Trang phục của Thái hậu Dương Vân Nga giống trang phục Mãn Thanh?
Quỳnh hoa nhất dạ, dự án điện ảnh được quan tâm với sự tham gia của Thanh Hằng trong vai Thái hậu Dương Vân Nga đang gây tranh cãi, nhiều ý kiến cho rằng trang phục của thái hậu xa lạ với người Việt và chịu ảnh hưởng của triều Thanh (Trung Quốc).
Trong phim, đó là bộ trang phục được Thái hậu Dương Vân Nga mặc trong ngày cưới, cũng là ngày lên ngôi hoàng hậu là phượng bào, gồm 5 lớp áo giao lĩnh lớn nhỏ và 2 lớp váy bên ngoài được thêu hoa kỳ công, đội mão vàng.
|
Thanh Hằng trong tạo hình Thái hậu Dương Vân Nga |
Một nhà thiết kế (NTK) nhận xét bộ trang phục này có màu sắc, kỹ thuật thêu, kết cấu bắt mắt khi xuất hiện trên màn ảnh, nhưng chưa thấy tính Việt Nam trong tổng thể. Đặc biệt, hàng nút cài là chi tiết khiến bộ phượng bào dễ bị nhầm lẫn với trang phục triều Thanh ở Trung Quốc.
Trước những tranh cãi của dư luận, nhà sản xuất (NSX) cho biết đã tìm tư liệu lịch sử, nghe tư vấn từ các nhà văn hoá về thời kỳ này nhưng tiếc là không còn tư liệu. Vì thế, NSX quyết định làm phim huyền sử, sáng tạo nhiều về trang phục và thiết kế mỹ thuật.
NTK Thuỷ Nguyễn, người thực hiện bộ phượng bào cho biết đã có sự nghiên cứu kỹ lưỡng, nhưng cũng xác nhận phần nút áo được làm theo hơi hướng của các triều đại về sau.
|
NTK Thuỷ Nguyễn thực hiện bộ phượng bào dành cho nhân vật Thái hậu Dương Vân Nga trong phim Quỳnh hoa nhất dạ |
Đây không phải là lần đầu tiên trang phục cổ xưa gây tranh cãi khi xuất hiện trong một sản phẩm văn hoá, giải trí Việt. Trước đó, những chiếc áo bà ba cách tân xuất hiện trong phim Mẹ chồng gây nên làn sóng tranh cãi dữ dội, bởi trông như một show thời trang giữa bối cảnh đồng quê thời xưa. Tấm Cám: chuyện chưa kể cũng nhanh chóng bị dư luận đặt câu hỏi về vấn đề phục trang ngay khi ra mắt vì không ăn khớp với giai đoạn nào trong sử Việt. Một số phim cũng từng vướng tranh cãi về trang phục như: Mỹ nhân, Thái tổ Lý Công Uẩn - đường tới thành Thăng Long, Thiên mệnh anh hùng...
Khó nhưng vẫn làm được
Tấm Cám: chuyện chưa kể là phim mang màu sắc cổ tích nên yếu tố sáng tạo không gắn với lịch sử, có thể được chấp nhận. Nhưng Thái hậu Dương Vân Nga là một nhân vật có thật thì không thể sáng tạo theo cách dễ gây nhầm lẫn như thế.
Không phủ nhận nỗ lực của các NSX, nhưng dường như phần lớn chỉ chú trọng vào việc thể hiện sự cầu kỳ, hoành tráng... để đánh bóng cho bộ phim mà quên rằng trước khi đẹp, cần phải đúng. Vì thế, với những phim về lịch sử, hoặc có yếu tố lịch sử, trang phục thường trở thành chủ đề gây nhiều tranh cãi.
NTK Sĩ Hoàng nhận định, các NSX hiện tại vẫn chưa hiểu rõ khái niệm đầu tư nghiêm túc, đó không chỉ là tiền bạc, thương hiệu nổi tiếng mà phải là kiến thức, hiểu biết thông qua làm việc với các nhà sử học, văn hoá học, bảo tàng học...
|
Trang phục trong phim Tấm Cám: Chuyện chưa kể |
"Vở cải lương Thái Hậu Dương Vân Nga của đoàn Trần Hữu Trang do NSND, hoạ sĩ Lương Đống thiết kế phục trang. Ông đã nghiên cứu kỹ những hoa văn của thời Đinh và làm cho hiện đại hơn, nhưng vẫn mang tính dân tộc. Từ cổ, tay áo đều thể hiện đậm tính văn hoá Việt Nam. Áo mẫu nghi thiên hạ của Việt Nam rất khác, đặc biệt trong những nghiên cứu về triều phục của nhà Nguyễn, tay áo không rộng, dài như những quốc gia láng giềng. Điều này xuất phát từ quan niệm sống cân bằng, vừa phải”
NSND Bạch Tuyết
|
Anh Nguyễn Đức Lộc (Công ty Ỷ Vân Hiên, đơn vị chuyên nghiên cứu, phục dựng trang phục cổ Việt Nam) cho biết hiện tại, tài liệu ghi chép về trang phục thời Đinh, Tiền Lê (thời đại Thái hậu Dương Vân Nga sống) rất hiếm. Những tài liệu còn lại đều ghi chép bằng chữ mà thường không có hình ảnh minh hoạ nên cũng khó hình dung.
Nhưng trong giai đoạn này, trang phục cổ Việt Nam có chịu sự ảnh hưởng của trang phục thời Hán, Đường, Tống (Trung Hoa) đây là những nguồn tài liệu có thể tham khảo. Thường, mỗi giai đoạn đều có cấu trúc, phong cách trang phục đặc trưng, chẳng hạn như trong giai đoạn của Thái hậu Dương Vân Nga là áo giao lĩnh (cổ chéo). Còn những đặc điểm dễ gây tranh cãi, theo anh Lộc nên được cân nhắc, tiết chế.
Theo anh, những di chỉ khảo cổ về thời Đinh, Tiền Lê vẫn còn ở Ninh Bình, trong đó, hoa văn, nghệ thuật đã được ghi chép trong nhiều tài liệu. NSX có thể dựa vào đây để bám sát thực tế hơn. “Khó thể nói đúng, sai trong câu chuyện cổ phục, đặc biệt trong những giai đoạn mà tài liệu, sử sách không còn nhiều. Nhưng, chúng ta hoàn toàn có thể làm trong khả năng tốt nhất, sát lịch sử nhất có thể” - anh Lộc nói.
|
Anh Nguyễn Đức Lộc cho rằng khó thể nói đúng, sai về trang phục cổ nhưng dựa vào tài liệu có thể làm sát lịch sử để đảm bảo tính dân tộc. Nhưng theo anh, điều đó còn phụ thuộc lựa chọn, quan điểm của NSX. |
Theo NTK Sĩ Hoàng, có hai trường phái, một là phục hiện y hệt những gì đã từng có trong lịch sử. Thường, phương pháp này tốn nhiều thời gian, công sức, chi phí và khó với những trường hợp còn ít tư liệu. Trường phái thứ hai, lấy cái cốt lõi trong trang phục và phát triển trên nền căn bản đã có.
“Ít nhất, việc này giúp bộ phim có giá trị thực sự, không chỉ để giải trí, mà còn mang tính giáo dục và tránh được những tranh cãi không đáng có về sự lai căng. Thêm nữa, thế hệ trẻ có cái nhìn đúng, chuẩn về lịch sử” - NTK Sĩ Hoàng chia sẻ.
|
NTK Sĩ Hoàng cho rằng việc thực hiện trang phục của những nhân vật lịch sử cần phải cẩn trọng, có nghiên cứu kỹ càng |
Ngoài tài liệu ghi chép từ sử sách, các NSX có thể liên hệ, tìm hiểu thêm từ các nhóm thiết kế, phục dựng cổ phục đang được đánh giá cao trong những năm trở lại đây. Di chỉ, đình chùa, pho tượng, hoa văn kiến trúc còn sót lại... cũng là những điểm để tìm về lịch sử bởi nghệ thuật luôn có sự phản chiếu từ đời thực.
“Có nhiều con đường để dẫn đến một điểm đích. Việc khó nhưng không có nghĩa là không thể thực hiện” - Sĩ Hoàng chia sẻ. NTK nói thêm, anh sẵn sàng hỗ trợ, giới thiệu những nhà sử học, văn hoá học cho các NSX để các tác phẩm có sự thể hiện tốt, đúng đắn nhất có thể.
Trang phục là thành tố cấu thành một bộ phim, nhưng nó cũng là sự định dạng về văn hoá, bản sắc của dân tộc, vì thế, không cớ gì NSX được quyền xem nhẹ.
Trung Sơn