Qatar không giải thích được việc hàng ngàn lao động nhập cư tử vong trong 10 năm qua

04/09/2021 - 07:15

PNO - Theo báo cáo mới của Tổ chức Ân xá Quốc tế, nước chủ nhà World Cup Qatar đã thất bại trong việc điều tra về nguyên nhân tử vong của hàng ngàn công nhân nhập cư trong thập kỷ qua.

Tổ chức nhân quyền cho biết, phần lớn các trường hợp công nhân nhập cư tử vong ở Qatar được báo cáo là do "nguyên nhân tự nhiên" như suy tim hoặc hô hấp. Theo một chuyên gia trích dẫn, các báo cáo này “vô nghĩa” và không giải thích được nguyên nhân cơ bản về cái chết của các công nhân nhập cư. Trong một thập kỷ qua, ở Qatar có tới 70% trường hợp tử vong không rõ nguyên nhân.

“Với hệ thống y tế có nguồn lực tốt và hiện đại, Qatar có thể xác định chính xác nguyên nhân tử vong của tất cả những người đã chết, chỉ trừ 1% trường hợp ngoại lệ", báo cáo cho biết.

Phát hiện này được đưa ra trong bối cảnh Qatar và Liên đoàn Bóng đá thế giới (FIFA) đối mặt với áp lực ngày càng tăng từ các hiệp hội bóng đá quốc gia và các nhà hoạt động trong lĩnh vực bóng đá, nhằm bảo vệ quyền lợi của người lao động, khi chỉ còn hơn một năm nữa World Cup 2022 sẽ khai mạc.

Quan tài của Phatwari Chaudhari và Asharam Tharu tại sân bay Kathmandu. Chaudhari và Tharu là một trong số năm công nhân nhập cư Nepal bị xe tông chết tại một công trường ở Qatar vào tháng 7 năm 2013. Ảnh: Peter Pattisson
Quan tài của Phatwari Chaudhari và Asharam Tharu, 2 trong số 5 công nhân nhập cư Nepal tại một công trường ở Qatar vào tháng 7/2013 - Ảnh: Peter Pattisson

Ủy ban tổ chức World Cup của Qatar chỉ báo cáo 38 trường hợp công nhân tử vong trong các dự án xây dựng World Cup, trong đó 35 trường hợp được phân loại là “không liên quan đến công việc”. Tuy nhiên, Tổ chức Ân xá quốc tế tin rằng nguyên nhân tử vong của gần một nửa các trường hợp này vẫn chưa được điều tra hoặc giải thích chính xác.

Nhóm nhân quyền cho biết việc tiếp xúc với nhiệt độ và độ ẩm cao có thể là nguyên nhân khiến các công nhân tử vong. Đồng thời thúc giục chính quyền Qatar thực hiện các biện pháp tốt hơn để bảo vệ người lao động.

Steve Cockburn, người đứng đầu chương trình Công bằng kinh tế và xã hội của Tổ chức Ân xá quốc tế cho biết: “Khi những người đàn ông tương đối trẻ và khỏe mạnh đột ngột qua đời sau nhiều giờ làm việc trong điều kiện nắng nóng khắc nghiệt, điều này đặt ra câu hỏi về sự an toàn trong điều kiện làm việc ở Qatar.

Do không điều tra được nguyên nhân cơ bản về cái chết của công nhân nhập cư, chính quyền Qatar đã bỏ qua các dấu hiệu cảnh báo có thể cứu mạng họ nếu được quan tâm và khắc phục”, Steve Cockburn nói thêm.

Các cầu thủ Đức chụp ảnh thể hiện thông điệp nhân quyền trên áo phông trước trận đấu với Iceland. Ảnh: Tobias Schwarz / Reuters
Các cầu thủ Đức chụp ảnh thể hiện thông điệp nhân quyền trên áo phông trước trận đấu với Iceland hồi tháng 3

Vào tháng 2 năm nay, tờ Guardian cho rằng trong thập kỷ qua, có hơn 6.500 lao động nhập cư từ Nam Á đã chết ở Qatar.

Các nhà chức trách Qatar tuyên bố rằng tỷ lệ tử vong của người nhập cư nằm trong phạm vi dự kiến ​​dựa trên quy mô lực lượng lao động, nhưng trong báo cáo của Tổ chức Ân xá quốc tế, các chuyên gia dịch tễ học đã trích dẫn câu hỏi “khả năng của chính quyền đưa ra yêu cầu này… vì họ báo cáo dữ liệu thấp”. Họ cũng nói rằng các lao động nhập cư đã phải trải qua những cuộc kiểm tra sức khỏe nghiêm ngặt trước khi khởi hành đến Qatar. Nói chung họ trẻ, khỏe mạnh và “đang ở giai đoạn đỉnh cao của cuộc đời”.

Vào tháng 5, các nhà chức trách Qatar đã thực hiện một số bước nhằm bảo vệ người lao động khỏi cái nóng, bao gồm kéo dài lệnh cấm giờ làm việc vào mùa hè thêm một tháng (vì người lao động không thể làm việc ngoài trời trong thời gian nóng nhất trong ngày). Dù hoan nghênh các biện pháp này nhưng Tổ chức Ân xá quốc tế nói rằng chúng chưa đầy đủ.

Các lao động đến từ Nepal dựng giàn giáo cho lễ ra mắt logo World Cup. Họ bắt đầu công việc từ rất lâu trước khi mặt trời mọc để tránh nắng nóng. Ảnh: Pete Pattisson
Các lao động đến từ Nepal dựng giàn giáo cho lễ ra mắt logo World Cup 2022. Họ bắt đầu công việc từ trước khi mặt trời mọc để tránh nắng nóng - Ảnh: Pete Pattisson

Báo cáo mô tả, những thiệt hại mà gia đình của các công nhân tử vong phải gánh chịu là rất lớn, vậy nhưng họ lại chưa được quan tâm, bồi thường đúng đắn. Theo luật Qatar, các trường hợp tử vong do "công việc gây ra" phải được bồi thường, nhưng nguyên nhân dẫn đến cái chết của lao động nhập cư đã không được điều tra chính xác, nghĩa là các nguyên nhân liên quan đến công việc có thể không được xác định. "Điều này cho phép người sử dụng lao động tránh được việc phải bồi thường", Amnesty cho biết.

“Tôi không nhận được bất kỳ khoản bồi thường nào từ Qatar. Ông chủ cho biết công ty không có quy định bồi thường cho những người chết vì đau tim và những người không có nhiệm vụ”, Bipana - vợ của Tul Bahadur Gharti, một công nhân xây dựng 34 tuổi đến từ Nepal đã chết hồi năm ngoái - cho biết.

“Ở một mình rất khó khăn. Tôi cảm thấy cuộc đời mình như đã chết đi… Chồng tôi đã chết còn tôi cảm thấy như mình đang bị thiêu đốt trong dầu vậy”, Bipana buồn bã.

Trong khi đó, Chính phủ Qatar nêu bật kỷ lục của họ về cải cách lao động, bao gồm mức lương tối thiểu mới và việc dỡ bỏ các rào cản để thay đổi công việc. Ngoài ra, Qatar cũng cho biết dữ liệu về thương tích và tử vong phù hợp với thông lệ quốc tế, thiết lập các tiêu chuẩn mới cho khu vực. “Qatar vẫn kiên định với cam kết cải cách lao động và sẽ không bị bất kỳ tổ chức nào tìm cách làm mất uy tín những tiến bộ mà chúng tôi đã đạt được”, người phát ngôn của chính phủ cho biết.

Trọng Trí (theo The Guardian)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI