Liên quan tới vụ phóng viên Trần Quang Thế (báo Tuổi Trẻ) xô xát với cán bộ CSHS huyện Đông Anh, ngày 29/9, Công an quận Tây Hồ, Hà Nội đã thông báo, gửi quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với phóng viên này.
Quyết định xử phạt vi phạm hành chính nêu phóng viên Quang Thế có 6 lỗi vi phạm sau: Vào khu vực cấm nơi tiến hành các hoạt động có nội dung thuộc phạm vi bí mật nhà nước mà không được phép với mức phạt 2.000.000 đồng; Chụp ảnh tại khu vực cấm với mức phạt 2.000.000 đồng;
Có lời nói lăng mạ người thi hành công vụ với mức phạt 2.500.000 đồng; Lợi dụng tư cách nhà báo, phóng viên can thiệp cản trở hoạt động đúng phát luật của tổ chức cá nhân với mức phạt 7.500.000 đồng; Đỗ xe mô tô trên cầu với mức phạt 350.000 đồng; Không chấp hành hiệu lệnh của người điều khiển giao thông mức phạt 55.000 đồng.
Tổng mức tiền phạt với các lỗi mà Công an quận Tây Hồ cho rằng nhà báo Quang Thế vi phạm là 14.405.000 đồng.
Trước thông tin này, trao đổi với báo Phụ nữ TP.HCM, luật sư Phạm Công Út (Đoàn Luật sư TP.HCM) khẳng định quyết định xử phạt hành chính này không có cái nào đáp ứng được và cần phải thu hồi.
Quyết định phạt từ nội dung đến hình thức đều "chưa được"
Theo đó, luật sư Phạm Công Út phân tích:
Về hình thức, nếu quyết định xử phạt hành chính bắt buộc phải có biên bản xử phạt hành chính. Trừ những lỗi rất nhỏ có thể phạt tại chỗ thì không cần phải có biên bản nhưng phải ra quyết định phạt tại chỗ, không có chuyện mang về nhà, sau đó mới phạt.
|
Cảnh được Công an Hà Nội cho là "gạt tay vào má" giữa phóng viên Quang Thế với một cán bộ Công an huyện Đông Anh. Ảnh cắt từ clip. |
"Quyết định áp dụng trường hợp này phạt 350.000 đồng lỗi đậu xe trên đường của PV Quang Thế, lỗi này có thể không cần biên bản nhưng phải ra quyết định phạt ngay tại chỗ nhưng lại không có. Còn lại các lỗi khác không có biên bản mà lại phạt là sai", ông Út nói.
Về nội dung: Tất cả những lỗi này xét về minh chứng pháp luật thì rất mơ hồ và không có căn cứ pháp lý.
Cụ thể," lỗi Vào khu vực cấm nơi tiến hành các hoạt động có nội dung thuộc phạm vi bí mật nhà nước mà không được phép với mức phạt 2.000.000 đồng là chưa rõ ràng.
Thế nào là "bí mật nhà nước", luật bảo vệ Bí mật nhà nước quy định là gì? Bí mật nhà nước là những thông tin về vụ việc, vật, địa điểm, thời gian, lời nói có nội dung quan trọng thuộc lĩnh vực chính trị, quốc phòng, an ninh, đối ngoại, kinh tế, khoa học, công nghệ, các lĩnh vực khác... mà nhà nước không công bố hoặc chưa công bố và nếu tiết lộ có thể gây nguy hại cho Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Như vậy, rõ ràng trường hợp này không rơi vào quy định về bí mật nhà nước và bảo vệ bí mật nhà nước. Vì vậy, lỗi vi phạm này cũng không được phép phạt PV Quang Thế.
Lỗi tiếp theo "Có lời nói lăng mạ người thi hành công vụ với mức phạt 2.500.000 đồng", thì anh không có chứng cứ. Vấn đề ở đây là nhục mạ ai, nhục mạ cá nhân, hay nhục mạ tổ chức? Cá nhân này mặc sắc phục hay cá nhân này mặc thường phục? Có gì chứng tỏ đây là công an hay là dân?.. Lỗi này cũng không được phạt PV Quang Thế", ông Út phân tích.
Theo luật sư TP.HCM, nếu vụ này mà kiện ra tòa thì quyết định xử phạt hành chính này không có cái nào đáp ứng được và phải thu hồi.
"PV Quang Thế của báo Tuổi trẻ chỉ cần làm một cái đơn khiếu nại bên Công an ra quyết định xử phạt hành chính này, có thể nhờ luật sư làm giúp và luật sư nào cũng có thể làm được chuyện đó, bởi lẽ bất kỳ luật sư nào cũng biết việc này là sai!", ông Út khẳng định.
PV Quang Thế có thể khởi kiện
Nói thêm về vụ việc này, theo luật sư Út cần phải nhìn nhận rõ quyền và nghĩa vụ các bên một cách rõ ràng để có cách hành xử cho đúng.
|
Cảnh được cho là Cảnh sát hình sự Ngô Quang Hưng có hành vi dùng chân đá (không trúng) anh Quang Thế. Ảnh cắt cừ clip. |
"Như chúng ta đã thấy, trước đó có 1 vụ tai nạn mà có dấu hiệu nghi là án mạng, có người chết và nhà báo đi lấy tin. Theo luật báo chí thì nhà báo được quyền lấy tin, chịu trách nhiệm về nguồn thông tin trong quá trình đăng tin, lên bài của họ.
Phía bên công an điều tra, họ được quyền phong tỏa hiện trường bằng những biện pháp mà nhà nước trang bị. Ví dụ, chăng dây ngăn cấm, cảnh báo khu vực không được xâm nhập tạm thời, cấm quay phim, ghi hình... trong khi tất cả đều không có vấn đề đó... Người dân được quyền làm bất kỳ điều gì mà luật pháp không cấm.
Nếu nói anh Quang Thế là người dân (chưa nói đến vai trò nhà báo) thì người dân có quyền tiếp cận thông tin không? Theo BLHS năm 2015 có quy định theo điều 167 BLHS quy định về Tội xâm phạm quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin... của công dân mức hình phạt lên đến 5 năm tù.
Cụ thể, mức hình phạt đó quy định: Nghiêm cấm việc dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc các thủ đoạn khác nhằm cản trở quyền tự do báo chí, tiếp nhận thông tin.
Như vậy, đặt vào hoàn cảnh hiện tại, rõ ràng những người "vung tay chạm vào má" hoặc "giơ chân đá nhưng không trúng" hay "cua tay rơi máy di động" của công an Hà Nội... cũng thuộc hành vi dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực, đó là đã có hành vi nguy hiểm cho xã hội rồi, luật đã cấm", luật sư Út phân tích.
Theo luật sư Út, điều 167 không chỉ riêng nhà báo mà tất cả các công dân khác đều có thể quyền tiếp cận thông tin, anh có quyền hỏi mà không cần xuất trình thẻ nhà báo. Với báo chí, nhà báo tác nghiệp lấy thông tin viết bài, họ chịu trách nhiệm với nguồn thông tin họ đưa.
"Tôi nêu điều 167 BLHS năm 2015 ở đây để minh họa cho thấy quyền tiếp cận thông tin xã hội của con người được pháp luật bảo hộ. Rất tiếc, BLHS do trục trặc kỹ thuật, rời lại ngày áp dụng, nếu không rời ngày áp dụng thì ngày hôm nay, những người dùng vũ lực hoặc đe dọa vũ lực có thể bị khởi tố. Anh sai anh lại đi phạt người ta.
Nhà báo cũng có quy định 51 bảo vệ họ, có luật báo chí bảo vệ cho họ, họ có những quyền của họ. Bên công an có cách hành xử không tốt, có thể đây là phản xạ hay cái gì đó mà tôi không quy chụp...", luật sư nói.
Nhìn nhận toàn thể về vụ việc này, vị luật sư TP.HCM nhận định: "Cách hành xử của công an Hà Nội cần phải xem xét lại. Đơn vị nào ra quyết định như thế thì nên rút lại, lời xin lỗi thì đã có rồi... Cần phải phân tích mổ xẻ 1 lần để thấy rằng vấn đề như vậy, quyền của chúng tôi là như vậy.
Nếu bên công an rút lại phạt hành chính thì thôi. Còn nếu không lên tiếng trong vụ việc này thì các nhà báo sẽ không mạnh mẽ đi thu thập các thông tin nóng".
Theo luật sư Út, trong trường hợp công an Hà Nội không có quyết định rút lại việc phạt phóng viên Quang Thế 14 triệu đó thì phóng viên của báo Tuổi trẻ này có quyền khởi kiện. "Thậm chí, bây giờ họ ra quyết định, mình cũng có thể khởi kiện họ cũng được. Tuy nhiên, không nhất thiết phải căng thẳng thế, vấn đề là các bên phải hiểu được quyền và nghĩa vụ của nhau", ông Út nói.
Lam Thanh