Phương pháp mới điều trị loạn trương lực, co cứng cơ

05/02/2023 - 06:38

PNO - Mỗi năm, Bệnh viện Đại học y dược TPHCM điều trị cho vài ngàn trường hợp bị loạn trương lực, co cứng cơ. Chỉ 20% bệnh nhân được điều trị bằng phương pháp truyền thống đạt được hiệu quả mong muốn. Tuy nhiên, với phương pháp mới, hiệu quả điều trị lên tới 80%.

Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với tiến sĩ - bác sĩ Trần Ngọc Tài - Phó trưởng Khoa Thần kinh Bệnh viện Đại học y dược TPHCM - để hiểu rõ hơn về bệnh lý loạn trương lực, co cứng cơ cũng như phương pháp điều trị bệnh tối ưu.

Phóng viên: Xin bác sĩ cho biết hiện nay có những phương pháp nào điều trị bệnh loạn trương lực, co cứng cơ? Trong đó, phương pháp nào hiệu quả nhất?

Bác sĩ Trần Ngọc Tài: Trước đây, người ta chỉ áp dụng 2 phương pháp là uống thuốc và tập vật lý trị liệu để đối phó với tình trạng loạn trương lực, co cứng cơ. Tuy nhiên, các thống kê cho thấy 2 phương pháp này chỉ cho hiệu quả trên 20% bệnh nhân được điều trị. Sau này, có thêm phương pháp mới là tiêm Botulinum toxin (được sản xuất tự nhiên bởi vi khuẩn Clostridium botulinum). Tuy đây là độc tố gây ngộ độc thực phẩm nhưng các nhà khoa học đã biến đổi nó thành thuốc, an toàn để điều trị bệnh nếu tiêm liều thích hợp. Cơ chế hoạt động của Botulinum toxin là ngăn chặn sự kết nối giữa thần kinh và cơ hoặc giữa thần kinh và tuyến làm cho cơ yếu đi hoặc khiến cho tuyến giảm tiết mồ hôi, nước bọt.

Tiến sĩ, bác sĩ Trần Ngọc Tài - Phó trưởng Khoa Thần kinh Bệnh viện Đại học y dược TPHCM - đang khám cho một trường hợp loạn trương lực cơ - ẢNH: T.H.
Tiến sĩ, bác sĩ Trần Ngọc Tài - Phó trưởng Khoa Thần kinh Bệnh viện Đại học y dược TPHCM - đang khám cho một trường hợp loạn trương lực cơ - ẢNH: T.H.

Hiện nay, Botulinum toxin được ứng dụng để điều trị các bệnh như loạn trương lực, co cứng cơ, co thắt nửa mặt, tăng tiết mồ hôi và nước bọt. Thuốc được tiêm vào cơ hoặc tuyến theo chỉ định của bác sĩ và phát huy hiệu quả sau 2-7 ngày tiêm. Hiệu quả cao nhất sẽ đạt được sau 2 tuần kể từ khi tiêm thuốc. Bởi Botulinum toxin chỉ có hiệu quả tạm thời nên bệnh nhân phải tiêm lặp lại sau vài tháng (tùy từng trường hợp) để hiệu quả điều trị được tiếp tục duy trì. Khi tiêm Botulinum toxin, người bệnh không được tiêm nhắc lại nếu các mũi cách nhau chưa đủ 3 tháng.

Ngoài ra, thuốc cũng có một số tác dụng phụ như gây chảy máu, bầm tại vị trí tiêm, yếu cơ gần chỗ tiêm nhưng gây ảnh hưởng sức khỏe không đáng kể.

Điều may mắn là kỹ thuật tiêm Botulinum toxin được bảo hiểm y tế chi trả theo quy định nên bệnh nhân đỡ được gánh nặng về kinh tế, giúp phương pháp trên có thể tiếp cận được nhiều người.

* Bác sĩ có thể kể vài trường hợp điển hình đã được điều trị hiệu quả nhờ phương pháp tiêm Botulinum toxin?

- Trường hợp thứ nhất phải kể tới là nữ bệnh nhân P.T.T.H. (45 tuổi, ngụ quận Tân Bình, TPHCM). Chị H. đột ngột bị ngoẹo cổ sang bên phải. Chị đã đi châm cứu, tập vật lý trị liệu nhưng tình trạng không thuyên giảm. Khi đến Bệnh viện Đại học y dược TPHCM, chị H. được chẩn đoán bị loạn trương lực cổ. Chị được chỉ định tiêm Botulinum toxin. 1 tuần sau, tình trạng bệnh của chị cải thiện tới 80%. Giá thành 1 lần tiêm Botulinum toxin tùy thuộc liều lượng thuốc. Như trường hợp chị H., mỗi lần tiêm có giá khoảng 10 triệu đồng. Bệnh nhân được bảo hiểm y tế chi trả 80%. Bác sĩ chỉ định mỗi 6 tháng chị cần tiêm nhắc lại 1 liều Botulinum toxin để hiệu quả điều trị bệnh được tiếp tục duy trì.

Trường hợp thứ hai là nam giới, tên N.Đ.T. (52 tuổi, làm công việc văn phòng tại quận 3, TPHCM). Cách đây 3 tháng, bỗng dưng ông T. thường bị nhắm mắt mất kiểm soát hễ có gió thổi hay một tác nhân nào đó kích thích. Điều này khiến bệnh nhân không thể chạy xe máy, gây ảnh hưởng lớn đến sinh hoạt và công việc. Ông T. rất chán nản bởi bây giờ đi đâu cũng không thể tự lái xe. Tại Bệnh viện Đại học y dược TPHCM, ông được bác sĩ chẩn đoán bị co thắt mi mắt (một dạng loạn trương lực). Bác sĩ chỉ định cho nam bệnh nhân tiêm Botulinum toxin mỗi 4 tháng 1 lần. Chi phí mỗi lần tiêm khoảng 2,5 triệu đồng (bảo hiểm y tế hỗ trợ 80%). Ngay sau lần tiêm thuốc đầu tiên, ông T. đã cảm thấy mắt cải thiện gần như cũ, có thể chạy xe, mọi sinh hoạt ổn định trở lại. 

Bác sĩ đang tiêm thuốc điều trị bệnh  loạn trương lực cơ
Bác sĩ đang tiêm thuốc điều trị bệnh loạn trương lực cơ cho bệnh nhân

Lượng bệnh nhân bị rối loạn trương lực, co cứng cơ rất nhiều nên nhu cầu được tiêm Botulinum toxin điều trị bệnh không hề nhỏ. Mỗi năm, Bệnh viện Đại học y dược TPHCM tiêm Botulinum toxin để điều trị loạn trương lực, co cứng cơ cho hơn 2.000 trường hợp.

* Khi tiêm Botulinum toxin, người bệnh cần lưu ý gì?

- Tiêm không đúng kỹ thuật và liều lượng phù hợp sẽ gây ra những biến chứng nguy hiểm khiến bệnh nhân có nguy cơ đối diện với các tác dụng phụ không mong muốn. Do đó, khi quyết định tiêm Botulinum toxin để điều trị tình trạng loạn trương lực, co cứng cơ, mọi người hãy tìm hiểu kỹ, lựa chọn các cơ sở y tế uy tín, chuyên môn cao trong lĩnh vực này. Hiện nay, có những cách tiêm Botulinum toxin như sau: dựa vào các mốc giải phẫu, tiêm dưới sự hướng dẫn của máy điện cơ, dưới sự hướng dẫn của siêu âm. Tùy tình trạng của mỗi bệnh nhân, bác sĩ sẽ chỉ định liều lượng và cách tiêm thích hợp. 

Nói chung, khi thấy mình hoặc người thân có tư thế bất thường, co thắt cơ thường xuyên (ngoài kiểm soát), các cử động cứ vô thức lặp đi lặp lại, hãy nghĩ tới bệnh loạn trương lực, co cứng cơ. Ngoài ra, các triệu chứng của người bị loạn trương lực, co cứng cơ có xu hướng nặng hơn lúc lo âu, căng thẳng. Nhiều trường hợp trầm trọng tới mức không thể tự chăm sóc bản thân, vệ sinh cá nhân, cài nút áo...

Để chẩn đoán bệnh, bác sĩ dựa vào nhiều yếu tố. Trước tiên là bệnh sử, yếu tố gia đình. Tiếp đến, bệnh nhân sẽ được khám tổng quát, khám chuyên khoa thần kinh. Nếu cần thiết, bác sĩ sẽ cho làm thêm các kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh như MRI não bộ (chụp cộng hưởng từ), điện cơ, điện não, xét nghiệm máu, thậm chí xét nghiệm gen...

Khi mắc bệnh, ngoài tuân thủ điều trị theo chỉ định của bác sĩ, cần chú ý tới yếu tố dinh dưỡng và vận động. Nên thường xuyên tập các bài tập thể dục nhẹ nhàng, phù hợp với thể trạng. Bên cạnh đó, đừng quên ăn nhiều rau xanh, giảm muối và chất béo trong khẩu phần ăn. Nếu tất cả phương pháp như uống thuốc, vật lý trị liệu, tiêm thuốc không đạt hiệu quả, bệnh nhân sẽ phải can thiệp phẫu thuật. Tuy loạn trương lực, co cứng cơ không nguy hiểm tính mạng nhưng gây nhiều phiền toái, ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng sống của bệnh nhân, nhất là người trong độ tuổi 
lao động. 

Loạn trương lực, co cứng cơ là một dạng rối loạn vận động do não và tủy sống mất đi sự phối hợp điều hòa. Vì thế, bệnh nhân sẽ có các vận động ngoài vòng kiểm soát. Biểu hiện của bệnh là những cơn co thắt, giật, xoắn cơ đột ngột, bất thường. Loạn trương lực lâu ngày không được điều trị còn dẫn đến tình trạng cơ bị co rút. Bệnh được phân loại theo các mức độ: cục bộ, một đoạn hay toàn bộ cơ thể.

Loạn trương lực, co cứng cơ là bệnh lý có nguyên nhân vô căn, dễ khởi phát khi bệnh nhân bị lo âu, căng thẳng quá mức. Đây là một bệnh mạn tính, không thể trị dứt điểm hoàn toàn mà bệnh nhân cần được theo dõi và dùng thuốc định kỳ để kiểm soát tình trạng. Loạn trương lực, co cứng cơ khởi phát nhiều nhất ở độ tuổi trung niên. Dù vậy, các ghi nhận y khoa cho thấy bệnh vẫn có thể xuất hiện ở người trẻ.

Thanh  Huyền (thực hiện)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI