Bác sĩ Thảo là nhà khoa học nữ đầu tiên của Việt Nam tham gia GYA. Trong nhiều năm qua, chị tập trung nghiên cứu y học cộng đồng, sức khỏe tâm thần, tâm lý học và ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong y học.
Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Thị Phương Thảo cho biết: “Ngay từ nhỏ, tôi đã thích lớn lên làm bác sĩ dù cả gia đình không ai theo nghề y”.
Với trải nghiệm 6 năm học đại học cùng tấm bằng bác sĩ, 2 năm học thạc sĩ và 3 năm hoàn thành chương trình nghiên cứu sinh, 11 năm bác sĩ Thảo đã đi qua là con đường học hành thật dài và gian khổ mà y học luôn là lĩnh vực rộng lớn và đa dạng, ở cả lý thuyết lẫn thực hành, yêu cầu kiến thức sâu rộng về khoa học tự nhiên, sinh học và nhiều môn học liên quan khác...
|
Phương Thảo là 1 trong 5 nhà khoa học châu Á nhận được học bổng khóa đào tạo trực tiếp tại Trường Y Đại học Sao Paulo (Brazil) |
Từ học bổng tại Brazil tới nước Mỹ
Phóng viên: Chọn con đường nghiên cứu đa ngành và nhận bằng tiến sĩ y tế công cộng vào năm 2023, để đạt thành công như vậy, theo chị, cần có tố chất gì?
- Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Thị Phương Thảo: Thật may mắn vì tôi được các giáo sư hướng dẫn và cố vấn một cách tận tâm. Ngoài ra, muốn làm việc trong lĩnh vực này, không thể thiếu sự năng động và sáng tạo để tiếp cận các vấn đề phức tạp trong lĩnh vực y học nói chung và y tế công cộng nói riêng. Chuyên ngành tôi lựa chọn tập trung vào phương pháp nghiên cứu khoa học, vì vậy đòi hỏi cần có kỹ năng nghiên cứu vững chắc, từ việc thiết kế nghiên cứu đến phân tích dữ liệu, đánh giá kết quả cũng như công bố khoa học và phản biện.
Ngoài ra, khả năng giao tiếp và kỹ năng lãnh đạo cũng là những yếu tố cần thiết để tổ chức, quản lý và thúc đẩy các dự án nghiên cứu. Việc hoàn thành một chương trình nghiên cứu sinh luôn yêu cầu sự cam kết cao và kiên nhẫn, bởi quá trình nghiên cứu có thể gặp phải nhiều thách thức, trở ngại. Thêm vào đó, cần có khả năng làm việc nhóm và sẵn lòng hợp tác với các chuyên gia từ nhiều lĩnh vực vì những nghiên cứu về y tế thường đòi hỏi sự hợp tác đa ngành. Cuối cùng, niềm đam mê và sự tận tụy đối với việc cải thiện sức khỏe cộng đồng là yếu tố quan trọng nhất để thành công trong lĩnh vực này.
|
Phương Thảo và các bạn tại khóa học về việc ứng phó nâng cao với các đại dịch bệnh “São Paulo School of Advanced Science on Epidemic Preparedness” |
* Trong số các vấn đề chị nghiên cứu, vấn đề nào khiến chị thực sự quan tâm và thấy rất cấp thiết trong tình hình hiện nay?
- Với tác động của cuộc sống hiện đại, áp lực công việc, xã hội, đặc biệt sau đại dịch COVID-19, con người đang phải đối mặt với nhiều thách thức về sức khỏe tâm thần.
Việc nghiên cứu và áp dụng các phương pháp quản lý sức khỏe tâm thần cũng như phát triển các chương trình và dịch vụ hỗ trợ tâm lý đang trở thành một ưu tiên đối với y học cộng đồng và xã hội. Điều này bao gồm cả việc tìm hiểu về các phương pháp điều trị hiệu quả, xây dựng những cộng đồng hỗ trợ và giảm áp lực xã hội, cũng như sử dụng công nghệ và trí tuệ nhân tạo để cải thiện chẩn đoán và điều trị cho các vấn đề sức khỏe tâm thần.
* Làm việc tại một viện nghiên cứu y sinh phi lợi nhuận, với chị hẳn là một lợi thế?
- Hiện tôi đang làm việc cho Viện Nghiên cứu tế bào gốc và công nghệ gen Vinmec, đây là một viện nghiên cứu y sinh phi lợi nhuận. Chúng tôi được đầu tư hiện đại không kém các bệnh viện tiên tiến trên thế giới. Việc ứng dụng tế bào gốc và công nghệ gen đã đạt được những thành tựu như: nghiên cứu và phát triển các liệu pháp y học trên cơ sở gen/tế bào nhằm hỗ trợ điều trị các bệnh nan y. Nhiệm vụ chính của tôi tại viện là chịu tránh nhiệm thiết kế, phân tích và đánh giá hiệu quả nghiên cứu của một số đề tài đang được thực hiện.
|
Bác sĩ Phương Thảo (bên phải) tại Hội nghị Thượng đỉnh Y tế thế giới 2022 ở Berlin (Đức) |
* Là người Việt Nam duy nhất được học bổng trong ngành y tại São Paulo (Brazil), chị có thể chia sẻ về sự kiện thú vị này?
- Tôi may mắn nhận được học bổng của Trường Khoa học tiên tiến São Paulo về ứng phó dịch bệnh (São Paulo School of Advanced Science on Epidemic Preparedness). Sau này tôi mới biết, có tới hàng trăm hồ sơ từ khắp nơi trên thế giới đăng ký. Thật bất ngờ khi tôi trở thành người Việt Nam duy nhất được học bổng. Khóa học chỉ có 5 người châu Á được tham gia. (1 Việt Nam, 2 Hàn Quốc trong đó có 1 bạn đang học tại Đại học Harvard và 2 Ấn Độ).
Tại đó, tôi đã được học rất nhiều về các chuyên môn sâu như dịch tễ học, phân tích mô hình dịch bệnh (Modelling), các loại vi rút - vi khuẩn có nguy cơ gây các bệnh dịch mới, hệ thống và chính sách y tế tại Brazil cũng như một số quốc gia thuộc châu Mỹ. Tôi đã lựa chọn học kỹ hơn ở Track Modelling - có thể hiểu đây là một chuyên ngành liên quan đến việc tạo ra một mô hình hoặc biểu đồ để mô phỏng hoặc biểu diễn nhiều tình huống nhất định trong bối cảnh dịch bệnh.
Trong việc ước lượng một mô hình dịch bệnh, quy trình bao gồm thu thập dữ liệu, xây dựng mô hình toán học, thiết lập tham số, mô phỏng và ước lượng, cùng với kiểm định và đánh giá mô hình. Dữ liệu được sử dụng để xây dựng mô hình mô tả quá trình lây lan của dịch bệnh, sau đó mô hình được sử dụng để dự đoán, đánh giá các kịch bản khác nhau. Quá trình này giúp cung cấp thông tin quan trọng để hỗ trợ quyết định và triển khai biện pháp kiểm soát, phòng tránh dịch bệnh. Điều này có thể ứng dụng tại Việt Nam khi có những dịch bệnh khác xuất hiện.
|
Tại một buổi chia sẻ kiến thức với người cao tuổi |
* Một bước tiến nữa của chị trong năm 2024 là được bầu vào Viện hàn lâm Khoa học trẻ toàn cầu GYA (Global Young Academy). Điều này có ý nghĩa gì với chị và với giới nghiên cứu y học trẻ Việt Nam nói chung?
- Việc được bầu vào Viện hàn lâm Khoa học trẻ toàn cầu là một bước tiến quan trọng và vinh dự đối với tôi. Đây là cơ hội để tôi được kết nối, hợp tác với các nhà nghiên cứu và chuyên gia hàng đầu trên toàn cầu liên quan đến mọi lĩnh vực bao gồm cả y học. Là một công dân Việt Nam, điều này không chỉ là niềm tự hào đối với tôi mà còn là nguồn động viên và động lực cho các nhà nghiên cứu trẻ khác, đặc biệt đối với ngành học của tôi, y học dự phòng - vốn là một chuyên ngành hiếm hoi và gặp rất nhiều khó khăn trong việc định hướng cũng như hành nghề tại Việt Nam. Tôi hy vọng các bạn trẻ đã và đang lựa chọn chuyên ngành này vững bước và xem xét định hướng về nghiên cứu khoa học.
* Chị đem hoạt động thiết thực nào đến GYA trong chuyến tham dự Đại hội đồng thường niên diễn ra tại Mỹ tháng Năm này?
- Khi được bầu vào GYA, các thành viên ở mỗi quốc gia sẽ đóng góp tích cực cho các mục tiêu và hoạt động của GYA bằng cách tham gia phát triển chính sách khoa học quốc tế, thúc đẩy thành lập những học viện trẻ tại các quốc gia. Các thành viên có thể tham gia điều phối hợp tác và trao đổi, hỗ trợ giáo dục khoa học ở cấp quốc tế, tích cực cộng tác với các thành viên GYA ở các quốc gia khác về nhiều chủ đề.
Như vậy, tôi sẽ tiếp tục kế thừa và phát triển mạng lưới Vietnam Young Academies các tiền bối đi trước đã xây dựng và bằng những nỗ lực, kết nối của bản thân cũng như đồng nghiệp trong và ngoài nước, thúc đẩy sự phát triển Học viện Hàn lâm Khoa học trẻ tại Việt Nam.
Trở thành thành viên của GYA đòi hỏi tôi phải cam kết về thời gian dành cho tổ chức này là 4 giờ/tháng. Các thành viên được mời tới Đại hội đồng thường niên vào tháng Năm, tại Washington, D.C., Mỹ và được quyền bầu cử cho vị trí chủ tịch GYA nhiệm kỳ tiếp theo.
|
Bác sĩ Thảo chia sẻ những kiến thức về đột quỵ với các cụ tại viện dưỡng lão |
Nhiều thách thức với nhà nghiên cứu khoa học nữ
* Là một nhà nghiên cứu trẻ, chị nhận thấy có điều gì băn khoăn về giới?
- Đúng là việc làm nghiên cứu khoa học và đồng thời làm mẹ đã mang lại nhiều thách thức, áp lực với tôi. Việc phải cân bằng giữa công việc cường độ cao và trách nhiệm gia đình thực sự là một thách thức lớn, có thể tạo ra những "hạn chế" cho sự tập trung toàn tâm toàn lực vào công việc nghiên cứu.
Tuy nhiên, điều này không có nghĩa không thể kết hợp giữa việc là một nhà nghiên cứu với là một người mẹ. Nhiều nữ lãnh đạo, nữ khoa học gia (như chính giảng viên hướng dẫn của tôi - phó giáo sư, tiến sĩ Vũ Thị Thanh Huyền - Đại học Y Hà Nội và Bệnh viện Lão khoa Trung ương - là tấm gương cho tôi) đã chứng minh rằng họ có thể thành công trong cả hai vai trò. Việc có con nhỏ có thể mang lại sự cân bằng và động lực mới cho cuộc sống và công việc nghiên cứu của một phụ nữ. Thực tế, việc làm mẹ có thể giúp phát triển các kỹ năng quản lý thời gian và sự linh hoạt… Tất cả đều có thể áp dụng vào công việc nghiên cứu.
|
Bác sĩ Phương Thảo (bên phải) trong một buổi trò chuyện về nghề cùng nhà báo |
* Ngoài tâm lý giới trẻ, tôi thấy chị còn nghiên cứu tâm lý của lứa tuổi trung niên. Chị thấy gì ở họ?
- Thật ra, đây là một phần nghiên cứu nằm trong luận án tiến sĩ của tôi. Đối tượng bệnh nhân của tôi là những người bệnh cao tuổi sau mắc đột quỵ. Tôi nghiên cứu sức khỏe tinh thần của họ bao gồm trầm cảm, mệt mỏi, suy giảm nhận thức dựa trên triệu chứng lâm sàng và các thang đánh giá sàng lọc kinh điển. Một liệu pháp tâm lý mà tôi đã học và được cấp chứng chỉ đào tạo liên tục từ Mỹ là phỏng vấn tạo động lực đã được thực hiện và đem lại kết quả tích cực trong việc cải thiện các triệu chứng trầm cảm và mệt mỏi cho người bệnh sau đột quỵ.
Tuy nhiên, tôi cũng đã học được rất nhiều bài học từ những người tham gia nghiên cứu. Tôi hiểu rõ hơn câu chuyện của họ, cố giữ vững tinh thần để là người đồng hành ngồi trên chiếc xe tâm lý, nơi họ là người cầm lái còn tôi là hoa tiêu chỉ đường.
* Nhà nghiên cứu khoa học nào trong và ngoài nước mà chị coi là thần tượng?
- Thần tượng đầu tiên của tôi là giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Thanh Liêm. Giáo sư là người đi tiên phong trong lĩnh vực phẫu thuật nội soi nhi khoa và ghép tế bào gốc. Thầy được công nhận trên quy mô quốc tế bởi 7 kỹ thuật phẫu thuật tiên tiến trong phẫu thuật nhi khoa do chính thầy sáng tạo. Giáo sư Liêm là người tiên phong sử dụng liệu pháp tế bào gốc cho các bệnh lý chưa tìm được cách điều trị ở trẻ em như bại não thiếu ô xy, vàng da sơ sinh, xuất huyết nội sọ, di chứng thần kinh sau khi suýt chết đuối, tự kỷ, loạn sản phế quản phổi và xơ gan do hẹp đường mật.
Thần tượng thứ hai của tôi là giáo sư, tiến sĩ Trần Xuân Bách - nhà khoa học được phong hàm phó giáo sư và giáo sư trẻ nhất Việt Nam ở tuổi 32 và 39. Năm 2023, thầy được trao giải thưởng Nghiên cứu xuất sắc bởi ISPOR - hiệp hội nghiên cứu lớn nhất thế giới về hiệu quả và kinh tế y tế. Giáo sư Bách cũng là một cựu thành viện của Viện hàn lâm Trẻ toàn cầu đã tham gia cách đây 5 năm.
Thần tượng thứ ba của tôi là giáo sư Marsha Rosner của Trường đại học Chicago (Ben May Department of Cancer Research). Các nghiên cứu của cô tập trung vào ung thư và cơ chế truyền tín hiệu dẫn đến việc tạo ra các tế bào khối u và sự tiến triển của chúng thành bệnh di căn. Tôi được biết cô qua một người bạn là học trò cô hiện đang làm tại phòng thí nghiệm của cô ở Chicago (Mỹ). Tôi rất ấn tượng với việc chấp thuận ý tưởng nghiên cứu từ học trò với tuyên bố: "Phòng thí nghiệm đây, em cứ thử những gì em muốn".
Chính người bạn của tôi đã nghĩ ra việc sử dụng cần sa ức chế sự nhân lên của SARS-CoV-2. Nghiên cứu của cậu ấy đã thành công với sự ủng hộ của cô. Tôi cũng được trò chuyện trực tiếp với cô, được nghe cô kể bản thân đã phải vật lộn như thế nào để có thể cân bằng công việc và gia đình. Nhưng, tôi thật sự rất ấn tượng, không phải vì thành tích hay công trình nghiên cứu của cô mà vì cách cô chắp cánh ý tưởng cho học trò. Nghiên cứu của bạn tôi rất thành công và đã được ứng dụng.
* Mục tiêu lớn nhất của chị bây giờ là gì?
- Hiện tại, mục tiêu lớn nhất của tôi là cân bằng giữa công việc và gia đình. Tôi muốn luôn đáp ứng mọi công việc nhưng vẫn không muốn bỏ lỡ tuổi thơ của con.
* Có vẻ chị khá thích cà phê và những chuyến đi rong ruổi đó đây?
- Chồng tôi có một chiếc xe côn, phân khối vừa phải. Là những người có xuất phát điểm khó khăn, thời trẻ, chúng tôi thường có những chuyến đi hết sức tiết kiệm bằng xe máy. Giờ cũng chưa khá giả lắm nhưng thói quen ấy đã ăn sâu nên vợ chồng tôi thường xuyên ngồi xe máy rong ruổi khắp các cung đường Đông Bắc - Tây Bắc… Tôi rất may mắn khi có một người bạn đời, bạn đồng hành luôn ủng hộ mình trong mọi quyết định và hành trình cuộc sống.
* Cảm ơn chị đã chia sẻ.
Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Thị Phương Thảo là một nhà nghiên cứu trẻ. Các công trình khoa học của chị trước đây tập trung vào các chủ đề liên quan tới sức khỏe tâm thần, tâm lý học và ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong y học và y học cộng đồng. Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Thị Phương Thảo đã nhận được nhiều giải thưởng danh giá, trong đó có học bổng tiến sĩ (2020-2023) từ Quỹ Đổi mới sáng tạo Vingroup (VINIF) thuộc Viện Nghiên cứu Dữ liệu lớn; đạt giải Nhất tại Hội nghị khoa học năm 2021 tại Đại học Y Hà Nội và giải Ba tại Hội nghị Lão khoa toàn quốc năm 2022. Ngoài ra, chị còn được trao học bổng Trường Khoa học tiên tiến về Chuẩn bị dịch bệnh São Paulo tại Đại học São Paulo (Brazil) và vinh dự tham gia Hội nghị Thượng đỉnh Y tế thế giới năm 2022 (Berlin, Đức) với tư cách là đại diện Việt Nam. Đầu năm 2024, tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Thị Phương Thảo là nữ tiến sĩ đầu tiên được bầu vào Viện hàn lâm Khoa học trẻ toàn cầu (Global Young Academy) có trụ sở tại Halle (Đức), được bảo trợ chính bởi Viện hàn lâm Khoa học Leopoldina, Đức và Bộ Nghiên cứu và Giáo dục Đức. Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Thị Phương Thảo có gần 20 công trình nghiên cứu khoa học đã được công bố trên các tạp chí uy tín. Đặc biệt, có 9 bài báo khoa học chị đóng góp với vai trò là tác giả chính. Chị cũng tham gia với vai trò là nhà phản biện khoa học độc lập cho nhiều tạp chí uy tín... |
Codet Ha Noi
Ảnh: Đinh Hùng Sơn và nhân vật cung cấp