QĐ-588 và lời giáo sư Bảy 100 năm trước

05/05/2020 - 22:03

PNO - Chính phủ khuyến khích nam nữ kết hôn trước 30 tuổi, không kết hôn muộn và sớm sinh con, phụ nữ sinh con thứ hai trước 35 tuổi…

Sau cú đấm COVID-19, người người ngắc ngứ, nhà nhà ngắc ngoải, ai nấy đang ráng tìm cách vừa tự che chắn, giãn cách, vừa tự kết lại đặng vực dậy cái sinh khí làm ăn sau hồi sống sót thì Quyết định 588 ra đời, phê duyệt “Chương trình điều chỉnh mức sinh phù hợp các vùng, đối tượng đến năm 2030”; dân tình, đa số là nhóm thuộc phạm vi điều chỉnh của quyết định, trong đó “được” thụ hưởng hay “bị” ảnh hưởng đều hân hoan hoặc… tức tưởi lên tiếng, luận bàn.
Kết hôn hay độc thân lựa chọn thuộc đời sống tình cảm, thậm chí như một mặc định số phận, nằm ngoài mọi lựa chọn, quyết định của một con người.
Kết hôn hay sống độc thân là lựa chọn thuộc đời sống tình cảm, thậm chí như một mặc định số phận, nằm ngoài mọi lựa chọn, quyết định của một con người

Nhóm “được” không hào hứng, hân hoan mới lạ: với các cặp vợ chồng sinh đủ 2 con, sẽ được hỗ trợ mua nhà ở xã hội, thuê nhà ở; ưu tiên vào trường công lập, hỗ trợ chi phí giáo dục trẻ em; với phụ nữ khi mang thai, sinh con và sinh đủ 2 con thì được hỗ trợ tư vấn, chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em bao gồm sàng lọc vô sinh, sàng lọc trước sinh và sau sinh; giảm thuế thu nhập cá nhân, miễn giảm các khoản đóng góp công ích theo hộ gia đình…

Dĩ nhiên, Chính phủ khuyến khích nam nữ kết hôn trước 30 tuổi, không kết hôn muộn và sớm sinh con, phụ nữ sinh con thứ hai trước 35 tuổi…

Nhóm “bị” - tức những trường hợp “không muốn kết hôn” hoặc “kết hôn quá muộn” thì việc áp dụng “từng bước thí điểm các biện pháp tăng trách nhiệm đóng góp xã hội, cộng đồng”, dù chưa quy định rõ trách nhiệm xã hội - cộng đồng ấy cụ thể là gì, cũng gây ra một “phản lực” đáng kể trước sức ép chế tài đối với một vấn đề thuộc phạm trù cá nhân, là quyền nhân thân trong quyền con người, là sự lựa chọn hoặc không thể lựa chọn của từng cá thể.

Khuyến khích, thúc đẩy để duy trì mức sinh, mức sinh thay thế bền vững, đảm bảo cơ cấu dân số quốc gia cân bằng, vững chắc thông qua con đường chính sách hỗ trợ, ưu tiên là chính đáng. Nhưng ở lĩnh vực “nhạy cảm” này, là chuyện… sinh đẻ, kết hôn, không dễ và không thể đặt để ở thế đối lập của khuyến khích, vận động là chế tài, ép buộc. Đó không phải là một phương pháp văn minh để đi đến mục đích tiến bộ. 

***

Cách đây gần 100 năm, giáo sư Đặng Văn Bảy - Hoành Sơn, Chủ tịch Đoàn văn hóa kháng chiến chống Pháp có viết trong cuốn Nam nữ bình quyền, chương Hôn nhơn, phần Tự do kết hôn rằng, “tốt hơn là đấng làm cha mẹ hãy để con chọn lựa vợ lấy nó… Nếu muốn hưởng được cái quyền tự do kết hôn không sai quấy, hạng thiếu niên ta cần biết nam - nữ bình quyền là gì”.

Cả trăm năm sau, những tưởng nam thanh nữ tú đã quen hít thở cái tự do ấy để lựa chọn người phối ngẫu, hoặc tự do trong sự chọn lựa… một mình. Hóa ra, vẫn rơi rớt sự kiềm tỏa về “tập quán thế hệ” đâu đó, cái định kiến thói thường và giờ, lại hẳn hòi trong một dạng quy ước xã hội.

Trước khi áp dụng các biện pháp tăng trách nhiệm đóng góp xã hội đối với các đối tượng “không muốn kết hôn” hoặc “kết hôn quá muộn”, xin được hỏi cơ sở nào để xác định cái gọi là “không muốn kết hôn”, điểm thời gian và những lý do đi cùng nào để phản bác cái quy kết “kết hôn quá muộn”?

Khi đang là tình trạng độc thân, không có bất kỳ yếu tố người phụ thuộc, bản thân người độc thân đã tự chịu trách nhiệm các khoản đóng góp xã hội. Giờ tiếp tục gia tăng cái trách nhiệm ấy - thực chất chẳng khác nào một biện pháp bắt buộc, đánh đổi cho tình trạng độc thân - vốn không phải là một lựa chọn mang tính “dịch vụ”, xin nhắc lại, nó là lựa chọn thuộc đời sống tình cảm, thậm chí như một mặc định số phận, nằm ngoài mọi lựa chọn, quyết định của một con người.

Trước khi tính tới chiến lược duy trì hay đảm bảo mức sinh, mức sinh thay thế bền vững, trước cả vấn đề sức khỏe sinh sản của phụ nữ thì sức khỏe tinh thần của một con người, bất kể là nam hay nữ, người trưởng thành hay trẻ sơ sinh đều phải được tôn trọng tuyệt đối, trước hết ở chính sự tồn tại - như là một con người - đúng nghĩa.

Ở góc nhìn… tếu táo, có một ý kiến, chắc là thuộc nhóm “bị”: “Thủ tướng ra quyết định khuyến khích kết hôn trước 30 tuổi là rất chí lý, còn kết hôn với ai thì lại không thấy, thôi, khó quá, cho cháu bỏ qua”.

Lật lại Kinh Thánh, thấy có đoạn “Thiên Chúa phán: chúng ta hãy làm ra con người theo hình ảnh của chúng ta…”. Và tất nhiên, Chúa là… đàn ông, Chúa nặn ra con người - tức đàn ông, “rồi Chúa lại lấy cái xương sườn đã rút từ con người ra, làm thành một người đàn bà và dẫn đến với con người”.

Cho nên, nếu không đảm bảo được sự cân bằng, bền vững của sinh sản nòi giống, tội lỗi dường như thuộc về… đàn bà, thì phải!

Giá như Chúa không phải là đàn ông.

Thì đàn bà đã tự mình kết hôn với chính mình, tự mình “đi biển mồ côi một mình” mà không phải “tăng trách nhiệm đóng góp xã hội”!

Ái Mỹ

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI