Phương án thi THPT Quốc gia năm 2017: "Khả năng thi xong lại phát hiện bất ổn!"

09/09/2016 - 07:00

PNO - "Nếu đây trở thành quyết định cuối cùng của kỳ thi THPT Quốc gia 2017 thì khả năng thi xong chúng ta sẽ lại phát hiện ra có một số bất ổn và lại thay đổi trong năm tiếp theo".

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga vừa có cuộc tọa đàm để lý giải về những thay đổi trong kỳ thi THPT Quốc gia năm 2017. Theo đó, kỳ thi THPT Quốc gia 2017 vẫn được sử dụng cho 2 mục đích: Dùng để xét tốt nghiệp THPT và xét tuyển vào các trường ĐH, CĐ.

Dự kiến, học sinh hệ THPT sẽ phải thi 3 môn bắt buộc: Ngữ văn, Toán học, Ngoại ngữ. Hai bài thi tự chọn là bài thi Khoa học tự nhiên (gồm: Vật lý, Hóa học, Sinh học) và Khoa học xã hội (gồm: Lịch sử, Địa lý, Giáo dục Công dân). Kiến thức, kỹ năng để thi không có gì khác biệt so với năm 2016.

Trước thông tin này, trao đổi với báo Phụ nữ TP.HCM chiều 8/9, PGS.TS Vũ Quang Hiển (GV trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQG Hà Nội) đã có những phản hồi "cái chưa ổn" về phương thức thi mới đưa ra này.

Phuong an thi THPT Quoc gia nam 2017:
PGS.TS Vũ Quang Hiển (GV trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQG Hà Nội).

Bất cập thấy luôn

PGS.TS Vũ Quang Hiển ghi nhận sự cố gắng rất lớn của Bộ GD-ĐT trong quá trình đổi mới về việc làm đề và tổ chức thi cử trong 1,2 năm vừa qua. Tuy nhiên, cho đến thời điểm hiện tại với phương thức dự định cho kỳ thi THPT Quốc gia 2017... thì có thể vẫn chưa giải quyết được một số hạn chế đặt ra.

"Xét về mặt nguyên tắc dạy học thì mỗi một con người ở THPT cần phải có một mặt bằng trí thức tất cả các môn ở một mức độ nào đó. Cho nên nếu chúng ta coi nhẹ môn này, môn kia có thể xem là bất cập.

Có thể thấy rõ, trong các văn bản của nhà nước ta không có văn bản nào quy định đâu là môn chính và đâu là môn phụ, thế nhưng trong thực tế thi cử nhiều năm qua thì lại luôn luôn coi 3 môn Văn, Toán, Ngoại ngữ là 3 môn chính và những môn còn lại là môn phụ (tức là có thể thi, có thể không).

Cách thi THPT Quốc gia 2017 hướng tới như thế này sẽ dẫn đến chuyện nếu học sinh lựa chọn ngay từ đầu. Ví dụ, học sinh thi Toán, Văn, Ngoại ngữ và lựa chọn bài thi KHTN (Lý, Hóa, Sinh), thì đương nhiên 3 môn còn lại thuộc KHXH (Lịch sử, Địa lý, GDCD) chúng sẽ học với thái độ khác, theo kiểu chiếu lệ. Và thái độ học tập này sẽ bắt đầu ngay từ đầu năm, thậm chí ngay từ đầu cấp họ đã có thái độ như thế rồi", PGS. Hiển nói.

Theo PGS. Hiển, phương án đưa ra của Bộ muốn giảm môn thi và tránh gây áp lực quá nhiều cho học sinh, tuy nhiên việc giảm này sẽ tạo ra sơ hở coi trọng môn này coi nhẹ môn kia.

"Nhất là trong xu thế như hiện nay, đa số học sinh đều hướng đến các ngành Khoa học tự nhiên (cũng có thể là ngành dễ kiếm được việc làm hơn, thu nhập cao hơn, nhiều hơn) nên sẽ tập trung học các môn Toán, Lý, Hóa và coi nhẹ môn KHXH. Một khi giáo dục tri thức của khối xã hội bị coi nhẹ điều này sẽ tạo ra khiếm khuyết lớn về mặt con người", ông Hiển phân tích.

Bộ GD-ĐT cần cân nhắc trước khi có quyết định chính thức

Do đây mới chỉ là đề xuất, dự kiến, vì vậy PGS. Vũ Quang Hiển hy vọng Bộ GD-ĐT cần có nhìn nhận, cân nhắc và tham khảo ý kiến xã hội một cách kỹ lưỡng trước khi đưa ra quyết định cuối cùng.

"Cần phải trao đổi với các chuyên gia đầu ngành để có phương án tốt hơn, tôi hy vọng các chuyên gia dưới sự trụ trì của Bộ Giáo dục nên có một buổi họp bàn rất cụ thể trước khi có quyết định cuối cùng.

Nếu chúng ta không xác định phương hướng cuối cùng việc tổ chức học, thi cử một cách đúng đắn ngay từ bây giờ...  thì nay đổi mới thế này, mai thay đổi thế kia, thấy có vấn đề không ổn lại thay đổi một lần nữa.

Điều này sẽ dẫn đến chuyện gây xáo trộn tâm lý của người học, khiến người học không chủ động được trong quá trình thi cử, lúc nào cũng ngồi ngóng chờ xem phương án năm nay sẽ như thế nào, nó cũng đẩy người dạy vào tâm thế bị động", PGS. Hiển nói.

Theo ông Hiển, Tân Bộ trưởng Bộ GD-ĐT vốn là giám đốc của Đại học Quốc gia, với tư cách là giám đốc của ĐHQG Hà Nội, trong 2 năm vừa qua ông đã tổ chức rất thành công kỳ thi Đánh giá năng lực tổng hợp rất thành công bằng hình thức thi tại chỗ thi tại địa phương và có thể rải ra trong 1 thời gian khác nhau ở các địa phương khác nhau, điều này rất thuận lợi cho người thi. Thi trên máy tính đảm bảo tính khách quan, trung thực, chính xác...  Nếu theo được phương án như vậy là tốt nhất, chứ không nên có cách thi dẫn đến việc học sinh coi nhẹ môn này, môn kia. "Vậy, tại sao Bộ trưởng lại không nhân rộng mô hình này?"

"Cho đến thời điểm hiện tại Phương án thi THPT Quốc gia 2017 nêu ra mới chỉ là dự kiến của Bộ là sẽ làm như vậy để lấy ý kiến xã hội chứ chưa phải quyết định cuối cùng. Nhưng nếu nó trở thành quyết định cuối cùng của năm nay thì rất có khả năng sau khi thi xong chúng ta sẽ lại phát hiện ra có một số bất ổn như vừa phân tích phía trên", PGS. Hiển nhấn mạnh một lần nữa. Ông hy vọng Bộ GD-ĐT sẽ cân nhắc kỹ lưỡng trước khi đưa ra quyết định cuối cùng.

Lam Thanh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI