Trao đổi với báo Phụ nữ TP.HCM, cô Pit Pat (Giảng viên khoa Tiếng Anh, trường ĐH Hà Nội) cho rằng: Trong những năm gần đây, vấn đề dạy và học tiếng Anh ở Việt Nam còn yếu kém; kết hợp sự quan tâm và hiểu biết của phụ huynh về việc đào tạo ngoại ngữ cho con cái tăng cao nên có vẻ như các bạn nhỏ cũng được hưởng rất nhiều điều kiện thuận lợi.
Tuy nhiên, đi kèm với nhiều điều kiện, các em học sinh cũng phải chịu nhiều áp lực vô lý do phụ huynh thường mắc "bệnh" "the more the better" (càng nhiều càng tốt), tham lam vô đối và tận dụng từng chút thời gian của con để trang bị cho tương lai.
"Tôi không dám bàn về hậu quả của nó do chưa có số liệu cụ thể, nhưng tôi mong muốn các phụ huynh có con tầm 9-10 tuổi (đã được giáo dục sớm và học tiếng Anh từ rất nhỏ + được luyện rất nhiều sách và nguồn tài liệu cũng như tham gia rât nhiều lớp học thêm...) hãy thử dành thời gian quan sát thái độ của con với việc học bây giờ thế nào?
Kể từ 3 tháng trước tới giờ, độ tiến bộ của con có nhanh được như giai đoạn trước? Nếu câu trả lời là negative (chưa có gì tiến bộ) thì chúng ta có nhiều điều cần phải xem lại cùng nhau", cô Pit Pat đặt vấn đề
|
Cô Pit Pat (đầu tiên bên phải) - GV khoa Tiếng Anh Trường ĐH Hà Nội. |
Cha mẹ xác định đào tạo tiếng cho con theo phương pháp nào?
Theo vị chuyên gia về về Tiếng Anh của trường ĐH Hà Nội, "xác định đào tạo tiếng cho con theo phương pháp nào?" là điểm đầu tiên cần nhìn nhận tỉnh táo vì những năm đầu trong quá trình dạy tiếng của con quyết định rất nhiều tới cách tư duy ngoại ngữ của chính các học sinh đó.
Theo đó, cô Pit Pat đưa ra 2 phương pháp cụ thể:
Thứ nhất: Nếu cha mẹ sử dụng natural approach, trong đó cho đứa trẻ "tắm" ngôn ngữ trong môi trường, từ đó phát triển tự nhiên ngôn ngữ đó thì điều quan trọng nhất là phải duy trì được điều đó xuyên suốt từ lúc khởi đầu cho tới những năm sau này.
Lý do là vì bạn nhỏ lúc này tiếp nhận tiếng một cách tự nhiên như tiếng mẹ đẻ, vì thế, bạn ấy vẫn giữ được lối tư duy thuần chất của trẻ nhỏ: tiếp nhận mọi thứ như nó vốn có chứ không có sự tham gia của tư duy phân tích. Những năm đầu đời cho tới khi biết chữ là thời gian để tích luỹ ngôn ngữ từ đơn giản tới phức tạp.
Và trong quá trình đó, việc người lớn cần làm là liên tục sửa lỗi (nếu cần), hỗ trợ con trong quá trình phát triển ngôn ngữ thứ hai này giống như ta dạy con tiếng Việt. Nếu cha mẹ không đảm bảo được việc đó, việc cho cháu tiếp xúc với cường độ cao và thời gian dài với người bản ngữ là quan trọng - và việc này chỉ đạt được khi cho con theo học các trường quốc tế.
Ở giai đoạn này, phương pháp không quan trọng nên giáo viên nước ngoài có kém về phương pháp dạy tiếng cũng vẫn có giá trị nhất định, cái cần thiết là họ phải nhiệt tình và dành thời gian để sửa lỗi, tạo mẫu và giúp cháu bồi đắp ngôn ngữ.
Sau này khi bắt đầu biết chữ, để duy trì đà phát triển này, cần thiết cho cháu theo học hệ thống trường quốc tế, giáo trình thiết kế đúng cho các con học ESL hoặc trẻ em bản ngữ vì những giáo trình này sẽ giúp các con nhìn nhận lại vốn tiếng được tích luỹ qua thời gian trước, dần dần phát triển tư duy phân tích ngôn ngữ để chuẩn bị cho giai đoạn học thuật về sau.
Thứ hai, nếu cha mẹ không đủ điều kiện theo natural approach, việc đi học tiếng Anh những năm đầu đời thực ra không có ý nghĩa nhiều như mọi người vẫn nghĩ.
Các con có thể thích thú vì được vui chơi, nghe nhiều thì nhớ được một vài mẫu câu, nói được một vài thứ đơn giản và ngắn... nhưng những thứ đó không tạo sự bật phá so với những bạn học ở giai đoạn muộn hơn.
Rất nhiều nghiên cứu khoa học đã chỉ ra rằng, nếu được tham gia vào những lớp học "chuẩn" (về phương pháp) thì sự khác biệt giữa một bạn bắt đầu sớm với một bạn bắt đầu tầm 6-7 tuổi chỉ tồn tại cho tới tầm 11-12 tuổi, về sau, mọi thứ trở nên ngang bằng và bạn nào có phương pháp tốt hơn sẽ vượt lên. Sở dĩ những nghiên cứu như vậy không phổ biến vì giới kinh doanh can thiệp vào việc này, những kết quả như vậy rõ ràng sẽ gây ảnh hưởng tới thu nhập của họ khi việc kinh doanh dạy tiếng Anh trẻ em thực sự là một việc "hái ra tiền" như hiện nay (nhu cầu cao, giáo viên không quá vất vả với nội dung mà chỉ cần tập trung vào tính lặp đi lặp lại, học sinh theo chương trình lâu...).
Chỉ cần bàn tới tính logic của vấn đề đã thấy nó đúng: cách dạy tiếng Anh ở hầu hết các giáo trình EFL hiện nay thiên về việc nhận diện đặc điểm ngôn ngữ --> phân tích chúng --> áp dụng chúng vào thực hành. Đây là điển hình của tư duy phân tích. Các giáo trình càng xuống lớp nhỏ càng phải "chẻ ngọn" phần họ dạy để dần dần giúp các em hình thành nên cái tư duy này ---> vì vậy, bạn nào có được óc phân tích sớm và tốt hơn thì sẽ thể hiện năng lực tốt hơn với môn học này.
Nếu so sánh chương trình của các khối lớp/độ tuổi, sẽ càng thấy rõ sự phân bố nội dung kiến thức ngữ pháp (đòi hỏi học theo quy luật) càng bên dưới càng tản mát, càng cho tuổi lớn hơn càng dồn lại nhiều hơn (do họ có đủ kỹ năng tư duy để tiếp nhận lượng kiến thức đó). Vì lý do này, mình đánh giá cao những giáo trình như Family and Friends hay Kid's box cho khối nhỏ hơn Oxford Discover trong việc dạy ngữ pháp cho học sinh nhỏ.
Như vậy, có thể thấy, cách tiếp cận tiếng Anh khác nhau sẽ tạo nên lối tư duy khác nhau của các bạn nhỏ. Với những bạn đã được dần dần định hướng phân tích ngôn ngữ (EFL), việc học theo textbook là điều phù hợp; nhưng với những bạn học theo natural approach, textbook ở trình độ thấp là "rào cản" mà ở trình độ cao thì lại là "trở ngại" rất lớn do các bạn chưa quen với cách tư duy phân tích này.
Vậy chọn sách nào cho con học thêm ở nhà?
Cô Pit Pat chia sẻ câu chuyện: "Hôm trước có mẹ nói chuyện với tôi rồi bảo: "Chị lo ngữ pháp của cháu lắm; chị đang cho cháu làm bộ Grammar in Use". Mình giật mình hỏi: "Cháu bao nhiêu tuổi mà chị cho làm bộ đấy?".
|
Chọn sách Tiếng Anh nào cho con học thêm ở nhà? |
"Điều khiến tôi "sốc" nhất là việc mẹ ấy đem một quyển sách dạy ngữ pháp dạng self-study (tự học) cho người lớn (đã có đầy đủ kỹ năng tư duy bậc cao) đem xuống bắt con ở độ tuổi tư duy phân tích còn đang trong quá trình hình thành phải tự học.
Chưa bàn tới trình bày sách, khối lượng kiến thức mỗi bài, nội dung cho từng phần... không phù hợp lứa tuổi, thì chỉ riêng việc giao bài tập cho con mà không tính đến những kỹ năng tư duy bộ sách đòi hỏi so với năng lực tư duy hiện tại của cháu đã là một việc không hợp lý.
Những việc này hình như xảy ra rất phổ biến trong cộng động các phụ huynh học cùng con hiện nay. Những việc không hợp lý khác có thể kể đến như:
- Con học theo natural approach nhưng đến tuổi lại bắt đi học cô giáo dạy ngữ pháp + bắt làm bài tập ngữ pháp và từ vựng của sách dành cho EFL.
- Con học theo EFL nhưng bắt làm bài tập theo giáo trình dành cho ESL. Mọi người cần nhớ là các bạn học EFL sẽ coi mỗi đơn vị từ mới là một trở ngại, và khả năng đọc hiểu chỉ có được khi các bạn ấy nắm được 98% lượng từ của bài đọc/nghe, 2% đoán nghĩa. Nếu số từ nắm được ít hơn thì các bạn chắc chắn sẽ gặp khó khăn trong quá trình đọc/nghe hiểu.
Vì vậy, việc một số trung tâm mình biết mang tài liệu ESL hoặc trẻ bản ngữ ra "nhồi" cho các con có gốc là EFL là việc làm phản khoa học - và việc đó chắc chắn dẫn đến sự "tra tấn" mỗi giờ học vì các con không hiểu hoặc sẽ biến tướng thành cô dịch - các con dò theo để đảm bảo các con "hiểu" bài.
Chưa kể, tôi muốn chia sẻ rằng: Học ngữ pháp không chỉ đơn thuần là hiểu hiện tượng --> làm bài tập. Những quyển sách các phụ huynh mua cho các con là chỉ là một phần trong một chuỗi những việc cần làm để SỬ DỤNG được cái ngữ pháp đã học.
Nếu nói một cách cụ thể, bài tập chỉ là bước 2 (Practice), sau khi nghe cô giảng/đọc giải thích (Presentation), và nếu chỉ thế thì không bao giờ đủ, mà buộc phải có bước 3 (Production) - sử dụng được cái ngữ pháp đó trong ngữ cảnh.
Thế nên con giỏi không phải nhờ làm nhiều, mà con giỏi là khi học mà thực hành và sau đó là SỬ DỤNG được cái đã học. Đây cũng chính là lý do vì sao mà phụ huynh cứ thắc mắc con làm nhiều bài tập, đi học cô cũng luyện rất nhiều mà mở miệng ra, đặt bút xuống vẫn thấy sai ngữ pháp", vị giảng viên phân tích.
Lam Thanh