Phương án “chống sập” cho tháp cổ giữa đại ngàn xứ Nghệ

02/04/2024 - 15:13

PNO - Sau nhiều năm “kêu cứu”, tháp cổ ngàn năm nằm ở vùng biên xứ Nghệ đã được phê duyệt phương án tu bổ, tôn tạo khẩn cấp tránh đổ sập.

Sau nhiều năm kêu cứu tháp Xốp Lợt chính thức được lên phương án tu bổ - Ảnh: Phan Ngọc
Sau nhiều năm "kêu cứu", tháp Xốp Lợt chính thức được lên phương án tu bổ - Ảnh: Phan Ngọc

Ngày 2/4, bà Phan Thị Anh - Trưởng phòng Quản lý di sản, Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Nghệ An - cho biết, UBND tỉnh Nghệ An đã đồng ý chủ trương tu bổ, tôn tạo khẩn cấp di tích kiến trúc nghệ thuật cấp tỉnh tháp Xốp Lợt.

Tháp Xốp Lợt còn được gọi là tháp Yên Hòa, nằm ở bản biên giới Yên Hòa (xã Mỹ Lý, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An). Theo bà Anh, hiện UBND huyện Kỳ Sơn đang lập phương án tu bổ. Sau khi có phương án, Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Nghệ An sẽ đề xuất nguồn vốn trình Sở Tài chính thẩm định.

“Trước mắt, dự án tập trung khắc phục điểm hư hỏng, tránh tháp đổ sập, sau đó mới tính đến các phương án tôn tạo khác” - bà Anh nói.

Tháp Xốp Lợt cao khoảng 30m, ngọn tháp cao vút tựa hình tháp bút trên đáy hình vuông kích thước 5m mỗi mặt. Trên tháp cổ còn nhiều hoa văn, phù điêu ẩn trong lớp rêu phong phủ mờ.

Nổi bật là hoa văn về Phật giáo như phù điêu tượng Phật, hình hoa sen, cúc, voi, ngựa... được làm tỉ mẩn, dù vật liệu chỉ là vôi vữa.

Lo sợ tháp cổ đổ sập, chính quyền địa phương phải dựng hàng rào, cắm biển cảnh báo - Ảnh: Phan Ngọc
Lo sợ tháp cổ đổ sập, chính quyền địa phương phải dựng hàng rào, cắm biển cảnh báo - Ảnh: Phan Ngọc

Trải qua hàng trăm năm tồn tại, phần lớn thân tháp cổ đã bị bong tróc, phô ra lớp gạch đỏ thẫm. Chân tháp xuất hiện một lỗ hổng rộng 2 mét, sâu 1 mét, cao 4 mét. Tháp có thể đổ sập bất cứ lúc nào. Để cứu ngọn tháp độc nhất vô nhị này, chính quyền xã Mỹ Lý đã nhiều lần kiến nghị các cơ quan chức năng tìm phương án bảo tồn, song không có kết quả.

Để bảo vệ người dân và học sinh ở cạnh tháp, chính quyền xã Mỹ Lý đã phải cắm biển cảnh báo hạn chế ra vào, dùng lưới B40 làm hàng rào bao quanh khuôn viên tháp.

Theo người dân địa phương, trước đây, bên trong tháp cổ này có rất nhiều tượng Phật bằng đồng đen. Tuy nhiên, khoảng 20 năm trước, khi đồng đen lên cơn sốt, kẻ gian bắt đầu đục phá tháp cổ để lấy trộm tượng Phật bên trong.

Phan Ngọc

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI