edf40wrjww2tblPage:Content
Vụ việc xảy ra tại căn biệt thự số 80/1 đường Bà Huyện Thanh Quan, P.9, Q.3 do hai hộ dân đồng sở hữu, khiến người bị ảnh hưởng và bà con trong khu vực rất bức xúc.
Trường học ở Peshawar tăng cường các biện pháp an ninh - Ảnh: BBC/Getty Images
Xử lòng vòng, từ sai thành… đúng
Trong đơn phản ánh gửi đến báo Phụ Nữ, bà Lê Thị Minh Huệ (người sở hữu một phần căn biệt thự) cho biết, căn biệt thự được xây dựng trước năm 1975, thuộc sở hữu của Nhà nước.
Năm 1998, UBND TP bán hóa giá theo NĐ 61/CP cho hai hộ dân: ông Phan Quang Sỏi sở hữu tầng trệt, bà Nguyễn Thị Loan sở hữu phần lầu. Năm 2002, bà Huệ mua lại phần lầu của bà Loan, có hợp đồng công chứng đầy đủ. Khi mua, cán bộ đô thị Q.3 đề nghị gia đình bà phải thực hiện nghiêm quy định: cấm xây chen phía trước và hai bên biệt thự.
Thế nhưng, năm 2005, bà Huệ bất ngờ phát hiện trước sân “mọc” lên một căn nhà khác có diện tích gần 50m2. Bà lập tức phản ánh vụ việc đến các cơ quan chức năng từ phường đến Q.3, nhưng công trình không bị đình chỉ thi công. Chỉ một tháng sau, căn nhà đã vươn lên đến phần lầu nhà bà và bao bọc gần hết mặt tiền, biến nhà bà như một cái hộp. Trước cách xử lý lạ lùng của UBND Q.3, bà tìm hiểu thì phát hiện, căn nhà trên được thoải mái xây dựng vì đã được UBND Q.3 cấp phép.
Bà Huệ gửi đơn đến Thanh tra Sở Xây dựng (XD) TP.HCM. Qua kiểm tra, Sở XD khẳng định: “Theo Quyết định (QĐ) số 117/QĐ của UBND TP.HCM, không cho xây chen phía trước và hai bên biệt thự. Vì vậy, việc UBND Q.3 cấp phép cho ông Sỏi xây chen phía trước trên phần sân trống thuộc khoảng lùi của biệt thự là không đúng quy định. Đề nghị UBND Q.3 có biện pháp khắc phục hậu quả do việc cấp phép xây dựng không đúng quy định…”.
Ngoài ra, qua tìm hiểu của bà Huệ, trước khi cấp phép xây dựng cho ông Sỏi, UBND Q.3 đã gửi văn bản tham vấn ý kiến Sở Quy hoạch kiến trúc (QHKT). Sau đó Sở QHKT đã có văn bản số 905/QHKT trả lời UBND Q.3, nêu rõ: “…Để giữ gìn cảnh quan kiến trúc khu vực và quy định về xây dựng trong khuôn viên biệt thự, đề nghị không cho xây chen phía trước trên khoảng lùi của biệt thự…”. Thế nhưng, UBND Q.3 vẫn cấp phép xây dựng.
Liên quan đến vấn đề khắc phục hậu quả do cấp phép xây dựng sai của UBND Q.3, theo bà Huệ, UBND Q.3 vẫn không thực hiện khắc phục hậu quả theo đề nghị của Sở XD, mà chuyển sang tổ chức hòa giải lòng vòng kéo dài nhiều năm với gần chục cuộc họp.
Cuối cùng, UBND Q.3 bất ngờ “lật ngược tình thế” khi ra QĐ cho rằng, “Việc quận cấp phép cho ông Sỏi xây dựng mở rộng phần trệt của biệt thự trên phần sân phía trước là phù hợp với quyền sử dụng đất riêng của ông Sỏi, không trái với quy định khoảng lùi của biệt thự. Việc bà Huệ khiếu nại yêu cầu trả lại biệt thự theo đúng hiện trạng ban đầu là… không có cơ sở để giải quyết”. Tuy nhiên, để xoa dịu tình thế, UBND Q.3 cho biết sẽ điều chỉnh một phần giấy phép xây dựng cấp cho ông Sỏi bằng cách, thu hồi phần gác mái của căn nhà. Nhưng bà Huệ không đồng ý.
“Bó tay” hay “bắt tay”?
Theo tìm hiểu của chúng tôi, việc UBND Q.3 biến sai thành đúng là nhờ một văn bản “lạ” của Sở QHKT. Trước đó Sở QHKT đã có văn bản 905/QHKT: “Đề nghị không xây chen phía trước khoảng lùi của biệt thự. Nếu có nhu cầu xây dựng thêm, cần nghiên cứu hợp khối với kiến trúc hiện hữu, với mật độ xây dựng chung toàn khuôn viên chỉ được tối đa khoảng 50%”.
Trong khi đó, theo bà Huệ, diện tích xây dựng toàn khuôn viên hiện đã đạt 50% nên không thể xây thêm. Bên cạnh đó, việc xây dựng trên do bà không đồng tình nên hai bên không có sự thỏa thuận hợp khối. Tuy nhiên, hai năm sau, Sở QHKT lại tự “giẫm lên chân mình” khi ra văn bản số 2128/SQHKT góp ý: “Việc UBND Q.3 cấp phép cho ông Sỏi xây dựng mở rộng phần trệt của biệt thự trên phần sân phía trước là… phù hợp với quyền sử dụng đất riêng của ông Sỏi”.
Thế nhưng, sau đó, khi UBND TP chỉ đạo Sở XD, Sở QHKT, UBND Q.3 và một số cơ quan có liên quan tổ chức họp giải quyết vụ việc thì tại cuộc họp này, Sở QHKT đề nghị UBND Q.3 phải thực hiện theo đúng tinh thần văn bản số 905/QHKT là không cho xây dựng chen trước biệt thự 80/1. Vấn đề là từ đó đến nay, UBND Q.3 không căn cứ vào văn bản 905 để giải quyết, mà luôn vịn vào văn bản 2128/SQHKT để xử lý vụ việc, qua đó bác đơn khiếu nại của bà Huệ.
Ngoài ra, bà Huệ còn bức xúc, trong quá trình bà khiếu nại, vào khoảng cuối năm 2007, UBND Q.3 đã ban hành quyết định giải quyết khiếu nại với bà. Không đồng tình với QĐ này, bà gửi đơn khiếu nại đến UBND TP.HCM. UBND TP chỉ đạo Thanh tra Sở XD xem xét giải quyết. Thanh tra Sở XD chuyển đơn đến Thanh tra TP.
Bất ngờ lúc này đơn khiếu nại của bà bị biến thành đơn phản ánh. Theo đó, trong đơn bà ghi rõ đơn khiếu nại nhưng khi làm việc với UBND Q.3, Thanh tra TP lại cho rằng, trong đơn bà có nói việc xây dựng làm ảnh hưởng đến sinh hoạt của gia đình bà. Do đó, thực chất đây không phải là đơn khiếu nại mà là đơn phản ánh, “chỉ cần có văn bản trả lời phản ánh của bà Huệ là đủ” theo "tư vấn" của cơ quan thanh tra.
Kết quả, UBND Q.3 đã hủy QĐ trên và chuyển thành văn bản trả lời. Trong khi đó, lúc này bà Huệ định khởi kiện UBND Q.3 ra tòa nhưng không thể thực hiện được vì muốn khởi kiện phải có QĐ trả lời khiếu nại của UBND Q.3.
Riêng đối với việc UBND Q.3 điều chỉnh một phần giấy phép xây dựng cấp cho ông Sỏi bằng cách thu hồi phần gác mái của căn nhà, theo bà Huệ, thực chất quận chỉ thu hồi trên giấy, toàn bộ công trình vẫn ngang nhiên tồn tại.
Như vậy, sau 10 năm khiếu nại không thành, công trình từ sai toàn bộ chỉ còn sai một phần nhỏ. Còn quyền khiếu nại của bà Lê Thị Minh Huệ chỉ còn quyền phản ánh. Theo chúng tôi, các cơ quan chức năng nếu đã làm sai thì nên thừa nhận, giải quyết hợp tình hợp lý cho người dân.
PHAN TRÍ
Đường dây khẩn 0966.18 27 27 - 0913.15 93 15
Email: duongdaykhan@baophunu.org.vn
Tư vấn pháp luật miễn phí tại tòa soạn từ 8g đến 11g các ngày thứ hai và thứ năm