Phương án thi, xét tốt nghiệp THPT 2017 càng đổi càng... rối

27/09/2016 - 07:17

PNO - Trong vòng sáu năm (từ 2010) trở lại đây, kỳ thi tốt nghiệp THPT ở nước ta đã có bốn lần thay đổi.

Theo dự thảo phương án thi, xét tốt nghiệp THPT năm 2017 sắp tới, học sinh (HS) sẽ phải làm năm bài thi, trong đó có hai bài thi tổng hợp từ các môn khoa học tự nhiên và khoa học xã hội, nên thực chất HS phải thi tất cả chín môn.

So với bốn môn của kỳ thi năm 2016 thì đây là một sự thay đổi quá đột ngột. Cụ thể, từ năm 2017 HS sẽ phải thi phổ thông với năm bài thi là: toán, văn, ngoại ngữ và hai bài thi tổng hợp khoa học tự nhiên (lý, hóa, sinh) và khoa học xã hội (sử, địa, giáo dục công dân). Ngoài môn văn thi tự luận, các môn còn lại thi theo phương thức trắc nghiệm.

Sự đổi mới này đang khiến dư luận lo lắng, thậm chí phản đối vì mọi người đã ngán ngẩm với quá nhiều thay đổi bấy lâu, chứ thực sự, môn toán không phải là không thể thi trắc nghiệm.

Phuong an thi, xet tot nghiep THPT 2017 cang doi cang... roi
Ảnh: Phùng Huy

Thế giới đã làm và làm tốt thì không có gì phải đả phá. Chỉ có điều, cần phải có thời gian, ví dụ như nay công bố kế hoạch trắc nghiệm môn toán thì ba năm sau hãy thực hiện. Riêng hai môn thi tổng hợp, tôi thấy không ổn vì mỗi môn chỉ có 20 câu hỏi trắc nghiệm thì không đánh giá hết được và sẽ tạo ra rủi ro lớn. Vả lại, khi tổng hợp các môn như vậy, HS sẽ phải học tới sáu môn, cộng với ba môn thi bắt buộc là chín môn, thay vì chỉ bốn môn như hai năm qua.

Về chuyện thi, tôi nghĩ không nên thay đổi nhiều mà cứ giữ nguyên như hai năm 2015, 2016 là ổn. Theo đó, để xét công nhận tốt nghiệp THPT, thí sinh phải thi bốn môn trong đó có ba môn bắt buộc là toán, ngữ văn, ngoại ngữ và một môn tự chọn trong các môn môn lý, hóa, sinh, sử, địa.

Thí sinh cũng có thể đăng ký thi nhiều hơn bốn môn hoặc cả tám môn để phù hợp với yêu cầu xét tuyển của bản thân. Điểm cần điều chỉnh, cũng là điểm mấu chốt của giáo dục không phải là việc thi - đánh giá năng lực, mà là dạy sao cho HS nắm vững những kiến thức được học.

Đáng tiếc là Bộ GD-ĐT lại không chú ý đến điểm này mà chỉ quan tâm đến việc thi - đánh giá năng lực. Cái không cần thay đổi thì thay đổi làm gì? Một khi năng lực đã dở thì đánh giá kiểu nào cũng dở, nên cần dạy thế nào cho HS giỏi hơn.

Theo tôi, chương trình môn toán của chúng ta dạy quá nặng mà lại không cần thiết. Kiến thức ở bậc phổ thông gồm hai nhóm, nhằm giúp HS hiểu biết những gì đang diễn ra ngoài đời sống xã hội và tạo cơ sở nền tảng giúp các em có đủ năng lực tiếp thu, học tập và phát triển chuyên môn khi vào ĐH.

Để đủ kiến thức học ĐH thì không cần phải học quá nhiều, gây lãng phí thời gian và chất xám của HS. Cách dạy môn toán của chúng ta chỉ thiên về luyện gà để đi “chọi”, để thi đậu vào ĐH, nhưng đậu rồi thì những kiến thức đó lại không được xài đến.

Ở Mỹ, phần tích phân, đạo hàm người ta không dạy ở bậc phổ thông. Tổ chức thi kiểu nào thì phải học theo kiểu đó mới đạt kết quả tốt. Thi trắc nghiệm thì phải học và rèn luyện theo kiểu thi trắc nghiệm, thi tự luận thì phải học và rèn luyện theo kiểu tự luận.

Tôi cho rằng, phải có sự thông báo và chuẩn bị trước khi thay đổi, ít ra cũng phải hai-ba năm. Khi thay đổi nhiều như hiện nay thì chính Bộ đã phá vỡ quy chế do mình đặt ra.

Trước đây Bộ từng nói, mỗi khi thay đổi sẽ công bố trước ba năm; nhưng năm nay, nói là làm ngay, áp dụng liền, là quá vội vàng! Vì nhiều người không biết cách thi, cách tuyển thế nào, nên nghe nói thay đổi là sợ. Thực chất, những thay đổi trong các năm qua, theo tôi, cũng đã là giúp thi cử được tốt hơn.

Ví dụ từ 2014 trở về trước, mỗi năm HS phải thi hai lần - thi tốt nghiệp THPT và thi tuyển sinh; lại phải nộp đơn thi ĐH, chọn trường chọn ngành trước khi biết điểm. Còn từ 2015, các em chỉ thi một lần, có kết quả rồi mới chọn ngành, như vậy là hợp lý hơn.

Ngoài ra, với cách thi và tuyển như hiện nay, thí sinh còn được tự do thay đổi lựa chọn ngành, trường tùy theo năng lực. Tôi nghĩ, cách thi và tuyển của năm 2015 là tốt nhất; chỉ là do dư luận không hiểu, phản ứng quá mạnh, nên năm 2016 Bộ GD-ĐT lại thay đổi, thực chất là “đi thụt lùi”.

Thi cử là chuyện hệ trọng liên quan đến hàng triệu HS và gia đình nên rất cần sự ổn định lâu dài. Tuy nhiên, trong suốt sáu năm qua, kỳ thi tốt nghiệp THPT ở nước ta lại liên tục thay đổi.

Cụ thể, trước năm 2010, HS thi bốn môn bắt buộc; từ 2010-2013 chuyển thành thi sáu môn bắt buộc; năm 2014 trở lại thi bốn môn với hai môn bắt buộc và hai môn tự chọn; trong hai năm 2015 và 2016, HS được chọn thi tối thiểu bốn môn, gồm ba môn thi bắt buộc là toán, ngữ văn, ngoại ngữ và một môn tự chọn từ các môn lý, hóa, sinh, sử, địa để được xét tốt nghiệp.

Năm 2017 sắp tới lại tiếp tục thay đổi. Cùng với sự “đổi mới” kỳ thi tốt nghiệp, khâu tuyển sinh ĐH-CĐ cũng “đổi mới” theo, khiến cả xã hội phải vất vả chạy theo.

PGS - TS Đỗ văn Xê (Phó hiệu trưởng Trường ĐH Cần Thơ)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI