Bài học nhân sinh từ người lạ gặp lúc nửa đêm
Sau quãng ngày dài đằng đẵng chinh phục đỉnh Mardi Himal cao 4.200m, tôi đã hoàn thành thử thách leo núi một mình ở nước ngoài. Di chứng của việc leo núi gần 50km đã khiến chân tôi tê cứng, đau nhức điên dại và chẳng thể di chuyển dễ dàng. Ấy vậy mà tôi vẫn chọn đến Lumbini một mình. 8g40 sáng, tạm biệt những dãy núi tuyết mờ ảo trong khói bụi và màn sương ở Pokhara, tôi lên đường tới Lumbini - vùng đất đức Phật Thích ca Mâu ni sinh ra.
Quãng đường chỉ chừng hơn 200km nhưng mất hơn 8 giờ đồng hồ di chuyển với nhiều lần dừng nghỉ và hàng trăm lần lắc lư, xóc nảy, khói bụi mịt mù.
Thông qua Couchsurfing (một ứng dụng dành cho dân du lịch bụi muốn gặp gỡ bạn bè chung sở thích hoặc xin ngủ nhờ khắp thế giới), Raj - một thanh niên 29 tuổi ở Lumbini - kết nối liên lạc với tôi và ngỏ ý mời tôi đi ăn tối. Tôi hoàn toàn kiệt sức sau chuyến đi dài nên đã từ chối lời hẹn bởi ngay khi tới nơi, tôi liền vùi đầu vào công việc để kịp tiến độ, đến khi kết thúc đã là nửa đêm.
Số mì hộp dự trữ đã hết sạch sau chuyến leo núi dài ngày, tôi đành lê chân xuống tầng để tìm quán ăn tạm. Bỗng một chàng trai cao gầy, ngăm đen, quanh người quấn một chuỗi tràng hạt lớn đứng trước mặt tôi, cười thật tươi và cất lời chào...
Thế đấy, tôi gặp Raj ngay tại quán ăn gần khách sạn. Cậu ấy nhận ra tôi chỉ trong tích tắc.
|
Đền Maya Devi |
Hôm sau, trên chiếc xe tay côn quen thuộc của người dân Nepal, Raj chở tôi tới chùa Hòa Bình Thế giới - một công trình đồ sộ trị giá hơn 1 triệu USD do Nhật Bản xây dựng.
Raj là một chàng trai bận rộn với công việc hướng dẫn viên du lịch nhưng rất sẵn lòng sắp xếp thời gian và chia sẻ miễn phí mọi thông tin cho những người bạn cậu quen biết qua Couchsurfing. Tôi không phải khách hàng của Raj. Lúc này, chúng tôi chỉ là những người trẻ đam mê xê dịch và có duyên gặp gỡ nơi đất Phật.
Raj nói với tôi rất nhiều về triết lý sống cho hiện tại, về sự biết đủ, cách đối diện những biến cố... Hẳn vũ trụ đã sắp xếp để tôi phải gặp Raj, ngay lúc này, tại Lumbini.
Chúng tôi lại rong ruổi trên chiếc xe của Raj, đi quanh chùa Hàn Quốc, chùa Singapore, bảo tàng Nepal…
Một đêm nương nhờ chùa Việt Nam
|
Tiểu cảnh chùa Một Cột |
Vì muốn hiểu hơn về Lumbini, tôi quyết định ở lại thêm 1 ngày và xin tá túc tại ngôi chùa Việt Nam do thầy Huyền Diệu xây dựng. Raj đưa tôi tới cửa chùa và chỉ rời đi khi yên tâm rằng cô bạn mới đã có chỗ
tá túc.
Giống như Raj đã nhấn mạnh nhiều lần, tôi chẳng cần phải đi hết các điểm quanh Lumbini như hầu hết du khách, chỉ cần dừng chân thật lâu nơi nào khiến tôi cảm thấy hạnh phúc và bình yên để tận hưởng những khoảnh khắc ấy.
Ở một nơi rất giống Việt Nam những năm 1990 này, điện thi thoảng có vài tiếng, sóng điện thoại và internet luôn chập chờn, việc duy nhất tôi có thể làm là dạo quanh chùa và nhàn tản thưởng thức sự bình yên đang chảy trôi. Chú Lâm - một đệ tử của sư thầy - nhiệt tình giới thiệu với tôi đủ thứ về Lumbini và chùa Việt, như thể sợ tôi bỡ ngỡ.
Thầy Huyền Diệu là trụ trì của chùa An Việt Nam Phật Quốc Tự, cũng là người đầu tiên có công khai hoang đất này, xây chùa ở Lumbini. Sư thầy đã vận động chính quyền Nepal và chính quyền nhiều nước để cùng xây dựng khu Liên hiệp quốc Phật giáo.
Tôi đứng trước khuôn viên rộng lớn của chùa, nhìn những cảnh sắc quen thuộc như cành trúc, núi đá, ao sen, chùa Một Cột… mà thấy lòng tịnh lại.
Chiều ấy, tôi may mắn được diện kiến thầy Huyền Diệu, được ngồi trò chuyện vài điều trước khi thầy lên máy bay tới Kathmandu. Thầy liên tục dặn tôi thân gái một mình trên đường xa phải cẩn thận, khiến tôi có cảm giác ấm áp như đang được người cha già hiền từ đang nhắc nhở.
Chú Lâm bảo tôi thật may mắn vì xin vào chùa tá túc không quá khó nhưng gặp được thầy và có duyên được trò chuyện cùng thầy thì hiếm. Có lẽ là thế bởi một gia đình người Việt sống tại Hồng Kông (Trung Quốc) đã tỏ ra tiếc hùi hụi khi bỏ lỡ cơ hội gặp thầy chỉ vì trễ chuyến bay đúng nửa tiếng.
4 giờ sáng, theo chân chú Lâm và vài phật tử đang tá túc tại chùa, tôi bắt đầu tụng Kinh Phổ Môn và thực hành tu tập ngắn hạn. Đâu chỉ là đôi chân đau đã lành lại, cả tâm hồn tôi cũng như được tưới mát bởi nguồn năng lượng tốt lành của miền đất này.
Theo dấu chân Phật
|
Mái đền sặc sỡ của chùa Trung Quốc |
Gia đình chị Thắm lặn lội từ Hồng Kông qua đây để chiêm bái chùa Việt Nam và mong có duyên được gặp thầy Huyền Diệu nhưng lại lỡ làng.
Trước khi rời khỏi Lumbini, tôi ngỏ ý muốn cùng gia đình chị tới đền Maya Devi. Mất khoảng 200 rupee (37.000 đồng) cho một chiếc rickshaw (xe kéo) từ chùa Việt Nam tới đền Maya Devi, chúng tôi mua tấm vé 700 rupee/ngày (130.000 đồng) dành cho khách du lịch quốc tế.
Cùng với Bồ đề Đạo Tràng (Bodh Gaya), vườn Lộc Uyển (Sarnath) và Câu Thi Na (Kushinagar), Lâm Tỳ Ni (Lumbini) là 1 trong Tứ Thánh Địa của Phật giáo, đánh dấu 4 giai đoạn quan trọng của cuộc đời của đức Phật: sinh ra, thành đạo, giảng đạo và nhập niết bàn.
Vườn Lâm Tỳ Ni được chia làm 2 khu vực, tu viện phía đông (của Phật giáo nguyên thủy) và tu viện phía tây (của Phật giáo Đại thừa và Kim Cương thừa). Bao bọc xung quanh là tu viện của nhiều nước như Singapore, Ấn Độ, Thái Lan, Campuchia, Myanmar, Pháp, Đức, Trung Quốc, Việt Nam. Ngôi đền Maya Devi - tương truyền nơi đức Phật được sinh ra - nằm ở trung tâm.
Là một trong những di sản thế giới của UNESCO, đền Maya Devi được xây dựng vào năm 1978 bởi kiến trúc sư nổi tiếng người Nhật - Kenzo Tange. Ngôi đền được đặt theo tên hoàng hậu đã sinh ra thái tử Tất Đạt Đa. Trên đường về nhà cha mẹ ruột để sinh đứa con đầu lòng, hoàng hậu đã dừng chân tại đây và hạ sinh thái tử khi với tay lên một cành hoa vô ưu màu trắng.
Chúng tôi ngắm những lá cờ lungta cầu nguyện may mắn bay phất phới trong gió, chiêm ngưỡng cảnh tượng những thầy tu ngồi quanh hồ, dưới gốc bồ đề rợp tán lá để cầu nguyện… Cảnh vật trước mắt chảy trôi thật chậm, hòa vào nhịp thở khoan thai của biết bao phật tử tới thăm chốn thiêng này.
Thật khó có thể tưởng tượng vào một ngày đẹp trời, tôi đã đến Nepal, theo dấu chân Phật về tới Lumbini, được chiêm nghiệm những điều vô cùng sâu sắc. Với tôi, đó là một phước báu!
Nguyễn Thùy Trang