PHỤ NỮ TPHCM VÀ HÀNH TRÌNH BỀN Bỉ MANG HẠNH PHÚC CHO CỘNG ĐỒNG - Bài 2:

Qua đoạn đời sóng gió có bàn tay dìu đỡ

28/12/2022 - 06:17

PNO - Sự sẻ chia, đồng hành của Trung tâm Công tác xã hội Ánh Dương, Hội LHPN, Câu lạc bộ Đồng cảm và cái nhìn cảm thông, nâng đỡ của những người xung quanh đã mở ra một tương lai mới cho những người đã từng “lầm đường lạc lối”, những người không may.

"Ánh Dương kéo tôi đi..."

Sau cuộc vật lộn đớn đau, chị hạnh phúc khi tiếng khóc oe oe của hình hài bé nhỏ vang lên. Lúc được ôm lấy hình hài nhỏ bé ấy vào ngực mình, chị cảm thấy cả thế giới như được thu nhỏ lại nơi căn phòng. Nhưng rồi chiếc băng ca đẩy mẹ con chị ra khỏi phòng sinh, lướt qua rất nhiều chiếc giường trống dành cho sản phụ sau sinh và dừng lại ở một căn phòng riêng biệt dành cho mẹ con chị phía cuối hành lang, trong đầu chị đặt ra câu hỏi: “Tại sao lại như vậy?” - chị kể. Đến ngày thứ ba, bác sĩ đến thăm khám và thông báo, đứa con vừa mới chào đời của chị bị nhiễm HIV/AIDS. Chị lặng người.

Câu chuyện 18 năm trước như một thước phim chiếu chậm trong cuộc chuyện trò giữa chị H.K.T. (ngụ phường 14, quận 8, TPHCM) với chúng tôi giữa buổi chợ đông người. Với lấy con dao và rổ hành tỏi đặt ở chiếc kệ trước mặt, chị cắm cúi lột vỏ như muốn tìm kiếm một sự tập trung khác để thoát khỏi đoạn ký ức buồn. “Đời tôi cũng được vài năm sống trong nhung lụa. Cái nhà rộng trước mặt kia là nhà ba mẹ tôi đó” - chị chỉ tay về phía đối diện bên kia đường, bắt đầu kể về quãng bình yên của cuộc đời khi được một cặp vợ chồng giàu có nhưng hiếm muộn tại quận 8 nhận làm con nuôi. 

Hiện nay, ngoài đi phục vụ quán ăn, chị H.K.T. còn tranh thủ may gia công, đi giao báo và buôn bán lặt vặt để kiếm thêm thu nhập
Hiện nay, ngoài đi phục vụ quán ăn, chị H.K.T. còn tranh thủ may gia công, đi giao báo và buôn bán lặt vặt để kiếm thêm thu nhập

Ngày đó, T. được sinh ra tại vùng kinh tế mới xã Hòa Bình, huyện Xuyên Mộc, tỉnh Đồng Nai (nay thuộc tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu). Cuộc sống quá nghèo khó khiến cha mẹ quyết định cho đi đứa con gái làm con nuôi của người khác với hy vọng cuộc sống và tương lai của con sẽ tốt hơn. Nhưng cuộc đời có ai biết được chữ “ngờ”. Chẳng được mấy năm thì cha mẹ nuôi cũng thất bại trong làm ăn, T. phải nghỉ học để ra đời mưu sinh. 16 tuổi, chị xin làm công nhân may tổ hợp. 10 năm sau, chị lấy chồng và hạnh phúc chào đón đứa con gái đầu lòng. 

“Có biết đó là nỗi đau không thể tả không?” - chị T. hỏi ngược lại khi chúng tôi muốn biết chị đã đón nhận câu chuyện như thế nào trong những ngày sau đó. Cố nén nước mắt, chị kể: “Tôi đau đớn mỗi khi nghĩ về con. Nếu biết mình bị nhiễm, tôi đã không sinh ra để con phải mang căn bệnh quái ác như vậy. Những ngày dài sau đó tôi gần như không ngủ được. Nửa đêm đi qua đi lại nhìn con, thấy con bé cũng nhoẻn miệng cười mà đứt ruột. Suy nghĩ nếu không có mình, con sẽ sống ra sao cứ thôi thúc tôi bằng mọi giá phải đứng dậy. Đi không được cũng phải bò mà đứng dậy”. Và hành trình “đứng dậy” của chị là những ngày “mò mẫm trong bóng tối” bởi sự mù mờ về thông tin và cái nhìn kỳ thị của những người xung quanh. Những ngày sau đó, chị được các nhân viên Trung tâm Công tác xã hội (CTXH) Ánh Dương tìm đến thông qua sự kết nối của Hội LHPN và Trung tâm Y tế dự phòng. Với sự trợ giúp về tâm lý, pháp lý, các nhân viên Trung tâm CTXH Ánh Dương đã giúp chị hiểu biết dần về căn bệnh cũng như cách chăm sóc con. Họ đồng thời cũng lôi kéo chị tham gia nhóm tình nguyện chăm sóc người nhiễm. Việc tiếp xúc, biết thêm nhiều hoàn cảnh éo le đã giúp chị dần khuây khỏa. “Nói thật, những ngày đó, nhờ có Ánh Dương kéo tôi đi, nếu không tôi đã chết vì ru rú trong nhà” - chị T. khẳng định.

Xe nước ép trên vỉa hè giúp vợ chồng chị H.T.L. có cơ hội và động lực phấn đấu vươn lên, rời xa con đường cũ
Xe nước ép trên vỉa hè giúp vợ chồng chị H.T.L. có cơ hội và động lực phấn đấu vươn lên, rời xa con đường cũ

Chị Võ Thị Kim Nhung - Chủ tịch Hội LHPN phường 14, quận 8 - cho biết, không chỉ kéo chị T. ra khỏi căn nhà lá lụp xụp ven kênh để tham gia phong trào phụ nữ, hội còn tìm cách hỗ trợ cả về vật chất lẫn tinh thần để chị ổn định cuộc sống. Ngoài khoản thu nhập 6 triệu đồng/tháng từ công việc phụ quán ăn, năm 2018, hội đã tặng chị 1 chiếc máy may để nhận thêm hàng gia công những lúc rảnh rỗi, hỗ trợ xe máy làm phương tiện để chị nhận thêm việc giao báo. Từ năm 2003 đến nay, hội đã 3 lần giới thiệu chị vay vốn trang trải gia đình. Đầu năm nay, chị tái vay 50 triệu đồng với mong muốn mở thêm sạp hàng gia vị trước nhà tập tành cho con gái bán buôn, cải thiện khả năng giao tiếp. Tạm hài lòng với hiện tại, chị T. cho biết: “Cuộc sống của mẹ con tôi hiện đã ổn, tinh thần cũng bình lặng hơn nhiều”.

“Mỗi người một tay xốc tụi mình đứng lên" 

“May nhờ có cha mẹ, bác sĩ Đông và nhiều người đã thương mà luôn bên cạnh, tạo điều kiện và động viên để vợ chồng tôi có được ngày hôm nay” - chị H.T.L. (ngụ phường 24, quận Bình Thạnh, TPHCM) mở đầu câu chuyện “hoàn lương” của mình. Hơn 10g trưa, xe cộ qua lại không ngớt khiến giọng nói của chị gần như lọt thỏm. Cái máy vắt nước cam làm việc không ngừng bởi khách liên tục vào ra. Anh N.A.T. phụ vợ gọt trái cây, giao nước và thu tiền. Quán chỉ có 1 chiếc bàn và vài ba cái ghế nhựa đặt khiêm tốn trên vỉa hè, nhưng anh T. cho biết, trung bình từ 10g sáng đến 5g chiều mỗi ngày, vợ chồng anh vắt hơn 1 tạ cam, chưa kể các loại trái cây khác đã ép sẵn tại nhà. Xe nước ép đã mang lại cho vợ chồng họ nguồn thu nhập khoảng 8 triệu đồng/tháng. “Cũng may là chính quyền tạo điều kiện cho tụi mình buôn bán, rồi mỗi người một tay đã xốc tụi mình đứng dậy, chứ nếu không lại chán nản rồi sa vào con đường cũ” - anh T. nói. Rồi anh chỉ ngôi nhà mà xe nước của vợ chồng anh đang tựa lưng vào và cho biết, chủ nhà cho vợ chồng anh câu ké điện nhưng cũng không tính tiền.

Bác sĩ Ngô Thị Ánh Đông (bên trái) đã cảm hóa chị em lầm lỡ bằng sự quan tâm, chăm lo của mình
Bác sĩ Ngô Thị Ánh Đông (bên trái) đã cảm hóa chị em lầm lỡ bằng sự quan tâm, chăm lo của mình

Chị L. quê ở miền Trung, vì hoàn cảnh gia đình khó khăn nên từ nhỏ đã vào TPHCM mưu sinh bằng đủ nghề. Năm 17

Đa dạng hoạt động hỗ trợ nhóm phụ nữ có nguy cơ, yếu thế

Trong 5 năm thực hiện đề án 938, các cấp hội và các CLB Đồng cảm từng địa phương đã tuyên truyền, giáo dục, vận động, hỗ trợ 4.258 đối tượng phụ nữ có nguy cơ hoặc vi phạm đạo đức, pháp luật, giúp họ có chuyển biến tích cực về hành vi. Bên cạnh đó, hội cũng đã chú trọng công tác dạy nghề, hỗ trợ vay vốn để tạo điều kiện cho phụ nữ tái hòa nhập có cơ hội làm lại cuộc đời.
Là địa chỉ đáng tin cậy cho chị em phụ nữ yếu thế, Trung tâm CTXH Ánh Dương đã chủ động kết nối để can thiệp, hỗ trợ các cá nhân, gia đình, nhóm, cộng đồng yếu thế nhằm góp phần gia tăng phúc lợi xã hội dành cho họ. Riêng trong năm 2022, trung tâm đã tổ chức thực hiện xét nghiệm HIV/AIDS miễn phí cho 2.659 khách hàng, hỗ trợ kết nối điều trị ARV thành công cho 90 ca dương tính với HIV và chuyển gửi điều trị các dịch vụ phù hợp.

tuổi, chị phát hiện người yêu của mình chơi ma túy. “Ngăn hoài người ta không bỏ được, tức quá tôi chơi thử để bỏ cho người ta thấy, không ngờ dính luôn. Cảm giác khi dùng chẳng dễ chịu gì, nhưng không hiểu sao, hễ có chuyện buồn là mình cứ nghĩ về nó” - chị L. nhớ lại. 

Năm 2010, chị vào Trung tâm Cai nghiện ma túy quận Bình Thạnh thì gặp anh T. cũng đang cai nghiện. Thấy con mình gặp và thương người đồng cảnh ngộ, bà Bạch Nhàn - mẹ của anh T. - hết lòng tác hợp với hy vọng anh T. có động lực thay đổi. Năm 2012, thời điểm sinh đứa con đầu lòng, hai vợ chồng được bác sĩ Ngô Thị Ánh Đông - Chủ nhiệm Câu lạc bộ (CLB) Đồng cảm quận Bình Thạnh - mời lên sinh hoạt. “Cũng có thời điểm vợ chồng tôi quyết tâm bỏ ma túy, nhưng cuộc sống không nền tảng, không tiền bạc khiến chúng tôi cứ “trở đi trở lại”. Bác sĩ Đông như một người mẹ, tận tụy chỉ cho vợ chồng tôi cách chăm sóc con, sắp xếp gia đình, rồi giới thiệu đủ công việc để chúng tôi đi làm. Nhưng làm vài tuần, không thích, chúng tôi lại nghỉ… Bác sĩ Đông đã rất kiên trì với chúng tôi” - chị L. nhớ lại.

Chuyên chăm sóc những bệnh nhân lao, HIV, bác sĩ Ánh Đông cho biết, bà thường tìm hiểu thật kỹ hoàn cảnh của từng đối tượng và gia đình L. là hoàn cảnh khó khăn nhất bà từng tiếp xúc. Nhờ can thiệp sớm nên con của L. ra đời không nhiễm bệnh và bà lấy chính đứa trẻ ấy để khơi gợi khát vọng vươn lên ở hai vợ chồng. Bác sĩ Ánh Đông kể: “Cứ mỗi lần được trao quà, tôi nói với L. rằng, người dưng còn quan tâm nhau như thế, thì cớ sao mình là mẹ lại bỏ mặc tương lai con mình. Mưa dầm thấm lâu, các em đã tránh xa cái xấu, rồi rủ thêm những người bạn khác đến với CLB. Hiện nay, CLB trở thành ngôi nhà chung để 30 phụ nữ mở lòng, kết nối với nhau”. 

Thu Lê

Bài cuối: Gỡ nút thắt để nhà nhà được ấm êm

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI