Pickeball, không chỉ là trào lưu

02/11/2024 - 16:41

PNO - Tại Việt Nam, doanh thu các sản phẩm liên quan đến bộ môn pickleball trong quý sau tăng cao hơn quý trước. Theo dự báo của các công ty nghiên cứu thị trường thế giới, thị trường sản phẩm pickleball sẽ đạt hàng trăm tỉ USD trong thời gian tới.

Nhiều ông lớn nhập cuộc

Gần đây, một số cửa hàng bán sản phẩm thể thao trên địa bàn TPHCM bắt đầu treo nhiều bộ vợt, bóng, quần áo… có in chữ pickleball ra khu vực phía trước để khách dễ thấy, dễ chọn. So với sản phẩm của các bộ môn thể thao khác, sản phẩm dành cho pickleball áp đảo, chiếm số lượng nhiều hơn.

Không chỉ dừng lại ở một trào lưu, pickleball đã chứng tỏ rằng nó đang trở thành một thị trường hấp dẫn. Trong ảnh: Khách hàng đang mua sản phẩm vợt, quần áo phục vụ cho bộ môn pickleball tại cửa hàng Pronex Sport (TP Thủ Đức, TPHCM)
Không chỉ dừng lại ở một trào lưu, pickleball đã chứng tỏ rằng nó đang trở thành một thị trường hấp dẫn. Trong ảnh: Khách hàng đang mua sản phẩm vợt, quần áo phục vụ cho bộ môn pickleball tại cửa hàng Pronex Sport (TP Thủ Đức, TPHCM)

Tại hệ thống DKN - Babminton and Pickleball trên đường Lý Thái Tổ (quận 3, TPHCM), có vài khách hàng đang chọn vợt, quần áo. Đa phần khách mới biết chơi chọn vợt có mức giá khoảng 1,3 triệu đồng, áo thì chọn trong khoảng 700.000 đồng. Đứng kế bên tư vấn cho khách, bà Đặng Kim Ngân - chủ hệ thống - cho biết, trước sự phát triển mạnh mẽ của bộ môn pickleball, các thương hiệu thể thao lớn như Joola, Selkirk, Six Zero, CRBN, Anivia, adidas, Nike… đã nhanh chóng nắm bắt cơ hội tung ra nhiều sản phẩm cho bộ môn này.

Không chỉ mặt hàng vợt, quần áo, giày, bóng mà còn rất nhiều phụ kiện kèm theo như dán viền vợt, băng cổ chân, băng tay, băng dây chằng gối, chai xịt vệ sinh mặt vợt, quấn cán vợt, cục gôm lau bề mặt vợt, bình nước, túi đựng… “Do sức hút quá lớn từ bộ môn này, nhiều người chơi tại Việt Nam sẵn sàng chi 5-6 triệu đồng để mua 1 cây vợt, có người sở hữu nhiều cây vợt của nhiều thương hiệu để tăng tính trải nghiệm” - bà nói.

Mới sáng sớm nhưng tại cửa hàng Pronex Sport (TP Thủ Đức, TPHCM) đã có vài khách ghé mua vợt, quần áo để kịp buổi chiều ra sân. Chị Ngọc Mai (quận 8, TPHCM) - một khách hàng đang mua vợt - cho biết, trên thị trường đa phần là thương hiệu vợt nhập khẩu. Vừa qua, nhờ thuê vợt tại sân tập, chị mới phát hiện trên thị trường đã xuất hiện một số thương hiệu vợt của Việt Nam như Pronex có chất lượng không thua hàng ngoại nhập.

Ông Nguyễn Hữu Nghĩa - Giám đốc Công ty TNHH Xây dựng thể thao Tín Nghĩa, người sáng lập thương hiệu vợt Pronex - cho biết, cách đây nửa năm, rất ít cửa hàng kinh doanh các sản phẩm thể thao dành cho bộ môn pickleball nhưng hiện nay, số lượng cửa hàng xuất hiện ngày càng nhiều, tạo sự phong phú cho thị trường. “Nhận thấy tiềm năng của bộ môn này, chúng tôi đã tự thiết kế mẫu mã, công nghệ rồi đặt gia công tại nước ngoài. Tùy theo công nghệ bề mặt được làm từ carbon T700, T800; carbon 3K, 18K, 24K, sợi titan… mà giá khác nhau. Dù là thương hiệu Việt Nam nhưng chất lượng không thua hàng ngoại nhập, đi đầu trong công nghệ. Như chất liệu T800 và sợi titan đến thời điểm hiện tại vẫn chưa có đơn vị nào trên thế giới và tại Việt Nam dám sản xuất vì giá rất đắt” - ông cho hay.

Doanh thu tăng trưởng mạnh

Là công ty tiên phong trong kinh doanh, kết hợp với việc cho các sân tập thuê sản phẩm này nên doanh thu của Công ty Tín Nghĩa luôn bùng nổ. Gần đây, nhiều người đổ xô kinh doanh sản phẩm, xuất hiện nhiều đại lý ủy quyền nhập khẩu và phân phối các sản phẩm thương hiệu lớn nên sự cạnh tranh ngày càng khốc liệt hơn, doanh thu giảm một chút nhưng vẫn còn tăng rất mạnh. Song, ông Nguyễn Hữu Nghĩa vẫn tự tin rằng nhu cầu về sản phẩm này sẽ còn tiếp tục bùng nổ từ đây đến 2 năm tới.

Các báo cáo nghiên cứu thị trường gần đây đã đưa ra những dự báo vô cùng khả quan về doanh thu của ngành hàng này. Theo Market Research Future, thị trường sản phẩm ngành pickleball toàn cầu ước đạt quy mô 71,47 tỉ USD vào năm 2024 và tăng lên đến 151 tỉ USD vào năm 2032, với tốc độ tăng trưởng hằng năm đạt 9,8%.

Bao nhiêu tiền để có set đồ ra sân?

Để có được bộ vợt “ngon”, đánh mượt, người chơi có thể đầu tư khoảng 3-5 triệu đồng, quần áo tầm 400.000 đồng/bộ, có thể sử dụng giày đế cứng dành chơi thể thao ngoài trời. Sinh viên có thể chọn cách thuê vợt với giá 40.000-50.000 đồng/giờ.

Theo Metric - nền tảng số liệu về thương mại điện tử (TMĐT) - trong giai đoạn 3 tháng từ 8/6/2024 - 5/9/2024, tổng doanh thu từ các sản phẩm liên quan đến pickleball trên 5 sàn TMĐT lớn gồm Shopee, Lazada, Tiki, TikTok Shop, Sendo đã đạt 22,7 tỉ đồng, tăng 149,5% so với 3 tháng trước đó. Đã có 154.870 sản phẩm pickleball được giao thành công tới tay khách hàng, tăng 12,8% so với 3 tháng trước. “Không chỉ dừng lại ở một trào lưu, pickleball đã chứng tỏ rằng nó đang trở thành một thị trường hấp dẫn với nhiều cơ hội cho các nhà bán lẻ” - ông Nghĩa nhận định.

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Hữu Nghĩa, một thách thức đối với các nhà bán hàng trong việc tiếp cận đa dạng phân khúc khách hàng là bộ môn pickleball còn khá mới mẻ, nhiều người không cảm nhận được sự khác biệt giữa hàng chính hãng và hàng nhái, hàng phân khúc tầm trung và bình dân. Trong khi đó, thị trường đang xuất hiện nhiều sản phẩm nhái các thương hiệu có tên tuổi với giá rất rẻ.

Sản phẩm giả, nhái thường gặp là mặt hàng vợt. Nếu hàng thật có giá vài triệu đồng thì hàng nhái chỉ vài trăm ngàn đồng. “Nếu mua trúng vợt giả sẽ không đảm bảo tính ổn định, độ nảy của bóng không đồng đều. Cán vợt giả cũng dễ gãy, mặt vợt nhanh bị bong tróc, gây nguy hiểm cho người chơi” - bà Đặng Kim Ngân cảnh báo.

Làn sóng kinh doanh sân pickleball

Theo ông Nguyễn Hữu Nghĩa, trước đây, mỗi ngày công ty chỉ nhận 1-2 cuộc điện thoại để thi công sân tennis, bóng đá hoặc cầu lông. Nhưng hiện nay, mỗi ngày công ty nhận hàng chục cuộc điện thoại, tất cả đều đặt hàng thiết kế sân pickleball, không thấy nhu cầu thiết kế sân dành cho các bộ môn khác.

Sau giai đoạn “gồng lỗ”, nhiều người đang mở sân bóng đá, quần vợt cũng chuyển công năng sang sân pickleball khiến doanh thu tăng gấp 3-4 lần, khả năng hoàn vốn được rút ngắn lại. Bởi lẽ, diện tích 1 sân bóng đá có thể thiết kế thành 4 sân pickleball, đồng nghĩa lợi nhuận tăng gấp 4 lần. Chi phí đầu tư 1 sân pickleball chỉ khoảng 200 triệu đồng trở xuống, trong khi chi phí đầu tư 1 sân tennis là 600 triệu đồng, còn sân bóng đá là khoảng 800 triệu đồng.

Bộ môn pickleball sẽ đứng thứ hai sau bóng đá vì trẻ nhỏ, người già đều chơi được, ít bị chấn thương hơn, ít tốn kém hơn, bóng đánh lâu hư, vợt ít hư.

Tràn ngập thời trang pickleball giá rẻ

Trên các sàn TMĐT như Shopee, Lazada… đang tràn ngập sản phẩm thời trang pickleball giá rẻ. Các set váy quần áo được quảng cáo là thun co giãn 4 chiều, thuộc thương hiệu Ador Me (Mỹ) nhưng có giá chỉ 65.000 đồng/bộ. Nhiều set váy quần kết hợp áo có gắn logo thương hiệu adidas và Nike nhưng giá chỉ từ 219.000-399.000 đồng.

Còn trên sàn TMĐT xuyên biên giới Temu, Shein…, các sản phẩm thời trang pickleball dành cho nam và nữ cũng có giá rẻ bất ngờ. Thậm chí nhiều sản phẩm áo nam sau khi giảm giá 79% chỉ còn hơn 68.000 đồng.

Mức giá trên rẻ chỉ bằng 1/3 so với các sản phẩm thuộc thương hiệu Việt Nam và rẻ 5-6 lần so với thương hiệu ngoại nhập khẩu chính hãng.

Tiến sĩ Huỳnh Khánh Duy - nguyên giảng viên Trường đại học Bách khoa TPHCM - cho biết, thời trang giá rẻ nói chung có thể gây hại cho sức khỏe người mặc. Để làm ra sản phẩm vải giá rẻ, nhà sản xuất buộc phải sử dụng các quy trình xử lý vải, công nghệ tẩy nhuộm cũ, lạc hậu có sử dụng các hóa chất độc hại như chlorine, dung dịch hypochlorite, xút (NaOH).

Bên cạnh đó, để dễ điều chế, dễ nhuộm, giúp sản phẩm bền màu, mềm mại, nhà sản xuất có thể sử dụng các loại thuốc nhuộm độc hại họ azo, antraquinone, arylamine, chất chống cháy…
Các chất này còn tồn trên vải sợi có thể gây kích ứng da, làm khô da, ăn mòn da; nếu đi vào cơ thể có thể gây ra các rối loạn nội tiết, rối loạn quá trình phát triển ở trẻ em.

Thanh Hoa

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI