Quá mê tín

06/04/2014 - 13:41

PNO - PNCN - Kính gửi chị Hạnh Dung! Chúng tôi đều là những người có học hành, có việc làm tốt, thậm chí vợ tôi còn giỏi ngoại ngữ, ham học hỏi, không phải kiểu người dễ làm theo những điều vô lý.

edf40wrjww2tblPage:Content

Thế nhưng, cô ấy lại quá mê tín. Trong nhà, cô ấy bày đến mấy cái bàn thờ, làm gì cũng để ý xem ngày tháng. Khi có chuyện gì không may, cô ấy bảo “phúc nhà vợ, nợ nhà chồng” cho đó là tại bên nội. Câu nói đó làm má tôi cứ buồn mãi. Có cô giúp việc nhà đang tốt, một hôm cô ấy cho nghỉ việc, khiến sinh hoạt gia đình nháo nhào, con nhỏ không có người trông. Lý do, cô ấy bảo, cô giúp việc vừa đi nạo thai, vậy là “độc” lắm, không tốt cho nhà mình. Tôi góp ý thì cô giận đùng đùng, nói là tôi “vô thần” không biết sợ. Rồi cô nói về khoa học, niềm tin, nói sở dĩ người ta tốt được, tránh làm điều xấu xa là do có tín ngưỡng, rằng con người ngày nay còn chưa biết hết được vũ trụ, vật chất này nọ... cứ như giảng bài cho tôi. Mà sa vào các lý thuyết ấy, tôi nghĩ cãi nhau chẳng đi đến đâu.

Cứ sau những lần về bên ngoại là cô ấy lại học thêm được chuyện mới. Chẳng hạn, bày con cóc ở bàn thờ ông địa cho nó quay ra cửa lúc nào, quay vào trong lúc nào. Có lúc tôi thấy cô ấy còn “cổ lỗ” hơn cả má tôi. Bà cũng đi chùa ngày lễ Tết, thắp hương rằm, mùng Một, nhưng không quá tin vào điềm nọ điềm kia như con dâu trẻ. Thấy con cú đêm bay ngang khu chung cư, cô ấy cũng bảo cả nhà cẩn thận - chẳng biết cẩn thận cái gì. Có lần cô ấy bảo, lão thầy nói đúng thật, có chuyện hãm hại đố kỵ, cụ thể là con nhỏ thư ký giám đốc đâm thọc thế nào mà ở công ty cô ấy bị gièm pha đưa chuyện… Mà không riêng vợ tôi, mấy cô trẻ tuổi cùng làm với vợ tôi cũng y chang, cứ rủ nhau xem bói chuyện tình duyên, làm ăn… Niềm tin là chuyện của mỗi người, nhưng vợ tôi như có một cuộc sống tinh thần riêng rất khó chia sẻ. Tôi nói thì cãi nhau ngay. Mấy anh bạn tôi xui: “Kệ, cô ấy bận rộn chuyện đó, mình càng khỏe…”. Chị thấy chuyện này có gì không ổn, tôi phải làm gì?

Phạm Quang Thiêm (Q.Phú Nhuận - TP.HCM)

Qua me tin

Kính gửi anh Thiêm,

Những hiện tượng anh nêu khá phổ biến trong đời sống hiện nay. Các cụ già ngày xưa, vẫn giữ được niềm tin trong đời sống tinh thần, đi chùa chiền, cúng lễ. Đời sống đô thị bây giờ, các thủ tục rườm rà như lập đàn cúng, mời thầy lễ lớn, trừ bùa này nọ dần ít đi, nhưng các kiểu mê tín vô căn cứ, cái gì cũng vận vào đời sống như anh kể, thì lan tràn ngay trong giới trẻ, sinh viên học sinh, nữ giới văn phòng, kỹ sư, công chức. Trên truyền thông, các phóng sự và hình ảnh mùa thi bạn trẻ đến cúng, sờ đầu rùa, người đi lễ ngày xuân vứt tiền lẻ, nhét vào tay tượng Phật thật quái đản, khó mà lý giải do lý thuyết hay niềm tin nào.

Vợ anh chắc nằm trong “trào lưu mạnh mẽ” đó. Gọi là “trào lưu mạnh mẽ” vì không ít giấy mực đã đổ ra tranh luận phê phán, nhưng rồi cũng “không thể dẹp được mê tín dị đoan”. Đó là sự mất lòng tin vào cuộc đời nhiều phi lý, nhiều đổi thay. Đi tìm một thế lực siêu nhiên giúp mình, mong chờ một thay đổi tuyệt vời tự nhiên đến. Đơn giản hơn thì chỉ xin bình an, vì quá nhiều bất an. Niềm tin còn là vấn đề của văn hóa và sự phát triển xã hội.

Nhưng đó là chuyện đi tìm lý giải những vấn đề lớn đầy tranh cãi, ta hãy nhìn nó ở góc độ gia đình. Cái gốc trong gia đình vẫn là tình thương, sự hòa hợp và bao dung, không phải nơi “chiến đấu” để chứng minh anh đúng em sai. Đừng phỉ báng niềm tin, mà chỉ cần không làm theo những gì quá vô lý, không hưởng ứng hành vi mê muội. Cách sống đó cũng khẳng định tính cách của anh. Vợ anh là người có học, hiện đại, cô ấy sẽ hiểu là không thể bắt ép chồng có niềm tin như mình, chồng không dễ gì làm nô lệ cho sự vô lý, nhưng vì tình yêu, anh không can thiệp thô bạo vào chuyện đó của mình thôi. Miễn là hiểu, chấp nhận và tôn trọng lẫn nhau. Hạnh phúc gia đình cũng rất quan trọng với chị ấy mà, đâu phải vứt bỏ tất cả để chạy theo mê tín, phải không anh?

Thân mến.

HẠNH DUNG (hanhdung@baophunu.org.vn)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI