Vụ việc xảy ra tại P.Tân Phú, Q.9, TP.HCM.
Chủ nợ sập “bẫy” con nợ?
Theo phản ánh của anh Bùi Văn Đức (ở số 28C đường Nam Cao, P.Tân Phú, Q.9), cách nay khoảng bảy năm, tin tưởng tình cảm quen biết, vợ chồng anh cho Đặng Văn Tùng (ở số 105A, đường Nam Cao, P.Tân Phú, Q.9) vay 3 tỷ đồng. Hai bên ký kết bằng hợp đồng tay. Theo thỏa thuận, mỗi tháng Tùng trả anh Đức lãi suất 3% (90 triệu đồng/tháng). Tối đa 6 tháng, Tùng trả lại tiền gốc cho vợ chồng anh.
Thế nhưng, sau khi vay được tiền, Tùng không những “xù” tiền lãi mà còn không trả tiền gốc như đã thỏa thuận. Mỗi lần vợ chồng anh Đức đòi tiền, Tùng viện đủ lý do khó khăn để trì hoãn.
Vụ việc kéo dài nhiều năm, đầu năm 2014, vợ chồng anh quyết định khởi kiện Tùng đến Tòa án nhân dân (TAND) Q.9 để đòi nợ.
|
Vợ chồng anh Đức cho Tùng vay lên đến 3 tỷ đồng nhưng chỉ với hợp đồng tay, không có tài sản thế chấp và đang đứng trước nguy cơ trắng tay |
Lúc này Tùng tiếp tục than khổ, kể khó, xin tạo điều kiện để được kinh doanh kiếm tiền trả nợ. Vợ chồng anh lại “mủi lòng” rút đơn khởi kiện.
Vụ việc tiếp tục kéo dài khá lâu, Tùng vẫn không có động thái muốn trả nợ. Trước nguy cơ mất trắng, đầu năm 2015, vợ chồng anh một lần nữa nộp đơn khởi kiện đến TAND Q.9 để đòi lại tài sản của mình.
Vợ chồng anh đề nghị Tùng trả toàn bộ 3 tỷ đồng tiền nợ gốc và hạ tiền lãi suất xuống còn 1%/tháng. Tính từ thời điểm vợ chồng anh cho vay đến khi khởi kiện là 60 tháng, nên yêu cầu Tùng trả lãi 1,8 tỷ đồng. Tổng cộng, Tùng phải trả tiền gốc và lãi 4,8 tỷ đồng cho vợ chồng anh.
Tuy nhiên trong lúc chờ tòa đưa vụ việc ra xét xử, vợ chồng anh phát hiện Tùng có rất nhiều đất đai trị giá khoảng trên 20 tỷ đồng nhưng không chịu bán để trả nợ cho vợ chồng anh. Tìm hiểu, vợ chồng anh càng “choáng váng” khi phát hiện Tùng đang có dấu hiệu tẩu tán tài sản.
Cụ thể, Tùng đã ký hợp đồng chuyển nhượng toàn bộ đất đai cho một người tên L. với giá 22,1 tỷ đồng và đang làm thủ tục sang tên chủ quyền.
Tòa án “tiếp tay” cho con nợ tẩu tán tài sản?
Biết được sự việc, vợ chồng anh Đức lập tức gửi đơn yêu cầu tòa án ngăn chặn việc sang tên chủ quyền khu đất trên của Tùng cho chủ mới để đảm bảo thi hành án. Ngày 13/11/2017, TAND Q.9 ban hành quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời phong tỏa việc chuyển nhượng tài sản để đảm bảo nghĩa vụ trả nợ của Tùng trong trường hợp thua kiện.
|
Theo anh Đức, khu đất trị giá hơn 22 tỷ đồng là tài sản cuối cùng của Tùng, nếu không ngăn chặn được việc bán đất, vợ chồng anh có nguy cơ mất cả "chì lẫn chài" dù có thắng kiện. |
Việc “thay tên, đổi chủ” thửa đất bị tắc, Tùng khiếu nại. Bất ngờ, ông Nguyễn Xuân Tùng - Chánh án TAND Q.9 chỉ đạo hủy bỏ việc phong tỏa tài sản của Tùng với lý do... khiếu nại của Tùng là có cơ sở.
Tuy nhiên, theo anh Đức, lúc này Tùng và khách hàng chỉ mới ký hợp đồng bán đất, chưa được cơ quan chức năng cập nhật đăng bộ “thay tên, đổi chủ” trên giấy chủ quyền. Nên tài sản vẫn còn thuộc sở hữu của Tùng. Việc TAND Q.9 hủy bỏ phong tỏa tài sản của Tùng là vô lý.
Bức xúc, anh Đức khiếu nại. Bất ngờ TAND Q.9 ra văn bản tước luôn quyền khiếu nại của anh, khi khẳng định “quyết định này là quyết định giải quyết khiếu nại cuối cùng”. Không còn đường nào khác, anh Đức đã gửi đơn khiếu nại TAND Q.9 đến các cấp tòa án cao hơn xem xét.
Dù vụ việc chưa thể phân định đúng sai, nhưng đây là bài học cho nhiều người trong việc cho vay, mượn, thế chấp tài sản, tránh nguy cơ mất cả “chì lẫn chài”.
Tài sản chưa sang tên, đăng bộ vẫn thuộc quyền sở hữu của chủ cũ
Theo Luật sư Hồ Minh Thanh (Đoàn luật sư TP.HCM), thời điểm áp dụng biện pháp ngăn chặn, thửa đất trên vẫn chưa sang tên đăng bộ cho chủ mới nên đó vẫn được xem là tài sản của ông Tùng. Do đó, việc áp dụng biện pháp ngăn chặn là cần thiết để đảm bảo thi hành bản án sau này.
Ngoài ra, hành vi của ông Tùng có dấu hiệu tẩu tán tài sản. Việc Chánh án TAND Q.9 ra văn bản yêu cầu hủy bỏ biện pháp ngăn chặn không chỉ là một quyết định có nhiều “khuất tất” mà còn tạo ra tiền lệ xấu trong việc áp dụng pháp luật cũng như tạo điều kiện thuận lợi cho ông Tùng tẩu tán tài sản thành công.
|
Phan Trí