Phục trang tuồng cổ Việt như phim Trung Quốc

29/05/2019 - 07:30

PNO - Xem vở 'Người đẹp trong tranh', chương trình 'Ngân mãi chuông vàng', đêm 26/5, không ít khán giả, đặc biệt là khán giả trẻ, đã hoang mang với phần phục trang, hóa trang, tạo hình nhân vật.

Các nhân vật xuất hiện trong những bộ xiêm y đầy sắc màu lấp lánh và kiểu tóc, kiểu điểm trang cầu kỳ. Diện mạo của các nghệ sĩ trên sân khấu làm khán giả liên tưởng đến những nhân vật trong các bộ phim cổ trang nước ngoài. Xuất hiện trong bộ trang phục nhiều lớp, chiếc áo khoác ngoài dài và kiểu tóc nửa búi cao, nửa để dài, xõa ngang lưng, nhân vật Tú Uyên khiến người xem liên tưởng đến nhân vật Lương Sơn Bá hay các nhân vật thư sinh đặc trưng trong phim Trung Quốc.

Nhân vật Giáng Kiều, trong vai nàng tiên, xiêm y lấp lánh đến chói mắt với những bông hoa cỡ lớn, kim sa, hạt đá màu... khiến nàng nổi bật khỏi tổng thể của vở tuồng. Kiểu tóc cao cầu kỳ cùng thật nhiều trâm cài, kẹp tóc và các loại trang sức lớn, cộng thêm nét vẽ hoa văn đỏ giữa trán càng khiến Giáng Kiều giống với một phi tần hoặc công chúa trong các phim lấy bối cảnh nhà Đường của nước láng giềng. Tạo hình của tuyến nhân vật phụ cũng lòe loẹt không kém. Cả vở tuồng, khán giả phải thắc mắc về thời gian, địa điểm nơi câu chuyện diễn ra, thậm chí có lúc đinh ninh rằng đây chắc chắn là câu chuyện xảy ra ở nước bạn.

Phuc trang tuong co Viet nhu phim Trung Quoc
Phục trang, hóa trang của Tú Uyên - Giáng Kiều có phải trang phục Việt Nam thế kỷ XV?

Sự thật là, Người đẹp trong tranh, của soạn giả Huy Trường, được viết dựa trên một câu chuyện cùng tên, kể về tình yêu của đôi người trần - tiên nữ Tú Uyên và Giáng Kiều. Câu chuyện diễn ra thời Hồng Đức, thế kỷ XV, ở nước ta. Thực hiện một động tác tìm kiếm trên mạng, có thể tìm thấy khá nhiều mẫu trang phục của thời đại này; nhưng có vẻ những người thực hiện vở tuồng đã “quên mất” việc phục trang cần phù hợp với bối cảnh, thời điểm câu chuyện xảy ra. Những bộ trang phục được sử dụng ở đây hình như chỉ để cho... lung linh, lấp lánh, thay vì là một phần của tổng thể nội dung.

Đồng ý rằng, trang phục biểu diễn cần phải đẹp, phải nổi bật và có thể chỉnh sửa một vài chi tiết từ nguyên mẫu đời thường để nghệ sĩ có thể thoải mái và tỏa sáng trên sân khấu. Thế nhưng, trang phục biểu diễn không thể chỉ là mặc cho đẹp. Phục trang, kiểu tóc, hóa trang, ngôn ngữ... của nhân vật là những yếu tố giúp khán giả hiểu bối cảnh và thời điểm diễn ra câu chuyện. Trang phục và cách hóa trang cũng là cách để phân biệt nhân thân, hoàn cảnh của mỗi nhân vật và góp phần không nhỏ trong thành công của một vở tuồng. Cách hóa trang cho từng nhân vật cũng cần có những đặc trưng riêng, không thể ai nấy đều như nhau, hay tệ hơn là “mượn” vài kiểu trang điểm của nhân vật nước bạn để tô điểm cho một nhân vật thuần Việt.

Người làm sân khấu cũng cần tránh gây ra những nhầm lẫn không đáng có giữa trang phục tuồng cổ trang Việt Nam với trang phục của phim Trung Quốc. Vẫn biết, cách đây vài trăm năm, văn hóa và trang phục của hai nước có những nét tương đồng. Nhưng cũng chính từ thuở xa xưa đó, ông cha ta đã có rất nhiều cải biến, để tạo ra những đặc trưng riêng biệt cho văn hóa, trang phục Việt Nam. Người làm nghệ thuật cần sáng tạo và sự hiểu biết sâu về lĩnh vực của mình, không thể rập khuôn, cẩu thả, chọn lựa phục trang vô tội vạ, nghĩ rằng thế là đẹp. Sự thiếu sót trong khâu phục trang và hóa trang không chỉ gây nhầm lẫn, khó chịu cho khán giả, mà còn khiến chất lượng vở diễn bị đánh giá thấp, hủy hoại cảm xúc trong lòng người xem.

Phuc trang tuong co Viet nhu phim Trung Quoc

Cải lương tuồng cổ hay tuồng xã hội hiện đại đều phản ánh một giai đoạn văn hóa, lịch sử của đất nước; rất cần có sự nghiên cứu để tạo ra những nhân vật chân thật, đại diện đúng thời điểm, bối cảnh vở diễn đề cập đến, để những khán giả chưa biết sẽ hiểu đúng và những khán giả đã biết sẽ không chê bai sự cẩu thả của người làm nghề. Khi có được sự đầu tư nghiêm túc về hình thức thì phần nội dung và diễn xuất của nghệ sĩ sẽ tăng thêm sức thuyết phục. Ngược lại, dù nghệ sĩ có giỏi, cũng khó mà cứu vãn được vở tuồng.

Nghệ thuật cải lương không đơn giản là một loại hình giải trí, mà nó còn được xem là tinh hoa văn hóa dân tộc. Hời hợt về hình thức sẽ khiến những giá trị thật sự của cải lương không được nhìn thấy. Khán giả mộ điệu lâu năm sẽ thất vọng, còn những người trẻ không biết nhiều sẽ càng mù mờ về môn nghệ thuật truyền thống của dân tộc, thậm chí sẽ mất hứng thú tìm hiểu những giá trị ấy. Bảo họ yêu cái họ không hiểu đã khó. Bảo giới trẻ yêu cái họ nhìn qua cứ tưởng của đâu đó, chẳng phải nước mình, lại càng là chuyện khó khăn. 

Khánh Vân

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI