Thế nhưng, sau 21 năm đi vào hoạt động, công ty này vẫn chưa xây dựng khu thương mại khiến khoảng 90.000 công nhân ở đây phải mua thực phẩm tại chợ tự phát với nhiều mối hiểm họa (xem bài Bữa cơm công nhân, nhắm mắt… qua ngày đăng trên Báo Phụ Nữ TP.HCM ngày 18/4).
|
Mặt hàng bán ở chợ Pouyuen không rõ nguồn gốc, chủ yếu nửa lấy mối nửa… lượm từ các chợ đầu mối |
Quy hoạch có nhưng 21 năm chưa làm
Theo tài liệu của chúng tôi, Công ty Pouyuen được UBND TP.HCM cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số 13QSDĐ/1997 ngày 22/1/1997 với diện tích 556.055m2 (479.024m2 thuộc phường Tân Tạo và 77.031m2 thuộc phường Bình Trị Đông B) để xây dựng nhà máy sản xuất giày da theo hình thức thuê đất với thời hạn sử dụng 50 năm kể từ ngày 12/2/1996.
Ngày 4/2/1997, kiến trúc sư trưởng TP.HCM ký Quyết định số 2057/KTS.T.QH duyệt quy hoạch chi tiết phân lô khu công nghiệp sản xuất giày Pouyuen, trong đó quy hoạch khối giải trí - thương mại là 16.000m2 (80mx100mx2 đơn nguyên). Điều 2 của quyết định này có đề nghị Công ty Pouyuen tiếp tục hoàn chỉnh các thủ tục giao quyền sử dụng đất để được cấp phép xây dựng theo quy định hiện hành, đồng thời có trách nhiệm lập điều lệ quản lý xây dựng để đảm bảo việc thực hiện đúng với các nội dung đã được phê duyệt. Như vậy, trên quy hoạch, Công ty Pouyuen có hai khối giải trí - thương mại rộng đến 16.000m2, tạm gọi là khu H1 và H2.
Mười năm sau, ngày 17/5/2007, Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP.HCM có văn bản số 1670/KQTĐ-SQHKT về kết quả thẩm định đồ án điều chỉnh cục bộ quy hoạch chi tiết xây dựng đô thị tỷ lệ 1/500 Công ty Pouyuen, trong đó điều chỉnh theo hướng giảm bớt một phần diện tích đất trung tâm thương mại để chuyển sang xây dựng nhà lưu trú công nhân.
|
Quầy thức ăn nhanh, chế biến sẵn luôn được “phơi trần” |
Ngày 24/1/2017, UBND Q.Bình Tân có văn bản số 201/UBND gửi Sở Quy hoạch - Kiến trúc, đề nghị có ý kiến về việc điều chỉnh một số hạng mục trong khuôn viên Công ty Pouyuen trên cơ sở tờ trình số 50/PY-2016 ngày 29/12/2016 của công ty này. Ngày 24/2/2017, Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP.HCM có văn bản số 769/SQHKT-QHC về điều chỉnh hạng mục công trình xây dựng trong khuôn viên Công ty Pouyuen, trong đó nhất trí nội dung hoán chuyển hạng mục H2 thành khu xử lý nước thải trong khuôn viên nhà máy nhằm tăng công suất xử lý nước thải, đảm bảo vệ sinh môi trường.
Đến nay, sau 21 năm, với nhiều lần điều chỉnh quy hoạch theo hướng giảm bớt khối giải trí - thương mại, Công ty Pouyuen vẫn chưa xây dựng khu thương mại như đã quy hoạch. Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng chợ tự phát, hàng rong lộng hành, buộc công nhân phải triền miên mua thực phẩm trôi nổi cho bữa ăn của mình.
Khu thương mại gây mất an toàn?
Trước tình trạng mua bán xô bồ trước cổng Công ty Pouyuen, ngày 22/3/2017, Phòng Quản lý đô thị Q.Bình Tân có văn bản số 1110/UBND đề nghị Công ty Pouyuen cam kết thực hiện đầu tư xây dựng trung tâm thương mại theo quy hoạch. Tiếp đến, ngày 16/5/2017, UBND Q.Bình Tân ra Quyết định số 3333/QĐ-UBND về phê duyệt điều chỉnh hạng mục công trình xây dựng trong khuôn viên Công ty Pouyuen.
Đề xuất đẩy nhanh các dự án hạ tầng thương mại trong khu công nghiệp
Trong văn bản số 1455/SCT-QLTM của Sở Công thương TP.HCM đề xuất với UBND thành phố về việc thí điểm lập các khu mua sắm tại Q.Bình Tân có ghi: “Về lâu dài, để giải quyết một cách căn cơ nhu cầu mua sắm, tiêu dùng của công nhân tại các khu công nghiệp trên địa bàn Q.Bình Tân, đề xuất giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp Sở Quy hoạch - Kiến trúc, Sở Xây dựng và UBND Q.Bình Tân làm việc với các đơn vị đang quản lý khu công nghiệp khẩn trương triển khai các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng thương mại trong khu công nghiệp theo quy hoạch, kế hoạch liên quan đã được phê duyệt”.
|
Trong đó, tại điều 1, có nêu trách nhiệm và đề nghị chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng công trình thương mại dịch vụ cho công nhân trong nhà máy theo quy hoạch để làm giảm tình trạng buôn bán, lấn chiếm lòng lề đường, vỉa hè tại khu vực xung quanh nhà máy.
Đến ngày 17/5/2017, Công ty Pouyuen có văn bản trả lời: “Hiện nay, khu vực quanh công ty có nhiều siêu thị, cửa hàng, cửa hàng tiện lợi đang hoạt động kinh doanh, và trong khu ký túc xá của công ty cũng bố trí cửa hàng tiện lợi, đã có thể đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của các chuyên gia.
Hơn nữa, khu H1 hiện nay là một hồ chứa nước, dự trữ nước sử dụng cho an toàn phòng cháy và chữa cháy, bảo vệ tài sản của công ty và tính mạng của nhân viên. Đồng thời, vị trí khu H1 nằm gần cửa chính ra vào của công ty, nếu xây khu thương mại, sẽ làm cho tình hình an ninh trật tự, an toàn giao thông càng phức tạp thêm, gây khó khăn cho công nhân khi ra vào công ty”.
Sau nhiều lần bị hối thúc, ngày 26/1/2018, Công ty Pouyuen tiếp tục có văn bản trả lời, với những lý do như đã nêu trên. “Từ những lý do trên, việc xây dựng khu thương mại không phù hợp với chủ trương chính sách của công ty trong giai đoạn hiện tại, chưa được xếp vào hạng mục ưu tiên thực hiện của công ty” - văn bản ngày 26/2/2018 nêu.
Trong các văn bản trả lời, Công ty Pouyuen thường nại lý do ảnh hưởng đến công tác phòng cháy và chữa cháy, nhưng theo tài liệu chúng tôi thu thập được, lý do này là không có cơ sở. Đối chiếu với bản đồ quy hoạch cấp nước khu công nghiệp sản xuất giày Pouyuen được Bộ Xây dựng duyệt ngày 20/2/1997, nguồn nước sạch nằm ngoài khuôn viên được đấu nối cấp cho nhà máy được xác định từ đường ống cấp nước Ф300 trên Tỉnh lộ 10 đến nước ngầm Bình Trị Đông và từ nhà máy nước mặt sông Sài Gòn đến, với công suất 600.000m3/ngày đêm. Nguồn nước bên trong khuôn viên là nguồn nước giếng khoan tại chỗ, gồm 10 giếng.
Cũng theo bản đồ quy hoạch cấp nước được Bộ Xây dựng duyệt, hồ chứa nước thô 1.200m3 và hồ chứa nước sạch 1.000m3 của nhà máy được bố trí phía đông nam của nhà máy; sau đó, được điều chỉnh theo bản đồ quy hoạch tổng mặt bằng Công ty Pouyuen được kiến trúc sư trưởng TP.HCM phê duyệt năm 2000 thì vị trí hồ chứa nước có ký hiệu E5 được bố trí ở phía Đông Bắc, tiếp giáp đường số 7 (Trần Văn Giàu).
Như vậy, việc Công ty Pouyuen nại lý do vị trí khu H1 là một hồ chứa nước, dự trữ nước sử dụng cho an toàn phòng cháy và chữa cháy là không phù hợp.
Lập khu mua sắm tập trung để giải bài toán hàng rong
Trước tình trạng chợ tự phát, hàng rong bủa vây khu công nghiệp Tân Tạo và Công ty Pouyuen, Q.Bình Tân đã có đề án lập khu mua sắm tập trung ở khu vực này. Mới đây, UBND TP.HCM đã chấp thuận chủ trương cho Q.Bình Tân thí điểm lập ba khu mua sắm tập trung. Ông Nguyễn Công Luân - Trưởng phòng Kinh tế Q.Bình Tân - nói rõ hơn về việc này:
- Ông Nguyễn Công Luân: Khu mua sắm tập trung thứ nhất sẽ nằm tại khu đất 5.000m2 ở phường Tân Tạo A, là khu đất công thuộc đất cây xanh cách ly, hiện chưa thực hiện dự án. Vị trí thứ hai là khu đất 10.000m2 ở phường Tân Tạo, thuộc đất dự trữ giao thông Quốc lộ 1. Ngoài ra, còn có một khu mua sắm tập trung ở phường Bình Hưng Hòa B thuộc đất của tư nhân. Sau khi được UBND TP.HCM chấp thuận chủ trương, quận đang kêu gọi nhà đầu tư thực hiện các dự án.
* Xin ông chia sẻ thêm về quy mô của các khu mua sắm tập trung này?
- Đối với khu mua sắm tập trung ở phường Tân Tạo và Tân Tạo A, chúng tôi sẽ không xây dựng công trình, chỉ kẻ vạch xác định ranh giới các ô, bố trí điểm, khu vực buôn bán tạm thời, không thu phí kinh doanh mà chỉ thu phí vệ sinh, bảo đảm an ninh trật tự. Đối với khu mua sắm thuộc đất tư nhân tại phường Bình Hưng Hòa B, chủ đầu tư sẽ được xây dựng công trình tạm, nhưng phải sử dụng các vật liệu dễ lắp ghép, tháo dỡ và xây trệt phù hợp với đặc điểm công trình thí điểm, tạm thời.
Chủ đầu tư cũng phải cam kết tháo dỡ công trình xây dựng và không đòi bồi thường hay đền bù nếu các dự án hạ tầng giao thông cần triển khai theo quy hoạch đã được duyệt.
UBND TP.HCM cho thí điểm các khu mua sắm tập trung trong một năm. Sau một năm, UBND quận có trách nhiệm đánh giá tính hiệu quả của khu mua sắm tập trung và kết quả công tác giải tỏa các điểm, khu vực kinh doanh tự phát hiện nay, trình UBND TP.HCM xem xét.
Các khu mua sắm tập trung này hứa hẹn sẽ giải quyết được nơi buôn bán cho hàng trăm người bán hàng rong. Hiện tại, chúng tôi đang lên danh sách và sẽ cố gắng giải quyết cho nhiều người nhất có thể.
* Vị trí các khu mua sắm tập trung có thuận tiện cho công nhân hay không?
- Ông Nguyễn Công Luân: Rất thuận tiện. Các khu mua sắm tập trung đều được quy hoạch ở nơi đông công nhân. Ví dụ như, khu đất 5.000m2 ở phường Tân Tạo A nằm ở khu vực giáp ranh đường Lộ Tẻ, đường số 5, đường số 1, nơi có rất đông công nhân sinh sống. Khi khu mua sắm tập trung đi vào hoạt động, quận sẽ sắp xếp, bố trí những xe bán hàng rong vào bán và quyết liệt xử lý tình trạng lấn chiếm, bán hàng rong ở các con đường này.
Hai khu đất ở phường Tân Tạo và Tân Tạo A vừa gần Công ty Pouyuen, vừa gần khu công nghiệp Tân Tạo nên đối tượng mua sắm chính ở đây vẫn là công nhân. Có khu mua sắm tập trung, chắc chắn sẽ giải quyết được tình trạng hàng rong lấn chiếm lòng lề đường.
* Vấn đề nhức nhối nhất ở các khu chợ công nhân là tình trạng mất an toàn vệ sinh thực phẩm. Vậy, chợ tập trung sẽ giải quyết tình trạng này như thế nào?
- Ông Nguyễn Công Luân: Nếu để buôn bán tự phát tràn lan, rất khó kiểm soát được vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm. Nhưng, khi cho hàng rong vào khu mua sắm tập trung, mình sẽ có danh sách, vị trí bán cụ thể của từng hộ, thuận tiện hơn trong việc kiểm soát.
Bước đầu, khi vào khu mua sắm tập trung, chúng tôi sẽ cho những người kinh doanh cam kết về nguồn gốc, chất lượng thực phẩm. Sau đó, địa phương cũng sẽ tổ chức tuyên truyền, đồng thời có lực lượng chuyên môn duy trì kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm ở các khu mua sắm tập trung.
* Trong quá trình triển khai đề án, địa phương gặp khó khăn, vướng mắc gì?
- Ông Nguyễn Công Luân: Khó khăn nhất là kêu gọi nhà đầu tư. UBND TP.HCM chỉ cho phép thời gian thí điểm trong một năm, hình thức đầu tư ở hai khu đất công cũng khá đơn giản, với số vốn thấp. Trong khi đó, nhiều nhà đầu tư muốn đầu tư dài hạn hơn. Hiện tại, quận đang làm việc với nhà đầu tư và phấn đấu hoàn thành khu mua sắm tập trung tại khu đất 5.000m2 ở phường Tân Tạo A trong năm nay, tiếp đến sẽ là khu đất 10.000m2 ở phường Tân Tạo. Chúng tôi cũng hy vọng, mô hình này sẽ mang lại hiệu quả thiết thực cho người dân.
* Xin cảm ơn ông!
Hoàng Lâm (thực hiện)
|
Sơn Vinh