Các phát minh của thế hệ trẻ rất thú vị bởi chúng mang lại cái nhìn về sự đổi mới trong tương lai. Bên cạnh đó, vào thời COVID-19, một số sáng tạo không chỉ phù hợp mà còn rất cần thiết.
Jamaica: Thiết bị cực tím diệt vi khuẩn trên tay nắm cửa
Rayvon Stewart - sinh viên năm cuối Khoa Máy tính và Công nghệ thông tin tại Đại học Công nghệ Jamaica - bắt đầu phát triển sản phẩm của mình trước cả khi COVID-19 xuất hiện tại nước này. Với tên gọi XERMOSOL, phát minh của chàng trai ấy là một thiết bị đơn giản có thể tiêu diệt vi khuẩn trên tay nắm cửa bằng công nghệ ánh sáng cực tím. Rayvon xác định sự cần thiết của công nghệ diệt khuẩn trong đợt bùng phát dịch Klebsiella ở Jamaica cách đây 5 năm.
XERMOSOL có thể gắn cố định vào tay nắm cửa ở các không gian công cộng như bệnh viện, trường học, văn phòng. Vì SARS-CoV-2 có thể tồn tại đến ba ngày trên thép không gỉ và kim loại, XERMOSOL cung cấp một phương pháp nhanh chóng và an toàn để tiêu diệt chúng tại điểm tiếp xúc quan trọng - hiệu quả đến 99,9%.
Vào cuối tháng 3/2020, Tổng thư ký Khối thịnh vượng chung Baroness Patricia Scotland giới thiệu phát minh của Rayvon như một “vũ khí quan trọng trong cuộc chiến ngăn chặn sự lây lan của COVID-19”. Tuy nhiên, XERMOSOL hiện phải đối mặt với những thách thức kinh điển của phát triển thương mại: tài trợ và khả năng sản xuất hàng loạt. Do đó, bà Scotland đề xuất 54 quốc gia thành viên Khối thịnh vượng chung hợp tác với Quỹ Đổi mới toàn cầu để giúp đỡ những nhà sáng tạo trẻ như Rayvon.
|
Rayvon Stewart chế tạo thiết bị XERMOSOL nhằm sử dụng ánh sáng cực tím diệt khuẩn trên tay nắm cửa, tránh nguy cơ lây nhiễm qua bề mặt tiếp xúc |
Morocco: Phát minh hỗ trợ chăm sóc sức khỏe từ sinh viên
Nhóm sinh viên từ Trường Khoa học Kỹ thuật Morocco (EMSI) giới thiệu ba phát minh tại cuộc thi Hackathon Virtual MaroCovid19, diễn ra từ tháng 4 - 6/2020.
Phát minh đầu tiên là African Savior, một hệ thống dựa trên ứng dụng cung cấp bộ dụng cụ kiểm tra tăm bông qua thiết bị bay không người lái cho bệnh nhân có các triệu chứng COVID-19. Điều này cho phép các chuyên gia chăm sóc sức khỏe chẩn bệnh từ xa mà không gây nguy hiểm cho bản thân.
Kế đó là Hệ thống hô hấp y tế kỹ thuật số, cung cấp thông tin về hệ thống hô hấp của bệnh nhân cho các bác sĩ. Các bác sĩ sau đó có thể điều chỉnh áp suất và lưu lượng hô hấp (thông qua máy thở) từ xa và nhận cảnh báo trong các tình huống nguy cấp.
Sáng chế thứ ba là Hệ thống số hóa các đơn thuốc y tế. Trong đó, các bác sĩ có thể sử dụng một ứng dụng để gửi đơn thuốc trực tiếp đến hiệu thuốc. Để nhận thuốc, tất cả những gì bệnh nhân phải làm là đến hiệu thuốc và quét mã QR.
Hiệu trưởng EMSI - Kamal Daissaoui - cho biết: “Các ý tưởng của sinh viên sẽ sớm được Công ty Lafactory hoàn thiện và đưa vào sử dụng tại đất nước của chúng tôi, đóng góp vào những nỗ lực trên toàn quốc trong việc giải quyết sự lây lan của đại dịch”.
Ethiopia: Nhà phát minh trẻ giúp ứng phó COVID-19
Ezedine Kamil, một sinh viên khoa học tự nhiên 18 tuổi đến từ Welkite - thị trấn nông thôn cách thủ đô Addis Ababa của Ethiopia 160km - sở hữu đến 30 phát minh giúp ứng phó đại dịch. 13 trong số đó được cấp bằng sáng chế bởi tổ chức SaveIdeas. Phát minh đầu tiên là máy phân phối xà phòng không tiếp xúc thông qua cảm biến tích hợp hoặc bàn đạp cơ học khi mất điện - điều thường xảy ra ở Ethiopia.
