2025 - 14:51

PNO - Ngoài học hành, làm việc họ chìm đắm vào không gian ảo, chat, chơi games, xem phim, tranh luận… thời giờ qua nhanh đến mức họ chưa kịp… ngủ, nói chi đến chuyện yêu đương.

Tâm trạng lười yêu
(Ảnh minh họa)

1. Liên năm nay 32 tuổi. Cô làm việc trong một công ty lữ hành. Ngoài giờ làm việc, cô còn dạy thêm 2 lớp tiếng Trung cho người ngoại quốc. Ngày nào cô cũng đi ra khỏi nhà vào 7 giờ sáng và về lúc 10 giờ tối. Cô chưa có người yêu.

Thật ra ngày xưa Liên có quen một người, rồi không hợp nên chia tay. Mẹ cô luôn than thở: "Nó không có thời giờ ăn nữa nói chi đến yêu. Người gầy nhom, tẩm bổ quá trời mà vẫn không mập lên được".

Khánh 32 tuổi, phụ trách bộ phận kinh doanh một công ty nước ngoài. Công việc của cô khá áp lực bởi chỉ tiêu doanh số mà công ty mẹ đưa ra năm sau luôn cao hơn năm trước. “Địa bàn” hoạt động của cô là thị trường châu Âu. Trong năm, cô có vài chuyến đi nước ngoài. Tất nhiên cô có thu nhập khá.

Hàng ngày, 8 giờ sáng cô rời nhà và trở về vào 9 giờ tối. Cơm nước xong, cô vào phòng và ôm máy tính có khi đến 1-2 giờ sáng mới đi ngủ, đa phần là chat và lướt Facebook. Cũng có khi trao đổi với sếp hay đối tác ở nước ngoài. Dường như cô rất ít thời gian đi ra ngoài, cô chỉ có con đường từ nhà đến công ty và ngược lại. Mọi liên hệ bạn bè đều qua Facebook, Viber, Zalo…

Riết rồi Khánh không có nhu cầu đi đâu ngoại trừ mua sắm. Cô không thích đi xem phim hay nghe ca nhạc bên ngoài bởi phòng cô có máy tính nối mạng, màn hình ti vi thật lớn và giàn âm thanh cực chuẩn. Cô cảm thấy cuộc sống của cô rất ổn và chưa nghĩ đến việc tìm một nửa kia của mình. Cô đang tự do và vui vẻ. Có đôi lúc cô nghĩ về hôn nhân với chút phân vân vì những mẫu người cô thích đa phần họ đã có gia đình khiến cô mang tâm trạng lười yêu.

Lười yêu vì ôm máy tính?
Lười yêu vì ôm máy tính? (Ảnh minh họa)

Hạnh - thạc sĩ chuyên ngành vật lý nguyên tử, năm nay 33 tuổi, khá xinh xắn. Hạnh tốt nghiệp đại học trong nước và có 3 năm học thạc sĩ ở Hàn Quốc. Cô làm việc trong một cơ quan quản lý nhà nước. Hạnh làm công tác đào tạo nên thường xuyên đi công tác ở các tỉnh. Cô cho biết do lương không đủ sống nên cô kiêm thêm việc bán hàng online là quần áo và mỹ phẩm, khách hàng chủ yếu là bạn bè và họ giới thiệu thêm nhưng không nhiều.

Tuy công việc không bận rộn nhưng Hạnh cho rằng với thu nhập hiện tại cô không dám nghĩ đến việc lập gia đình. Cô chưa có người yêu. Trên Facebook của cô thường thấy hình cô đi ăn, xem phim với một cô bạn đồng nghiệp nhỏ hơn cô 2 tuổi mà cô vẫn đùa là cả 2 “ế” đều!

Thuận năm nay 35 tuổi. Công việc ổn định tuy thu nhập không cao nhưng anh có “phụ cấp” từ gia đình bằng khoản tiền cho thuê nhà mà ba má anh quy ước cho anh và chị gái mỗi tháng.

Hiện tại Thuận không có người yêu. Anh trải qua một mối tình kéo dài 3 năm sau đó chia tay vì anh cho là không hợp với một cô bạn có cá tính mạnh. Phần nữa, anh cho biết, gia đình anh không hòa thuận. Ba má anh coi như sống ly thân từ lâu, sau đó ông về quê cất một ngôi nhà nhỏ và sống một mình.

Tưởng là "xa thương gần thường", thế nhưng mỗi khi ba anh về thăm nhà thì ông bà lại cãi nhau mà anh không hiểu họ khúc mắc chuyện gì. Thậm chí, anh vẫn cho rằng không có ba anh ở nhà, không khí dễ chịu hơn. Anh đang ở trong tâm trạng ngại yêu vì nhiều lý do trong đó có một phần hoàn cảnh gia đình. Anh ngại đưa bạn gái về nhà vì họ sẽ ngán cảnh nhà của anh; Phần vì nghĩ đến vợ con đùm đề, anh hơi… hoảng!

Anh cảm thấy cuộc sống hiện tại rất ổn với ngày đi làm, tối đi chơi với bạn - khi thì bạn gái, khi với bạn trai. Hôm nào không đi chơi anh ôm máy tính chat tới khuya. Nghỉ dài ngày anh đi cùng nhóm bạn phượt. Trong máy tính của anh gần đủ album ảnh 63 tỉnh thành trong cả nước mà anh đã đến. Anh cảm nhận được vài cô có cảm tình với anh nhưng trái tim anh không rung động. Đôi khi anh cũng ao ước có một người phụ nữ bên cạnh, nhưng dường như càng ngày anh càng thấy e dè khi lựa chọn, cô này được này mất kia, cô kia được kia mất nọ…

Chỉ vài trường hợp, chưa tiêu biểu lắm trong vô vàn trường hợp các bạn trẻ ngày nay ngại yêu, lười kết hôn.

2. Giới trẻ vậy, phụ huynh thế nào? Trong một lớp học Anh văn có đủ thành phần - từ người đi làm, chị bán hàng ngoài chợ cho đến các cô, chú về hưu - đến chủ đề giới thiệu về gia đình, trong bài làm của một phụ huynh có đoạn, cô ấy buồn vì có một con gái đã 32 tuổi nhưng chưa có gia đình.

Bài làm được đọc lên và cả lớp cười ào vì thấy phụ huynh lo lắng hơi quá! Mọi người phân tích rằng, chưa lập gia đình là hạnh phúc, hãy để cô ấy tận hưởng những ngày độc thân vui vẻ, là giai đoạn đẹp nhất của cuộc đời. Ngạc nhiên là tất cả những người phát biểu ý kiến này đều có gia đình cả!

Chỉ là phát biểu của người ngoài cuộc, có khi họ ngán ngẩm về cuộc sống hôn nhân chăng? Tuy nhiên, để thấy rằng, hiếm có phụ huynh nào không sốt ruột khi con cái đã lớn tuổi mà chưa thấy chúng động tĩnh gì về mảnh ghép của chúng.

Ngày nay sự hiện diện của công nghệ số khiến giới trẻ dường như không sốt ruột chuyện yêu đương như thời cha mẹ. Ngoài học hành, làm việc họ chìm đắm vào không gian ảo, chat, chơi games, xem phim, tranh luận… thời giờ qua nhanh đến mức họ chưa kịp… ngủ nữa nói chi đến yêu! Cũng bởi dành quá nhiều thời gian ôm máy tính nên họ thường xuyên than thèm ngủ. Họ có thể ngủ cả một ngày Chủ nhật hay ngày lễ mà vẫn không thấy đủ.

Phải chăng giờ đây đi tìm nửa kia của mình chỉ là vấn đề của các bậc phu huynh? Bởi ngay chính người trong cuộc còn thờ ơ, ai nói đến thì họ né tránh ngay.

Sự hiện diện của thế giới ảo đã khiến giới trẻ lơ là chuyện yêu đương, ngại kết hôn hay họ không nhìn thấy hạnh phúc thật sự sau hôn nhân mà thế hệ cha mẹ là tấm gương cho họ? Hay vì họ cầu toàn muốn có một gia đình hạnh phúc thật sự mà ngay bản thân họ còn hoang mang về hạnh phúc?

Kim Duy

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI