Bánh dừa nướng giòn rụm thơm ngon
Quê tôi không phải xứ dừa nhưng chẳng biết từ khi nào, món bánh dừa nướng lại trở thành đặc sản. Bánh dừa nướng là món quà vặt mà thời ấu thơ tôi mê mẩn, nhai rồm rộp suốt ngày. Tới ngày lớn lên xa quê, tôi thường mang theo món quà vặt ngày thơ ấu cho bạn bè bốn phương được thưởng thức.
|
Bánh dừa nướng - Ảnh: Lê Hồng Mận |
Gói bánh có màu xanh bắt mắt của lá dừa, vừa bóc ra thì hương dừa nướng hòa quyện vani đã dậy thơm ngay lập tức. Chiếc bánh màu nâu vàng khá bình dị mà lại cuốn hút. Cắn một miếng bánh dừa nướng, ta liền cảm nhận được độ giòn rụm bắt miệng, vị ngọt thanh, beo béo của dừa. Bánh ngọt vừa nên mấy lúc đói ăn nhiều vẫn không ngán.
Có 2 thương hiệu bánh dừa nướng nổi danh ở xứ Quảng là Quý Thu và Thái Bình, hương vị không sai khác nhiều lắm, có lẽ bởi cách làm tương tự nhau. Món bánh quê phát triển thành sản phẩm được sản xuất hàng loạt vẫn giữ nguyên vị quê dân dã.
Theo chia sẻ của người làm bánh lâu năm, ban đầu, cần bào nhỏ phần “cơm” dừa rồi phơi hoặc sấy khô. Đánh đều trứng gà, sữa đặc, đường cát trắng và bột gạo nếp thành hỗn hợp sền sệt. Sau đó, cho dừa khô vào trộn chung, thêm một chút vani. Tiếp đến, dùng cây lăn cán đều hỗn hợp thành lớp mỏng trên mâm có trải lớp lót, cắt bánh thành từng miếng hình chữ nhật và đậy kín, khi bánh khô thì cho vào lò nướng.
Ngày xưa chưa có lò nướng bánh hiện đại như bây giờ, các bà các mẹ phải khòm lưng quạt lửa than để canh nướng bánh. Những chiếc bánh dừa nướng thời nay không còn hương lửa nhưng vẫn thấm đẫm vị nhọc nhằn của người làm. Để rồi theo mỗi chặng đường xa xứ, bánh dừa nướng trở thành món quà quý trứ danh đất Quảng mang tặng người thương.
Bánh đậu xanh nhân thịt lạ miệng
|
Bánh đậu xanh nhân thịt - Ảnh: Lê Hồng Mận |
Thử tưởng tượng, vào một buổi sáng cuối tuần nhàn nhã, ngồi bên cửa sổ nghe một bản nhạc du dương, nhấp từng ngụm trà hoa nhài thanh dịu, nhấm nháp từng miếng bánh đậu xanh nướng, đời còn gì tuyệt hơn! Món bánh chinh phục mọi người bởi vị bùi bùi của đậu xanh, béo thơm của thịt mỡ, vừa ngọt dịu vừa mặn thanh, giòn tan trong miệng.
Tôi vẫn còn nhớ, cứ mỗi khi trời cạn Chạp, má và nội tôi thường tất bật chuẩn bị nguyên liệu để làm đủ loại bánh mứt trong nhà. Để làm nên bánh đậu xanh nhân thịt, nội chọn loại đậu xanh hột nhỏ, cà bỏ vỏ tách đôi hột vàng đẹp mắt. Ngâm đậu xanh chừng 2 tiếng rồi vo sạch, luộc chín, giã nhuyễn thành bột. Công đoạn tiếp theo cực kỳ quan trọng: nhồi bột với nước đường sao cho độ ngọt vừa phải, chất bột đủ độ ẩm sánh lại, không quá ướt hay quá khô. Sau đó, bột sẽ được đậy kín ủ qua đêm để tăng độ kết dính, dễ tạo hình hơn.
Phần nhân bánh làm từ thịt mỡ xào với tỏi, hành tím, muối, đường cho dậy mùi thơm và béo ngậy. Sau cùng, nội và má hì hụi in bánh vào khuôn hình tròn. Cho bột vào khuôn, múc nhân thịt vào giữa, thêm một lớp bột nữa rồi ém thật chặt, úp ngược khuôn bánh xuống mâm và gõ nhẹ để lấy bánh ra.
Chừng 28-29 tết, khắp gian bếp lại vang lên tiếng gõ “cốc cốc” khi má in bánh vào khuôn. Giữa cái se lạnh của tiết trời miền Trung giáp tết, chị em tôi lại ngồi bên lò than rực hồng thức canh nướng bánh đậu xanh. Bao nhiêu lời tâm sự dặn dò, những nụ cười giòn tan, những điều ước về năm mới sắp tới… gói trọn trong mấy đêm hơ đôi bàn tay bên bếp lửa như thế.
Nay, khoảnh khắc ấm áp bình dị đó chỉ còn trong nỗi nhớ của những đứa con. Bởi nội đã mất còn má thì đã già, muốn ăn uống gì cứ việc ra chợ là đầy đủ cả. Dẫu vậy, chiếc bánh đậu xanh nhân thịt đặc sản quê hương vẫn theo tôi suốt mọi chặng đường.
Bánh lăn dẻo ngọt thơm hương nếp
|
Bánh lăn - Nguồn ảnh: Internet |
Sở dĩ có tên gọi bánh lăn bởi chiếc bánh được tạo nên từ bàn tay khéo léo của người phụ nữ xứ Quảng, chầm chậm lăn bột thành bánh. Bánh lăn (còn gọi là bánh da) là loại bánh cổ truyền được chưng trên bàn thờ gia tiên vào mỗi dịp tết hoặc bày mâm đãi khách trong các ngày hội, giỗ chạp, đám cưới.
Các bà các má thường để dành nếp ngon từ mùa nắng, đợi tới Chạp sẽ rang rồi giã hoặc xay thành bột mịn. Món bánh đặc biệt nhờ vào phần mứt rim trộn kèm. Cắt nhỏ một ít vỏ quất, bí đao, cà rốt, chuối ép, dứa, gừng, đậu phụng cho vào chảo rim cùng đường cát trắng trên lửa riu riu tới khi săn thành mứt dẻo đặc quánh.
Công đoạn tiếp theo là nấu nước đường. Có thể dùng đường bát hoặc đường nâu để có màu vàng cánh gián tự nhiên. Nước đường sôi lăn tăn thì rây bột nếp vào, khuấy đều, trộn nhồi bột cùng mứt tới khi quyện vào nhau thành khối bột dẻo.
Rải một lớp bột nếp khô lên mâm làm lớp áo, đổ bột dẻo quyện mứt ra, nhanh tay nén bột rồi lăn đều thành khối trụ tròn chặt. Bánh lăn có màu vàng da, xen kẽ là sắc vàng của mứt vỏ quất, màu cam của cà rốt... nhìn khá đẹp mắt. Khi ăn phải cắt thành lát mỏng mới cảm nhận được vị dẻo mềm ngọt thơm của bột nếp chín quyện đường, vị bùi bùi đậu phụng, mứt quất ngọt thanh, thơm nức mùi gừng...
Bánh lăn dẻo ngon để cả tháng vẫn không hư là món quà quê mà mấy đứa bạn ở phố mê tít. Tôi vẫn thương làm sao những lúc má thắp nén nhang lên bàn thờ gia tiên, xin hạ dĩa cúng, rồi cẩn thận gói ghém đòn bánh lăn để đứa con xa nhà mang theo ăn cho đỡ nhớ quê. Giữa phố thị xô bồ, khi đói bụng hay buồn miệng, tôi và bạn bè nhai vài lát bánh dẻo thơm, cùng chia sẻ những nỗi niềm nơi đất khách.
Khoai chà nhớ thương thời nghèo khó
|
Khoai chà - Nguồn ảnh: Internet |
Thời nghèo khó, giữa vùng đất cát trắng cằn cỗi, gió Lào thổi cái nắng rát, người quê tôi chỉ biết trông đợi vào khoai để sống qua ngày. Tôi vẫn nhớ như in câu ca nội thường ngâm nga: “Trăng rằm đã tỏ lại tròn. Khoai lang đất cát đã ngon lại bùi”. Ngon mấy ăn riết cũng ngán, nên người quê biến tấu rất nhiều món ăn từ củ khoai lang. Khoai ghế cơm, khoai luộc, khoai nướng, khoai ngào đường, bánh khoai nướng… và nhớ nhất là khoai chà.
Khoai lang chọn củ mập mạp, không hư, cạo vỏ rửa sạch rồi luộc chín. Khi khoai chín thì vớt ra để nguội, giã nhuyễn rồi chà trên chiếc rổ thưa cho bột khoai rơi xuống nong hứng bên dưới. Sau đó, phơi bột khoai dưới nắng ráo. Trời miền Trung mùa hè nắng to, chừng 2 buổi là khoai chà khô lại. Khi đó, cho vào bao kín để ăn dần quanh năm.
Khi ăn khoai chà, chỉ cần cho vào chút nước ấm để hạt khoai khô nở ra. Nếu ai thích ăn ngọt hơn thì thêm một chút đường và đậu phụng rang giã nhuyễn. Khoai chà giữ nguyên vẹn hương vị ngọt dịu của khoai lang, ăn thay cơm cũng được. Đặc biệt là vào những ngày mùa đông mưa bão ngập trời, người quê không thể ra đồng cấy gặt, khoai chà sẽ là món ăn lót bụng cho qua cơn đói đợi trời sang xuân.
Ngày trước, khoai chà là món ăn quá đỗi thân thuộc với mỗi người dân xứ Quảng. Nay, khoai chà khó tìm hơn trước, phải tự làm hoặc hiếm lắm mới kiếm ra chỗ mua.
Trong bọc đồ má dúi vào tay mấy đứa con còn vô vàn “đặc sản sạch” dân dã quê nhà. Nào con gà mái má nuôi cả năm đã làm sẵn, nào chục trứng gà ta béo thơm còn dính rơm trên vỏ, nào rau trái xanh tươi hái từ vườn nhà, nào mớ cá mực khô ba đã phơi cẩn thận từ hè năm ngoái, nào mấy thẩu thịt heo ngâm nước mắm, mắm dưa củ kiệu…
Quà mọn chúng tôi gói ghém mang theo trong hành trang mưu sinh nơi xa không chỉ là những quà bánh đồ ăn mà còn có tình thương bao la vô bờ bến của ba má. Những bọc lớn bọc nhỏ chất đầy xe, nặng trĩu cả lòng người đi lẫn người ở lại. Thôi đành ra đi là để một mai trở lại. Chỉ mong sao sau 360 ngày nữa, ba má và những người thân thương vẫn ở nơi đó ngóng đợi chúng tôi quay về, hẹn một cái tết sum họp vẹn tròn.
Mộc Yên