Kế đến, vì Ethiopia chỉ có 557 máy thở, Ezedine quyết định tự phát minh ra phiên bản của riêng mình. Anh chia sẻ: "Khi tôi nghe nói về sự thiếu hụt toàn cầu và giá máy thở vào khoảng 30.000 USD mỗi chiếc, tôi đã nghĩ đến việc tự tạo ra chúng". Từ đó, chàng trai ấy bắt đầu tìm kiếm các hướng dẫn thông qua mã nguồn mở trên mạng. Hiện phát minh của Ezedine sử dụng một túi nhựa được gọi là túi Ambu, máy thở cơ học và màn hình hiển thị tái sử dụng từ điện thoại di động. Sau khi thử nghiệm thành công, cậu bắt đầu sản xuất và giao những chiếc máy do mình sáng chế cho cộng đồng địa phương.
Tiếp theo, nhà phát minh trẻ bắt đầu xây dựng một thiết bị nhắc nhở mọi người không chạm tay vào mặt. Ezedine cho biết: "Thiết bị này giống như một chiếc đồng hồ có cảm biến. Mỗi khi đưa bàn tay đến gần khuôn mặt, thiết bị sẽ đổ chuông, nhắc nhở người đeo không được chạm vào mặt".
Afghanistan: Những cô gái đam mê robot thiết kế máy thở giá rẻ
Ở thành phố Herat, miền đông Afghanistan, học sinh trung học 18 tuổi Somaya Faruqi điều chỉnh phần máy hút tại khâu hoàn thiện trước khi cho ra mắt một chiếc máy thở giá rẻ do cô và sáu bạn học khác chế tạo.
Đội Robot Afghanistan toàn nữ đã giành được các giải thưởng quốc tế về sáng kiến robot, bắt đầu làm việc từ tháng Ba năm nay trên một mẫu thiết kế máy thở mã nguồn mở, chi phí thấp khi đại dịch COVID-19 tấn công quốc gia vốn bị chiến tranh tàn phá suốt nhiều năm. Nhóm nghiên cứu mất gần 4 tháng để hoàn thiện chiếc máy thở, một phần dựa trên thiết kế của Viện Công nghệ Massachusetts (MIT - Mỹ) và nhận thêm hướng dẫn từ các chuyên gia tại Đại học Harvard.
|
Nhóm sinh viên nữ Afghanistan đưa niềm đam mê robot và chế tạo vào ứng dụng đời sống |
Thiết bị này rất dễ mang theo, có thể chạy bằng pin trong 10 giờ, chi phí sản xuất chỉ khoảng 700 USD, so với giá 20.000-30.000 USD của một chiếc máy thở truyền thống. Faruqi nói với Reuters: "Chúng tôi rất vui vì có thể đặt bước chân đầu tiên trong lĩnh vực y học và phục vụ người dân. Tất cả các thành viên trong nhóm đều cảm thấy hạnh phúc vì sau nhiều tháng làm việc chăm chỉ, chúng tôi đã đạt được kết quả này".
Người phát ngôn Bộ Y tế Afghanistan - Akmal Samsor - cho biết, khi máy thở được chính thức phê duyệt, chúng sẽ được triển khai tại các bệnh viện trên toàn quốc và chia sẻ thiết kế với Tổ chức Y tế thế giới (WHO).
Mỹ: Từ chối 8 triệu USD để trang web thông tin COVID-19 không chèn quảng cáo
Học sinh trung học 17 tuổi Avi Schiffmann là người tạo ra một trong những trang web theo dõi COVID-19 được truy cập nhiều nhất trên thế giới. Trang web là nơi cung cấp tất cả thông tin về COVID-19 mà một người bình thường muốn biết. Nó liên tục cập nhật số liệu thống kê từ các quốc gia trên thế giới về số ca nhiễm, tử vong, phục hồi và tỷ lệ thay đổi bằng cách sử dụng dữ liệu thu thập được từ WHO, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ CDC và các trang web khác của chính phủ.
Trang web cũng thường xuyên cung cấp các tính năng mới như tính tỷ lệ sống sót của bệnh nhân; đồng thời thể hiện các cụm lây nhiễm trên bản đồ và đưa ra một số thông tin cơ bản về phòng dịch, bao gồm các mẹo vệ sinh cá nhân và các triệu chứng cần chú ý.
Trang web có khoảng 30 triệu lượt truy cập mỗi ngày, vì vậy không có gì ngạc nhiên khi Schiffmann nhận được lời đề nghị đưa quảng cáo lên trang web. Trước một lời đề nghị cụ thể có giá 8 triệu USD, chàng trai trẻ đã từ chối và nói rằng bản thân mình có thể kiếm hơn 30 triệu USD nếu tự đặt quảng cáo, dù vậy, lợi nhuận không phải là mục tiêu của trang web.
Schiffmann nói: “Tôi mới 17 tuổi, tôi không cần 8 triệu USD… Tôi không muốn trở thành một kẻ trục lợi”. Cậu không muốn bị ràng buộc theo hợp đồng để duy trì trang web hoặc thực hiện các thay đổi không mong muốn. Mặt khác, Schiffmann biết nhiều khách truy cập trang web của mình từ khắp nơi trên thế giới không có kết nối internet đủ tốt, vì vậy việc chèn thêm quảng cáo sẽ làm chậm trang web, thậm chí có thể làm cho trang web bất
khả dụng.
Ngọc Hạ