"Pieta": Cứu rỗi và chuộc tội...cho ai?

26/12/2020 - 12:02

PNO - "Pieta" (hay "Cứu rỗi") là bộ phim đã đem lại vinh quang nghề nghiệp cho đạo diễn Kim Ki-duk với giải Sư tử vàng tại Liên hoan phim Venice 2012.

Giống như đa phần các bộ phim của vị đạo diễn quái kiệt, Pieta ám ảnh, tăm tối và tuyệt vọng với không ít tình tiết gây tranh cãi. Tuy nhiên, nó vẫn chứa đựng một tinh thần nhân văn cao cả, hướng tới sự chuộc tội và cứu rỗi bằng tình mẫu tử.

Pieta trong tiếng Ý được hiểu là sự thương xót hay sự cứu rỗi. Đây cũng là một chủ đề trong Kitô Giáo, tái hiện lại cảnh Đức Mẹ Maria ôm thi hài Chúa Jesus sau khi được hạ xuống từ cây thập tự giá. Poster phim cũng được Kim Ki-duk lấy cảm hứng từ kiệt tác điêu khắc cùng tên của bậc thầy Michelangelo.

Pieta là hành trình cứu rỗi và chuộc tội mang đậm màu sắc Thiên Chúa giáo
Pieta là hành trình cứu rỗi và chuộc tội mang đậm màu sắc Thiên Chúa giáo

Nhân vật chính trong phim là Kang Do, một gã đòi nợ thuê vô cảm, máu lạnh được mệnh danh là “con quỷ dùng tiền thử lòng người”. Mặc cho trăm ngàn lời nguyền rủa, oán hận, hắn chưa bao giờ cảm thấy tội lỗi trước những hành vi phi nhân tính mà mình đã gây ra.

Cuộc đời Kang Do tưởng như là vòng lặp lại vô tận của công việc đòi nợ bất lương. Mỗi ngày, hắn thức dậy, biến một kẻ lành lặn thành tàn phế để chiếm đoạt tiền bảo hiểm, trở về nhà ăn uống rồi đi ngủ. 

Cho đến một ngày, có một người phụ nữ xuất hiện, đi theo hắn, tự nhận là người mẹ đã bỏ rơi hắn và cầu xin hắn tha thứ. Lúc đầu hắn cũng không hề tin, tìm đủ cách để đuổi bà ta đi. Thế nhưng, trước sự nhẫn nhịn, kiên trì, chân thành của người đàn bà ấy, hắn đã bắt đầu lay động.

Pieta không thiếu những phân cảnh bạo lực, tình dục có phần cực đoan đậm chất Kim Ki-duk. Tuy nhiên, đó lại là phép thử giúp Kang Do nhận ra mối liên hệ giữa người phụ nữ kia với cuộc đời mình. Tình mẫu tử bắt đầu cứu rỗi linh hồn đáng thương ấy từ đây.

Sự xuất hiện của một người mẹ và sự ấm áp của tình mẫu tử đã ươm vào trái tim con quỷ dữ ấy một hạt mầm của thiện lương, khiến hắn dần có cảm xúc như một con người.

Trailer phim Pieta:

 

Kang Do dần biết rung động trước những tình cảnh khốn cùng, biết đồng cảm và thương xót cho kẻ khác. Hắn bỏ nghề đòi nợ thuê phần vì không thể tiếp tục ra tay với các con nợ, phần vì hắn sợ những kẻ bị hắn làm cho tàn phế sẽ tìm mẹ hắn để trả thù.

Những chuyển biến kì diệu ấy cho thấy Kang Do là một nhân vật rất con người. Hắn là kẻ tàn ác vô nhân tính, nhưng đồng thời cũng khao khát tình yêu thương đến tội nghiệp.

Vốn sống cuộc đời mục rữa vô phương suốt 30 năm, vậy mà giờ đây, hắn lại vô cùng sợ người mẹ sẽ đột ngột biến mất lần nữa, mang theo toàn bộ lẽ sống mà khó khăn lắm hắn mới có được.

Nhưng nếu chỉ dừng lại như vậy thì có lẽ đã không phải là phim của Kim Ki Duk. Khi vở kịch dần hạ màn, những âm mưu ẩn khuất dần được hé mở, người xem mới sững sờ trước sự thật quá đỗi nghiệt ngã.

Con người không thể được cứu rỗi nếu chưa trả giá cho những tội lỗi của mình. Và sự hồi sinh ấy chỉ là một bước đệm cho hành trình chuộc tội đau đớn, bầm dập.

Bộ phim chiêm nghiệm khả năng phục thiện của những kẻ lầm lạc
Bộ phim chiêm nghiệm khả năng phục thiện của những kẻ lầm lạc

Cảnh kết của bộ phim có sức ám ảnh và để lại những dư vang lớn trong lòng người xem. Trên nền nhạc thánh ca, một cuộc tự chuộc tội đã diễn ra, thê lương và bi thương đến tận cùng.

Toà án tối cao nhất có lẽ chính là toà án lương tâm, nơi phán quyết sẽ được thực thi một cách tự nguyện bởi chính bị cáo. Và chỉ khi con người tự thức tỉnh để chuộc tội thì mới có thể thực sự mong cầu sự cứu rỗi, khoan dung.

Đạo diễn Kim Ki Duk đã chia sẻ rằng ông làm Pieta với một thông điệp: “Lạy Chúa, xin người hãy khoan dung cho chúng con”.

Phần lớn những nhân vật trong bộ phim đều bị nhúng chàm bởi thù hận, đều khao khát sự cứu rỗi và luôn phải đứng trước những hình phạt chuộc tội. Vậy nên cứu rỗi và chuộc tội không chỉ dành cho một kẻ tha hoá, độc ác như Kang Do, thực chất nó dành cho tất cả chúng ta, những con người sống trong xã hội kim tiền.

Trinh Nguyễn

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI