Trong khi dư luận cả nước bức xúc trước thông tin hướng dẫn viên (HDV) “chui” người Trung Quốc tràn lan ở nhiều tỉnh miền Trung thì ngay tại Nha Trang, các cuộc họp tập trung các HDV “chui” để trao đổi “kinh nghiệm” khi tác nghiệp tại Nha Trang vẫn diễn ra công khai nhưng cơ quan quản lý du lịch không hề hay biết.
Thao túng
Khoảng 11g ngày 5/7, xe du lịch chở các đoàn khách Trung Quốc (TQ) bắt đầu đổ về khu vực đường Cao Thắng, TP.Nha Trang. Trong vòng chưa đầy một giờ, có đến hơn 200 du khách TQ ra vào cửa hàng ở ngã ba mua sắm. Xe khách Hyundai mang biển kiểm soát TP.HCM và Bình Dương của Công ty du lịch Kh.Th. rẽ xuống đậu bên kia đường. Khi đoàn du khách bước xuống, HDV là một thanh niên TQ.
Tôi hòa theo dòng người đi vào trong cửa hàng nhưng chỉ sau vài phút thì bị một nhân viên người TQ trong cửa hàng phát hiện. Anh này ra hiệu cho nhân viên nữ mời tôi ra ngoài dù tôi nói mình muốn mua hàng. Khoảng 40 phút sau, đoàn du khách TQ quay trở ra, trên tay không mang theo món hàng nào. Một người dân trong khu vực cho biết, thời gian gần đây, các cửa hàng chuyên phục vụ du khách TQ đã thực hiện dịch vụ giao hàng tận nhà, chủ yếu là các sản phẩm nệm cao su, trầm hương.
|
Các hướng dẫn viên "chui"Trung Quốc họp tập trung tại số 25 Phan Chu Trinh, Nha Trang ngày 5/7 nhưng cơ quan quản lý du lịch không hề hay biết |
Tuy nhiên, theo phân tích của một chủ doanh nghiệp có tiếng về sản xuất nệm cao su trong nước, tuyệt đối không có chuyện ship hàng xuyên biên giới như vậy do chi phí rất cao. Vị này dẫn chứng, do biết doanh nghiệp của ông sản xuất nệm cao su cao cấp, đầu năm 2016, giám đốc một công ty du lịch ở Quảng Đông đã hẹn gặp nhưng mục đích là đặt hàng... dổm.
Theo vị này, phía TQ đưa ra yêu cầu giảm 30% tỷ lệ cao su tự nhiên nhưng vẫn giữ nguyên thương hiệu, giá niêm yết. Kèm theo yêu cầu này là đề nghị số lượng mua rất lớn, từ năm-bảy container một tháng, giao hàng tại Thượng Hải, hàng mẫu gửi tại... Nha Trang. Thấy rõ ý đồ kinh doanh không lành mạnh, phá hoại thương hiệu, phía doanh nghiệp Việt Nam đã từ chối. Theo ghi nhận của chúng tôi, ngoài cao su, các doanh nghiệp lữ hành do TQ đứng phía sau cũng đang đẩy mạnh thâu tóm các mặt hàng có giá trị cao khác vốn được xem là đặc sản du lịch Việt Nam tại Nha Trang. Gần đây nhất là lụa Hà Đông.
Khoảng 15g ngày 5/7, trong vai một khách hàng đi đặt tour cho đoàn lớn, chúng tôi thâm nhập trụ sở Công ty cổ phần du lịch Việt Nam - Hà Nội ở số 25 Phan Chu Trinh, phường Vạn Thạnh, TP.Nha Trang. Chi nhánh công ty tại Nha Trang bắt đầu hoạt động từ tháng 2/2016. Trong giới HDV du lịch, hầu hết đều biết công ty này chuyên phục vụ du khách TQ và sử dụng nhiều lao động TQ để dẫn đoàn.
Khi chúng tôi vào bên trong, có gần 30 HDV “chui” người TQ mà chúng tôi đã biết mặt trước đó. Một người đàn ông TQ khoảng 35 tuổi, đeo mắt kính tập hợp mọi người vào phòng họp lớn. Thỉnh thoảng, lại có thêm một HDV “chui” TQ đi tour về tham gia buổi họp. Trong số này, có cả các sitting guide người Việt mới làm cho công ty. Khi tất cả yên vị, thanh niên người TQ bắt đầu giảng về sản phẩm lụa Hà Đông là đặc sản của Việt Nam, các công dụng của lụa đối với sức khỏe. Một thành viên công ty cho biết, đây là cuộc họp thường kỳ mà công ty yêu cầu tất cả các HDV phải tham dự.
Mục đích chủ yếu của cuộc họp không phải quảng bá đặc sản Việt Nam mà là để tăng doanh thu bán hàng, đặc biệt là tập trung sản phẩm tơ lụa được lấy từ TQ. Dẫn đến tình trạng này là do thời gian vừa qua, thị trường cao su và trầm hương bị giảm mức chiết khấu nên các công ty du lịch bị giảm lợi nhuận, phải chuyển hướng sang sản phẩm lụa. Không dừng lại đó, những cuộc họp tương tự thỉnh thoảng còn được thông báo áp dụng quy trình kỳ cục như sitting guide phải xuống mua vé khi đến điểm tham quan để không bị cơ quan chức năng xử phạt. Đối với các HDV người TQ sang Việt Nam, công ty đặt sẵn phòng và chia ra rải rác nhiều khu vực để tránh bị chú ý...
Phẫn nộ và im lặng
Phi vụ ồn ào của Silent Bay tại Nha Trang bị phát hiện cũng là lúc tình trạng “mua văn” (cách gọi của TQ, hiểu nôm na là thỏa thuận ngầm thuê lại giấy phép kinh doanh, đứng ra điều hành tất cả) được báo động. Theo đó, để hợp thức hóa pháp nhân khi khai thác thị trường, các đơn vị du lịch của TQ tiến hành các hợp đồng hợp tác để công ty lữ hành quốc tế tại Việt Nam mở thêm chi nhánh. Chi phí “mua văn” hầu như không được tiết lộ công khai nhưng thông thường có thể lên đến hàng trăm ngàn đô la. Thông lệ ngầm này lý giải phần nào vì sao nắm trong tay lượng khách hàng tới 300.000 người nhưng một công ty du lịch TQ vẫn phải “qua cửa” Silent Bay dưới danh nghĩa hợp tác.
Theo xác minh của chúng tôi, Công ty cổ phần du lịch Việt Nam - Hà Nội (Vietnamtourism - tên thường gọi) có trụ sở tại 30A Lý Thường Kiệt, Q.Hoàn Kiếm, Hà Nội. Thành lập từ năm 2007, đây là đơn vị có tiếng trong hoạt động lữ hành quôc tế. Hiện nay, Vietnamtourism đã mở rất nhiều chi nhánh để khai thác lữ hành tại các tỉnh, chi nhánh Nha Trang là một trong số đó. Dư luận đặt vấn đề: với một đơn vị có thâm niên và chuyên nghiệp như vậy, Vietnamtourism cần gì ở mấy chục lao động TQ như cảnh tượng mà chúng tôi đã chứng kiến? Lẽ nào Vietnamtourism lại sẵn sàng bỏ qua tên tuổi, đặt hết vai trò sứ mệnh vào những người TQ vừa đặt chân đến Nha Trang vài tháng?
Đối lập với sự công khai rầm rộ của thực trạng hướng dẫn “chui” ở các điểm du lịch lẫn trụ sở công ty du lịch lại là sự im lặng khó hiểu của lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa. Nắm được nhiều thông tin thực tế, bằng chứng về nhiều hoạt động trái phép, chúng tôi liên hệ với lãnh đạo UBND tỉnh để cung cấp và tìm hiểu thêm về hướng xử lý. Nhân viên văn thư văn phòng UBND tỉnh Khánh Hòa cung cấp số điện thoại của ông Huỳnh Ngọc Bông - Chánh văn phòng UBND tỉnh để liên hệ. Thay vì trả lời theo quy chế trách nhiệm, ông Bông hướng dẫn nhà báo gặp cán bộ Phòng Văn xã, sau đó làm công văn chỉ đạo Sở Du lịch trả lời.
Chuẩn bị sẵn danh sách hướng dẫn viên “chui” gồm cả số điện thoại, địa chỉ tạm trú, tên công ty làm việc, hình ảnh vi phạm thực tế sang Sở Du lịch, chúng tôi được văn phòng sở này thông báo ông Trần Việt Trung, Giám đốc Sở Du lịch Khánh Hòa bận họp. Qua điện thoại, ông Trung cho biết sẽ quay về cơ quan vào buổi chiều và tập hợp thông tin để trả lời. Năm ngày sau, khi nhóm phóng viên của báo Phụ Nữ TP đã trở lại TP.HCM, ông Trung nhắn tin với nội dung: “Chiều hôm qua ủy ban tỉnh đã có cuộc họp tổng thể các ngành. Có thông báo tôi sẽ cung cấp anh ngay. Anh giúp gửi địa chỉ mail”.
Quốc Quang