Phương Tây nghĩ gì về thành công chống COVID-19 của châu Á?

24/11/2020 - 06:06

PNO - Các nước như Mỹ và Anh vẫn không tiếp cận việc chống dịch một cách “mạnh tay” vì thực sự lo lắng xâm phạm quyền riêng tư, hay sự khác biệt văn hóa, hoặc chỉ đơn thuần bị tổn thương niềm kiêu hãnh?

Thực khách “vô tư” giữa đại dịch COVID-19 ở London, Anh - Ảnh: Reuters
Thực khách “vô tư” giữa đại dịch COVID-19 ở London, Anh - Ảnh: Reuters

Trong khi dân châu Âu bị cấm rời khỏi nhà trừ khi có công việc thiết yếu, thì hiện người Hàn Quốc đã đi nhà hàng, hát karaoke và uống rượu tại các quầy bar. Mỗi ngày, Mỹ có gần 200.000 trường hợp cách ly hoặc nhiễm COVID-19, thì báo cáo ca mắc ở Việt Nam dừng ở một con số. Và nếu như các nước phương Tây phải “vật lộn” để khôi phục sau các đợt bùng phát dịch, Đài Loan dự kiến ​​sẽ kết thúc năm 2020 mà không gặp phải bất kỳ suy thoái kinh tế nào.

Muộn màng và ít học tập kinh nghiệm

Gần một năm kể từ khi vi-rút được ghi nhận đầu tiên tại Vũ Hán (Trung Quốc), các chính phủ phương Tây vẫn không sẵn lòng học hỏi kinh nghiệm về cách phòng, chống dịch vốn đã giúp châu Á giảm thiểu ca mắc và tử vong, cũng như thiệt hại kinh tế. “Dường như hầu hết các quốc gia đang làm theo cách tiếp cận của riêng mình. Họ ít học hỏi từ thành công của các quốc gia khác”, Jeremy Rossman - giảng viên cao cấp Đại học Kent (Anh) - nói.

Chỉ đến khi dịch bệnh bùng phát dữ dội, nhiều nước phương Tây mới áp dụng các biện pháp đã được triển khai từ đầu dịch ở châu Á, như mang khẩu trang và kiểm tra y tế bắt buộc trên diện rộng. Một số nước tỏ ra chậm chạp hoặc miễn cưỡng áp dụng các biện pháp công nghệ truy tìm hành trình cá nhân hòng kiểm dịch như Hàn Quốc, Đài Loan, Việt Nam… đã làm.

Sau tuyên bố không lặp lại tình trạng cô lập khiến nền kinh tế tê liệt, trong những tuần gần đây, lãnh đạo Pháp và Anh đã áp đặt các biện pháp cách ly nghiêm ngặt trong bối cảnh số ca nhiễm tăng vọt. Tại Mỹ, một số bang hoãn việc mở cửa trở lại, trong khi những nơi khác vẫn tiếp tục hoạt động bình thường, dù ca nhiễm gia tăng.

Chuyên gia về bệnh truyền nhiễm Peter Collignon, Trường đại học Y khoa (Đại học Quốc gia Úc), cho rằng nhiều nước phương Tây đã không tận dụng “thời gian vàng” để cách ly kịp thời trong các đợt bùng phát trước đó. 

Một người phụ nữ mang khẩu trang trên đường phố Hàn Quốc
Một người phụ nữ mang khẩu trang trên đường phố Hàn Quốc

Chọn lựa thảm khốc

Tại Hàn Quốc, quan chức y tế đã dùng quyền truy cập vào hồ sơ cá nhân như điện thoại, giao dịch thẻ tín dụng và trích xuất camera công cộng để theo dõi mối liên hệ gần gũi của các trường hợp F1, F2. Họ gửi tin nhắn cảnh báo cho công chúng biết hành trình chi tiết của bệnh nhân. Chiến lược mạnh tay thiên về công nghệ, kết hợp với kiểm dịch gắt gao trên diện rộng và sự tuân thủ tuyệt đối việc mang khẩu trang và giãn cách xã hội, đã được xem là thành công của Hàn Quốc trong kiểm soát dịch ở đợt một và ngăn chặn sự bùng phát trở lại trên quy mô lớn sau này.

Ở Đài Loan, chính quyền cũng dùng chiến lược theo dõi điện thoại, phân tích dữ liệu, lịch sử di chuyển để xác định các trường hợp, sao cho tránh tối đa dùng đến biện pháp phong tỏa toàn diện. Đài Loan chỉ ghi nhận bảy ca tử vong vì COVID-19 và dự kiến ​​sẽ tránh được suy thoái trong năm nay.

Một số nhà quan sát đã chỉ ra văn hóa là yếu tố quan trọng trong xử lý đại dịch của Hàn Quốc và Đài Loan, trong đó người phương Tây theo chủ nghĩa cá nhân đã thờ ơ về khả năng lây lan của vi-rút mà chỉ quan tâm đến sự riêng tư bị xâm phạm. Raina MacIntyre - thuộc Viện Kirby, Đại học New South Wales (Úc) - cho rằng sự chủ quan và kiêu ngạo có thể là nguyên nhân chính. “Tôi nghĩ rằng các nước phương Tây đã quen tự cho mình là vượt trội về mọi mặt, bao gồm cả việc kiểm soát dịch bệnh”, MacIntyre nói.

Trong khi đó, Úc và New Zealand có số ca mắc và tử vong thấp. Họ đã làm hao hao các nước châu Á như tăng cường độ cách ly, nỗ lực truy tìm các tiếp xúc gần, người dân tuân thủ các quy tắc phòng dịch và khi đã nhiễm bệnh. Trái ngược điều này, một chuyên gia từ Viện Công nghệ Thụy Sĩ cảnh báo toàn châu Âu rằng, phong tỏa không phải là một chiến lược. Đặc biệt, những lần phong tỏa nhỏ cứ sau hai hoặc ba tháng càng không phải là một chiến lược bền vững - đó là một chọn lựa thảm khốc. 

Nam Anh (theo SCMP)

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI