Quả bóng bị bơm căng

31/08/2016 - 10:00

PNO - Em lập gia đình hơn hai năm, sống với nhà chồng. Thời gian đầu êm đẹp, nhưng từ lúc em sinh con, trong nhà ngày càng căng thẳng. Mẹ chồng khó tính, chuyện gì cũng bắt phải theo ý bà...

Chào chị Hạnh Dung,

Em lập gia đình hơn hai năm, sống với nhà chồng. Thời gian đầu êm đẹp, nhưng từ lúc em sinh con, trong nhà ngày càng căng thẳng. Mẹ chồng khó tính, chuyện gì cũng bắt phải theo ý bà, từ việc ăn ngủ của bé, đến chuyện vợ chồng em phải phân công giờ giấc chăm con thế nào… Việc gì không đúng ý là bà nói đi nói lại nhức đầu, nhức óc.

Cứ con em đau ốm, sút cân... là bà quy lỗi ngay cho em. Mẹ chồng em có thói quen hễ ngồi vào bàn ăn tối đầy đủ cả nhà là bắt đầu “mở phiên tòa” xét nét mọi chuyện xảy ra trong ngày; đặc biệt là những chuyện liên quan đến cháu nội: em để cháu coi ti vi, bà nói cháu hư mắt; em cho cháu chơi ngoài sân bà kêu tay chân cháu lấm bẩn, bị giun sán; cháu ăn xong ói là do em đút ăn không đúng cách, không chịu dỗ con; cháu sổ mũi cũng tại em dẫn đi siêu thị máy lạnh... Cứ thế, con trai em là nạn nhân, em là thủ phạm, cha chồng và chồng em là những người dự thính “phiên tòa”, chỉ ngồi nghe và gật.

Chồng em không nói đỡ cho em được nửa câu, thỉnh thoảng còn vặn hỏi sao em lại để con như vậy. Em nghĩ, tính mẹ chồng em đã thế, xem như mình nhịn cho xong, nghĩ cho cùng thì chẳng qua chỉ vì bà thương cháu. Nhưng, thái độ bàng quan của chồng thì em biết sớm muộn gì những dồn nén của mình cũng bùng nổ...

Thanh Phấn (TP.HCM)

Qua bong bi bom cang
Ảnh mang tính minh họa: Internet

Em Thanh Phấn thân mến,

Không nên chịu đựng mãi trong tâm lý nặng nề, căng thẳng em ạ. Nếu không tìm cách giải tỏa bớt, đúng như em nói, lúc nào đó mình sẽ nổ tung, bất chấp tất cả. Khi đó thì tổn thương, tai hại e rằng khó lường. Chuyện trao đổi qua lại là rất cần thiết. Những gì mẹ chồng nói không đúng, em có thể góp ý nhẹ nhàng. Nếu chủ động, khéo léo, mình sẽ không để cho những góp ý của mình thành tranh cãi to tiếng.

Trước tiên, nên tránh trao qua đổi lại trong giờ cơm tối. Em hãy chủ động khơi chuyện trước, về thành tích của con trai, về chuyện vui trong công việc của mình/của chồng, về sức khỏe của mẹ... Định hướng câu chuyện tốt, sẽ đỡ phải nghe những chuyện mình không muốn nghe, ít nhất là em cũng có được nửa đầu bữa cơm vui vẻ. Tiếp theo, em cần tránh góp ý khi đông người, chọn lúc nào chỉ có mẹ và em mới nói về việc các thế hệ có thể quan niệ m khác nhau trong nuôi dạy con cái, em cho con chơi như thế, lý do vì thế này thế kia… Những việc mẹ góp ý, như không nên cho con xem ti vi nhiều, em nên cầu thị. Những việc mẹ chưa hiểu ý định của mình, em nên giải thích cho mẹ rõ.

Chuyện chồng em chỉ làm “khán giả”, có thể do em đã chọn cách im lặng chịu đựng, nên anh ấy cũng xuôi theo. “Khán giả” cũng tốt, quan trọng là khán giả của ai thôi. Nếu chồng là khán giả của mình, em sẽ thấy cũng thú vị lắm. Nói vậy để thấy, em cần tham gia vào câu chuyện trên bàn ăn theo cách của mình, đừng coi đó là khoảng thời gian chịu đựng kéo dài trong im lặng từ ngày này sang ngày khác. Em có thể nói chuyện riêng với chồng, cho chồng biết em cần anh ấy ủng hộ việc này, việc kia. Ủng hộ không có nghĩa là phải ra mặt phản đối mẹ, mà có thể bằng những lời bông đùa, những câu chuyện hài hước nhẹ nhàng. Em phải động viên chồng, kể cả phải “mách nước” cho chồng cách tham gia “diễn đàn cơm tối”, để giải tỏa bớt không khí căng thẳng, nếu tạo được sự sinh động, vui vẻ thì càng hay.

Trong cuộc sống gia đình, mình phải tạo được thế cân bằng, giữ được sự giao tiếp tích cực, biết cách chuyện trò trao đổi khi cần thiết, chứ không phải ép mình chịu đựng. Em cố gắng đừng để mình thành quả bóng bị bơm căng. Chúc em tìm thấy cách cân bằng để giữ được hạnh phúc. 

Hạnh Dung (hanhdung@baophunu.org.vn)

Tư vấn trực tiếp tại tòa soạn từ 8g đến 17g các ngày thứ Hai, Ba, Tư, Năm, Sáu.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI