Phương pháp mới giúp học sinh hứng thú với nghệ thuật truyền thống

22/02/2024 - 17:51

PNO - Chỉ 12,2% học sinh THPT yêu thích, hứng thú với loại hình nghệ thuật dân gian truyền thống; 81,1% học sinh chưa từng nghe qua tên nghệ sĩ thể hiện loại hình này.

Đây là kết quả khảo sát về thực trạng hiểu biết và hứng thú của giới trẻ với nghệ thuật truyền thống vừa được cô Phan Thị Thoa - giáo viên Ngữ văn, Trường THPT Nguyễn Hữu Huân (TP Thủ Đức) - thực hiện với học sinh 2 khối 10, 11 của trường. 

“Hầu hết học sinh đều chưa từng nghe qua về các nghệ sĩ thể hiện nghệ thuật dân gian truyền thống song lại thuộc rành rẽ tên ca sĩ trẻ hiện nay…” - cô Thoa nói.

Khảo sát cũng chỉ rõ, những lý do khiến nghệ thuật truyền thống không được học sinh mặn mà, hứng thú là các em không có cơ hội được tìm hiểu, được trải nghiệm, tiếp xúc các loại hình nghệ thuật này mà chỉ dừng ở lý thuyết trong trường học; môi trường sống thay đổi tác động vào cảm nhận khiến khoảng cách giữa nghệ thuật truyền thống với giới trẻ ngày càng xa… 

Học sinh Trường THPT Nguyễn Hữu Huân thể hiện trích đoạn cải lương Tiếng trống Mê Linh
Học sinh Trường THPT Nguyễn Hữu Huân thể hiện trích đoạn cải lương Tiếng trống Mê Linh

Từ chính thực trạng này, cô Phan Thị Thoa đã tổ chức tiết học “Diễn xướng các loại hình sân khấu truyền thống” ngay trong tiết học ngữ văn cho học sinh lớp 10D2 và 10A4, làm sống lại chủ đề "Tích trò sân khấu dân gian" và được học sinh hào hứng đón nhận.

Trong tiết học, thay vì chỉ học chay kiến thức về nghệ thuật dân gian truyền thống đơn thuần, học sinh trong lớp được hoá thân thành các nghệ sĩ chèo, tuồng, cải lương, quan họ, múa rối nước, thể hiện lại những trích đoạn đặc sắc của từng loại hình. Những trích đoạn cải lương Tiếng trống Mê Linh; trích đoạn chèo Thị Mầu lên chùa; vở múa rối Đánh cá bắt vịt… được học sinh hóa thân và thể hiện trong tiết học “ngọt” như những nghệ sĩ thực thụ.

Trích đoạn chèo Thị Mầu lên chùa được học sinh thể hiện
Trích đoạn chèo Thị Mầu lên chùa được học sinh thể hiện

Để học sinh hoá thân vào từng loại hình nghệ thuật, trước đó các lớp đã có thời gian tự tìm hiểu về các loại hình nghệ thuật truyền thống. Các em được tự mình lựa chọn các trích đoạn đặc sắc cho từng loại hình sân khấu dân gian để tìm hiểu và thể hiện. 

“Thử thách sắm vai Thị Mầu trong trích đoạn chèo Thị Mầu lên chùa đã cho em trải nghiệm thú vị trong việc học văn, có thêm nhiều hiểu biết về về các loại hình nghệ thuật truyền thống. Được hòa mình, hóa thân và sống trong không khí của từng loại hình nghệ thuật dân gian truyền thống, em cảm nhận được vẻ đẹp của các loại hình này. Em mong nhà trường sẽ tổ chức thêm nhiều hoạt động trải nghiệm môn học, từ đó sẽ lan tỏa được tình yêu nghệ thuật truyền thống đến giới trẻ…” - Vương Bảo Trân - học sinh lớp 10A4 - nói.

Cô Phan Thị Thoa cho hay, trước đây, khi dạy về nghệ thuật truyền thống, giáo viên chỉ dừng lại ở việc giới thiệu cho học sinh về các loại hình này thông qua kiến thức trong sách giáo khoa và các video mà giáo viên tìm được do các nghệ sĩ thực hiện. Tuy nhiên, vốn dĩ nghệ thuật truyền thống đã rất xa lạ với học sinh mà lại chỉ được cung cấp kiến thức lý thuyết đơn thuần nên học sinh rất nhanh quên, không hứng thú. 

Cô Phan Thị Thoa cho rằng, giáo viên phải đổi mới để kéo học sinh đến với nghệ thuật truyền thống
Cô Phan Thị Thoa cho rằng, giáo viên phải đổi mới để "kéo" học sinh đến với nghệ thuật truyền thống

“Nếu giáo viên đổi mới, trao cho học sinh cơ hội để các em được thể hiện thì mới thấy các em có sự ham thích tìm hiểu nghệ thuật truyền thống. Khi học sinh được đặt mình vào những trải nghiệm thì tình yêu nghệ thuật truyền thống trong các em mới được đánh thức, nhen nhóm” - cô Phan Thị Thoa nhìn nhận.

Quốc Trung

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI