Quả đắng du lịch biển: Nuốt hận đến bao giờ?

15/07/2016 - 12:32

PNO - Ngự trên đỉnh Sơn Trà nhìn ra Biển Đông, chùa Linh Ứng là điểm tham quan không thể bỏ qua của du khách khi đến Đà Nẵng, được xem là chốn linh thiêng, nhưng chẳng hiểu sao tôi cứ có cảm giác bất an.

8g sáng. Tôi lên chùa Linh Ứng ở Sơn Trà (Đà Nẵng). Nắng chói chang nhưng người viếng thăm vẫn kìn kìn. Tượng Phật bà Quan Âm ánh lên trong nắng. Khách thập phương cầm điện thoại thi nhau bấm xẹt xẹt. Không khó tìm thấy khách Trung Quốc (TQ). Họ đi theo đoàn, lúc lào khào lúc ”vô tư” cười to, nói lớn...

Nếm nhục ở chùa Linh Ứng

Đến dưới một gốc bồ đề, nhóm khách TQ này dừng lại. Một hướng dẫn viên (HDV) nữ không đeo bảng hướng dẫn chỉ tay về tượng Phật thuyết minh. Tôi giơ máy ảnh lên, tức thì cô HDV này rẽ đám đông tiến lại: “Anh đừng chụp em”. Giọng Bắc. “Em là HDV à?”. “Vâng. Anh không được chụp em”. “Nếu chụp thì sao?”. “Không được”. Cô trợn mắt. Tôi bỏ máy ảnh xuống, nghĩ lại thì đúng là mình không có quyền chụp ảnh riêng tư. Nhưng, không cam tâm, tôi lại hỏi: “Em là HDV Việt Nam sao không đeo thẻ?”. “Anh không phải thanh tra du lịch”. “Nếu là HDV sao lại giấu thẻ và sợ bị chụp ảnh?”. “Anh không được chụp. Sao lại hỏi nhiều thế?”. “Mấy hôm nay dư luận than phiền HDV tiếng Trung xuyên tạc lịch sử văn hóa nước mình…”. “Việc ai nấy làm, can gì đến anh?”. Máu nóng đã bốc lên mặt nhưng chẳng lẽ nói ngang kiểu “gia truyền” của dân Quảng Nam “Tau chụp kệ tau, mi làm chi được tau?”, tôi cắn răng lý sự “cùn”: “Hỏi là việc của anh, trả lời là việc của em”. Cô ta trợn mắt ngó tôi lần nữa, rồi quay lại với khách, xí xô một tràng, khách dãn ra, đi tự do.

Không nản, tôi tiếp cận hai ông khách đứng tuổi đang nói cười. Tiếng Trung không đầy… cái lá mít nhưng thấy một ông rút ra cái thẻ có dán ảnh, tôi giả bộ cười thân thiện, chìa tay xin xem. Ông này có vẻ dễ dãi, đưa ngay cho xem. Tấm thẻ tương tự chứng minh thư ở ta. Ông tên Lý Nhật Thầu, sinh năm 1957, quê ở Hải Khẩu, Hải Nam, TQ. Chợt nhớ dân Quảng Bình có một tàu cá đang bị giữ ở Hải Nam, 17 thuyền viên bị TQ ép ký thừa nhận Hoàng Sa, Trường Sa là của TQ, tôi rút viết cố rặn ra mấy chữ Hán để… bút đàm “Hoàng Sa, Trường Sa thị thực Việt Nam”, đẩy về phía ông ta. Ông ta ngó rồi lắc đầu. Tôi ráng thêm câu nữa “Hoàng Sa, Trường Sa quần đảo ư Việt Nam lãnh thổ”. Ông ta lại lắc đầu, cười hô hố, lấy cây viết trên tay tôi, viết ngay chữ “Trung Hoa”.

Tôi gọi HDV đang ngồi gần đó: “Em nè, họ nói Hoàng Sa, Trường Sa thuộc TQ, em giải thích đi”. Cô HDV đứng lên, nhìn tôi như đồ hủi, không thèm hé răng. Tôi nhớ mấy ngày trước, lãnh đạo Sở Du lịch Đà Nẵng hai lần khẳng định sẽ siết chặt kỷ cương việc HDV xuyên tạc lịch sử, rồi phối hợp với công an kiểm tra khách TQ hành xử vô văn hóa, vi phạm pháp luật, coi thường dân mình khi xảy ra chuyện họ đốt tiền Việt, xấc xược vô lối với chị bán hàng rong trên đường Phan Chu Trinh. Vậy mà, cả buổi sáng, tôi tìm mãi chẳng thấy bóng ông thanh tra du lịch nào.

Qua dang du lich bien: Nuot han den bao gio?
Chùa Linh Ứng, nơi thú hút khá đông khách du lịch TQ

Anh thợ chụp ảnh dạo trước cổng chùa nói như đinh đóng cột: “Tôi rành mà, HDV không cho ai chụp ảnh, vì sợ khách xúm lại chụp, HDV sẽ bị phê bình này nọ, mất tiền. Mình hỏi nó không nói gì đâu. Mấy ngày nay đọc báo thấy nói quá trời, nó sợ là phải thôi. Người nam đi kè kè cô ta là HDV TQ. Lúc thì người mình thuyết minh, lúc thì họ thuyết minh, có ai ngăn cản chi mô. Khách TQ đi chùa mà như đi chợ. Anh không tin thì hỏi bảo vệ”. Khách chen kín lối ra vào, ồn ào la hét.

Ngự trên đỉnh Sơn Trà nhìn ra Biển Đông, chùa Linh Ứng là điểm đến không thể bỏ qua của du khách, được xem là chốn linh thiêng, nhưng chẳng hiểu sao tôi cứ có cảm giác bất an. Anh bảo vệ giọng trầm xuống, tức tối: “Tôi bực mình lắm. Khách TQ đến đây gây ồn ào, vô chánh điện mà không chịu bỏ dép, lại coi thường mình, tới xứ mình mà coi như của họ, cứ nói Biển Đông là của họ, nên mặc tình lấn lướt. Mình là chủ nhà, không lẽ nện cho nó một gậy? Tức lắm mà không biết nói sao. HDV thì người nói đúng kẻ nói sai, loạn cả lên, cứ nói bừa là đất này của TQ. Tôi ở đây đã gần hai năm rồi, có lạ chi. Từ đầu năm đến nay, không hiểu sao họ đổ qua đây rất đông. Hôm trước, ba khách nam vào vệ sinh mà cũng la hét om xòm, tôi vào xịt xối dọn rửa xong, nó rút 10.000đ tiền mình xỉa trước mặt. Tôi không thèm nhận, bỏ đi, nó trố mắt nhìn. Có người nhắc răng anh không lấy tiền? Tôi nghèo nhưng không thèm tiền của thứ vô văn hóa!”.

“Lúc nãy em có hỏi chị ngồi ghi tên khách cúng ở thùng cúng dường, chị nói họ không bao giờ cúng dường”. Anh gật đầu cái rụp: “Không sai! Khách TQ đến chùa chỉ để… phá. Nói xin lỗi, họ tới đi vệ sinh cho chật hầm chứ được chi…”. Anh nói mà mặt đanh lại, mắt như đỏ lên. Ngoài kia là biển, gió cứ như đi hoang, biển vô tư lự, nhưng trên bờ, chỗ tôi đứng đây, lòng dân Việt đang nổi sóng. 15 NĂM

Trước đã từng như thế

Chuyện HDV đâu chỉ là chuyện của riêng của họ, vì họ là “đại sứ” bắc cầu văn hóa nước này với nước kia, nhưng vì tiền mà có những người trong số họ nói năng bất chấp sự thật. “Nói thiệt là chị không tin những HDV Việt Nam làm cho khách TQ, họ tha hóa lắm, ít ra là khi họ vô chợ ni”, chị chủ cửa hàng Mai Hội ở ngay cửa ra vào chợ Hàn nói bằng giọng buồn buồn. Chợ Hàn là chợ lớn nhất Đà Nẵng, không thiếu thức gì gọi là đặc sản xứ này.

“Đây là chợ văn minh - chị nói - giá niêm yết hết, nhưng khách TQ vô là trả bằng nửa, nâng lên hạ xuống, cãi cọ um sùm, phá đồ rồi đi mà không mua, mình tức không biết nói chi”. “Vậy HDV đâu?”. “Họ ăn tiền rồi, nói chi nữa! Cả cái chợ ni bán như nhau, nhưng khách tập trung trên mấy khách sạn ở đường Võ Nguyên Giáp được HDV móc nối với một quầy, bao nhiêu khách đều bị dẫn tới đó, chỉ mua ở đó, hỏi em có tức không? Khách Tây lịch sự lắm, HDV cho Tây cũng có văn hóa hơn. Ở đây là chợ nhưng chợ không phải là không có văn hóa! Họ mà vô là khách Tây ngán liền”.

Sóng to đè sóng nhỏ. Nguy cơ đã thành hiện thực. Sóng có chân, có rễ, âm thầm gieo hạt rồi thành ngọn, đâu phải một ngày đột nhiên nứt đáy đại dương trào lên. Tôi đi trên đường Võ Nguyên Giáp chạy sát biển, nhan nhản biển hiệu chữ TQ, từ nhà hàng đến khách sạn. Dân Đà Nẵng gọi đây là phố Tàu, khách TQ đến là ăn chơi khép kín ở đây. Có tỏa đi nơi khác rồi cũng quay về đây. Làm khách sạn, đưa khách sang, xuyên tạc, gieo rắc, rồi trở về… Tất cả như đã có bài bản chuẩn bị. Con đường này dẫn về Hội An. Cách đây ba năm, tôi suýt đánh nhau với khách TQ ở Cù Lao Chàm, khi họ nói đây là đất của họ. Mua đồ hải sản của dân Bãi Hương (Cù Lao Chàm) mà họ chửi rủa loạn xị, mấy chị bán hàng vừa bán vừa than trời, nhưng mình nói mình nghe họ nói họ biết. Khách Tây thấy khách TQ là bỏ đi.

Anh T. V. Khoa, giám đốc một công ty du lịch tại Hội An (Quảng Nam), uất ức: “Tôi chuyên về các tour du lịch sinh thái trong rừng dừa bảy mẫu Cẩm Thanh, làng trồng rau Trà Quế, cho khách đi cấy lúa, chăn trâu… Khách Tây thích khám phá và tìm hiểu văn hóa, rất nhẹ nhàng. Khoảng hai năm nay khách TQ tràn về rất đông. Họ vào rừng dừa bảy mẫu la hét ồn ào, bứt phá cây lá. Nhiều khách hàng truyền thống phàn nàn. Chúng tôi phải bỏ rừng dừa ra ngoài sông Hoài tìm chỗ yên tĩnh để làm. Du lịch như người TQ là du lịch phá hoại. Họ không đem lại cho dân mình đồng nào mà còn phá phách, lại vô văn hóa”.

Ông Lê Thanh, Chủ tịch UBND xã Cẩm Thanh (TP.Hội An) bộc bạch: “Trước đây chủ yếu là khách châu Âu, châu Mỹ tới tham quan; nhưng gần đây khách TQ về rất đông. Mà khách Âu thì không bao giờ chịu đi cùng chỗ với người TQ. Lúc này, lượng khách Âu đã có phần sụt giảm”. Ông thở dài, khách TQ thực sự gây phiền toái nhiều hơn là giúp phát triển bền vững ở địa phương. Bất ngờ ông kể, lúc còn làm bên du lịch, ông đi Thái Lan, mình nhập cảnh là có HDV của họ giành ngay quyền thuyết minh và hướng dẫn, như vậy thì làm gì có chuyện HDV chui.

“Cách đây khoảng 15 năm, ngay chính các HDV du lịch Việt Nam còn nói với khách nước ngoài biển Đà Nẵng là China beach, sau này mới sửa, chậm chạp và tai hại vậy đó”. Lãnh đạo ngành văn hóa ở Hội An nói khách TQ chỉ ở phố cổ là chính, nhưng tôi lại nhớ mấy bà trong chợ Hội An la trời vì khách TQ đến đâu thì khách Tây bỏ đi đến đó. Ông Trần Chí Cường, Phó giám đốc Sở Du lịch Đà Nẵng nhận định: “Họ đi khép kín trong hệ thống điều hành nghỉ ngơi, mua sắm của họ, nên đồng tiền luân chuyển trong đó rồi về lại (TQ)”.

Tức lắm! Đó là nỗi uất nghẹn của nhiều người. Nhưng, đành ôm hận và… nhìn. Ai đó nói trên báo, là quản lý khách du lịch TQ ở ngoài Bắc là mở hai mắt, ở Nha Trang là nhắm mắt, ở Đà Nẵng là mắt nhắm mắt mở. Khách cứ tung tăng, bao nhiêu năm rồi kỷ cương trong chuyện này có ai ngó ngàng đâu!

Xử lý khách Trung Quốc: Không làm nghiêm họ sẽ coi thường

Tại Hội nghị Thành ủy Đà Nẵng lần thứ 5 ngày 12/7, ông Ngô Quang Vinh, Giám đốc Sở Du lịch Đà Nẵng, cho biết: sá u tháng đầu năm 2016, lượng khách Trung Quốc đến Đà Nẵng tăng 83%. Việc khách Trung Quốc đến đông, ngoài những mặt tích cực, trong phát triển du lịch đã và đang nảy sinh nhiều vấn đề tiêu cực.

Theo ông Vinh, hiện nay, tại Nha Trang lượng khách Trung Quốc tăng gấp năm lần, cơ quan chức năng Đà Nẵng đã bắt được một số công ty lữ hành không hoạt động được ở Nha Trang nên đưa khách ra Đà Nẵng, và đã xử lý nghiêm. Ông Nguyễn Xuân Anh, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng nói: “Phải làm thật nghiêm, theo đúng quy định của pháp luật, bất kể ai. Quản lý nhà nước không chặt chẽ, người ta sẽ coi thường mình” .

Thành Nguyễn

Việt - Nhân

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI