Phục trang đẹp, nghệ sĩ gạo cội nhưng... tiếc
Dù khán giả khó tính, dù còn có ý kiến thắc mắc khi ở tập 2 có cảnh bà Hiền phi mặc áo lụa xanh trơn, trong khi thái giám mặc áo lụa có hoa văn chìm, thì sau 2 tập phát sóng, số đông công chúng vẫn công nhận phục trang của phim Phượng Khấu đẹp và chỉn chu - điều mà ngay cả một số phim điện ảnh cổ trang cũng chưa đạt được.
|
Phục trang là yếu tố nhận được nhiều khen ngợi nhất ở Phượng Khấu |
Hiếm có dự án nào, nhìn vào danh sách diễn viên chính, khán giả lại có niềm tin về chất lượng diễn xuất đến thế. Phim có mặt nhiều tên tuổi nổi tiếng của sân khấu lẫn điện ảnh: NSƯT Lê Thiện, NSND Hồng Vân, NSƯT Thành Lộc, Hồng Đào, NSƯT Minh Trang, NSƯT Tuyết Thu, NSƯT Ngọc Hiệp...
Nhưng sau 2 tập, cảm giác Phượng Khấu có thể làm tốt hơn. Càng ở những góc quay cận, càng thấy sự tỉ mẩn, đầu tư công phu của ê-kíp thực hiện mà theo đạo diễn Huỳnh Tuấn Anh, số tiền bỏ ra cho phục trang là con số không tưởng, có trang phục tiêu tốn 85 triệu đồng.
Theo sử sách, vua Thiệu Trị lên ngôi năm ông 34 tuổi, Phạm Hiệu Nguyệt (tức Hoàng Thái hậu Từ Dụ) kém vua Thiệu Trị 3 tuổi, tức ở thời điểm đó bà mới 31 tuổi. Vua Minh Mạng băng hà khi mới 52 tuổi, Hiền phi nhỏ hơn vua Minh Mạng 1 tuổi. Nhưng cho dù có hiểu sử hay không thì người xem cũng khó được thuyết phục khi hầu hết các nghệ sĩ đảm nhận vai hoàng hậu, vương phi, cung phi... đều đã ở tuổi U60-U70.
Thậm chí chính lời thoại của nhân vật cũng làm người xem phải phì cười. Chẳng hạn ở tập 2, cảnh Nhân Tuyên Hoàng Thái hậu (NSƯT Lê Thiện thủ vai) nói chuyện với cung phi Phương Nhậm (NSND Hồng Vân) và Tịnh Xuyên (NSƯT Ngọc Hiệp): "... Tân đế mới đăng cơ, làm việc còn cả nể. Các con còn trẻ tuổi, dễ bị xao động"(!?).
Không thể phủ nhận tài năng của các nghệ sĩ gạo cội, những tên tuổi thuộc thế hệ vàng của sân khấu kịch mà cho đến nay, vẫn chưa thể tìm được người thay thế. Nhưng sân khấu và phim ảnh lại có những đặc thù rất khác biệt.
|
NSƯT Thành Lộc vào vai vua Thiệu Trị, lên ngôi năm 34 tuổi. |
Ở sân khấu, lợi thế về khoảng cách từ sàn diễn với khán phòng, việc hoá trang, kỹ thuật ánh sáng sân khấu, cộng thêm tài năng diễn xuất của diễn viên đủ để khán giả tin vào nhân vật nghệ sĩ đang hóa thân, dù đôi lúc, nhân vật có thể trẻ hơn nghệ sĩ hàng chục tuổi. Nhưng "cải lão hoàn đồng" ở phim ảnh là điều không đơn giản.
Với điện ảnh Hollywood, nếu buộc phải chọn diễn viên lớn tuổi vào vai trẻ trung, họ sẽ sử dụng công nghệ CGI làm trẻ hoá ngoại hình nhằm thuyết phục người xem. Còn với Phượng Khấu, CGI chỉ là mơ ước. Chưa kể, khâu hóa trang quá đậm, cách đặt góc máy, những cảnh quay cận ở Phượng Khấu đã vô tình "tố" toàn bộ tuổi tác thật của nghệ sĩ, thậm chí có những góc máy còn làm nghệ sĩ trên phim kém sắc hơn chính họ trong đời thường.
Phim chiếu web nhưng nặng tính sân khấu
Điểm trừ khác ở Phượng Khấu là lối diễn nặng kỹ thuật của sân khấu ở hầu hết những nghệ sĩ đảm nhận tuyến nhân vật chính. Hành động, biểu cảm bằng ánh mắt cứ bị "over", dù chỉ vài khoảnh khắc nhưng lặp đi lặp lại ở các nhân vật, các cảnh diễn. Cách ngắt câu, kiểu nhấn nhá âm, từ... khiến khán giả nhiều lúc ngỡ mình đang xem kịch hơn là thưởng thức một bộ phim.
|
Diễn viên Hồng Đào vào vai Hiệu Nguyệt, nguyên mẫu nhân vật trong lịch sử 31 tuổi. |
Lỗi này phần lớn thuộc về trách nhiệm của đạo diễn. Nghệ sĩ thường chỉ chú trọng đến diễn xuất của mình. Việc tập hợp những gương mặt gạo cội của Sân khấu 5B năm xưa đã hình thành cho Phượng Khấu một ê-kíp ăn ý trong phối hợp biểu diễn. Và theo lẽ thường, khi một nhóm các nghệ sĩ sân khấu cùng tung hứng với nhau trong một tác phẩm nghệ thuật, họ sẽ say mê sáng tạo theo cách của những nghệ sĩ sân khấu. Khi đó, đạo diễn phải là người có đủ bản lĩnh và sự tỉnh táo để "dìu" các nghệ sĩ về đúng với tính chất của tác phẩm nghệ thuật mà mình đang thực hiện. Tiếc rằng, đạo diễn Phượng Khấu chưa làm được điều đó.
Vẫn còn một điều làm không ít khán giả xem Phượng Khấu băn khoăn, đó là tính cách, phong thái, thần thái của những nhân vật chốn hoàng cung. Người cố đô, đặc biệt là phụ nữ vốn nhẹ nhàng, trầm mặc. Những người thuộc tầng lớp quý tộc lại càng thâm trầm, sâu sắc hơn, ngay cả trong cơn giận. Vì lẽ đó, người xem có cảm giác hoang mang với cách giận dữ "bộc trực" của Hoàng Thái hậu, giật mình khi nghe bà gọi Hiền phi là "con ả"; hoặc những câu thoại đầy chất "bà tám" đời thường của Phương Nhậm, Tịnh Xuyên... ở hậu cung.
Chi tiết bị phản ứng nhiều nhất ở tập 2 là Hiền phi vào điện Cần Chánh đòi được phong hậu, điều có lẽ rất khó xảy ra ở chốn triều chính, nhất là khi vua đang bàn chuyện quốc gia với các quan cận thần. Chưa dừng lại ở đó, Hiền phi còn dõng dạc tuyên bố với Hoàng Thái hậu: “Dù người có không chấp nhận thì ta vẫn là hoàng hậu của tiên đế”. Chỉ nghe con dâu xưng "ta" với mẹ chồng đã thấy lạ, chưa kể mẹ chồng đang ở ngôi vị Hoàng Thái hậu.
Nếu câu thoại mang hơi thở của chốn hoàng cung hơn, không vì nặng tính cung đấu mà buông từ bỗ bã thì có lẽ, tầm vóc của nhân vật được xây dựng trang trọng, quyền quý và xứng tầm hơn.
Kỹ xảo, lồng tiếng: tử huyệt
Phượng Khấu cần nhiều đại cảnh về cung đình, nhưng đoàn phim lại không có phim trường, trong điều kiện hiện tại, dùng đồ họa để mô tả kinh thành thời Nguyễn là sự lựa chọn duy nhất.
Dù được giới thiệu phần kỹ xảo rất tốn kém nhưng những gì thể hiện ở Phượng Khấu lại cho thấy phần này thực hiện chưa tốt. Ngay trong những giây đầu tiên của tập 2, hình ảnh chuyển động từ xa đến gần để thấy được độ rộng lớn của kinh thành đều mờ mờ ảo ảo, dễ nhận ra ngay đó là sản phẩm từ đồ hoạ.
|
Hình ảnh kỹ xảo lúc vua Thiệu Trị đăng cơ |
Những hình ảnh này được lặp đi lặp lại càng khiến người xem ngán ngẩm. Cũng thềm gạch, cũng vài chậu cây cảnh, cũng mái đình với cùng một hướng ánh sáng, màu sắc y hệt nhau... rất nhàm chán.
Bên cạnh kỹ xảo, phần lồng tiếng cho các diễn viên trong phim nhận về điểm trừ lớn. Tiếc nhất là nhân vật Hiệu Nguyệt của nghệ sĩ Hồng Đào. Việc lồng tiếng không làm cho nhân vật hay hơn mà chỉ khiến người xem tiếc nuối vì kém xa so với chất giọng, khả năng biểu cảm trong giọng nói của nghệ sĩ Hồng Đào, chưa kể có lúc tiếng và khẩu hình không ăn khớp.
|
Một số hình ảnh quay cận, phim làm tốt về bối cảnh, phục trang. |
Các góc máy cũng là điểm yếu ở Phượng Khấu. Không chỉ khiến diễn viên trên phim (đang đảm nhận vai hoàng hậu, vương phi, cung phi) xấu hơn chính họ ngoài đời thực, các cảnh quay đặc tả ở cùng một góc quay cho thấy sự nghèo nàn về góc máy. Đa phần các cảnh quay là cảnh cận, phải chăng do đạo diễn quá "tham" phần diễn xuất, đặc tả tâm trạng của những nghệ sĩ rất giỏi nghề khiến khi xem phim, khán giả cứ liên tưởng đến kịch truyền hình?! Nghèo góc máy lạ và thiếu tính bất ngờ nên đến tập 2, dù xung đột đã được đặt ra thì người xem vẫn thấy lê thê, kém hấp dẫn.
Phượng Khấu sẽ thực hiện 3 phần. Hiện phần 1 chỉ mới phát 2 tập, còn 9 tập nữa để khán giả đưa ra tổng thể chính xác nhất về phim. Là phim cung đấu đầu tiên của Việt Nam, nên những sai sót ở Phượng Khấu là khó tránh khỏi. Hơn nữa, nếu chỉ nhìn Phượng Khấu đúng với "tầm" của phim thuộc dòng web drama, được phát miễn phí trên mạng, có lẽ công chúng sẽ dễ dàng bỏ qua những hạn chế của phim.
Tuy nhiên, với một bộ phim lịch sử thì sự cẩn trọng trong từng chi tiết là điều vô cùng quan trọng. Chỉ một sai sót, dù nhỏ về bối cảnh hoặc cách xây dựng nhân vật cũng có thể khiến người xem không tin vào câu chuyện sử đang được kể lại.
Trailer phim Phượng Khấu:
Minh Tú