Quà nào đáng giá?

27/12/2015 - 08:08

PNO - Cháu muốn tôi cho tiền mua tặng bạn gái điện thoại đời mới, sang trọng, chắc chắn cô bạn rất thích. Tôi không đồng ý vì cả hai cháu còn đi học...

Con trai tôi 16 tuổi đang phải lòng một “áo dài” cùng lớp. Cô bạn học rất giỏi lại xinh xắn, dễ thương nên cùng lúc được nhiều anh chàng ngắm nghía, đặt cháu nhà tôi vào thế phải “cạnh tranh khốc liệt”.

Để gây ấn tượng, chiếm được trái tim cô bạn học, cháu luôn nghĩ ra nhiều cách tiếp cận, thể hiện cử chỉ đẹp và khẳng định tình cảm. Từ đầu tháng 12, cháu đã nát óc suy nghĩ mua quà gì tặng sinh nhật cô bạn và vào dịp Giáng sinh, Tết Tây.

Cháu nhờ tôi hướng dẫn nhưng mẹ con đã mâu thuẫn ngay từ đầu vì tôi giới hạn số tiền dưới 500.000đ, trong khi cháu lại cho như thế là quá “bèo” và cô bạn sẽ đánh giá thấp mình.

Cháu muốn tôi cho tiền để mua tặng bạn gái điện thoại đời mới, sang trọng, chắc chắn cô bạn rất thích. Tôi không đồng ý vì cả hai cháu đều còn đi học, sống phụ thuộc gia đình, không cần trao tặng món quà đắt tiền, xa xỉ như thế. Thấy tôi cương quyết, cháu quay sang năn nỉ ba cháu - anh ấy chi xài phóng khoáng hơn tôi. Tôi rất lúng túng, không phải vì tiếc tiền mà thấy không nên thế và sợ cháu suy nghĩ lệch.

Hoàng Yến Chinh (Q.8, TP.HCM)

Qua nao dang gia?
Ảnh minh họa

Chị Yến Chinh mến,

Chị nhận thấy không nên cho cháu nhiều tiền để mua điện thoại xịn tặng bạn gái là rất đúng. Tôi ủng hộ cách suy nghĩ của chị. Thứ nhất, các cháu còn nhỏ chưa làm ra tiền. Chị giới hạn dưới 500.000đ cũng là hơi nhiều, nhất là so với mặt bằng thu nhập của nhiều gia đình khác. Thứ hai, món quà điện thoại đắt tiền tặng bạn gái là sự lãng phí, không chỉ là lãng phí tiền mà còn lãng phí thời gian, ảnh hưởng tới việc học của bạn và của cháu.

Tặng quà là một văn hóa ứng xử, “của cho không bằng cách cho”, hơn nữa món quà cần nhất là hợp sở thích người nhận và được tặng bằng sự chân thành. Thậm chí, nếu bạn gái là một cô bé ham học, coi trọng những giá trị tinh thần, giá trị bên trong mọi người, mọi vật thì món quà xa xỉ, lãng phí này có thể làm bạn gái đánh giá thấp con người của con chị và từ chối tình cảm. Nếu bạn gái coi trọng tiền bạc, vật chất, ai tặng quà đắt tiền mới được để mắt thì họ đang yêu tiền của gia đình chị chứ không yêu con chị.

Chị nên hướng cháu đến những suy nghĩ về giá trị món quà và đâu là tình yêu thực sự, hơn là tranh cãi với cháu. Chị cũng cần thống nhất với chồng để không xảy ra tình trạng “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược”. Giới trẻ hiện nay vì không hiểu và phân biệt được hai loại giá trị này nên coi trọng vật chất; lấy vật chất, tiền bạc để đo lường tình cảm mà quên mất gốc của tình cảm là giá trị bên trong.

Cháu đang bước vào tuổi trưởng thành, muốn độc lập trong suy nghĩ và hành vi, muốn chứng tỏ bản thân với bạn gái, muốn được yêu… Vì vậy, nếu cha mẹ cấm đoán thì sẽ gặp rào cản là sự chống đối của cháu. Cha mẹ cần thuyết phục con như một người bạn tâm tình, phân tích đúng sai để cháu tự nhận ra mình nên làm gì.

Có thể khi nghe anh chị phân tích về giá trị món quà, hướng dẫn cháu cách tặng quà gây ấn tượng, sự lựa chọn người yêu dựa trên giá trị vật chất hay tinh thần… cháu cân nhắc lại. Anh chị cũng có thể hướng dẫn cháu tìm hiểu kỹ sở thích, nhu cầu của bạn gái để chọn mua quà gì phù hợp và giúp con chọn quà, gói quà.

Nếu cháu chưa hiểu điều cha mẹ dạy bảo, anh chị có thể cho cháu một cơ hội có tiền mua quà mình thích bằng cách cho cháu mượn thêm (ngoài số tiền 500.000đ đã hứa cho), cháu sẽ cần làm thêm, tiết kiệm để trả dần cho bố mẹ.

Đây cũng là dịp để cha mẹ dạy con giá trị đồng tiền, cách chi tiêu hợp lý. Nếu cháu quyết định tặng món quà đắt tiền dù phải vay tiền bố mẹ, anh chị, hãy cho cháu phạm sai lầm lần này để học bài học lớn cho tương lai.

Tiến sĩ XHH Phạm Thị Thúy

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI