Pickleball không "từ chối" ai!

25/10/2024 - 16:00

PNO - Một trưa tháng Mười cách đây vừa tròn 1 năm, khi đến Nhà May Mắn, tôi ngạc nhiên khi thấy một cô gái khuyết tật trong bộ quần áo thể thao đang ngồi trên chiếc xe lăn đối diện với bức tường cuối dãy phòng học...

"Tôi thấy mình bắt nhịp tốt với pickleball"

Nằm gọn trong lòng bàn tay trái của cô gái ấy là quả bóng cao su màu xanh lá, trên tay còn lại là chiếc vợt. Cô ném bóng lên không trung, chiếc vợt trên tay còn lại tác động quả bóng theo hướng của bức tường. Khi bóng đập vào tường rồi nảy ngược lại, 2 bánh xe lăn của cô liên tục di chuyển để kịp đón lấy và đập bóng trở lại tường. Lưng đẫm mồ hôi nhưng cô cười sảng khoái sau mỗi lần bất lực nhìn trái bóng lăn xa. Cô gái ấy là Nguyễn Thị Lệ Quyên - hiện là giáo viên quản lý bậc mầm non và tiểu học tại Nhà May Mắn (một trung tâm bảo trợ xã hội dành cho người khuyết tật có trụ sở tại quận Bình Tân, TPHCM). Hơn 10 năm nay, cô phải ngồi xe lăn vì viêm tủy và chấn thương cột sống sau một tai nạn ở tuổi 22.

Nguyễn Thị Lệ Quyên và các thành viên Câu lạc bộ Nhà May Mắn chuẩn bị ra sân trong một giải đấu pickleball - Ảnh do nhân vật cung cấp
Nguyễn Thị Lệ Quyên và các thành viên Câu lạc bộ Nhà May Mắn chuẩn bị ra sân trong một giải đấu pickleball - Ảnh do nhân vật cung cấp

Lúc ấy, tôi không biết Quyên đang chơi môn thể thao gì. Nhìn có vẻ giống bóng bàn, tennis nhưng cả vợt và bóng đều không phải. Thấy tôi có vẻ “không biết gì” về môn thể thao mình đang tập, Quyên giải thích, cô đang luyện chơi pickleball để chuẩn bị cho trận đấu giao hữu chào mừng 20/10 với các câu lạc bộ (CLB) pickleball dành cho người khuyết tật. Quyên biết đến pickleball trước đó khoảng 1 năm, khi một đoàn từ thiện quốc tế đến thăm Nhà May Mắn và giới thiệu môn thể thao này. Thấy pickleball phù hợp với thể trạng của người khuyết tật, văn phòng dự án của Nhà May Mắn đã phổ biến để mọi người ở trung tâm cùng tập. Vốn đam mê vận động, Quyên trở thành một trong những người khuyết tật đầu tiên chơi pickleball tại TPHCM.

Cô nói: “Những người khuyết tật như chúng tôi vốn dĩ đã yếu và không có năng khiếu thể thao. Trước đó, tôi có tập chơi cầu lông nhưng không đánh được. Tôi cũng thử các môn khác nhưng hầu hết đều khó với xe lăn dạng nặng. Song, với pickleball, tôi thấy mình bắt nhịp tốt”.

Sau 2 năm tập luyện, Quyên khẳng định, đây là môn thể thao dành cho mọi người vì ai cũng có thể chơi được. Tuy nhiên, với người khuyết tật, cần khổ luyện nhiều hơn.

“Bà ngoại Pickleball”

Nhìn bà Nguyễn Thị Quỳnh Vân - người được mệnh danh “bà ngoại Pickleball” - linh hoạt chạy từ đầu sân đến cuối sân với những cú đập bóng đầy uy lực, dứt khoát, những người bên ngoài sân gật gù ngưỡng mộ. Còn những người chơi đã quen thân với bà thì khẳng định: “Cao thủ đó!”.

Bà Nguyễn Thị Quỳnh Vân (thứ hai từ phải sang) cho rằng, ngoài sức khỏe, pickleball còn mang đến cho bà niềm vui khi có những người bạn thân ở mọi lứa tuổi - ẢNH: PHÙNG HUY
Bà Nguyễn Thị Quỳnh Vân (thứ hai từ phải sang) cho rằng, ngoài sức khỏe, pickleball còn mang đến cho bà niềm vui khi có những người bạn thân ở mọi lứa tuổi - Ảnh: Phùng Huy

Ở tuổi U70, bà Vân vẫn cho thấy nền tảng thể lực dẻo dai. Dù di chuyển liên tục suốt 2 giờ đồng hồ trên sân, đôi chân bà vẫn thoăn thoắt. Nụ cười sảng khoái thường trực trên khuôn mặt mướt mồ hôi khiến bà trở thành người bạn của mọi lứa tuổi trên sân pickleball như lời bộc bạch của bà: “Hiện nay, tôi có rất nhiều bạn pickleball. Họ ở mọi lứa tuổi, là những người bạn rất tốt, giúp tôi cười và vui vẻ mỗi ngày”.

Bà Vân đã chơi pickleball hơn 10 năm, từ khi còn sống ở California (Mỹ). Trước đó, bà cùng chồng đam mê leo núi, đua xe đạp. Thế nhưng, 10 năm trước, trong một lần kiểm tra sức khỏe định kỳ, bác sĩ khuyên bà nên chọn môn thể thao khác phù hợp và tốt hơn cho xương khớp của người cao tuổi. Vợ chồng bà bàn nhau sẽ chuyển sang chơi tennis. Ra sân tennis lại thấy có rất nhiều người lớn tuổi chơi pickleball, bà mua dụng cụ về chơi thử rồi chuyển sang chơi hẳn.

Năm 2017, trong một đợt về Châu Đốc (An Giang), bà mang pickleball giới thiệu với mong muốn người dân nơi đây tăng cường chơi thể thao để rèn luyện sức khỏe. Từ việc bà Vân dạy cho một nhóm nhỏ, sau 7 năm, pickleball phát triển rất mạnh ở Châu Đốc với nhiều nhóm và nhiều người trong số đó chơi rất tốt. Năm 2022, bà Vân cùng chồng quyết định bán tất cả nhà cửa ở Mỹ, về Việt Nam định cư. Bà cho biết, trước khi về nước, ngày nào vợ chồng bà cũng nói về pickleball. Cả hai đồng ý với nhau rằng môn thể thao này phù hợp với người dân Việt Nam - những người vốn đã rất quen thuộc với các bộ môn tennis, bóng bàn, cầu lông.

“Giờ thì cuộc sống của chúng tôi ở TPHCM xoay quanh pickleball” - bà Vân vui vẻ nói. Không chỉ chơi bóng cùng chồng, bà còn mời những người đi tập thể dục trong công viên cùng tham gia. Thậm chí, bà sắm sẵn vợt để có dụng cụ chỉ dạy những người mới và đi đâu cũng mang dụng cụ theo để giới thiệu pickleball.

Hiện nay, bà chơi pickleball với rất nhiều nhóm. Ngoài nhóm ở sân Hoàng Dư Khương (quận 10, TPHCM), bà còn chơi với các nhóm Bến Thành, Phú Thọ, Tao Đàn. Nói về sự phát triển của môn thể thao này, bà phấn khởi: “2 năm trước, khi mới về TPHCM, tôi tìm 1 sân chơi pickleball nhưng không có. Vậy mà nay dường như ngày nào cũng có sân mới và ai cũng biết pickleball”.

Ước mơ đứng chung sân với ba

Có ba là cựu vận động viên vô địch quốc gia tennis Huỳnh Chí Khương và hiện là huấn luyện viên đội tuyển tennis Quân khu 7, từ năm lên 3, Huỳnh Phúc Khang - nickname Tiger, 10 tuổi (ngụ TP Thủ Đức, TPHCM) - đã thường xuyên theo ba đến sân vận động và quen dần với quả bóng tennis. Cuối năm ngoái, cũng đi theo ba đến sân tập nhưng thấy người ta chơi pickleball, Khang lập tức bị thu hút. Thấy con thích thú với môn thể thao mới và xin tập, anh Khương đi tìm thuê sân cho con. Hành trình đó cực khổ vô cùng vì thời điểm ấy, TPHCM không có nhiều sân pickleball. Có những ngày, để có thể tập pickleball, anh Khương phải chở con từ Thủ Đức đến sân vận động Kỳ Hòa (quận 10, TPHCM). Có sân nhưng không có nhiều bạn nhỏ chơi cùng, Khang chỉ tập với ba là chính.

Bà Quỳnh Vân, chị Lệ Quyên và bé Phúc Khang - những vận động viên pickleball đặc biệt - Ảnh: Phùng Huy và do nhân vật cung cấp
Bà Quỳnh Vân, chị Lệ Quyên và bé Phúc Khang - những vận động viên pickleball đặc biệt - Ảnh: Phùng Huy và do nhân vật cung cấp

Thấy nhu cầu đối với môn thể thao này ngày càng cao và cũng xuất phát từ nhu cầu thực tế của con mình, cách đây 5 tháng, vợ chồng anh Khương quyết định đầu tư xây dựng sân và thành lập CLB Pickleball Black Panthers làm sân chơi cho những người yêu pickleball. Kể từ đó, Khang có cơ hội tập luyện nhiều hơn và bắt đầu tham gia các giải đấu trong dịp hè này.

Chị Nguyễn Thị Thu Ngân - mẹ Khang - cho biết, mỗi ngày, Khang thức dậy từ 5g30 sáng để tập thể lực rồi mới đến trường. Chiều về, cơm nước, hoàn thành bài vở xong là 18g30, Khang bắt đầu ra sân tập đến 21g mới chịu nghỉ. Còn những ngày không đi học, cậu bé ăn, ở luôn ngoài sân. “Con tôi thần tượng ba, bắt chước từng động tác của ba và luôn mơ ước được đánh chung với ba” - chị Ngân kể.

Tuy chỉ mới tập luyện nghiêm túc khoảng 5 tháng qua nhưng Khang đã sở hữu 3 giải nhất, 1 giải nhì và 2 giải ba ở cấp CLB. Gần nhất là cuối tháng Tám vừa qua, Khang đứng chung sân với ba ở Giải Pickleball Nam Cần Thơ mở rộng nội dung đôi nam 7.0 và đoạt giải Ba. Mới đây, ở Giải Pickleball châu Á mở rộng (diễn ra tại Quảng Nam từ 4 - 6/10), Khang giành được Huy chương Bạc nội dung đơn nam U12 và Huy chương Đồng đôi nam U12.

Thu Lê

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI