Qatar được gì khi tổ chức World Cup?

24/11/2022 - 06:14

PNO - Kỳ World Cup này dự kiến có 5 tỉ người trên thế giới theo dõi. Khoảng 1,5 triệu người đến với Qatar và dự kiến sẽ ở lại trong suốt giải đấu kéo dài 1 tháng.

 

Chi số tiền lớn kỷ lục, Qatar kỳ vọng tạo ra những cú hích phát triển kinh tế, đặc biệt là du lịch từ World Cup 2022
Chi số tiền lớn kỷ lục, Qatar kỳ vọng tạo ra những cú hích phát triển kinh tế, đặc biệt là du lịch từ World Cup 2022

Là quốc gia Hồi giáo đầu tiên giành quyền đăng cai tổ chức giải bóng đá lớn nhất hành tinh, Qatar không ngần ngại chi một số tiền rất lớn cho World Cup 2022, khiến cả thế giới phải choáng ngợp.

Sau 12 năm kể từ khi chính thức giành quyền đăng cai hồi năm 2010, Qatar đã biến giấc mơ World Cup của mình thành hiện thực bởi những khoản chi khổng lồ. 

Đất nước Hồi giáo này đã xây 7 sân vận động và tu sửa 1 sân có sẵn. Ngoài ra, họ đẩy mạnh phát triển các cơ sở hạ tầng, khách sạn, du lịch, các khu vui chơi giải trí xung quanh khu vực tổ chức, đại trùng tu toàn bộ mạng lưới đường bộ và hệ thống đường sắt... với số tiền ước tính hơn 230 tỷ USD. Đây được xem là con số kỷ lục mà các nước chủ nhà chi cho một kỳ World Cup, gấp gần 20 lần số tiền mà Nga đã bỏ ra để tổ chức World Cup 2018...

Qatar cũng đổ tiền xây dựng một nền bóng đá vốn còn non trẻ. Với dân số chỉ gần 3 triệu người, Qatar đã chi tiền mở học viện bóng đá theo kiểu Tây Ban Nha để đào tạo và chọn những gương mặt đại diện từ hơn thập kỷ trước. Mặc dù trận mở màn (thua Ecuador) không như mong đợi nhưng xét về bình diện chung bóng đá khu vực, đội tuyển Qatar đã bước lên một vị thế mới. 

Theo ước tính, số tiền mà nước chủ nhà thu lại từ World Cup 2022 lại chẳng bao nhiêu so với số đã chi ra. Dự kiến, số tiền mà Qatar thu được từ riêng doanh thu khách sạn, đi lại, nhà hàng, du lịch là hơn 4,7 tỷ USD. Trong đó có cả số tiền mà Liên đoàn Bóng đá thế giới (FIFA) chi trả cho các hoạt động của giải, bao gồm cả tiền thưởng trị giá 440 triệu USD cho các đội thắng.

Tuy nhiên, phải có lý do để Qatar cũng như các quốc gia khác giành giật quyền đăng cai và sẵn sàng chi một khoản tiền khổng lồ cho ngày hội bóng đá lớn nhất hành tinh. Ông Hassan Al Thawadi - Tổng thư ký Ủy ban Chuyển giao và Di sản - cơ quan đứng sau các dự án hạ tầng phục vụ World Cup 2022 - cho biết: “Chúng tôi dự báo World Cup 2022 sẽ mang về cho nền kinh tế Qatar tổng cộng khoảng 20 tỷ USD. World Cup còn đóng vai trò là động lực thúc đẩy nhiều sáng kiến mà Chính phủ Qatar đã cam kết và đã được lên kế hoạch, từ phát triển đô thị cho tới đa dạng hóa nền kinh tế”.

Đăng cai World Cup đồng nghĩa với mở cửa đón cả thế giới. Giá trị quảng bá này mới là ý nghĩa lớn nhất mà nước chủ nhà có được. Lợi ích này được các chuyên gia gọi là một loại “quyền lực mềm” mà các quốc gia phát triển luôn muốn tận dụng. Về mặt tài chính, các khoản doanh thu ngắn hạn không thấm vào đâu so với chi phí bỏ ra. Tuy nhiên, về lâu dài nước chủ nhà có thể được hưởng lợi một cách gián tiếp từ các cơ sở hạ tầng phục vụ World Cup để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Kỳ World Cup này dự kiến có 5 tỉ người trên thế giới theo dõi. Khoảng 1,5 triệu người đến với Qatar và dự kiến sẽ ở lại trong suốt giải đấu kéo dài 1 tháng. Qatar sẽ chứng kiến lượng khách du lịch tăng đột biến, góp phần làm tăng doanh thu của các chủ khách sạn, nhà hàng và những địa điểm du lịch. Chính phủ Qatar hy vọng World Cup sẽ là bàn đạp tạo ra khoảng 2 tỉ USD vào năm 2025 cho nền kinh tế, nước này sẽ đạt được mục tiêu thu hút 5,6 triệu du khách vào năm 2030.

Không những thế, World Cup còn là cách để Qatar thể hiện niềm tự hào. Đó là cách để quốc gia từ trước đến nay chỉ được biết tới với tài nguyên khí đốt có thể mở rộng vòng tay và tuyên bố với thế giới rằng: “Nơi này luôn chào đón bạn”. 

Lệ Chi

(theo Al Jazeera, The Guardian, Brussels Times)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI