Quà cứu trợ mùa dịch

17/08/2020 - 05:30

PNO - Khi tin dịch bùng phát trở lại, ngày nào tôi cũng nhận được những cuộc gọi liên tục từ gia đình ở quê. Hết mẹ tới chị, hết cô tới dì, phần lớn nội dung là “tình hình căng lắm” để chốt lại là tôi nên “dìa quê tránh dịch”.

Hơn chín giờ đêm, chuông điện thoại reo dồn dập. Vì thấy số lạ nên tôi quyết định không nghe máy. Sau ba hồi chuông đổ, đoán đó là một cuộc gọi cần thiết, tôi ngần ngại nhấn nút nghe. Một giọng nói lạ gấp gáp vang lên: “Alô, alô… Phải số điện thoại của Hằng hông em? Ra mở cửa nhận đồ dưới quê gửi lên nè! Chỗ này xe không đậu lâu được”.

Mất vài giây định thần, tôi mới vỡ lẽ và cảm thấy có lỗi trước sự “lười biếng” của mình: “Dạ! Dạ! Em xuống liền!”.

Khi cánh cổng mở, và xác nhận tôi chính là Hằng, anh lơ xe chỉ kịp đặt thùng đồ cùng cái giỏ kiểu “mấy bà nội trợ miền Tây” xuống thềm, rồi vội vã lên xe đóng cửa. Tôi chưa kịp hỏi bên trong thùng là gì thì xe đã lăn bánh. 

Chuyện là khi tin dịch bùng phát trở lại, ngày nào tôi cũng nhận được những cuộc gọi liên tục từ gia đình ở quê. Hết mẹ tới chị, hết cô tới dì, phần lớn nội dung là “tình hình căng lắm” để chốt lại là tôi nên “dìa quê tránh dịch”.

Thật sự, một ngày mệt mỏi với công việc, lại phải tranh thủ học thêm tiếng Anh vào buổi tối nên không ngày nào tôi về đến phòng trọ trước 9g30. Người mệt nhoài, chỉ muốn tắm rửa nhanh rồi đi ngủ, nhưng ngày nào tôi cũng phải “tiếp chuyện” điện thoại, với những câu hỏi xoay quanh “Bữa nay vẫn đi học hả?”, “Lớp có đeo khẩu trang hết không?”, “Nhớ tan học là dìa nhà, đừng có đi đâu nữa nghen!”…

Tôi trả lời một cách qua loa, chỉ mong có cơ hội tắt máy.

Cho đến một ngày cuối tháng Bảy, khi TP.HCM yêu cầu người dân không nên tụ tập quá 30 người, như bước đầu cho giãn cách lần hai, thì mẹ tôi lại gọi lên khẩn thiết: “Thôi xin nghỉ học nghỉ làm dìa quê đi con! Người ta dìa quá trời nè. Để mai mốt hổng có xe dìa nữa đâu con!”.

 
Ảnh mang tính minh họa: Internet
Ảnh mang tính minh họa: Internet

Sự thật là có một bộ phận người dân đang đổ xô về miền Tây tránh dịch. Những ngày này, những chuyến xe khách dường như lúc nào cũng đầy kín người. Nhưng với tư tưởng “nội bất xuất, ngoại bất nhập”, tôi vẫn cho rằng trong tình trạng căng thẳng hiện tại, tốt nhất là nên “bất di bất dịch”, ai đang ở đâu thì ở yên đó. Tôi cãi lời mẹ dù biết rằng bà đang rất nóng ruột. Thế rồi mẹ giận và cắt ngang cuộc gọi. Tôi cũng ôm trong mình nỗi bực dọc không kém, vì nghĩ rằng, mẹ đang làm mọi thứ rối tung lên.

Tôi khệ nệ rinh thùng đồ và phải nghỉ vài ba chặng vì phòng trọ ở tuốt trên cao. Bình thường khi gửi đồ, mẹ sẽ báo trước cho tôi mấy ngày. Nhưng lần này thật quá bất ngờ. Có thể mẹ giận không muốn nói chuyện với tôi. Cũng có thể ý định gửi đồ diễn ra quá gấp gáp, mà mẹ thì bận luôn tay nên quên, chưa kịp báo tôi biết. 

Trong cái thùng các-tông được dán kín mít kia có gì? Đó là cái nồi cơm điện mini - cái mà hầu hết phòng ở của con gái cần phải có, nhưng với một đứa không thích bếp núc như tôi thì tuyệt nhiên không. Bên trong cái nồi còn được dán nhãn mới toanh, kèm thêm tờ giấy bảo hành là chục cái trứng vịt “chà bá” được gói kỹ càng.

Trong cái giỏ kiểu “mấy bà nội trợ miền Tây” vẫn hay xách đi chợ có gì? Đó là một chục ký gạo thơm được bọc kỹ trong ba lớp túi ni-lông, một chục gói mì tôm, một chai nước mắm lớn, một chai dầu ăn vừa, một lọ bột nêm được đóng nắp cẩn thận, một bịch bột ngọt mini, nửa ký đường, nửa ký muối, năm quả chanh, hai quả ớt, nửa ký tôm khô, hai hộp cà phê pha sẵn mà tôi vẫn thường uống khi ở quê. Ngoài ra, còn có năm quả xoài cát chu vừa mới lên da được bọc cẩn thận như trái cây xuất khẩu.

Có thể mọi người sẽ thắc mắc sao lại không có khẩu trang và nước rửa tay - hai thứ tối quan trọng trong việc chống dịch? Sự thật là những thứ như thế đã được mẹ tôi trang bị kỹ từ đợt dịch trước. Mẹ vốn tính lo xa.

Chị tôi cũng kiểu “vô âu vô lo”, nhưng từ khi làm mẹ, chị cũng bắt đầu suy nghĩ nhiều hơn. Chị lùng mua nào nước rửa tay thường, rửa tay khô, nào cồn, nào nước muối, nào viên C sủi, tinh dầu cùng khẩu trang y tế các loại để trang bị vào ba-lô khi tôi trở lại Sài Gòn tiếp tục học và làm việc vào giữa tháng Năm vừa rồi, dù lúc ấy ai cũng yên tâm rằng đã hết dịch.Thế nên, khi dịch bùng phát trở lại, tôi dường như chẳng mất đồng nào để mua khẩu trang. 

“Không về được thì nhớ ăn uống cẩn thận. Mẹ gởi đồ ăn lên để con hạn chế ra ngoài. Hoặc lỡ chợ không bán thì còn có mà xài”- mẹ gọi nói vậy rồi tắt điện thoại. Tôi ngồi nhìn những thứ mình vừa bày biện ra khắp phòng, đầu óc trống rỗng, cổ họng tự dưng nghèn nghẹn, khóe mắt cay cay.

Thúy Hằng

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI