Phương án khắc phục hậu quả của bà Trương Mỹ Lan chưa thực tế

11/10/2024 - 00:16

PNO - Tính đến chiều ngày 10/10, đại diện VKS đã lắng nghe xong phần tranh luận, bào chữa của 42 luật sư dành cho 34 bị cáo liên quan vụ án Vạn Thịnh Phát (giai đoạn 2). Đại diện VKS bắt đầu phát biểu quan điểm đối đáp với các bị cáo.

Công ty chứng khoán Tân Việt đề nghị gỡ bỏ phong tỏa số dư tiền gửi 1.625 tỉ đồng tại SCB

Bảo vệ quyền lợi cho ông Nguyễn Tiến Thành (cựu Chủ tịch Công ty chứng khoán Tân Việt) và bà Nguyễn Phương Hồng (quyền TGĐ SCB, đã mất), luật sư Vũ Hoàng Nhật Tân đề nghị gỡ bỏ kê biên, phong tỏa, ngăn chặn đối với tài sản của các bị cáo khác, ngoài bà Trương Mỹ Lan.

Theo đó, ngoài tài khoản, tài sản là tài sản chung của ông Nguyễn Tiến Thành và vợ là bà Tống Thị Thanh Hoàng được nêu trong kết luận điều tra thì các tài khoản, bất động sản đứng tên bà Hoàng, sổ tiết kiệm đứng tên người thân gia đình ông Thành là ông Nguyễn Lương Trào tại SCB cũng đang bị phong tỏa. Hay các bất động sản đứng tên ông Nguyễn Thành Phương và vợ là bà Trần Thị Hải, các sổ tiết kiệm đứng tên hai ông bà và Nguyễn Thành Phúc (em trai bà Phương Hồng) hiện cũng đang bị ngăn chặn giao dịch và phong tỏa.

Luật sư Nhật Tân cho biết, ông Thành không hưởng lợi, không ăn chia khi thực hiện tội phạm, chỉ làm công hưởng lương. Bà Nguyễn Phương Hồng cũng làm công hưởng lương, không được lợi ích ăn chia từ việc lừa đảo. Trước khi mất, bà Hồng là người phụng dưỡng cha già yếu, bệnh nặng. “Đề nghị gỡ bỏ các biện pháp kê biên, phong tỏa, ngăn chặn đối với tài sản, tài khoản đứng tên ông Nguyễn Tiến Thành, bà Nguyễn Phương Hồng và các thành viên gia đình ông bà” - luật sư Nhật Tân đề nghị.

Đối với Công ty cổ phần chứng khoán Tân Việt (Tân Việt), luật sư Vũ Hoàng Nhật Tân đề nghị: VKS cho rằng 10% phần vốn góp tương đương 60 tỉ đồng của Công ty chứng khoán Tân Việt tại Công ty TNHH Bảo hiểm FWD là tài sản của bà Trương Mỹ Lan và kê biên tài sản này là chưa hợp lý, ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền và lợi ích hợp pháp của chứng khoán Tân Việt và 80 cổ đông khác của Tân Việt.

Công ty Tân Việt sử dụng nguồn vốn riêng của mình để mua tài sản chứ không phải bà Trương Mỹ Lan sắp xếp vốn để mua. Việc Tân Việt đầu tư mua phần vốn góp của FWD là hoạt động đầu tư tài chính, kinh doanh thông thường của doanh nghiệp và các thủ tục liên quan đến nhận chuyển nhượng vốn góp được Tân Việt thực hiện đúng và đầy đủ. Do đó luật sư Vũ Hoàng Nhật Tân đề nghị toà gỡ bỏ phong tỏa số dư tiền gửi của Tân Việt tại Ngân hàng SCB khoảng 1.625 tỉ đồng cũng như số dư chứng chỉ tiền gửi của Tân Việt tại SCB khoảng 29 tỉ đồng để Tân Việt thực hiện nghĩa vụ đối với các khách hàng, đối tác, các trái chủ sở hữu mã trái phiếu khác không liên quan đến vụ án giảm tác động xấu đến xã hội. Việc phong tỏa trên ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động kinh doanh của Tân Việt.

Đề nghị giảm án 1 năm tù cho 3 bị cáo

Như vậy những ngày qua, đại diện VKS đã lắng nghe phần tranh luận, bào chữa của 42 luật sư dành cho 34 bị cáo và bản thân 34 bị cáo đã trình bày bào chữa. Đại diện VKS phát biểu quan điểm đối đáp.

Đại diện VKS cho biết, ông Phan Chí Luân - cựu nhân viên văn phòng HĐQT Công ty cổ phần Tập đoàn Đầu tư Vạn Thịnh Phát và bà Trần Thị Thúy Ái - cựu kiểm soát viên ngân quỹ kiêm thủ kho ngân hàng SCB chi nhánh Sài Gòn đã nộp khắc phục số tiền khoảng 20 triệu đồng. Bà Trương Thị Kim Lài - cựu Kế toán trưởng Công ty cổ phần Tập đoàn Đầu tư An Đông đã nộp khắc phục hậu quả thêm 10 triệu đồng. Trong quá trình xét hỏi, cả 3 bị cáo này đều có hoàn cảnh khó khăn, việc nộp thêm số tiền dù nhỏ và không đáng kể so với hậu quả vụ án nhưng đã thể hiện tinh thần chung trong khắc phục hậu quả. Do đó VKS sẽ ghi nhận, xem xét cân nhắc giảm nhẹ một phần hình phạt cho các bị cáo này. Sau khi xem xét các nội dung trình bày, VKS đề nghị Hội đồng xét xử giảm 1 năm tù đối với mức đề nghị trước đó của VKS. Theo đó, bà Kim Lài bị đề nghị mức 4-5 năm tù, ông Luân là 5-6 năm tù, bà Ái là 4-5 năm tù.

Giữ nguyên quan điểm mức án tù chung thân đối với bà Trương Mỹ Lan

Đại diện VKS giữ nguyên quan điểm đề nghị mức án chung thân đối với bà Trương Mỹ Lan về các tội danh “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, “Rửa tiền” và “Vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới”.

VKS bác bỏ ý kiến mà bà Trương Mỹ Lan cho rằng bà không có ý thức chiếm đoạt tài sản của SCB. VKS khẳng định: “Các luật sư cho rằng bị cáo Trương Mỹ Lan sai phạm vì muốn cứu SCB nhưng mục đích chính là cứu Trương Mỹ Lan và gia đình bị cáo”.

Theo VKS, dựa theo các tài liệu, bằng chứng, kết quả xét hỏi công khai tại toà đều thể hiện rằng bà Lan sở hữu 60% cổ phần tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát và trên 90% cổ phần của SCB, qua đó giữ quyền chi phối mọi hoạt động của ngân hàng. Có cơ sở xác định những công ty con của Vạn Thịnh Phát đã dùng tiền của SCB để trả nợ các khoản vay tại SCB hoặc sử dụng với nhiều mục đích khác.

Bà Trương Mỹ Lan được xác định là người đưa ra chủ trương và chỉ đạo việc phát hành trái phiếu, các bị cáo còn lại trong vụ án đều khai là làm theo chỉ đạo của bà Lan. Số tiền mà ông Bùi Văn Dũng (tài xế của bà Lan) chở từ SCB do Trần Thị Thuý Ái (cựu kiểm soát viên ngân quỹ kiêm thủ kho ngân hàng SCB chi nhánh Sài Gòn) giao có nguồn gốc từ trái phiếu An Đông và Setra. Ông Dũng cũng khai tại toà là việc chở tiền đi trả nợ cho các cá nhân đều thực hiện theo chỉ đạo của bà Lan.

Bà Trương Mỹ Lan còn chỉ đạo các bị cáo khác nộp rút chứng từ “khống”, sử dụng tiền phát hành trái phiếu trái mục đích, sử dụng nguồn tiền gói trái phiếu sau trả lãi số tiền phát hành trái phiếu trước, như việc phát hành trái phiếu Setra để trả lãi cho trái phiếu An Đông. Từ đó cho thấy, các công ty phát hành trái phiếu đã mất khả năng thanh toán và ý thức chiếm đoạt tiền của bà Lan. VKS khẳng định bà Lan có vai trò cao nhất trong vụ án và phải chịu toàn bộ trách nhiệm.

“Bị cáo Trương Mỹ Lan có nhiều tình tiết giảm nhẹ, có ý thức khắc phục hậu quả nhưng đây chỉ là phương án và chưa thực tế. Đồng thời xét tính chất, hậu quả vụ án quá nghiêm trọng nên buộc phải áp dụng mức án cao nhất của tội danh truy tố” - đại diện VKS đối đáp.

Thanh Hoa - Bích Trần

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI