Quà cưới - “di sản” gia đình

13/11/2022 - 10:30

PNO - Mỗi dịp cuối năm, nhà tôi lại dọn dẹp “cái gì không dùng nữa, thì bỏ đi”, vậy mà riêng với quà cưới, món nào hư hỏng được xếp trong thùng, cất vào kho”.

Nghe tin người cháu trai bên chồng chuẩn bị lấy vợ, chúng tôi bàn bạc việc mua quà cưới. Sau một hồi tranh luận nhức óc, vợ chồng tôi quyết định chuyển tiền mừng vào tài khoản của cháu để cháu cần gì thì tự đi mua sắm. Chồng tôi không quên nhắc: “Dù thế nào, khi về quê dự cưới vẫn phải thêm cái bao thư cho… đúng bài”. 

Tôi nhớ sau cái đám cưới của vợ chồng tôi cách đây hơn 30 năm, quà cưới chất đầy phòng tân hôn. Quà tặng chủ yếu là đồ dùng gia đình từ chiếc chiếu cói có in chữ song hỉ, cặp thau nhôm, chục chén sứ, bộ ấm chén, mâm cơm, phích nước Rạng Đông, vỏ chăn con công…

Ảnh mang tính minh họa - ST
Ảnh mang tính minh họa - ST

 

Món quà cưới ấn tượng nhất là chiếc nồi nhôm Liên Xô do bạn thân của chồng mang từ nước ngoài về. Tất cả quà tặng được bọc trong giấy gói màu hồng đậm, thắt nơ đỏ, đặt trang trọng ở chiếc bàn trước sân khấu. Khi tôi định đem những vật dụng được tặng ra dùng thì mẹ chồng bảo: “Con gói ghém cho cẩn thận cất đi, vài bữa ra ở riêng có mà dùng, trong nhà mẹ đồ đạc đã đầy đủ rồi”. 

Qua nhiều lần thay đổi chỗ ở, tôi vẫn giữ chiếc nồi nhôm bạn mừng cưới. Thỉnh thoảng, tôi lấy chiếc nồi đó ra để nấu cơm, các con tấm tắc khen cơm ngon, tranh nhau ăn cơm cháy. 

Trong số quà cưới có tới ba cái vỏ chăn con công, vợ chồng tôi chỉ dùng một cái. Khi em chồng sinh con, tôi mang tặng em một cái để cháu nằm. Một cái tôi cắt ra may rèm màn ngăn cách giường ngủ của hai vợ chồng với bàn uống nước tiếp khách. 

Đám cưới ngày xưa thường tổ chức tại nhà. Mẹ chồng tôi đã nuôi heo và gà trước đó vài tháng để kịp làm cỗ đãi khách. Cả nhà tất bật chuẩn bị mất ba ngày, nhờ bà con hàng xóm phụ giúp nấu nướng, mượn chén đĩa khắp làng mới đủ. Nhà nào có đám cưới, người nhà nấy đều rất vất vả, nhưng bù lại không khí vui vẻ đầm ấm. Họ hàng ở xa về trước cả tuần và ở lại thêm vài ngày với gia đình khi tiệc tùng xong xuôi mới đi. 

Ảnh mang tính minh họa
Ảnh mang tính minh họa

 

Bây giờ, đám cưới cháu tôi ở quê được tổ chức ở nhà hàng sang nhất xã, cha mẹ rất thảnh thơi. Khách đến dự mang theo bao thư có tiền bên trong thay cho quà cưới. Người thân họ hàng tặng vàng cho đôi trẻ. Vợ chồng mới cưới, sau khi tiễn khách, ghi chép đầy đủ danh sách và số tiền mừng để sau này còn có dịp “đền ơn, đáp nghĩa”. 

Chúng tôi ngày đó chẳng ghi chép, nhưng đến tận bây giờ vợ chồng tôi vẫn nhớ người nào tặng quà gì. Mỗi dịp cuối năm, nhà tôi lại dọn dẹp “cái gì không dùng nữa, thì bỏ đi”, vậy mà riêng với quà cưới, món nào hư hỏng lại được xếp trong thùng, cất vào kho.

Vợ chồng tôi, người thích cải lương, người mê bóng đá… hàng trăm điều khác biệt, nhưng lại giống nhau quan điểm: Quà cưới là di sản của gia đình. 

Nguyên An

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI