Qua hai trăm mùa xuân, đọc lại Kiều

30/01/2020 - 16:55

PNO - Truyện Kiều là câu chuyện về cái đẹp bị đày đọa. Nhưng cái đẹp bao giờ cũng được cứu vớt từ một tâm pháp nào đó. Từ tâm quán thiên thu của Nguyễn Du, đến lượt cái đẹp lại cứu vớt con người

Mùa xuân lại mở trang Kiều. Dù người thơ đã ra đi hai trăm năm rồi (1820-2020), bao nhiêu cuộc bể dâu chứ đâu phải là một, mà thơ Kiều vẫn còn vang ngân. Hơn 70 bản dịch sang nhiều thứ tiếng khác nhau lưu hành trên thế giới. Cõi người ta của Tố Như Nguyễn Du đã gặp nhân loại trong sâu thẳm của nỗi buồn và niềm vui. Ánh mắt và tâm của Tố Như đã được xưng tụng xứng đáng từ lâu, từ năm 1820 ấy:

Nhãn phù lục hợp

Tâm quán thiên thu.

Tranh của họa sĩ Trần Thị Nguyệt Mai
Tranh của họa sĩ Trần Thị Nguyệt Mai

Ðó là lời của Mộng Liên Ðường chủ nhân, mà ta có thể chuyển thành:

Mắt trôi sáu cõi

Tâm tràn thiên thu.

Sáng tạo 3.254 câu thơ lục bát về Kiều, Tố Như đã đưa con mắt sáu cõi và tấm lòng thiên thu của mình không những đi qua cõi thực mà còn đi vào cõi huyền với những ảnh tưởng (hình ảnh đẫm mơ tưởng) nguyên sơ là các nguyên tố cơ bản Ðất, Nước, Gió, Lửa (tứ đại).

Chính vì thế mà thơ Kiều mới xuyên không gian và thời gian, lay động tâm hồn con người khắp nơi đến thế.

Tranh của họa sĩ Ðình Quân vẽ Kiều và Thúc Sinh
Tranh của họa sĩ Ðình Quân vẽ Kiều và Thúc Sinh

Những mối quan hệ của Kiều với các nhân vật chính đều được lọc qua những ảnh tưởng về nước, đất, lửa, gió.

Với Kim Trọng, ảnh tưởng nước trở nên nổi bật. Và lần lượt là ảnh tưởng đất với Thúc Sinh, ảnh tưởng gió với Từ Hải và ảnh tưởng lửa với Giác Duyên.

Tất nhiên, các ảnh tưởng ấy có thể xuất hiện với bất kỳ nhân vật nào. Nhưng ở đây ta chỉ chú ý đến cái nổi bật và điểm nhấn thấy rõ.

Nước là biểu tượng của tình yêu và nữ tính. Nước vừa dịu dàng vừa dữ dội. Mọi thứ trôi chảy đều là nước. Vì thế khi Kiều yêu thì ảnh tưởng nước luôn xuất hiện, nhất là quan hệ của nàng với Kim Trọng.

Có thể thấy: dưới lòng nước chảy, cạn dòng lá thắm, giọt sương chíu nặng, nước ngâm trong vắt, sóng tình, mây mưa, ngọn nước thủy triều, sóng gió, nước đục bụi trong, lạ nước, nước đời, nước xuôi, giọt mưa, nước dẫy sóng dồi, hơi nước, sông nước cát lầm…

Nước trong chén rất nhiều, đó là: chén xuân tàng tàng, chén thề, chén vàng, chén nước, chén quỳnh, chén cúc, chén mồi, chén đưa, chén mừng…

Ðó là chưa kể lệ và máu!

Ðó cũng chưa kể những ảnh tưởng liên quan đến nước như: vũng lầy, dầm dề, bèo dạt, hoa trôi, nước vỏ lựu, đĩa dầu vơi, sụt sùi, áo dầm giọt tủi, tuyền đài, suối vàng, đầm đầm, máu say…

Ðêm trao duyên cho em gái, Kiều đã đau đớn kêu lên:

Dạ đài cách mặt khuất lời

Rảy xin chén nước cho người thác oan.

Và sau 15 năm, gặp lại Kim Trọng, với đêm “động phòng trắng” Kiều đã phải thốt:

Thân tàn gạn đục khơi trong

Là nhờ quân tử khác lòng người ta.

Thân mà có thể “gạn” có thể “khơi” ư? Ðó là ảnh tưởng nước về thân.

Ảnh tưởng nước như thế đã được Nguyễn Du đẩy trôi qua tình yêu Kiều - Kim một cách tinh tế, kỳ diệu. Họ gặp nhau lần đầu bên dòng nước rồi 15 năm sau đó tái hợp bên dòng sông sau khi Kim làm lễ chiêu hồn, cũng như Kiều từng chiêu hồn Ðạm Tiên, cũng như nàng từng muốn Vân - Kim dùng chén nước chiêu hồn mình. Một chén nước lã cho cuộc đoạn trường đầy nước mắt của cái đẹp lưu ly, phản chiếu cả thực tại lẫn người mơ.

Viết về nước, triết gia Pháp Bachelard cho rằng: “… nước, nhờ tính phản chiếu, nhân đôi bội trùng thế giới, nhân đôi bội trùng sự vật. Nước cũng nhân đôi bội trùng người mơ…”.

Tấm thân Kiều, như một dòng nước gạn đục khơi trong, phản chiếu những thân phận hồng nhan lưu lạc khác của đời, chiếu soi như gương:

Làm gương cho khách hồng quần thử soi.

Ðất là biểu tượng của thực tế. Ðất sinh sản mọi thứ và chôn vùi mọi thứ. Ðất là phong nhiêu mà cũng là cát bụi. Ðất là nơi luân chuyển bốn mùa và luân chuyển những buồn đau hoan lạc, nụ cười là mặt nạ, nước mắt là đáy sâu tương ứng với hoa trái và lòng đất. Mặt đất bày ra của cải, gia sản, tiền bạc, những con đường và mê lộ. Bachelard viết về đất, nêu lên những ảnh tưởng: hang động, nhà cửa, cái bên trong và bụng dạ.

Quan hệ giữa Kiều và Thúc Sinh có thể biểu hiện qua ảnh tưởng đất. Thật vậy, không quan hệ nào khác mà Kiều phải lưu lạc qua nhiều “hang động”, nhà cửa, con đường và mê lộ đến thế.

Có thể kể ra các ảnh tưởng về đất như sau: dặm rừng, vuốt đâu xuống đất, lầu xanh, hơi đồng, luồn xuống mái nhà, đầu tường, đường sá, đường xa, quan san, muôn dặm, dặm trường, dọc đường, đường bộ, lục trình, đường hải đạo, mọi đường, đất thấp trời cao, ai ra đường nấy, nẻo xa, lần đường, quê khách, dặm cát đồi cây…

Còn về hang động và nhà cửa thì đầy: hành viện, nơi buôn người, sân ngõ, cửa công, phủ đường, sân hoa, một sân lầm cát, trong nhà, lạc nhà, đến nhà, phòng đào, viện sách, lầu trang, lầu thư, lâu đài, môn phòng, tòa rộng, dãy dài, cửa người, biết đâu là nhà, nhà vàng, thư trai, gác kinh… và địa ngục!

Về tiền bạc thì: quen thói bốc rời, trăm nghìn, hơi đồng, của dẫn tay trao, nghìn vàng, lễ công, đồ kim ngân, gấm trăm cuốn, bạc nghìn cân, giường thất bảo…

Còn cái bên trong và bụng dạ nữa, ta gặp: e thay những dạ phi thường, mà trong nham hiểm, người trong khóc thầm, nỗi lòng càng nghĩ càng cay đắng lòng, một mình âm ỉ đêm chầy, khôn lường hiểm sâu…

Và khi đất kết hợp với nước thì ra “vũng lầy”.

Khi gặp lại Thúc Sinh ở Quan Âm Các trong vườn nhà Hoạn Thư, Kiều đã cay đắng nói:

Chút thân quằn quại vũng lầy,

Sống thừa còn tưởng đến rày nữa sao?

Liệu bài mở cửa cho ra

Ấy là tình nặng ấy là ân sâu!

Ðến rày phải van sinh tình nhân “mở cửa cho ra” thì mới biết tình yêu này thực tế ra sao. Ðây là tình đất u tối nặng nề chứ không phải là tình đất phong nhiêu cởi mở. Thế nên Kiều mới đòi “mở cửa”. Bao nhiêu cánh cửa Kiều phải thoát ra trên mặt đất đoạn trường trước khi trở về với Vườn Thúy xanh màu tơ liễu của mình?

Gió có thể đưa ta đi xa, nâng cánh ta bay lên và gió có thể hủy diệt ta trong xoáy lốc của nó. Gió mang tính quyền lực với biểu tượng gươm đao. Khi gió thành giông bão, chỉ còn có bạo lực.

Kiều với Từ Hải là bi kịch. Ân oán đã trả rồi thì sao? Kiều là gió hay Từ là gió? Có một quyền lực lớn hơn gió của họ. Kẻ thì chết, người thì trầm mình. Quyền lực lôi cuốn quyền lực, gươm đao lôi cuốn gươm đao.

Từ cánh hồng bay bổng tuyệt vời đến một cung gió thảm mưa sầu thì có xa xôi gì!

Cứ thế mà ta thấy những: gió quét mưa sa, e dè gió dập, ầm ầm sát khí, oan khí
tương triền…

Và gươm đao, chao ôi là gươm đao: thanh gươm yên ngựa, đặt gươm cởi giáp, bóng cờ tiếng hoa, dựng cờ nổi trống, kéo cờ lũy, phát súng thành, trống trận nhạc quân, dưới cờ gươm tuốt nắp ra, chỉ ngọn cờ đào, gươm lớn giáo dài, bác đòng, chật đất, truyền xuống nội đao, đông mặt pháp trường, sấm sét ra tay, rạch đôi sơn hà…

Thân Kiều là cỏ bồng, thường bay theo gió cũng như bèo dạt theo nước: Bình bồng còn chút xa xôi.

Trong cuộc đền ân báo oán, Kiều chỉ cảm nhận làn gió nhẹ trong lành tươi mát từ Giác Duyên khi nàng nói cùng sư:

Rồi đây bèo hợp mây tan,

Biết đâu hạc nội mây ngàn là đâu?

Hạc nội mây ngàn bất định như gió nhưng là không gian của tự do. Gió là tự do. Là “mây bay” (mây bay hạc lánh). Sau này, về với Giác Duyên lần cuối, Kiều mới tìm thấy ánh sáng của tự do.

Lửa, cũng như ba yếu tố kia (gió, đất, nước) có hai mặt. Lửa hủy diệt, để lại tàn dư là tro: “bốn bề lửa dong”. Lửa gây đau đớn bên ngoài cũng như bên trong: lửa phiền cháy gan, lửa tâm càng dập càng nồng. Nhưng có một thứ lửa khác có thể thanh tẩy tâm hồn, soi sáng đường đi và đưa đến thức tỉnh. Kiều đã “biết” hai thứ lửa đó bằng cả xác thân và tâm hồn của mình. Nàng đã vào địa ngục và thoát khỏi địa ngục trong hang động của Tú Bà, Bạc Bà… Nàng cũng vào thiên đường “một gian nước biếc mây vàng chia đôi” khi được Giác Duyên cứu vớt.

Ánh lửa từ tâm của Giác Duyên đã cứu Kiều. Cho dù về với gia đình, với vợ chồng Kim - Vân, nàng vẫn giữ được tâm bình an, tâm không đó. Nên cũng bình an cho Vân và cho Kim. Chờ trăng lên, ánh sáng trong đêm. Và tâm cũng hóa trăng, đầy ánh chiếu dịu dàng từ ái.

Những ảnh tưởng về lửa ở đây không cần nhiều nhưng đầy ý nghĩa, như: ngọn đèn khêu nguyệt, hương đèn, cửa thiền, nâu sồng, hương dầu hôm mai…

Hình ảnh đẹp nhất cuối tập thơ:

Sư đà hái thuốc phương xa,

Mây bay hạc lánh biết là tìm đâu?

Nặng vì chút nghĩa bấy lâu,

Trên am cứ giữ hương dầu hôm mai.

Một khi nhìn thấy ánh sáng thiên đường rồi, sớm chiều không quên.

Truyện Kiều là câu chuyện về cái đẹp bị đày đọa. Nhưng cái đẹp bao giờ cũng được cứu vớt từ một tâm pháp nào đó. Từ tâm quán thiên thu của Nguyễn Du, đến lượt cái đẹp lại cứu vớt con người.

Và vì thế, cái đẹp không chết. Kiều là cái đẹp. Truyện Kiều là câu chuyện về cái đẹp bị đày đọa. Nhưng cái đẹp bao giờ cũng được cứu vớt từ một tâm pháp nào đó. Từ tâm quán thiên thu của Nguyễn Du, đến lượt cái đẹp lại cứu vớt con người.

Cái đẹp đi qua đất, nước, gió, lửa. Rồi cái đẹp hợp nhất bốn yếu tố đó - thành Nhất Thể.

Nhật Chiêu

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(1)
 
TIN NỔI BẬT
TIN MỚI

news_is_not_ads=