PNO - Chúng tôi đã thử tạo một trang trên Facebook (fanpage) có tên “An ninh mạng và phòng chống tội phạm công nghệ cao...”, đăng bài có nội dung “hỗ trợ thu hồi tiền bị lừa” rồi chạy quảng cáo, liền được Facebook phê duyệt ngay.
Nếu chọn mức phí chạy quảng cáo 25.000 đồng/ngày, bài viết trên có thể tiếp cận được khoảng 12.000 người/ngày; nếu chọn mức phí 40.000 đồng/ngày, bài viết trên có thể tiếp cận được 50.000-60.000 người/ngày, phí càng cao thì bài viết có khả năng tiếp cận được lượng người nhiều hơn. Facebook còn có tính năng hỗ trợ bài viết tiếp cận đối tượng theo mục tiêu mà người viết đặt ra về độ tuổi, trình độ, vùng miền.
Do chỉ cần đóng tiền là chạy được quảng cáo nên các mẩu quảng cáo lừa đảo xuất hiện nhan nhản trên mạng xã hội Facebook. Những ngày qua, Facebook xuất hiện nhiều bài đăng với nội dung hỗ trợ xác thực sinh trắc học có gắn nhãn “được tài trợ”, tức có đóng tiền quảng cáo. Khi nhắn tin cho trang “Agribank - hỗ trợ sinh trắc học”, chúng tôi được chủ trang này đề nghị kết bạn qua Zalo, gọi video call hướng dẫn cách xác thực. Sau đó, lấy lý do ứng dụng ngân hàng bị lỗi, chủ trang này yêu cầu chúng tôi tải lại ứng dụng thông qua một đường dẫn (link) do anh ta cung cấp.
Theo ông Vũ Ngọc Sơn - Ủy viên Ban Chấp hành Hiệp hội An ninh mạng quốc gia, Giám đốc kỹ thuật Công ty cổ phần Công nghệ an ninh mạng quốc gia (NCS) - việc yêu cầu gọi video call là cách để các đối tượng xấu thu thập hình ảnh, cử chỉ của nạn nhân, còn việc yêu cầu tải ứng dụng ngân hàng cũng giống như chiêu lừa tải các ứng dụng của cơ quan công an, cơ quan thuế trong thời gian qua. Các ứng dụng này đều chứa mã độc, từ đó đối tượng xấu có thể truy cập và kiểm soát hoạt động của người dùng trên điện thoại nhằm chiếm đoạt tiền trong tài khoản.
Vài tuần trước, khi người dân xếp hàng ở các ngân hàng để mua vàng miếng SJC, trên Facebook liền xuất hiện các mẩu tin quảng cáo rao bán vàng miếng SJC với hình thức sang tay hoặc các trang mời gọi đầu tư vàng như “Đầu tư vàng online”, “Chiến lược lướt sóng 5.0”, “Thương vụ đầu tư thông minh”, “Đầu tư tài chính tại nhà”…
Xuất hiện nhiều nhất trên Facebook là các mẩu quảng cáo với nội dung “hỗ trợ lấy tiền bị lừa đảo”, “hỗ trợ lấy tiền bị treo khi làm nhiệm vụ xử lý đơn hàng trên các sàn điện tử, đầu tư chứng khoán trên các app”… Thậm chí, các đối tượng lừa đảo còn lập các trang có hình đại diện là logo của Bộ Công an, thường xuyên đăng video có người mặc đồng phục công an ra rả cảnh báo về các thủ đoạn lừa đảo phổ biến hoặc đang trấn áp tội phạm giả danh công an.
Doanh nghiệp bất lực với nạn mạo danh
Từ lâu, các doanh nghiệp vừa bức xúc, vừa bất lực trước tình trạng lập fanpage mạo danh doanh nghiệp, trung tâm thương mại, siêu thị lớn để bán hàng kém chất lượng, không rõ nguồn gốc.
Trên mạng xã hội Facebook, tràn ngập các mẩu quảng cáo lừa đảo, dẫn dụ mọi người theo các vấn đề đang được quan tâm như cập nhật sinh trắc học, đầu tư vàng online, thu hồi tiền bị lừa đảo...
Ông Đặng Thanh Phong - Trưởng phòng Truyền thông Điện Máy Xanh - cho biết, sau khi lập fanpage giả với hình ảnh, logo Điện Máy Xanh, chủ fanpage mạnh tay chi tiền chạy quảng cáo, thường hiển thị ở những vị trí đầu trong mục tìm kiếm nên khách hàng dễ tiếp cận và nhận nhầm. Trước đây, những kẻ lập fanpage mạo danh thường bán các phụ kiện điện máy dỏm, cung cấp các dịch vụ sửa chữa không uy tín, thông báo khách hàng trúng giải thưởng rồi đề nghị khách phải thanh toán một khoản chi phí nhằm chiếm đoạt tiền. Gần đây, chúng lừa khách hàng tham gia vào các hội nhóm trên ứng dụng Telegram (ứng dụng trò chuyện), hướng dẫn khách đánh giá sản phẩm trên website giả mạo Điện Máy Xanh, nạp tiền thanh toán đơn hàng để nhận hoa hồng, cam kết số hoa hồng sẽ được chuyển thành cổ phiếu công ty…
Công ty cổ phần Vincom Retail cũng bị các đối tượng lừa đảo lập fanpage mạo danh, sử dụng trái phép tên, logo công ty để bán hàng không rõ nguồn gốc. Khi thấy fanpage mạo danh, họ chỉ có thể bấm nút báo cáo (report) để Facebook khóa trang, nhưng vừa báo cáo trang giả mạo này thì trang giả mạo khác liền xuất hiện.
Ông Ngô Minh Hiếu (Hiếu PC) - công tác ở Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia (NCSC) thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông - cho biết, có nhiều nguyên nhân khiến quảng cáo lừa đảo trên Facebook xuất hiện ngày càng phổ biến. Cụ thể: do Facebook sử dụng các thuật toán tự động để duyệt quảng cáo và các thuật toán này có thể bị kẻ lừa đảo qua mặt; do số lượng quảng cáo được tạo ra hằng ngày trên Facebook quá lớn, không thể kiểm duyệt xuể; các nội dung quảng cáo lừa đảo ngày càng tinh vi, sử dụng các nội dung gốc từ các trang web, fanpage uy tín.
Trước thực trạng này, ông Ngô Minh Hiếu cho rằng, cơ quan chức năng cần hợp tác chặt chẽ với Facebook để giám sát và xử lý các mẩu quảng cáo lừa đảo. 2 bên có thể chia sẻ dữ liệu và thông tin về các mô hình lừa đảo để Facebook cải thiện các thuật toán và bộ lọc của mình, tăng đầu tư vào công nghệ AI và máy học (một nhánh nhỏ của AI) để cải thiện khả năng phát hiện các quảng cáo lừa đảo, tăng kiểm duyệt thủ công đối với các quảng cáo có dấu hiệu khả nghi hoặc các tài khoản mới tạo. Bên cạnh đó, cơ quan chức năng cần tổ chức các chiến dịch truyền thông nâng cao nhận thức về các chiêu lừa phổ biến, cách nhận biết trang lừa đảo, cách báo cáo các trang lừa đảo cho Facebook và cơ quan chức năng.
Tiến sĩ Ngô Tấn Vũ Khanh - Giám đốc phụ trách doanh nghiệp của hãng bảo mật Kaspersky tại Việt Nam - cho rằng, các tổ chức, doanh nghiệp, ngân hàng chỉ bảo vệ trong hệ thống của mình nên để tránh bị lừa, chính người dùng Facebook phải tự nhận biết quảng cáo lừa đảo. Họ nên chậm lại một chút khi tiếp nhận các mẩu quảng cáo, suy xét xem mình đang tương tác với ai, nhằm mục đích gì. Những trang đăng các mẩu quảng cáo lừa đảo thường không có địa chỉ hoặc địa chỉ mơ hồ, có rất ít bài viết, ít tương tác (ít lượt thích, chia sẻ, bình luận), bị nhận nhiều biểu tượng phẫn nộ…
Ông Lê Anh Dũng - Phó vụ trưởng Vụ Thanh toán, Ngân hàng Nhà nước - cho biết, các hành vi lừa đảo ngày càng tinh vi, khiến những người có học thức cao như nhân viên ngân hàng cũng bị thao túng tâm lý. Hiện nay, các ngân hàng đều có giải pháp nhận biết hành vi lừa đảo để hỗ trợ khách hàng. Chẳng hạn, Ngân hàng Quân đội (MB Bank) áp dụng tính năng nhận diện thông tin tài khoản lừa đảo để cảnh báo cho khách hàng, Ngân hàng Á Châu (ACB) trang bị tính năng phát hiện điện thoại khách hàng đang có các ứng dụng đáng ngờ. Ngành ngân hàng đã và đang tích cực phối hợp với Bộ Công an làm sạch dữ liệu, xác minh thông tin khách hàng qua căn cước công dân có gắn chip, tài khoản VNeID để đảm bảo an toàn, an ninh mạng cho hoạt động thanh toán; áp dụng quy định phải cập nhật sinh trắc học khi khách hàng chuyển tiền trên 10 triệu đồng/giao dịch hoặc trên 20 triệu đồng/ngày.
Tiến sĩ Ngô Tấn Vũ Khanh - Giám đốc phụ trách doanh nghiệp của hãng bảo mật Kaspersky tại Việt Nam - đánh giá, việc kiểm duyệt quảng cáo của Facebook rất kém, rất tệ so với các năm trước. Tần suất xuất hiện quảng cáo lừa đảo cũng dày đặc, nhất từ khi dịch COVID-19 được kiểm soát (cuối năm 2021). Theo ông, tình trạng này một phần do Facebook bị sụt giảm mạnh doanh thu nên tìm mọi cách để thu được nhiều tiền quảng cáo. Trong khi đó, các cơ quan chức năng vẫn chưa hợp tác chặt chẽ với Facebook để kiểm duyệt thông tin.
Nhiều khách sạn ở TP Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang rao tuyển nhân viên dọn phòng với mức tiền công 42.000-45.000 đồng/giờ thay cho mức 30.000-35.000 đồng/giờ như lâu nay.
J&T Express tiếp tục gia tăng đặc quyền cho khách hàng thân thiết với ưu đãi hấp dẫn dịp cuối năm, mang đến hàng ngàn voucher miễn phí cho khách hàng...