Người ta hay gọi bà là bà Sáu còn tên thật của bà là Nguyễn Thị Ngang. Bà còn cẩn thận nói với tôi là chữ ngang này có “rê”. Vậy nhưng bà không biết viết tên mình. Bà không biết chữ. Bà chỉ nhớ số để phân biệt mấy tờ tiền.
|
Ở tuổi 86, bà Sáu vẫn muốn tự mưu sinh, không phiền đến con cháu |
Những năm xưa, bà mưu sinh bằng cách đi phụ việc cho mấy lò gốm quanh vùng. Rồi mấy chục năm ròng, mỗi sớm mai, bà gánh bánh mì đi bán. Trong cái thị xã nhỏ ở miền Đông Nam bộ này, hầu như ai cũng biết bà.
Mấy chục năm qua, bà cứ gánh gánh bánh mì đi suốt đoạn đường Nguyễn Chí Thanh, mà chỉ đi dọc theo lề trái đường, hướng từ ngã tư Cây Me đến gần cầu Ông Cộ (thị xã Bến Cát, tỉnh Bình Dương) thì ngưng. Từ 5g sáng, bà đã quảy gánh đi, đến khi nào bán hết thì về, ngày nắng cũng như ngày mưa.
Ổ bánh mì rẻ nhất miền Đông Nam bộ
Mấy chị khách quen của bà tới mua là cái cớ ngồi góp chuyện với khách phương xa như tôi: “Bà bán từ hồi bánh mì có giá 2.000 đồng/ổ rồi lên 3.000 đồng, 4.000 đồng và giờ là 5.000 đồng. Mà giờ ai mua 3.000 đồng bả cũng bán trong khi giá vốn ổ bánh mì không đã 2.000 đồng rồi”.
Bánh mì của bà không có gì khác lạ nhưng dù rẻ vẫn có đầy đủ những gì cần thiết nhất cho nhân một ổ bánh: cá xốt cà, thịt, xíu mại, rau thơm, hành, dưa leo, ớt… Có thể nhân bánh không nhiều như những ổ bánh mì nơi khác nhưng luôn tươi.
|
Ổ bánh mì 5.000 đồng của bà Sáu |
Hôm tôi gặp, bà đã bán hết bánh, chỉ còn nước xốt với ít cá vụn. Vậy mà không ít khách đến cứ kiên nhẫn chờ, năn nỉ bà gọi thêm bánh mì để bán cho họ. Tôi cũng như họ, ăn ngon lành. Cá xốt cà của bà hết rồi nhưng mấy miếng cá vụn và nước xốt cá cũng đủ để thực khách phương xa như tôi biết là bà làm khá ngon. Bà làm cá xốt cà mỗi ngày, vị khác hẳn cá xốt cà đóng hộp hay được bán cùng bánh mì ở nơi khác.
Xíu mại bà cũng tự làm. Bà làm ngày nào bán hết ngày đó. Nếu dư chút nước xốt cá hay xíu mại thì bà dùng làm thức ăn cho bữa trưa, bữa tối. Cứ bán hết gánh bánh mì thì bà đi chợ mua đồ gánh về. Bà tự làm, tự đi chợ mua thịt cá, có mối quen mấy chục năm vừa bán vừa thương nên luôn bán rẻ cho bà. “Người ta bán rẻ cho tui thì tui bán rẻ lại cho người ta” - bà cười, nói về lý do mình bán ổ bánh mì rẻ như không tưởng.
Có lẽ vì vậy nên chiếc bánh mì dù đơn sơ mà khiến khách ưng cái bụng. Người ta ăn vì niềm vui, vì được chia sẻ, vì được hưởng cái năng lượng tốt lành, bình an của người bán là có thật.
Một người già sợ… trúng số
Bà Sáu cười móm mém: “Ai mua giá nhiêu bà bán hết. Người ta lỡ độ đường, rồi lớp học trò, công nhân, thợ hồ đi mần không có tiền nhiều mới muốn được mua rẻ. 3.000 đồng một ổ tui cũng bán. Tui lấy nước xốt chan vô bánh, người ta ăn cũng đỡ đói. Mình thương người ta, mình lấy công làm lời vẫn có tiền chợ được mà”.
Khoản tiền chợ, tiền lời bà kiếm được mỗi ngày tầm 70.000 - 80.000 đồng. Tôi lẩm nhẩm số tiền bà kiếm được mỗi tháng rồi âu lo hỏi: “Bà ơi, đủ sống không?”. Bà lại cười: “Đủ à con, bà chỉ cần chừng đó thôi” nghe gọn bâng. Hèn gì, ai tới mua cũng thăm hỏi, góp chuyện một lúc mới chịu rời đi. Màn chộn rộn nhất của cảnh mua bán là khách thì luôn không chịu lấy lại tiền thối còn bà thì kiên quyết không nhận tiền thừa.
|
Cứ có khách gọi là bà đặt quang gánh xuống, ngồi xổm xẻ bánh |
Bà cười rỏn rẻn kể: “Chèn ơi, hồi nào giờ bà không mong không muốn có nhiều tiền. Bữa có cậu kia tới quay phim chụp hình rồi cho bà mấy triệu đồng, bà đem về cất kỹ trong tủ, có mấy lần lấy ra dòm. Có nhiều tiền làm chi cho lo lắng mất ăn mất ngủ suy tính này kia, rồi cứ nghĩ về nó, vướng víu lắm. Lúc trước không có tiền nhiều bà đã nghĩ vậy và giờ cũng nghĩ y chang. Giữ nhiều tiền ngủ hổng có ngon, dễ giật mình, dễ sinh bệnh. Mèn ơi, bà không quen”.
Khách mua hỏi bà: “Nếu lỡ bà trúng số thì sao? Có bao giờ bà ước mơ mình trúng số không?”. Bà cười: “Trời ơi, bà không ham, không mơ đâu à nghen! Bà sợ bị trúng số lắm. Thiệt, ôm tiền nhiều để làm chi, để suốt ngày cứ nghĩ ngợi lo âu rồi xà quần với nó mà ăn ngủ không được, làm ăn không được. Khổ lắm đó con! Mình sống ít tiền quen rồi. Trời thương, mấy chục năm bà gánh đi bộ mỗi ngày vậy mà khỏe re, không bệnh lặt vặt gì, chỉ có hàm răng là sún, chỉ còn mấy cái thôi, mà nhai cơm vẫn được đó con”.
Trời thương, nên dáng nhỏ nhắn mà bà lanh lợi lắm, nếu không hỏi, khó mà biết bà đã ở tuổi 86. Cứ có khách gọi là bà đặt quang gánh xuống, ngồi xổm xẻ bánh. Bà quen ngồi vậy bao năm nay rồi. Thấy khách lo lắng cho đầu gối của người già, bà cười tươi đứng lên ngồi xuống gọn ơ như thể chứng minh rằng bà còn rất khỏe.
Cũng trời thương, mấy năm nay, người ta biết tới gánh bánh mì của bà nhiều hơn. Nhiều người cứ tìm gánh bánh mì của bà để mua cho được dù nhiều khi phải chờ đợi hoặc nhường nhau để mua, như hôm tôi đó.
Ngồi bệt vỉa hè ăn hết hai ổ bánh mì chan nước xốt, nói chuyện với bà một lát mà niềm vui nhỏ ấy cứ reo mãi trong đầu tôi, cùng những cảm nhận học được từ những suy nghĩ của bà về cuộc sống.
Ở tuổi 86, người ta có thể vui vầy thảnh thơi cùng con cháu hoặc nằm giường bệnh hoặc về với đất lâu rồi. Bà Sáu vẫn ngày ngày quảy gánh nuôi thân với những chiếc bánh mì không thể nào rẻ hơn. Bà nói, bà quen tự mần tự ăn không phiền con cháu phải lo. Bà có mấy người con, đứa tạm đủ sống, đứa khá chật vật. Bà chỉ thấy vui khi có thể tự lo và còn sức để lo.
Quan niệm của bà về đồng tiền nhẹ tênh như đôi quang gánh đã xong một buổi bán. Chắc nhờ suy nghĩ đơn giản rằng nhiều tiền chỉ thêm phiền, thêm bản tính cần cù mà bà sống vui, sống khỏe đến tuổi này.
Chia tay, tôi thưa: “Bà ơi, cho con được ôm bà một cái nghen! Nhìn bà, con nhớ ngoại con lắm. Ngoại con cũng không biết chữ như bà. Xưa, những năm tháng ly loạn, ngoại con cũng quảy gánh trên vai ngược xuôi vừa chạy loạn vừa bán đủ thứ hàng khắp vùng Quảng Tín, Quảng Nam, nuôi cả gia đình”.
Tôi đứng nhìn bà đội chiếc nón như trùm lên cái dáng nhỏ xíu chỉ cao hơn đôi quang gánh một chút, nhịp gánh đung đưa theo bước chân bên hè phố đi về phía chợ, lòng thấy vui nhè nhẹ như nắng ngày hôm đó.
Cảm ơn bà, không uổng công tôi ngược xuôi tìm gặp cho được bà sau hai lần từ Sài Gòn tìm đến Bến Cát, Bình Dương từ những thông tin chung chung tình cờ có được trên mạng xã hội. Thế nhưng, tôi vẫn đi vì biết rằng mình sẽ vui.
Lê Minh Hạ
Ảnh: Nguyễn Trọng Toản