Phương án thi THPT Quốc gia 2017: Điều chỉnh tiếp cận với xu thế thế giới?

10/09/2016 - 06:43

PNO - Kỳ thi THPT Quốc gia 2016 nhận được sự đồng thuận từ xã hội, trên cơ sở đánh giá lại những điểm còn hạn chế của kỳ thi, Bộ GD&ĐT đã có phương án mới cho kỳ thi THPT Quốc gia 2017.

Để có cái nhìn toàn cảnh về phương án và những nét mới sẽ được áp dụng cho kỳ thi THPT Quốc gia năm 2017, sáng 8/9, Cổng Thông tin điện tử Chính phủ phối hợp với Truyền hình Quốc hội đã tổ chức tọa đàm "Phương án tuyển sinh THPT Quốc gia 2017", được dư luận hết sức quan tâm.

Theo đó, kỳ thi THPT Quốc gia 2017 vẫn được sử dụng cho 2 mục đích: Dùng để xét tốt nghiệp THPT và xét tuyển vào các trường ĐH, CĐ.

Dự kiến, học sinh hệ THPT sẽ phải thi 3 môn bắt buộc: Ngữ văn, Toán học, Ngoại ngữ. Hai bài thi tự chọn là bài thi Khoa học tự nhiên (gồm: Vật lý, Hóa học, Sinh học) và Khoa học xã hội (gồm: Lịch sử, Địa lý, Giáo dục Công dân).

"Chúng tôi tin..."

Đánh giá về kỳ thi năm 2016 và những nội dung sẽ  điều chỉnh trong kỳ thi THPT Quốc gia 2017, bà Nguyễn Thu Anh (Hiệu trường THCS và THPT Nguyễn Tất Thành, Đại học Sư phạm Hà Nội) cho rằng:

"Tôi đã tham gia tổ chức kỳ thi THPT quốc gia năm 2016 cùng Trường Đại học Sư phạm và tôi thấy kỳ thi khá tốt. Khi tham khảo những điều chỉnh của năm 2017, chúng tôi thấy có sự thay đổi rất lớn về môn thi... Thay đổi nữa về hình thức đánh giá, hiện nay sẽ chỉ còn môn Văn, học sinh làm bài thi với hình thức tự luận, còn lại là trắc nghiệm.

Chúng tôi tin rằng Cục Khảo thí và KĐCL đã có kinh nghiệm trong việc tổ chức  các môn thi trắc nghiệm từ những năm trước nên sẽ tìm ra phương án tổ chức tốt kỳ thi năm nay".

Phuong an thi THPT Quoc gia 2017: Dieu chinh tiep can voi xu the the gioi?
Ảnh minh họa.

Nói thêm về điều này, ông PGS.TS Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP Hồ Chí Minh cho rằng, những điều chỉnh mới này sẽ khắc phục được những điểm yếu của kỳ thi năm 2016 và tiếp cận xu hướng mới

"... Học sinh phổ thông khi thi những môn rời rạc thường có xu thế học lệch. Chính vì thế, ra đề thi gồm nhiều môn tổ hợp sẽ giúp các em có được kiến thức tổng quát, đây chính là xu hướng của thế giới. Tuy nhiên, trong những năm tới không phải là tổ hợp mà là tích hợp. Vì năm nay, chúng ta chưa quen nên tổ hợp, về lâu về dài nên tích hợp.

Không những thế, việc triệt để ứng dụng công nghệ thông tin là một điểm mới, nếu chúng ta áp dụng công nghệ thông tin tốt, chấm thi trắc nghiệm tốt, chúng ta sẽ chấm rất nhanh và tránh được tiêu cực xảy ra. Chính vì lẽ đó, các trường ĐH có thể hoàn toàn tin tưởng vào kết quả của kỳ thi để lấy kết quả đó xét tuyển đại học".

Tiếp cận với xu thế thế giới

Cùng ngày, TS. Sái Công Hồng (Giám đốc Trung tâm Khảo thí, Đại học Quốc gia Hà Nội) -  vốn là người có kinh nghiệm trong đổi mới tuyển sinh theo phương thức đánh giá năng lực, ông Hồng bình luận:

"Không chỉ cá nhân tôi mà nhiều chuyên gia vui mừng với phương án điều chỉnh năm 2017.

Xu thế hiện nay của thế giới có thiên hướng đánh giá theo các bài thi đánh giá năng lực và Bộ GD&ĐT quyết định dịch chuyển từ môn thi sang bài thi, giảm khả năng học lệch, học tủ của thí sinh. Theo dõi trong quá khứ chúng ta thấy, kỳ thi tốt nghiệp ban đầu là 6 môn, sau đó 4 môn và lại về 6 môn, vì thế khả năng học lệch, học tủ rất nhiều.

Các nước phát triển châu Âu, châu Mỹ và ở Châu Á như Hàn Quốc đã chuyển sang đánh giá bằng 5 bài thi. Trong phương án Bộ đề xuất, thi 2 ngày, nhẹ nhàng hơn nhiều so với 4 ngày, thời lượng thi cũng nhẹ nhàng hơn nhiều, trước đây 180 phút, thi trắc nghiệm giờ chỉ còn 90 phút, vừa nhẹ nhàng về đi lại khi tổ chức tại địa phương".

Cũng theo ông Hồng: "Chúng ta áp dụng được lý thuyết khảo thí hiện đại và đặc biệt phối hợp được giữa lý thuyết khảo thí hiện đại và công nghệ thông tin.

Trong những năm qua, Đại học Quốc gia Hà Nội có tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực trên máy tính nhưng có lẽ là ở diện hẹp, chúng tôi có thể làm được nhưng trên phạm vi toàn quốc thì cần có lộ trình. Phương án thi trên giấy của Bộ GD&ĐT tôi cho tại thời điểm này là hợp lý.

Ngoài ra, việc ứng dụng công nghệ thông tin cũng tránh được tính chủ quan của người chấm và khắc phục tối đa hạn chế của quá trình chấm thi.

Tuy nhiên, để thực hiện phương án này tốt, phải chuẩn bị kỹ, có khoảng thời gian chi tiết để xây dựng từng nhiệm vụ một, vừa giám sát, kiểm tra, vừa đảm bảo một kỳ thi an toàn".

Hà My


 

news_is_not_ads=
TIN MỚI