“Podcast chữa lành” bằng chửi bậy đang đầu độc người trẻ

03/06/2024 - 06:32

PNO - Thời gian gần đây, trên TikTok xuất hiện nhiều đoạn podcast (tệp âm thanh kỹ thuật số) chứa các nội dung, từ ngữ tục tĩu, kém văn hóa nhưng lại thu hút rất đông giới trẻ vào xem, hưởng ứng và đang trở thành trào lưu trên mạng xã hội.

Ảnh hưởng xấu đến người trẻ

“Chào bạn, ngày hôm nay của bạn thế nào, có vui không? Còn mình, ngày hôm nay của mình như con c**”. “Xin chào các bạn, mình là T., hôm nay mình sẽ chia sẻ với các bạn làm thế nào để chúng ta có thể nói đạo lý mà không sống như l**”. “Nếu bạn đã cố gắng lắm rồi nhưng cuộc đời vẫn như c** thì…”.

Đây chỉ là vài trong rất nhiều “Podcast chữa lành mà bạn nên nghe” trên TikTok. Những podcast này đang thu hút hàng trăm ngàn lượt xem cùng nhiều bình luận tỏ vẻ đồng tình, kiểu như “thô nhưng thật”, “nghe mà thấm”, “nghe cái này tỉnh ngộ hơn là mấy lời văn vẻ”… Một số tiktoker, nhất là người trẻ, còn sử dụng lại nội dung trên để lồng ghép vào những đoạn video có hình ảnh cá nhân nhằm tăng lượt xem, thành xu hướng.

Những đoạn “podcast chữa lành” bằng từ ngữ tục tĩu đang thu hút lượng lớn lượt xem và tương tác
Những đoạn “podcast chữa lành” bằng từ ngữ tục tĩu đang thu hút lượng lớn lượt xem và tương tác

Tiktoker tên M.L. (có 1,8 triệu lượt theo dõi) đăng một video dài 32 giây với nhiều câu chửi thề, thô tục nhưng nhận được 50.000 lượt xem, 2.000 lượt chia sẻ cùng nhiều bình luận như “Chill quá”, “Nghe vui tai cũng thư giãn mà”, “Cho mình xin lại nội dung nha” và hàng ngàn lượt gợi ý để bạn bè vào nghe. Dù nhận được những ý kiến trái chiều, nhưng những video này hiện tồn tại như một cách giải trí của một bộ phận giới trẻ.

Là một nhà sáng tạo nội dung podcast, tác giả T.Đ. nhận xét: “Chúng ta có thể thấy podcast của thế hệ trước văn minh, lịch sự bao nhiêu thì podcast của thế hệ gen Z lại thô tục và thiếu văn hóa bấy nhiêu. Việc nói tục, chửi bậy đang rất phổ biến ở giới trẻ. Tôi nghĩ tất cả chúng ta nên xem đây là vấn đề quan trọng, cần được kiểm soát” - ông Đ. bức xúc.

Chị Huỳnh Như - giáo viên tiểu học tại quận 10, TPHCM - cho rằng, việc sử dụng ngôn ngữ tục tĩu trong các podcast đang là vấn đề báo động, nó làm ảnh hưởng xấu đến quá trình hình thành tư duy và nhân cách của học sinh. “Giờ ra chơi, tôi hay nghe các em đùa cợt bằng những từ ngữ rất bậy. Hỏi thì các em nói là nghe trên mạng. Tôi dặn các em không nên học theo và thông báo để phụ huynh chú ý kiểm soát những nội dung trên điện thoại của con em” - chị Huỳnh Như kể.

Làm gì để răn đe?

Thạc sĩ Trần Xuân Tiến - Phó trưởng bộ môn truyền thông, Trường đại học Văn Hiến - nhấn mạnh, việc sử dụng hoặc tiếp xúc với ngôn ngữ không phù hợp sẽ làm ảnh hưởng xấu đến sự hình thành nhân cách, tư duy, lối sống của một bộ phận trẻ em và thanh thiếu niên.

“Podcast chữa lành” chứa những từ ngữ chửi thề, văng tục đang thâm nhập vào đời sống người trẻ
“Podcast chữa lành” chứa những từ ngữ chửi thề, văng tục đang thâm nhập vào đời sống người trẻ

Thạc sĩ tâm lý Nguyễn Thị Đào Lưu - giảng viên Khoa Xã hội và Nhân văn, Trường đại học Văn Lang - nhìn nhận, những ngôn từ tục tĩu sẽ cực kỳ nguy hiểm. Lâu dần sẽ làm cho các bạn trẻ có nhận thức sai lệch, hình thành thói quen giao tiếp không lành mạnh. Thạc sĩ Đào Lưu khuyến cáo, đối với các bạn nhỏ chưa hình thành đầy đủ về nhận thức, các bậc phụ huynh nên chủ động hạn chế nội dung giải trí của con trên điện thoại, hạn chế cho con truy cập vào các nền tảng mạng xã hội chưa có sự kiểm duyệt.

Bà kiến nghị, các cơ quan chức năng cần siết chặt việc quản lý, kiểm duyệt; nghiên cứu, thiết kế phần mềm nhằm kiểm soát những video clip có từ ngữ phản cảm; hình thành các kênh truyền thông lành mạnh và tích cực.

Luật sư Lê Trung Phát (Đoàn Luật sư TPHCM) cho biết, theo quy định tại khoản 6, điều 4, Bộ Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội do Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành năm 2021 thì các tổ chức, cá nhân không được “sử dụng ngôn ngữ phản cảm, vi phạm thuần phong mỹ tục”.

Tuy nhiên, để xử phạt việc sử dụng ngôn từ phản cảm thì vẫn còn nhiều bất cập, chưa khả thi, vì tại điều 101 Nghị định 115/2020 (quy định việc xử phạt các vi phạm về trách nhiệm sử dụng dịch vụ mạng xã hội) chưa đề cập đến hành vi sử dụng ngôn ngữ phản cảm như trong Bộ Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội đã nêu. Ông Lê Trung Phát nhìn nhận: “Hành vi cung cấp, chia sẻ thông tin không phù hợp với thuần phong, mỹ tục của dân tộc cũng chưa có hướng dẫn cụ thể như thế nào là không phù hợp. Cho nên, dù thấy rõ hành vi không tốt khi sử dụng mạng xã hội, nhưng cơ quan chức năng không thể xử phạt để răn đe”.

“Theo tôi, các cơ quan chức năng cần sớm ban hành các văn bản hướng dẫn, bổ sung hành vi sử dụng lời nói thô tục vào một trong những hành vi bị xử phạt vi phạm hành chính để tăng tính răn đe. Điều này nhằm ngăn chặn “rác” trên các nền tảng mạng xã hội, làm ảnh hưởng xấu đến giới trẻ, đặc biệt là lứa tuổi học đường” - ông Lê Trung Phát kiến nghị.

Tú Ngân

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI