Pickleball gây “sốt” ở các trường đại học

17/10/2024 - 06:13

PNO - "Cơn sốt” pickleball đang lan rộng. Nhiều trường đại học ở TPHCM đã nhanh chóng đầu tư xây dựng sân tập pickleball, đưa môn thể thao vào giảng dạy. Rất đông sinh viên đã phải đăng ký “chờ” có suất học.

"Cơn sốt” pickleball đang lan rộng. Nhiều trường đại học ở TPHCM đã nhanh chóng đầu tư xây dựng sân tập pickleball, đưa môn thể thao vào giảng dạy. Rất đông sinh viên đã phải đăng ký “chờ” có suất học.

Mở lớp nào, kín lớp đó

Gần 12g30, mồ hôi nhễ nhại, nhóm sinh viên Trường đại học Hoa Sen vẫn nài nỉ giáo viên cho tập thêm dù đã hết giờ. Được thầy đồng ý, cả nhóm chia mỗi sân chơi 4 người để thực hành kỹ thuật vừa học, những bạn còn lại ngồi bên ngoài cổ vũ. Cả sân tập náo nhiệt tiếng đánh bóng, tiếng hò reo của các “cổ động viên”. Thầy Phạm Hữu Thành - giảng viên bộ môn pickleball - vừa theo dõi vừa hô lớn điều chỉnh từng động tác, hướng dẫn cho sinh viên.

“Tôi học được khoảng 10 buổi, sau mỗi buổi đều tiến bộ thêm một chút nên thích lắm, không dám nghỉ buổi nào. Nó không quá khó, sinh viên được mang đồ tập tự do, lại học trong nhà nên không lo nắng, gió; thời gian học cũng linh động, rất phù hợp” - Tú Anh - sinh viên năm hai Trường đại học Hoa Sen - chia sẻ.

Ngoài việc tập luyện ở trường, Tú Anh và nhóm bạn còn mua vợt, bóng và thuê sân bên ngoài để chơi cố định 4 buổi/tuần. Sinh viên Khả Ngân - chung nhóm tập - cho biết cảm thấy mình may mắn khi đăng ký học sớm, bởi các lớp pickleball của trường sau đó liên tục hết chỗ do số lượng sinh viên đăng ký quá nhiều.

Sinh viên Trường đại học Hoa Sen hào hứng tập luyện pickleball
Sinh viên Trường đại học Hoa Sen hào hứng tập luyện pickleball

Thầy Phạm Hữu Thành cho biết, giờ học nào cũng đông vui, cả thầy và trò đều hào hứng: “Môn này đặc biệt thu hút các bạn sinh viên nữ vì khá dễ chơi, không phải dùng nhiều lực, kỹ thuật không khó như quần vợt. Các bạn tập 2-3 buổi là có thể chơi theo nhóm được nên dễ gây “nghiện”. Đưa vào giảng dạy, pickleball không còn là một môn học nữa mà là một môn thể thao, giúp sinh viên rèn luyện sức khỏe và thể chất tốt”.

Theo tiến sĩ Nguyễn Thị Hiền Thanh - Giám đốc chương trình Kinh tế thể thao (Trường đại học Hoa Sen) - trước “cơn sốt” pickleball trong sinh viên yêu thích, trường quyết định đưa pickleball trở thành môn học giáo dục thể chất. Sinh viên có quyền lựa chọn học 1 trong 16 môn thể thao mà trường đang dạy.

“Dù có khảo sát từ trước, chúng tôi không ngờ pickleball được sinh viên yêu thích đến vậy. Học kỳ hè vừa rồi, trường mở thử 1-2 lớp, lượng sinh viên đăng ký quá đông nên chúng tôi phải tăng dần số lớp học. Cứ mở lớp nào là kín lớp đó. Nhiều bạn không đăng ký được, phải chờ học kỳ sau” - bà chia sẻ.

Phó giáo sư, tiến sĩ Châu Vĩnh Huy - Hiệu trưởng Trường đại học Sư phạm Thể dục Thể thao TPHCM - cho biết, trường cũng vừa đưa pickleball vào đào tạo từ năm học này. Đây là môn học bắt buộc, tất cả sinh viên đều được học với 2-3 tín chỉ, tương đương 30-45 tiết học. Trường cũng đã xây dựng sân bãi, đầu tư vợt, bóng… Sinh viên có thể đăng ký chơi thêm hoặc tham gia các câu lạc bộ pickleball đang phát triển mạnh ở trường.

Phó giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Văn Thụy - Trưởng phòng Tuyển sinh và Truyền thông, Trường đại học Ngân hàng TPHCM - cũng thông tin, trường đã tận dụng 5 sân cầu lông để sinh viên và giảng viên chơi pickleball, đồng thời xây mới thêm 5 sân ngoài trời. Trường đang soạn giáo án, chương trình đào tạo để đưa môn này vào dạy từ học kỳ II năm học này.

Trường đại học Ngoại ngữ - Tin học TPHCM dù chưa đưa vào giảng dạy nhưng đã xây dựng sân bãi để sinh viên, giảng viên có thể chơi pickleball miễn phí trong trường.

Thiếu huấn luyện viên, giảng viên

Hiện khó khăn lớn nhất khi đưa pickleball vào giảng dạy của các trường là thiếu huấn luyện viên và giảng viên. Theo ông Châu Vĩnh Huy, Trường đại học Sư phạm Thể dục Thể thao TPHCM là đơn vị đại diện cho các trường đại học ở Việt Nam phụ trách xây dựng bộ môn pickleball theo tiêu chuẩn của Liên đoàn Pickleball châu Á, nhằm triển khai môn này trong các trường đại học.

Tuy nhiên, đến nay Việt Nam chưa thành lập liên đoàn pickleball nên không có sự lãnh đạo thống nhất. Trường học hay các tổ chức đào tạo phải chủ động mày mò, tìm hiểu. Việc xây dựng chương trình, vì thế, mỗi trường một khác. Đặc biệt, với các trung tâm bên ngoài thì không có thước đo nào chính xác để đánh giá về chất lượng, hiệu quả.

“Như trường chúng tôi, trước khi mở lớp, tôi phải cử giảng viên đi học trong nhiều tháng liền. Tháng Mười tới, tôi còn cử đoàn sang Đài Loan (Trung Quốc) để học, nhằm nâng cao chất lượng người dạy. Nói chung, môn này mới ở Việt Nam, nên giảng viên, huấn luyện viên phải vừa dạy vừa học thêm.

Thực tế không có nguồn tuyển huấn luyện viên chuyên nghiệp từ bộ môn này, đa số huấn luyện viên hay giảng viên hiện nay đều chuyển từ môn cầu lông, quần vợt, bóng bàn hoặc một số môn thể thao khác qua. Để đo lường chất lượng, các trường phải quy chiếu với các thước đo từ tổ chức bên ngoài” - ông Châu Vĩnh Huy cho biết.

Ông Nguyễn Văn Thụy thông tin: “Chúng tôi đã cử giảng viên đi học từ 6 tháng trước để đảm bảo yếu tố kỹ thuật cũng như chuyên môn. Nguồn nhân sự này hiện đang là giảng viên bộ môn giáo dục thể chất”. Tương tự, hầu hết giảng viên của Trường đại học Hoa Sen cũng có xuất phát điểm từ cầu lông, quần vợt, bóng bàn và các môn khác.

Thầy Lê Tiến Dũng - giảng viên pickleball Trường đại học Sư phạm Thể dục Thể thao TPHCM, vốn là giảng viên quần vợt - nhận định: 60 - 70% kỹ thuật môn pickleball giống với quần vợt. Pickleball dù dễ chơi nhưng vẫn cần người hướng dẫn để không bị sai kỹ thuật ngay từ đầu, dẫn đến thói quen chơi sai và dễ chấn thương.

Việc lựa chọn huấn luyện viên cũng cần cẩn trọng, bởi môn này mới nở rộ ở Việt Nam nên huấn luyện viên cũng “mọc” ra rất nhiều trong khi chưa có thước đo nào để đo được chất lượng của họ. Thầy Dũng khuyên người chơi nên chọn những trung tâm thể thao uy tín, chọn huấn luyện viên đã được đào tạo bài bản để theo học.

Pickleball có đắt đỏ với sinh viên?
Để dạy pickleball, các trường đại học phải đầu tư xây dựng sân tập, lưới, vợt, bóng, mời huấn luyện viên hoặc điều động giảng viên có chuyên môn phụ trách. Tùy theo mức độ đầu tư, mỗi sân tập có thể tốn từ 50 đến hơn 100 triệu đồng. Nhiều trường tận dụng, chuyển đổi sân cầu lông để có thể dùng được cả 2 môn, tiết kiệm chi phí.
Với sinh viên, theo Tú Anh, nếu chỉ học trong trường thì sinh viên gần như không tốn thêm chi phí nào vì các trường đã đầu tư sân, bóng, vợt… Tuy nhiên, để chơi thêm bên ngoài thì mỗi người phải sắm các đồ tập cần thiết như: vợt, bóng, giày thể thao, băng gối bảo vệ chân, áo quần tập… Để có đủ 1 bộ đồ tập cơ bản, người chơi tốn ít nhất cũng khoảng 1 triệu đồng, trung bình từ 3-4 triệu đồng hay nhiều hơn là cả chục triệu đồng. Tốn kém nhất vẫn là tiền thuê sân bãi từ 120.000-150.000 đồng/giờ, mỗi tháng người chơi có thể mất thêm cả triệu đồng. “Nói học miễn phí là đúng, nhưng để chơi môn này hay bất kỳ môn thể thao nào cũng phải đầu tư. Với sinh viên thì khoản tiền để duy trì chơi môn thể thao này khá cao. Do vậy, những bạn gia đình có điều kiện mới chơi thêm bên ngoài được còn không thì chỉ dừng lại ở những tiết học trên trường” - Tú Anh nói.

Nguyễn Loan

Giải Pickleball Báo Phụ nữ TPHCM lần thứ nhất năm 2024

Diễn ra trong 2 ngày, từ 26 - 27/10/2024 tại Câu lạc bộ Lan Anh, 291 Cách Mạng Tháng Tám, phường 12, quận 10, TPHCM.

Đối tượng tham dự là công dân Việt Nam gồm các vận động viên (VĐV), người mới tập chơi pickleball có giới tính là nữ, chuyển giới nữ và các bé trai, bé gái dưới 12 tuổi, các VĐV nam tham gia nội dung thi đấu vợ - chồng.

Nội dung thi đấu:

Đôi nữ 4.5: Tổng điểm của 2 VĐV cao nhất là 4.5, điểm tối đa của 1 VĐV là 2.5 theo chuẩn USAPA.
Đôi nữ 6.0: Tổng điểm của 2 VĐV cao nhất là 6.0, điểm tối đa của 1 VĐV là 3.0 theo chuẩn USAPA.
Đôi nữ Open: Không giới hạn tổng điểm của 2 VĐV.
Đôi mẹ - con: Các VĐV gồm mẹ và con (bé trai hoặc bé gái dưới 12 tuổi), có giấy khai sinh chứng minh quan hệ mẹ - con.
Đôi vợ - chồng: Các VĐV nam - nữ là vợ chồng, có giấy đăng ký kết hôn.

VĐV quét mã QR để đăng ký dự giải hoặc đăng ký trực tiếp tại Báo Phụ nữ TPHCM, 311 Điện Biên Phủ, phường 4, quận 3, TPHCM.

Thời gian đăng ký đến ngày 20/10/2024, ban tổ chức có thể ngừng tiếp nhận đăng ký sớm hơn nếu đủ số lượng VĐV.
Liên lạc với ban tổ chức qua email:giaipickleballbaophunutphcm@baophunu.org.vn, số điện thoại: 0966182727.

Lệ phí tham gia: 500.000 đồng/VĐV.

VĐV có thể nộp lệ phí trực tiếp tại tòa soạn (311 Điện Biên Phủ, phường 4, quận 3, TPHCM) hoặc chuyển khoản cho Báo Phụ nữ TPHCM, tài khoản số 118000006048 - Ngân hàng Vietinbank - chi nhánh 3.

Mỗi nội dung có các giải thưởng Vô địch, hạng Nhì, 2 giải hạng Ba gồm tiền mặt, vợt và các quà tặng khác.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI