Pouyuen “ngạo nghễ” trong dịch bệnh COVID-19

10/04/2020 - 07:43

PNO - Khung cảnh nơi này phơi bày sự hỗn loạn. Ngoài kia, xe 45 chỗ đậu lớp lớp; trong này, người ta chen nhau mua bán, đón rước, chờ đợi. Không có “giãn cách xã hội”, không có “khoảng cách an toàn”. Những chiếc khẩu trang như một “kim bài miễn dịch” để khi có nó, dù không đeo, họ vẫn yên tâm len lỏi trong đám đông.

Không “khoảng cách an toàn”

15g30 ngày 8/4, trên tuyến Quốc lộ 1, trước cổng khu công nghiệp Pouyuen (gọi tắt là Pouyuen), hàng trăm chiếc xe 45 chỗ đưa đón công nhân đã đậu sẵn, nối đuôi nhau, kéo dài gần 2km lấn ra lòng đường. Lực lượng cảnh sát giao thông vã mồ hôi chia nhau điều tiết để các phương tiện lưu thông trên đường có thể chen qua được. Len lỏi mãi, chúng tôi cũng tìm được cổng vào Pouyuen do các tài xế xe đưa rước chừa ra khoảng trống nhỏ. 

 ảnh: Minh Anh
Khung cảnh hỗn loạn ở Pouyuen giờ tan ca - Ảnh: Minh Anh

16g, từ trong công ty, công nhân bắt đầu tràn ra cổng, người đeo khẩu trang, người không đeo. Hàng ngàn người đi, đứng tràn khắp lề đường. Bên ngoài, hàng trăm chiếc xe đưa đón đã chực sẵn, còn chen giữa các công nhân là chợ tự phát (nhiều năm vẫn chưa dẹp được) cùng hàng chục người ngồi trên xe máy, vẻ như chờ đợi người thân, có cả xe ôm công nghệ. 

Trong chiếc áo xanh lá của hãng Grab, cậu thanh niên đứng gần chúng tôi đang cắm cúi vào điện thoại. Chiếc loa của chị bán khoai lang nướng không ngừng lặp đi lặp lại một câu rao hàng. Âm lượng khủng của nó làm không gian thêm xô bồ, khó chịu. Người đàn ông đứng gần đó bất ngờ hắt xì. Lập tức, mọi người xung quanh quay lại nhìn. Cậu “grabber” kéo vội cái khẩu trang dưới cằm lên. Chỉ đến khoảnh khắc này, mới thấy những người đang chen chúc nơi đây có chút phản ứng với dịch bệnh “ngoài kia”. 

Dù nỗ lực, chúng tôi vẫn không thể tìm được một vị trí đáp ứng khoảng cách 2m. Đứng kế bên chúng tôi, chị bán khoai xởi lởi: “Chờ bạn hén cưng?”. Rồi chị nói tiếp: “Hổm rày, chỉ có “bon-chen” (Pouyuen) là còn ngon hen. Các chỗ khác, công nhân phải nghỉ quá trời”.

Chúng tôi hỏi: “Dịch như vầy, chị có bị ảnh hưởng gì không, ế hơn không?”. Chị tủm tỉm: “Sao ế được em ơi! Ở đâu chị không biết, “bon-chen” vẫn ngon mà! Bán ở đây thì không ế được đâu! Chị bán ở đây nhiều năm rồi”. “Chị không sợ dịch bệnh sao?”. “Thì mình cũng đeo khẩu trang vô” - chị lại bật cười.

Quả thật, dấu hiệu duy nhất của việc “chống dịch” ở nơi này là đa số mọi người dùng khẩu trang, có chiếc đeo ngay ngắn, có chiếc được kéo xuống cằm, có chiếc được cầm trên tay hoặc treo lủng lẳng trên tay ga chiếc xe máy đang dừng. Người tập trung đến đây bán hàng nhiều vô kể, người bán “lưu động” trên xe máy như chị bán khoai lang cũng nhiều. Đáng kể nhất là số “gian hàng” đang trải dưới đất, nối nhau xếp kín lề đường, bọc hết cổng công ty. Công nhân tan ca, như mọi khi, vẫn túm tụm bên các gian hàng, chen chúc. 

Khung cảnh nơi này phơi bày sự hỗn loạn. Ngoài kia, xe 45 chỗ đậu lớp lớp; trong này, người ta chen nhau mua bán, đón rước, chờ đợi. Không có “giãn cách xã hội”, không có “khoảng cách an toàn”. Những chiếc khẩu trang như một “kim bài miễn dịch” để khi có nó, dù không đeo, họ vẫn yên tâm len lỏi trong đám đông.

Chúng tôi như đi lạc vào một nơi mà SARS-CoV-2 và cả những biện pháp chống dịch “ngoài kia” đều chưa chạm đến. Với việc chống dịch, thế giới như đang chia làm hai nửa: một nửa là Pouyuen, một nửa ngoài Pouyuen.

Không một khoảng cách an toàn

Chúng tôi tiến về chị Mai - một công nhân đang dừng lại mua rau ngay cổng - hỏi: “Chị đi làm mà chen chúc vậy? Không sợ dịch sao?”. Chị Mai nhanh tay kéo chiếc khẩu trang xuống, nói: “Em đeo hai cái khẩu trang lận nè! Dịch cũng phải đi làm chứ!”. Chị bán rau như đồng cảm: “Ở nhà, đói chết em ơi!”.

Hai người nói như không phải trả lời cho riêng chúng tôi nữa, mà để bắt chuyện với những người đồng cảnh quanh đó. “Đeo khẩu trang cả ngày, ngứa mũi gần chết, nên thi thoảng gỡ ra một chút, gãi”. 

Mỗi người góp một câu, như để lý giải về sự đông đúc một cách lạ lùng ở nơi này trong khi cả nước đang thực hiện giãn cách. Mà nguyên nhân chỉ đơn giản: “Công việc thì phải chịu thôi”.

Níu áo nhau đi kiếm xe

Sau “buổi chợ” chen chúc, hàng ngàn công nhân bắt đầu từ đám đông chia nhau từng tốp hớt hải nắm tay, níu áo, dáo dác tìm chiếc xe đúng tuyến đưa họ về nhà, giữa hàng trăm chiếc xe.

Vừa nhìn thấy một chiếc xe gắn dòng chữ Đức Lập (tỉnh Long An), một nhóm công nhân vội vàng chạy đến, chen nhau lên xe. Cách đó một đoạn, một người cầm bảng hiệu Bình Chánh - Hưng Long - Cần Giuộc giơ lên cao, đưa qua đưa lại. Thấy thế, một tốp công nhân khác cuống cuồng chạy đến. Suốt hai giờ, từ 16-18g, biển người cứ đổ ra, mua sắm rồi cấp tập tìm xe.

Những chiếc xe gần cổng của Pouyuen nhất nhanh chóng đủ số lượng công nhân nhưng bị kẹt cứng giữa hàng trăm chiếc xe bao bên ngoài, thi nhau bấm còi inh ỏi. 

Hàng trăm người sát rạt, chen kín

Nhiều công nhân cho biết, họ không được sắp xếp để lên chuyến xe nào, đậu ở đâu. “Tôi ở huyện Đức Hòa, tỉnh Long An nên hễ thấy xe có chữ Đức Hòa thì bước lên thôi. Nhưng xe nhiều quá, tìm muốn chết. Có khi leo lên, họ bảo đủ người rồi, lại bước xuống tìm xe khác” - chị K.T. - công nhân khu B - vừa kể, vừa dáo dác tìm xe.

Giữa hàng trăm chiếc xe lẫn hàng ngàn công nhân ken kín, đội ngũ gồm bảo vệ của Pouyuen, thanh niên xung phong cùng cảnh sát cơ động, cảnh sát giao thông như lọt thỏm, yếu ớt, bất lực trong công tác điều phối. 

Một bảo vệ của Công ty Pouyuen mướt mồ hôi, chia sẻ với chúng tôi: “Chắc phải mất vài hôm nữa mới hết tình trạng nháo nhào, hỗn độn này”. “Bằng cách nào?” - chúng tôi hỏi. Ông thở dài: “Có thể là nhà xe sẽ phải nắm danh sách cụ thể người nào lên xe mình rồi gọi điện cho từng công nhân để báo xe đậu ở đâu, công nhân cứ thế mà đến, khỏi chen chúc tìm kiếm”. Cũng theo người đàn ông này, sự lộn xộn giờ tan ca tại Pouyuen đã diễn ra trong nhiều ngày qua, khi công ty áp dụng xe đưa rước tăng cường.

Chen nhau lên xe
Chen nhau lên xe

Theo tìm hiểu của chúng tôi, Pouyuen hiện có khoảng 62.000 công nhân đang làm việc, trong đó, trên dưới 16.000 người ở các tỉnh lân cận TPHCM. Trước đây, mỗi ngày, Pouyuen có hơn 390 xe đưa rước công nhân về các tỉnh. Thực hiện Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ về các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch bệnh COVID-19, trong đó có nội dung giãn cách xã hội, Pouyuen đã chủ động thuê thêm hơn 400 xe đưa rước, phần lớn là từ các hợp tác xã xe buýt. Việc tăng cường này nhằm đáp ứng yêu cầu mỗi xe chỉ vận chuyển khoảng 20 người, giảm một nửa so với trước đây.

Mặc dù vậy, theo quan sát của chúng tôi, trong hàng trăm chiếc xe, có chuyến chỉ khoảng 20 công nhân, mỗi người ngồi một ghế. Ngược lại, phần lớn xe tăng cường đều đông đúc. Trên xe, công nhân vẫn ngồi bên nhau san sát, vô tư mở khẩu trang trò chuyện. Leo lên chiếc xe biển số 51B-046.17 với bảng hiệu “xe tăng cường đưa rước công nhân, 6 Lu - Bình Chánh - Pouyuen”, chúng tôi đếm có hơn 20 công nhân ngồi dựa vai vào nhau. Dường như vẫn cảm thấy chưa đủ, người lơ xe bước xuống, liên tục giơ tay ngoắc từng tốp công nhân: “Bình Chánh không? Đi thì lên”.

Sở dĩ có tình trạng “bắt khách” này là do công nhân muốn đi xe, phải mua vé với khoảng 4.000-10.000 đồng/lượt tùy điểm về.

Việc duy trì được hoạt động sản xuất trong dịch bệnh là điều đáng ủng hộ, với điều kiện doanh nghiệp phải đáp ứng các tiêu chí về phòng, chống dịch. Hơn thế, ở Pouyuen, việc duy trì sản xuất giúp hàng chục ngàn công nhân không bị mất thu nhập. Chúng tôi hỏi chị Lan - một công nhân quê Tiền Giang: “Về đến nhà, chị có thay đồ ngay hoặc có biện pháp phòng, chống dịch nào không?”. Chị Lan vô tư: “Nhà bao nhiêu việc, về đến nhà, lo cơm nước, giặt giũ, chồng con đã đứt hơi, không kịp ngủ để mai sáng lại đi làm, thời giờ đâu nghĩ đến dịch”.

Công nhân T.Đ. cho biết: “Trong công ty, chúng tôi vẫn làm việc gần nhau, ăn uống cũng ngồi sát nhau. Nói chung, không có gì khác với trước khi có dịch”. Trong khi đó, bà Ngọc H. (chủ một doanh nghiệp may gồm 30 công nhân có trụ sở gần Công ty Pouyuen) ngao ngán: “Chúng tôi cho công nhân nghỉ từ ngày 1/4 để đảm bảo an toàn cho mọi người, góp tay cùng xã hội chống dịch. Chịu thiệt về kinh tế một chút cũng không sao. Nhưng mỗi ngày, nhìn cảnh công nhân của Pouyuen lũ lượt vào ca rồi tan ca, tôi cứ rùng mình bất an”.

Thật sự Pouyuen đang phớt lờ các chỉ đạo về phòng, chống dịch và không hề sợ hãi trước nguy cơ lây nhiễm. 

Video: Cảnh hỗn loạn ở Pouyuen giờ tan ca

Theo bộ chỉ số đánh giá tính rủi ro lây nhiễm SARS-CoV-2 để áp dụng cho các doanh nghiệp (do UBND TPHCM ban hành), Công ty Pouyuen tự đánh giá mức độ rủi ro là 52%. Tuy nhiên, đoàn công tác liên ngành của TPHCM đánh giá mức độ rủi ro lây nhiễm SARS-CoV-2 của doanh nghiệp này lên đến 91% - là mức độ rủi ro lây nhiễm rất cao, doanh nghiệp không được hoạt động.

Chiều 9/4, tại cuộc họp trực tuyến với Thủ tướng Chính phủ về tình hình phòng, chống COVID-19, Phó chủ tịch thường trực UBND TPHCM Lê Thanh Liêm cho biết, với hai kết quả chênh nhau như thế, đoàn công tác liên ngành sẽ tiếp tục làm việc để công ty giải trình và tìm cách khắc phục. “Trên tinh thần bảo vệ tính mạng và sức khỏe của người dân là tối thượng, TPHCM sẽ xem xét giải quyết và sẽ có chỉ đạo tiếp theo” - ông Liêm nói.

Trước đó, tối 8/4, tại cuộc họp của Ban chỉ đạo phòng, chống COVID-19 TPHCM, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân lưu ý: “Nhà nước không ngăn cản doanh nghiệp sản xuất, nhưng phát triển kinh tế phải đảm bảo yêu cầu, không gây mất an toàn cho người dân. Khi nào doanh nghiệp khắc phục được các tiêu chí về phòng, chống dịch bệnh, mới được sản xuất”. 

Minh Trâm - Tuyết Dân - Tam Nguyên 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(13)
  • Huy 12-04-2020 14:28:50

    Sao thấy báo chí chỉ nói riêng cái công ty này nhỉ? Còn hàng trăm, hàng ngàn các công ty khác vẫn hoạt động như bình thường bất chất lệnh giới nghiêm của nhà nước? Về quê tôi mà xem, KCN Long Giang, KCN Tân Hương... tình trạng kẹt xe, người ta chen chúc nhau vào giờ tan ca hay lúc vào ca diễn ra hằng ngày. Nỗi lo sợ ám ảnh tôi mỗi ngày khi phải chứng kiến cảnh như thế, ai vào cuộc để giải quyết đây!

  • ngọc phú 11-04-2020 11:43:01

    khi nào đến mấy chục mấy trăm ngàn ca nhiễm thì mới đánh bại cái ý thức tồi tàn của họ hoặc nhà nước dạy dỗ không nương tay

  • Le Hong Vinh Trung 10-04-2020 23:36:29

    Thủ tướng đã chỉ thị việc cách lý toàn xã hội, đã gọi la cách ly toàn xã hội thì ko lý do gì để một cty có sự rủi ro đến 91% mà hoạt động như thế được.

  • Thanh Thanh 10-04-2020 21:32:26

    Đâu chỉ riêng Pouyuen, chiều 16h xuống KCN Tân Hương Tiền Giang rồi thấy, cũng vài chục ngàn công nhân tan ca. Rồi KCN Thuận Đạo Bến Lức nữa. Có ai nói gì đâu, thấy ám ảnh luôn

  • Hoang Minh Cuong 10-04-2020 21:32:08

    Không nên chỉ trích mà nên hướng dẫn các biện pháp cho phù hợp để công ty thực hiện được, không nên cứ thầy đông người là cấm, là phạt. Như vừa rồi ông Phong có đi thực tế và sau đó hình như một số XN đóng cửa, theo tui nên hướng dẫn XN "giãn xa" người LĐ trước khi tạm đóng cửa.

  • tran quang 10-04-2020 21:24:51

    neu can de nghi dong cua cong ty chong dich.de nhu vay vai bua nua co ng nhiem thi tphcm se vo tran thoi.

  • Trang út nhí 10-04-2020 19:27:31

    Ai phạt công ty này. trong khi dân chỉ cần 2 người là bị phạt?
    Cty này sống ở đâu mà chỉ thị 16 không có hiệu lực.
    Đưa chúng tập trung cách ly ngay.

  • cong Ly 10-04-2020 15:43:57

    Pouyuen đâu phải sản xuất mặt hàng thiết yếu sao vẫn hoạt động bỏ qua tất cả các quy định, chỉ thị của Thành phó và Chính phủ
    Chính quyền địa phương đang ở đâu?

  • Hoàng viết hải 10-04-2020 14:44:58

    Chỉ có nghĩ thôi không dãn ra được

  • Xuân 247 10-04-2020 11:57:50

    Chắn chắn khó kiểm soát dịch nếu giả dụ có người mắc covid thì sao

  • Trương Thiên Ân 10-04-2020 11:50:16

    Chủ doanh nghiệp này đang coi thường pháp luật Việt nam

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI