Phương Tây không hề biết rằng Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đã ngầm đàm phán một thỏa thuận ở Syria. Dường như phương Tây giờ đây chỉ còn là khán giả chứ không phải là một bên trong cuộc chiến tại Syria.
Theo Bloomberg, mặc dù kế hoạch sơ tán dự định bắt đầu từ 5h sáng ngày 14/12 đã bị trì hoãn sau khi bùng nổ tranh cãi giữa các bên cáo buộc nhau vi phạm, song các cuộc bàn bạc vẫn tiếp tục và các nước phương Tây lại đứng ngoài. Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov hôm qua đã cho rằng sẽ là vô nghĩa nếu nói chuyện với Mỹ và đàm phán với Thổ Nhĩ Kỳ “sẽ hiệu quả hơn nhiều tháng không có kết quả khi tiến hành đàm phán với Hoa Kỳ”.
Trong khi báo chí phương Tây đang phân tích những dòng tweet bằng tiếng Anh của các binh lính nổi dậy cuối cùng còn trụ lại ở Aleppo thì Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đang đàm phán với lực lượng nổi dậy và chính quyền Tổng thống Assad, cố gắng hoàn thành chiến thắng của ông Assad. Thỏa thuận của họ bao gồm một kế hoạch rút quân của lực lượng nổi dậy, để lại không gian cho người dân thường để Moscow và Ankara có thể đánh bóng các công việc viện trợ nhân đạo và tuyên bố mình là người thiết lập hòa bình.
|
Mỹ vẫn không hề có chút khái niệm nào về sự dàn xếp giữa Nga và Thổ. |
Hoa Kỳ cho đến giờ vẫn không có chút khái niệm nào về việc này. Phát ngôn viên văn phòng chính phủ Mỹ, John Kirby trả lời khi được hỏi liệu Mỹ có biết là Thổ Nhĩ Kỳ cũng tham gia vào các cuộc đàm phán này hay không: “Chúng tôi không nhận được bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy có những cuộc thảo luận song phương để đưa ra một sự sắp xếp như vậy”.
Samantha Power, đại sứ Hoa Kỳ tại Liên Hiệp Quốc, dường như cũng không biết rằng có sự tồn tại của thỏa thuận này khi bà phát biểu tại Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc, cáo buộc chính quyền ông Assad và Iran vì “cung cấp dây thòng lọng cho dân thường” và hỏi rằng “Liệu có phải các nước này đã mất đi cảm giác xấu hổ rồi hay không?”.
Tại một buổi họp báo ở Berlin hôm 12/12 vừa qua, Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Pháp Francois Hollande đã đề cập đến tình hình “đau lòng” và “thảm khốc” tại Aleppo và cũng không hề cho thấy họ biết về thỏa thuận ngừng bắn tại đây cũng như đổ lỗi cho Nga đã chặn mọi cuộc đàm phán với phương Tây. Vào tối ngày 12/12, khi bà Merkel và Bộ trưởng Ngoại giao Đức Frank-Walter Steinmeier điện đàm với người đồng cấp Nga để thảo luận về Syria cùng các vấn đề khác thì thỏa thuận ngừng bắn đã được tuyên bố.
Theo các chuyên gia Bloomberg, đây là điều xảy ra khi các cường quốc phương Tây không sẵn sàng tham gia chiến đấu hay đàm phán. Mỹ và châu Âu đã không làm được gì nhiều để giúp người dân ở Aleppo, vì vậy những quốc gia vừa sẵn sàng chiến đấu vừa sẵn sàng đàm phán sẽ đứng lên như một người chơi thực thụ.
Tuy nhiên, lợi ích của những người chơi này vẫn chưa được vạch rõ. Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đều có những lợi ích khác nhau tại Syria. Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan từng thề rằng ông Assad là kẻ thù của Ankara trong khi đối với Tổng thống Nga, ông Assad lại là đồng minh. Ông Erdogan cũng có vấn đề với lực lượng người Kurd ở Syria mà ông cho rằng họ đã gây tình trạng bất ổn dọc biên giới Thổ Nhĩ Kỳ. Trong khi đó, ông Putin lại âm thầm ủng hộ người Kurd và Nga khẳng định rằng họ sẽ tham gia vào bất kỳ cuộc đàm phán nào về tương lai của Syria.
Một năm trước, lực lượng không quân Thổ Nhĩ Kỳ đã bắn rơi máy bay chiến đấu của Nga, làm dấy lên một cuộc đối đầu giữa ông Putin và ông Erdogan cho đến khi Tổng thống Nga “bớt giận” và ủng hộ lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ trong cuộc đảo chính bất thành.
Hiện chưa có một giải pháp rõ ràng nào cho sự khác biệt về Syria giữa Moscow và Ankara, vì vậy vẫn tồn tại “vùng Nga” và “vùng Thổ Nhĩ Kỳ” ở đất nước Trung Đông này. Có thể mọi việc sẽ khả quan hơn khi trò chơi đã ngã ngũ khi ông Putin và Erdogan đã nói chuyện điện thoại trước khi bắt tay nhau thực hiện mỗi bước đi quan trọng tại Syria. Và cả hai nhà lãnh đạo đều cảm thấy không cần đến sự can thiệp của các quốc gia phương Tây.
Giờ đây đã rõ mục đích của Nga khi đàm phán thỏa thuận ngừng bắn ở Aleppo với Mỹ trước đó chỉ là màn tung “hỏa mù” để giành thắng lợi cuối cùng cho chế độ của ông Assad. Tuy nhiên, thái độ thầm lặng của Thổ Nhĩ Kỳ mới khiến Mỹ rắc rối hơn, và Washington cũng không nên quá ngạc nhiên. Ankara là thành viên Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương duy nhất dám đưa quân vào lãnh thổ Syria trong một chiến dịch mang tên Euphrates Shield. Thổ Nhĩ Kỳ có tiềm lực quân sự để giành lợi thế mà không cần đến sự trợ giúp của Mỹ. Sự đồng thuận của Nga còn quan trọng hơn sự tán thành của các đồng minh NATO.
|
Mục đích của Nga khi đàm phán thỏa thuận ngừng bắn ở Aleppo với Mỹ trước đó chỉ là màn tung “hỏa mù” để giành thắng lợi cuối cùng cho chế độ của ông Assad. |
Nếu hai nước cùng đồng ý về cách thức giải quyết mối đe dọa chung là tổ chức khủng bố IS, thì Moscow và Ankara sẽ có chân trong bàn đàm phán tái thiết hậu chiến tranh với nhiều bên khác của Syria.
Thổ Nhĩ Kỳ và Nga cần có một sự phân chia trách nhiệm công bằng trong cuộc chiến chống IS, điều đó là khó nhưng có thể đạt được. Các lực lượng Thổ Nhĩ Kỳ khá linh hoạt trong cuộc chiến chống IS ở khu vực lân cận Aleppo. Các hoạt động này sẽ càng được củng cố khi quân đội Nga và cả quân chính phủ Syria giải phóng được hoàn toàn Aleppo.
Trong khi đó, lực lượng nổi dậy đã yếu thế và buộc phải rút khỏi Aleppo cũng sẽ cần đến sự trợ giúp của Thổ Nhĩ Kỳ để tiếp tục chiến đấu ở nơi khác khi Mỹ đã rút phần lớn quân khỏi chiến trường Syria. Tất cả các bên, kể cả những nước đồng minh, giờ đây đều nhận thấy sự vô vọng khi dựa vào sự trợ giúp của phương Tây.
Lời cam kết viện trợ nhân đạo ở Aleppo, chiến thắng quân sự của chế độ ông Assad cùng sự phát triển trong mối quan hệ Nga – Thổ Nhĩ Kỳ ở Syria đã cho thấy một thất bại nặng nề của chính sách ngoại giao Hoa Kỳ. Nó sẽ có tác động đến toàn bộ khu vực Trung Đông và buộc chính quyền sắp tới của ông Donald Trump phải đứng trước một lựa chọn khó khăn: tiếp tục dạo chơi ở khu vực hay can thiệp mạnh mẽ, ngăn chặn Nga và Thổ Nhĩ Kỳ khỏi việc phân chia sức ảnh hưởng tại Syria.
Minh Đức