Phút cuối, hàng vạn tấm lòng nghẹn ngào hướng về Đại tướng

13/10/2013 - 09:14

PNO - Đã lâu lắm người ta mới chứng kiến cảnh hàng vạn người dân ở Thủ đô đứng cạnh nhau, trầm lắng và cảm thương vô cùng tại thời khắc tiễn biệt Đại tướng Võ Nguyên Giáp sáng 13/10. Dòng nước mắt tưởng như đã cạn khô...

edf40wrjww2tblPage:Content

Lẫn trong dòng người trên đường Lê Thánh Tông, chị Nguyễn Thị Nại gần như kiệt sức sau một đêm thức trắng phía ngoài Nhà tang lễ Quốc gia.

Người phụ nữ lam lũ quê Yên Bái cứ bần thần rằng, chị ngóng suốt đêm chỉ mong tới sáng được nhìn thấy linh cữu của Đại tướng chầm chậm đi về nơi Người sẽ yên giấc. Ấy vậy, khi những bánh xe đầu tiên chuẩn bị lăn tròn ra khỏi đường Trần Thánh Tông, chị đành lùi lại phía sau vì chẳng thế nào đủ sức len giữa dòng người vốn đã chật như nêm.

Phut cuoi, hang van tam long nghen ngao huong ve Dai tuong

Nhiều người dân không giấu được nước mắt khi xe chở thi hài Đại tướng đi qua. (Ảnh: PV/Vietnam+)

"Tôi chỉ biết cầu chúc cho Đại tướng được yên giấc sau những năm tháng vất vả vì đất nước. Những người con như chúng tôi mãi mãi kính mến Người," chị Nại nói khi

Những lời nguyện cầu như thế trong buổi sớm rước linh cữu Đại tướng cũng là tâm nguyện của hàng ngàn người dân trên những con phố thân thuộc của Thủ đô.

Mặc dù 8 giờ 15 phút mới là thời điểm đoàn xe tang bắt đầu di chuyển nhưng từ trước đó cả tiếng đồng hồ, nhiều tuyến phố như Tràng Tiền, Cửa Nam, Lê Thánh Tông... đã chật cứng người dân ngóng đợi.

 Phut cuoi, hang van tam long nghen ngao huong ve Dai tuong

Người dân đứng hai bên đường tiễn biệt vị Đại tướng huyền thoại.

Mang theo tấm ảnh Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã được cẩn thận lồng vào khung gỗ, hai mẹ con chị Hà Chi, nhà ở phố Trung Kính không giấu nổi sự xúc động trong thời khắc cuối cùng được ở gần Đại tướng đến thế.

Chị cũng bảo, chính cô con gái học lớp 3 của mình đã nằng nặc đòi mẹ phải đưa lên phố để đứng cùng dòng người đưa tang "cụ" Giáp.

Và, trong giây phút khi khi linh cữu vị Anh hùng dân tộc chầm chậm đi qua dòng người, hai mẹ con chị Chi và hàng trăm người dân chẳng ai bảo ai đều lặng lẽ cúi đầu nguyện cầu cho vị Đại tướng mến yêu.

Rất nhiều người trong dòng người trên phố Tràng Tiền cũng bật khóc vì chợt nhận ra những giây phút cuối cùng vịĐại tướng tài danh ở gần với người dân Hà Nội đang dần tuột qua.

"Đại tướng sẽ về nơi yên giấc nhưng tấm gương, cách sống của ông thì chúng tôi sẽ không quên. Tôi sẽ luôn nhắc lũ trẻ nhà tôi về vị anh hùng ấy," anh Thái Nam, 35 tuổi, quê ở Vĩnh Phúc xúc động.

Những tuyến phố trung tâm nơi đoàn xe hộ tống linh cữu Đại tướng đi qua như vỡ òa. Đặc biệt, quanh con phố Hoàng Diệu-nơi có ngôi nhà mà cố Đại tướng từng gắn bó suốt nửa đời người là những tiếng khóc nấc nghẹn tiễn đưa người anh hùng của dân tộc về với quê hương miền Trung.

Những lá cờ rủ, những bông cúc vàng trải dài tuyến phố tiễn đưa vị danh tướng huyền thoại. “Gần sáu thập kỷ trước đây, thế hệ ông bà, cha mẹ tôi hân hoan đón chào Đại tướng và chính quyền cách mạng về Thủ đô. Giờ đây, cũng một ngày mùa Thu, tôi và các con đau xót đưa tiễn Người từ Hà Nội về với quê hương Quảng Bình vĩnh viễn,” chị Hoàng Thị Hòa (Hoàng Mai, Hà Nội) nói trong tiếng khóc nức nở.

Đưa khăn lau hai hàng nước mắt chảy dài trên má, chị kể, gia đình chị đã đứng ở đây từ tối hôm qua. “Chúng tôi muốn ở bên Người trong những thời khắc cuối cùng Người còn ở Thủ đô. Tuy Đại tướng đã về với tổ tiên nhưng tôi tin rằng, linh hồn Đại tướng vẫn sẽ ở lại đây với cháu con, đồng bào, đồng chí của mình.”

Đứng thu mình lặng lẽ nơi góc phố Hoàng Diệu (hướng đi ra Trần Phú), Thùy Linh (sinh viên Đại học Quốc gia Hà Nội) chia sẻ: “Ông nội mình cũng là một cựu chiến binh. Từ nhỏ, mình được nghe ông kể rất nhiều về Bác Hồ và Đại tướng Võ Nguyên Giáp.”

Linh kể, ông nội Linh nay đã tuổi cao sức yếu nên không thể trực tiếp đi viếng và đưa tiễn người Anh cả của mình về nơi an nghỉ cuối cùng. “Suốt mấy ngày hôm nay, ông nội luôn cảm thấy day dứt về điều đó,” Linh tâm sự.

Hàng xe đi qua. Những hàng nước mắt chảy dài. Dường như ai cũng muốn níu giữ lại những hình ảnh cuối cùng về Đại tướng. Ngồi thụp xuống đầy vẻ thất thần, bà Hoàng Thị Lan (Gia Lâm, Hà Nội) nói trong tiếng khóc nấc nghẹn: “Vậy là suốt cuộc đời này, chúng ta sẽ không còn có thể được gặp Đại tướng-điểm tựa tinh thần cho cả dân tộc suốt cả thế kỷ qua nữa rồi.”

Hàng xe dần khuất bóng nhưng những đôi chân vẫn cố kiễng lên, rướn cổ hướng về phía đoàn xe. Ai cũng như muốn đi theo dòng xe. Người người như đang dựa vào nhau, cùng chia sẻ nỗi đau chung./.

Theo Nhóm PV (Vietnam+)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI