Phương pháp tính giá xăng dầu chưa bảo đảm tính cạnh tranh

28/02/2023 - 14:16

PNO - Sáng 28/2, Bộ Công Thương - Tài chính đã giải trình về công tác quản lý xăng dầu và tình hình thị trường xăng dầu... với Ủy ban Kinh tế của Quốc hội (Ủy ban). Đại diện Ủy ban cho rằng phương pháp tính giá xăng dầu có nhiều hạn chế, chưa bảo đảm tính cạnh tranh.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải yêu cầu các Bộ, ngành sớm hoàn thiện chính sách, pháp luật để đảm bảo nguồn cung xăng dầu - Ảnh: Nguyễn Cẩm
Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải yêu cầu các Bộ, ngành sớm hoàn thiện chính sách, pháp luật để đảm bảo nguồn cung xăng dầu - Ảnh: Nguyễn Cẩm

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho rằng, ngoài nguyên nhân khách quan do tình hình thế giới, tình hình biến động giá, thiếu hụt nguồn cung, đứt gãy chuỗi cung ứng cục bộ… còn do nguyên nhân chủ quan như: các cơ chế, chính sách, quy định quản lý nhà nước chưa phù hợp.

Các đại biểu Quốc hội chỉ ra những vướng mắc, bất cập trong các quy định hiện hành. Chẳng hạn, doanh nghiệp sản xuất được hưởng cơ chế, chính sách đặc thù nhưng không có cam kết về mức sản lượng tối thiểu, dẫn đến bị động khi phải tìm nguồn thay thế. Cơ cấu nguồn cung xăng dầu, cơ sở phân giao tổng nguồn; xăng dầu dự trữ quốc gia chưa được bảo quản riêng theo Luật Dự trữ quốc gia mà vẫn cất trữ chung trong kho thương mại của doanh nghiệp, dẫn đến thiếu minh bạch.

Bên cạnh đó, phương pháp tính giá có nhiều hạn chế, chưa bảo đảm tính cạnh tranh, chưa tuân thủ các quy luật của thị trường. Việc áp đặt định mức chi phí, lợi nhuận cho tất cả doanh nghiệp dẫn đến triệt tiêu động lực cạnh tranh; chưa “tính đúng, tính đủ” cho doanh nghiệp. Một số yếu tố cấu thành giá được rà soát định kỳ 6 tháng, hằng năm nên không phù hợp với tình hình thực tế. Việc xác định giá thế giới trong công thức tính giá cơ sở bằng cách lấy “giá trung bình” của 10 ngày trước kỳ điều hành để cấu thành “giá trần” cho 10 ngày sau vừa không bảo đảm tính chất “trần”, vừa tạo ra sự “lệch pha” giữa giá Việt Nam và giá thế giới.

Ngoài ra, việc thực hiện bình ổn giá không đạt mục tiêu đề ra, chưa công khai, minh bạch trong quản lý và sử dụng quỹ bình ổn giá; điều kiện kinh doanh xăng dầu chưa phù hợp, chưa có sự ràng buộc về mức cung ứng tối thiểu ra thị trường; quản lý nhà nước về xăng dầu giao thoa nhiệm vụ giữa nhiều bộ.

Một số ý kiến đề nghị cân nhắc giao Bộ Công Thương quản lý để bảo đảm chủ động, linh hoạt trong công tác điều hành. Đồng thời, cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và có chế tài nghiêm khắc để loại bỏ xăng dầu giả, kém chất lượng khỏi thị trường, ngăn ngừa các hành vi gian lận, đầu cơ, “găm hàng” trong kinh doanh xăng dầu. Ngoài ra, nghiên cứu xây dựng chính sách thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế giá trị gia tăng đối với mặt hàng xăng dầu phù hợp hơn để góp phần giảm áp lực cho doanh nghiệp và người dân. Kế tiếp là kiềm chế lạm phát, giảm chi phí đầu vào cho sản xuất kinh doanh, giảm giá thành sản phẩm, tăng sức cạnh tranh của nền kinh tế, nuôi dưỡng nguồn thu ngân sách bền vững…

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết đã phối hợp với Bộ Tài chính tiếp tục hoàn thiện nội dung dự thảo Tờ trình, dự thảo Nghị định trên cơ sở ý kiến góp ý của các Bộ, ngành và các doanh nghiệp, hiệp hội. Bảo đảm việc sửa đổi Nghị định lấy đủ ý kiến của các đối tượng chịu tác động, phù hợp với tình hình thực tiễn, công khai, minh bạch; hài hòa lợi ích Nhà nước, người dân và doanh nghiệp theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải yêu cầu các Bộ, ngành sớm hoàn thiện chính sách, pháp luật; kịp thời sửa đổi các nghị định, thông tư có liên quan. Thực hiện đầy đủ và phân định trách nhiệm rõ ràng của các Bộ, ngành, địa phương, thương nhân đầu mối sản xuất và nhập khẩu, thương nhân phân phối, thương nhân bán lẻ để đáp ứng nguồn cung. Đồng thời, nâng cao hiệu quả công tác phối hợp của các cơ quan quản lý Nhà nước, cơ chế quản lý quỹ bình ổn giá xăng dầu và phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại trong kinh doanh xăng dầu.

Nguyễn Cẩm

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI